Hiện Tượng Võ Văn Kiệt


Hiện Tượng Võ Văn Kiệt




Huy Đức

[http://tuanvannguyen.blogspot.com/2008/06/v-vn-kit.html]




Chương I: KÝ ỨC THỜI GIAN



Một chiều cuối năm 2001, có hai người đàn ông tìm đến nhà ông Nguyễn Tấn Phát trên đường Bà Hạt, Quận 10: “Thưa, đây phải nhà chú Mười Đương?”. Nghe nhắc đến cái tên ít ai biết này của ông Phát, cả nhà lặng đi. Con gái út của ông, chị Hồng, không cần hỏi hai người lạ là ai, mở cửa mời vào. Út Khao, tên một trong hai người nói: “Cho anh gặp ba có chút việc”. Hai người hỏi chuyện với ông Phát một lúc rồi xin phép coi phía sau vai ông Phát. Khi thấy ở đó có một vết thẹo làm dấu, dài bằng đốt ngón tay, Út Khao và Hữu, người đàn ông đi cùng, đứng dậy, nói: “Thưa chú Mười, chúng con là người nhà chú Chín”.
Sáng hôm sau, nhiều người sống trên đường Bà Hạt, Quận Mười TP Hồ Chí Minh ngạc nhiên thấy Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới khu phố họ, vô thăm nhà một người đàn ông nghèo. Ông Kiệt chính là “Chú Chín”, 80 năm trước cùng bú chung một bầu sữa mẹ với ông Phát- tức Mười Đương, cái tên do ba mẹ ông Võ Văn Kiệt đặt cho. Niềm vui hội ngộ không thể nào kể xiết, ông Mười cứ luýnh quýnh, trong khi ông Kiệt ngồi xuống giường, thân thiết… Bằng lối nói như là đã ấm ức từ lâu lắm, ông Kiệt “mét” với hai người con gái ông Mười: “Bà Nội ngày xưa cưng ba mày hơn tao”.
Ông Mười Đương và ông Võ Văn Kiệt cùng sinh tháng 11 năm 1922, có hơn kém nhau ít ngày. Mẹ của Mười Đương là một phụ nữ xinh đẹp, con một nhà khá giả ở Trà Vinh, có bà con xa bên mẹ ông Kiệt. Bà lỡ có bầu với anh rể là một ông cử nhân- chuyện động trời vào thời đó ở những gia đình danh giá. Để giữ tiếng, trong thời gian mang thai, gia đình đưa bà đi gửi ở nhà một người bà con. Sanh xong, qua năn nỉ má ông Kiệt nuôi giùm đứa bé. Má ông Kiệt ráng nuôi vì cũng muốn giữ thể diện cho người trong giòng họ.
Ông Võ Văn Kiệt quê ở ấp Bình Phụng, một ấp nghèo thuộc xã Trung Lương huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Trong ấp lúc ấy, chỉ có vài hương chức có nhà ngói, dân làng phần lớn phải thuê đất, thuê ruộng. Cha ông, ông Phan Văn Dựa, cũng nghèo như số đông trong làng, từ đất ở, đất ruộng, đến trâu cày đều đi thuê hết. Tên khai sinh của ông Võ Văn Kiệt là Phan Văn Hoà, con út trong một gia đình có năm anh trai và hai chị gái. Gọi theo thứ bậc trong các gia đình Nam Bộ là Chín Hoà. Mẹ ông, bà Võ Thị Quế, phải nuôi hai đứa trẻ, do đó, bữa thì ông Kiệt bú mẹ, bữa phải đi bú nhờ.
Trong xóm, có một ông chú họ tên là Phan Văn Chi, Hai Chi, không con, không vợ, về gia cảnh thì còn nghèo hơn cả gia đình ông Dựa. Ông Hai Chi, phần thấy chị dâu mình vất vả, phần cũng lo nghĩ tới tuổi già, bèn sang xin Chín Hoà về nuôi. Ông bà Phan Văn Dựa bấm bụng đồng ý. Mỗi bữa Chín Hoà khát sữa, ông Hai Chi lại cõng lòng vòng khắp xóm, ai cho thì bú, người dân quê gọi là “bú thép”. Kể đến đây, ông Võ Văn Kiệt cười: “Có lẽ máu xã hội của tôi có từ đó”. Nhà ông già nuôi cũng ở cùng một ấp. Chín Hoà và Mười Đương vẫn qua lại chơi với nhau. Mỗi khi đi chợ, má ông vẫn mua quà cho cả hai đứa trẻ.
Theo như những gì mà bên nhà ông Kiệt biết thì khi Mười Đương khoảng sáu, bảy tuổi, bên nhà mẹ ruột sang xin lại. Nhưng vì ông bà Phan Văn Dựa đã “mến chân, mến tay”, không chịu cho. Sau đó, họ lân la sang chơi rồi đánh cắp đứa bé. Còn theo Mười Đương, thì câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Lần đó, không phải cậu được đưa về nhà mà bị gia đình mẹ đẻ đưa lên tận Bến Tre, lưu lạc thêm mười mấy năm nữa. Mười Đương không bao giờ giải thích được sự zic zắc của câu chuyện đó, chỉ biết nó xảy ra sau khi mẹ cậu đi lấy chồng.
Theo ông Hai Mẹo, một người cháu gọi ông Kiệt là chú nhưng lớn tuổi hơn, thì sau năm 1975, mấy lần về quê, ông Võ Văn Kiệt đều có nhờ người tìm Mười Đương, nhưng không kết quả. Dù, việc tìm kiếm đó có đến tai ông Mười. Năm 1991, khi ông Kiệt trở thành Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, căn cứ vào những thông tin được công bố trong Tiểu sử, ông Mười biết “Võ Văn Kiệt chính là Chín Hoà”. Mấy người con ông Mười cũng có lần đã tính đi tìm “Bác Chín” nhưng rồi đắn đo. Chị Hồng nói: “Có lẽ nếu Bác không phải là Thủ tướng thì chúng tôi đã đi gặp Bác”.
Quãng thời gian Mười Đương ở trong nhà ông Võ Văn Kiệt là không dài, nhưng cũng rất đủ để hình thành tình mẫu tử. Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: Khi Mười Đương bị đưa đi rồi, má ông, cứ nhắc đến là khóc. Mỗi khi nhớ quá, má ông lại sang nhà ông Hai Chi xin đưa ông về ngủ với bà. Út Khao, Phan Văn Út, con người anh trai thứ Bảy của ông Kiệt, kể: Năm 1993, trước khi ông Bảy mất, có dặn: “Ngày xưa Nội làm một cái thẹo dấu ở phía sau cổ chú Mười”. Khi tìm được ông Mười, Út Khao thấy vết thẹo đúng như lời trăn trối đó. Cho đến tận sau này, ông Võ Văn Kiệt vẫn không sao hiểu được, bằng cách nào, linh tính của một bà mẹ có thể mách bảo, để mẹ ông tiên liệu được số phận long đong của đứa con nuôi, mà làm dấu để anh em ông có được cuộc hội ngộ này. Cuộc hội ngộ diễn ra đúng vào khi ông Võ Văn Kiệt dự định thôi giữ các chức vụ, khiến ông cảm thấy như là một sự tưởng thưởng của số phận. Ông hết sức nâng niu và lại một lần nữa chia sớt với Mười Đương những điều mình có, như ngày xưa, ông đã chia bầu sữa mẹ của mình. Sau khi “nghỉ theo chế độ”, ông về quê nhiều hơn, và chợt nhận ra, cái chợ Vũng Liêm “lớn tuổi hơn ông” giờ vẫn chỉ nhỏ như hồi trước. Đình làng xưa, nay vắng lặng, tiêu điều. Trên một chuyến đi về Vĩnh Long, ông nói: “Khi tại chức tôi chưa làm được gì cho quê hương, chỉ sau khi về nghỉ mới xoá đói giảm nghèo được cho ông Thành Hoàng”. Năm 2001, ông về quê, xin phép chính quyền, cùng với các vị bô lão, trùng tu lại đình làng.
Đình làng Bình Phụng, nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ của ông, nơi, với ông, có một vị trí tinh thần đặc biệt. Đến tận bây giờ, cho dù, trong suốt cuộc đời mình, ông đã đặt chân đến nhiều nơi trên Thế giới; cho dù ông đã từng có mặt trong những đêm diễn lớn, trong lòng ông dường như vẫn còn rộn lên, mỗi khi nhớ lại tiếng trống dập ngoài Đình. Ông kể: “Lâu lâu lại có gánh hát về xã, họ bắc đèn ngoài Đình và buổi chiều, khi họ nổi trống lên là bọn trẻ tụi tôi không còn thể nào nhấc nổi chén cơm lên nữa”. Những gánh hát về làng sau mùa gặt là hoạt động văn hoá thỉnh thoảng mới xảy ra và là món ăn tinh thần được mong mỏi nhất của những người dân quê ông. Những đêm hát tiều, hát bội, hát cải lương…, đã kéo già trẻ, trai gái đến Đình làng chật kín.
Từ năm lên sáu, lên bảy tuổi, vào mùa gặt, Chín Hoà thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của cậu là giữ ghe hoặc “mót” lúa. Mỗi mùa như thế, Chín Hoà cũng kiếm thêm cho cha nuôi được vài giạ. Sông nước Miền Tây, khắp Cà Mau, Bạc Liêu… cậu rành từ hồi đó. Năm tám tuổi, cậu được đi học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ, sau ngày mùa, cất trại, rước thầy về dạy, dạy mùa, nên tiền học chỉ phải trả “rất nhẹ”. Ông Hai Mẹo, một trong hai người thầy “dạy mùa” của ông, kể: “Năm 1932, lấy được cái certificat, tôi về Đình, ông chú thấy tôi có chữ, kêu tôi dạy cho trẻ con lối xóm. Chín Hoà, thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được hai năm thì tôi cũng hết chữ, rồi thôi”.
Mấy năm sau, Những người truyền giáo cho cất một trường học nhỏ dọc theo con đường đi qua ấp Bình Phụng. Ông Hai Chi thấy Chín Hoà khát chữ lại nhân có trường, ông nói: “Cho mày đi học tiếp”. Nhưng ở những lớp học này, các thầy chủ yếu tranh thủ truyền đạo. Thấy Chín Hoà “học đạo”, mấy ông nông dân nhậu mỗi khi có Chín Hoà ngồi cạnh lại hạch hỏi: “Đạo của mày thế nào?”. Chín Hoà kể chuyện Thiên đường, Địa ngục, và giải thích: “Người vô đạo hoặc có đạo mà làm điều ác sẽ xuống Địa ngục, còn người có đạo đến Thiên đàng”. Mấy ổng hỏi: “Vậy, nghĩa là mày sẽ lên Thiên đàng, còn tụi tao xuống Địa ngục phải hông?”. Chín Hoà hồn nhiên: “Dạ”. Mấy ổng cười, chọc: “Để khi nào tao chết, tao kêu vợ tao cho cái búa vô hòm, mày lên Thiên đàng thì thôi, đặng mày xuống địa ngục như mấy thằng nhậu tụi tao, tao cho mày biết”. Thật khó định lượng những gì Chín Hoà học được trong các trường làng. Nhưng, chính những lớp học đó đã giúp cậu đọc thông viết thạo, thắp cho cậu ngọn lửa hiểu biết, tạo nền tảng cho cậu tiếp tục con đường đi tìm tri thức trong suốt chặng đường hoạt động về sau.
Năm Chín Hoà 13 tuổi, ông Phan Văn Dựa thuê được hai con trâu, ông Dựa kêu Chín Hoà về chăn, coi thêm cả trâu cho hai ông anh ruột. Những việc khó như sửa chuồng dọn phân, ông Dựa làm cho con, phần Chín Hoà chỉ đưa trâu ra đồng. Tới vụ, ông Phan Văn Dựa lại thanh toán tiền công, hoặc trả lúa cho ông Hai Chi rất đầy đủ. Chín Hoà biết cách cư xử của cha mẹ mình. Bản thân Chín Hoà vẫn nhớ những lời chòm xóm kể về cái thời ông Hai Chi cõng đi cùng xóm tìm người cho cậu “bú thép”. Từ lâu, cậu đã nghĩ, sau này phải làm gì đó để chăm sóc ông. Dạo đó, khi nghe có người chọc “lá rụng về cội”, ông Hai Chi rồi cũng chỉ một mình, Chín Hoà tức lắm, vì cậu rất thương ba nuôi. Để phủ nhận những lời dèm pha đó, có khi, cả tháng Chín Hoà không về bên nhà. Má cậu nhớ quá, gặp hỏi. Chín Hoà kể thật. Bà ôm lấy con, nói: “Thôi, con cứ về chơi, người ta nói bậy, đừng nghe”. Có tới hai người cha và cùng sẻ chia với Mười Đương một người mẹ. Càng về sau, Chín Hoà càng nhận thấy trong sự chia sẻ ấy, niềm day dứt và đức hy sinh to lớn của bà. Sự tinh tế của mẹ đã giúp Chín Hoà nhận ra ở bà biết bao tình cảm mà một đứa trẻ như cậu khao khát. Khi cần đặt tên mới để hoạt động, Chín Hoà lấy họ Võ của mẹ, và Võ Văn Kiệt từ đó đã được dùng như là tên chính thức của ông. Một cái tên, bắt đầu và gắn liền với một sự nghiệp mà chắc chắn sẽ còn được nhắc tới.
Cũng từ đám tang của mẹ, Chín Hoà gặp ông Hà Văn Út, rể của một người bà con cô cậu. Ông Út nói chuyện với mấy anh lớn, chuyện áp bức, chuyện bình đẳng… Ở làng không ai nói chuyện như thế. Chín Hoà nghe, cứ như nuốt từng lời. Ông Hà Văn Út thấy, lần sau về, tìm cậu. Chín Hoà lại nghe và lại càng thêm hứng thú. Sau vài lần gặp, Chín Hoà bắt đầu được giao việc, vừa kết hợp gặp các anh chị, vừa đưa tài liệu. Chín Hoà rất thích, có khi đi hai ba ngày. Thỉnh thoảng anh em còn kéo về nhà Chín Hoà cơm nước. Chín Hoà cũng không còn mấy thời gian giúp ông Hai Chi. Một lần, ông than thở: “Tao lớn tuổi rồi, chỉ nhờ mày đỡ đần, mày đi thế, tao không biết rồi sao”. Chín Hoà thương lắm, nhưng lại mê hoạt động không rứt ra được nên quyết định nói thật với ông Hai Chi. Ông nói: “Con đi với anh em là phải”. Chín Hoà thưa: “Chú cho con đi ở một mùa, đỡ đần chú. Phần còn lại con đi làm việc”. Ông chịu. Ông Hai Chi hiền lắm. Chín Hoà báo với “lãnh đạo”. Các anh cũng đã đến nhà, mấy lần thấy Chín Hoà đãi cơm, gạo phải đi mượn từng lon, khạp lúa thì trống trơn… biết hoàn cảnh Chín Hoà, mấy anh đồng ý. Những ngày hoạt động ấy, đã biến Chín Hoà trở thành một con người khác.
Ông Hai Mẹo nhớ lại sự thay đổi nhanh chóng này của Chín Hoà: “Mới mười mấy tuổi, chả họp dân, nói, ai cũng há hốc mồm nghe. Chả vận động đi cướp Chính quyền, người ta xách rựa đi hết”. Năm 1940, Quận uỷ Vũng Liêm chủ trương làm một cuộc mít-tin thật vang dội để bắt mạch phong trào chuẩn bị “khởi nghĩa”. Diễn giả chính trong cuộc mít-tin là chị Năm Hồng, Bí thư Quận uỷ. Năm đó, chị mới hai mươi tuổi, theo ký ức của ông Võ Văn Kiệt, chị Hồng là “một người tình cảm mà đầy bản lĩnh”. Chị Hồng nói về ruộng đất, nói về tương lai mỗi nông dân sẽ có được một mảnh ruộng của mình… Nghe, ai nấy đều vô cùng sung sướng. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó, là Bí thư xã, được phân công học thuộc một bài do trên gửi xuống về “Thanh niên phản đế”. Khi nói đến “đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến địa chủ, giành bình đẳng tự do…”, thanh niên bật dậy, hô to khẩu hiệu. Quần chúng cảm tình Đảng và những đảng viên trẻ hát vang “Bài ca Xích vệ”. Sau cuộc mít-tin đó, tề xã báo lên Quận, Quận xuống, lùng vô Đìa Chảo, thấy “mấy mươi công đất cỏ lác bị giẫm nát”. Chính quyền sửng sốt trước cuộc mít-tin. Dân chúng thì xôn xao về vụ “Cộng sản diễn thuyết quốc sự”.
Sau đó, cũng chính ông Võ Văn Kiệt là một trong những người chỉ huy cuộc dấy binh đêm23-11-1940 ở Vĩnh Long: Đêm “Cộng Sản dậy”, theo cách nói của dân chúng lúc đó; và “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” theo cách gọi của Lịch sử Đảng Cộng sản sau này. Đêm đó, Chín Hoà dẫn lực lượng hai xã gần trăm người đi “lấy” đồn Bắc Nước xoáy. Anh em, toàn thanh niên, trong tay chỉ có giáo mác, gậy gộc và một ống loa làm bằng thùng sắt. Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: “Trong đầu chỉ có một cách đánh thô sơ, hết sức ấu trĩ vì chỉ tính có một tình huống là thắng”. Đoàn quân đi cướp đồn mà như đi hội, lội bộ 10 km, cứ thẳng đường cái mà đi. Đến bên bờ con sông Măng Thít trong xanh, đồn lính ở bên kia, thuộc quận Tam Bình, phải qua bằng phà. Vừa lúc, có một chiếc xe du lịch từ Vũng Liêm lên, xe của một ông Chánh tổng nhưng không có chủ ngồi. Đoàn quân của Chín Hoà chặn xe, bắt kêu phà qua rước. Xe rọi đèn, phà qua ngay. Cả trăm người theo chiếc xe con xuống “bắc”. Lên bờ, đèn xe rọi vô, thấy trong đồn, lính ngủ la liệt; bên ngoài, vài tên đứng gác lớ ngớ. Toàn bộ lực lượng xáp vô, lính ngủ trở tay không kịp, chạy tán loạn. Đoàn quân vây bắt lại, tước súng, phân công người xuống đục chìm phà, thả theo nước lớn. Một số anh em khác thì leo lên lấy giáo mác chặt đứt hết dây thép, cắt đường thông tin liên lạc. Rồi, ông Kiệt trèo lên cổng đồn, bắc loa kêu gọi đồng bào “Nổi dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, phong kiến địa chủ”. Lấy xong đồn Bắc Nước Xoáy đội quân của ông Kiệt ung dung lắm, đinh ninh giờ đó, Sài Gòn, thị xã Vĩnh Long cũng đều đã khởi nghĩa xong.
Nhưng đêm ấy Sài Gòn không “Khởi nghĩa”, Vĩnh Long cũng không. Sau này, những người còn sống nghe nói: “Trung ương phân tích tình hình, ra lệnh ngừng cuộc khởi nghĩa”. Nhưng chính ông Quảng Trọng Hoàng, Bí thư Liên Tỉnh uỷ, cũng không biết, khi đó ông Hoàng đã tưởng, đêm ấy những người Cộng sản sẽ “cướp được chính quyền”. Ông Kiệt nhớ lại: Khi trời vừa hửng sáng, đã thấy xe từ Vĩnh Long chạy xuống, chở toàn lính! Hết xe này đến xe khác. Biết Vĩnh Long hỏng. Anh Hoàng nói: “Ta không đối phó nổi rồi”. Các nghĩa binh bảo nhau chôn mấy khẩu súng vừa lấy được, hoá trang, trở ra. Lúc đó, khắp xóm làng dậy lên tiếng trống, tiếng mõ kêu “bắt cộng sản”. Anh Hoàng bảo: “Mọi người về nhà, tìm cách bắt liên lạc sau”.
Tối hôm đó về làng, mới biết, anh em đi đánh Bắc Nước Xoáy chỉ lẻ tẻ có đôi ba người về tới nơi. Số đông bị bắt, bị giết, trong đó có người anh thứ ba của ông Võ Văn Kiệt. Theo ông Kiệt, bà con hoang mang dữ lắm, nhiều người oán trách, nhất là sau khi Quận ra lệnh đốt hết ấp Bình Phụng vì những người bị bắt khai Bình Phụng là “ổ cộng sản dậy”. Các ấp mà Quận cho là “làm loạn” khác đều lần lượt bị đốt. Ông Kiệt thu mình ngồi suy nghĩ. Bà chị Dâu thứ ba than: “Mấy ông lớn tuổi đi nghe lời thằng con nít”. Nghe, mà ứa nước mắt. Trong khi đó, Quận tiếp tục truy tìm những người cộng sản. Lính Quận bắt anh trai ông Kiệt phải đi lùng bắt thằng em làm loạn. Một tối, ông Kiệt về nhà. Ba ông không nói gì, chỉ lặng lẽ mài đi mài lại một lưỡi mác; lặng lẽ liếc đám lông trên ống quyển, thử dao. Trước khi ông Kiệt đi, ba ông trao cho ông cây mác, nói: “Thằng anh mày nó sợ, nó doạ bắt mày. Mày cầm cái mác, đứa nào bắt thì cứ đâm cho tao”. Ông Phan Văn Dựa chỉ là một nông dân, không biết chữ, toàn bộ thái độ của ông về hành động theo cách mạng của con trai út, ông chỉ thể hiện như vậy. Ông Kiệt hiểu cha và hiểu tính khốc liệt của cuộc dấn thân này. Ít lâu sau, Chị Năm Hồng biết ông Kiệt còn, tìm cách nhắn ông vô Đìa Chảo tập hợp lực lượng lại. Anh em trao đổi với nhau, nhận định: “Thất bại là tạm thời”. Mấy người trẻ dứt khoát: Cách mạng chưa thành quyết không về xứ. Rồi Liên Tỉnh uỷ có chủ trương gom các cơ sở cũ vào rừng U Minh. Tỉnh uỷ cho người vô Đìa Chảo, đón nhóm ông Kiệt. Đầu năm 1942, giữa rừng U Minh, ông Kiệt cùng các đồng chí của mình nhận được tin Đảng đã thành lập Mặt Trận Việt Minh. Cũng tại đây, lần đầu tiên ông nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của Mặt Trận, lần đầu tiên ông nghe cái tên Việt Bắc xa xôi.
Năm 1951, ông Võ Văn Kiệt ra Việt Bắc. Ông, lúc bấy giờ là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, cùng Đoàn đại biểu Nam Bộ ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II, sau đó dự lớp “Hoa Nam” tại trường Nguyễn Ái Quốc III, khoá 6 tháng. Trường đóng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo lớp, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh… trực tiếp giảng giạy. Một số cán bộ vừa tập huấn ở Hoa Nam, Trung Quốc về, tham gia hướng dẫn thảo luận, thấy lý lịch Võ Văn Kiệt là Bần nông, có đi ở đợ, rất “cốt cán”, thích lắm. Các thầy chọn ông tham gia một tiết mục kịch, ông vào vai địa chủ. Đêm diễn vở kịch đó, có Tổng Bí thư Trường Chinh dự. Ông Kiệt nhớ lại: Mặc dù được liệt vào loại “gan to”, nhưng có ông Trường Chinh, ông cũng thấy “ớn” lắm. Trước khi bắt đầu, ông Kiệt phải xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để lấy can đảm. Hết vở kịch, các khách mời đều khen, động viên. Ông Trường Chinh bắt tay ông: “Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đấy là địa chủ Nam Bộ chứ không phải địa chủ Bắc Bộ”.
Ông Kiệt lúc ấy không thể hiểu hết ý nghĩa lời nhận xét của ông Trường Chinh. Nhưng trước sau quan điểm về giai cấp của ông cũng bắt đầu từ những người địa chủ, trí thức mà ông biết: trí thức, địa chủ Nam Bộ. Những ngày đi ở đợ ông thấy, giàu hay nghèo thì cũng có người tốt, người xấu; người giàu cũng có người rộng rãi, người keo kiệt; tá điền cũng có người ngay thẳng, có người nịnh bợ, ton hót, hại nhau… Ông địa chủ sau cùng Chín Hoà ở, ông Mười Phái, người đứng đầu hội bóng đá trong xã, nơi Chín Hoà- một thanh niên phải đi ở đợ- cũng là một thành viên, hăng hái đi bó lá chuối làm banh. Mỗi khi Chín Hoà xay lúa, giã gạo, “địa chủ Mười Phái” còn lên phụ.
Trong số những người Kháng chiến ở Nam Bộ, ông Kiệt biết, có những địa chủ rất giàu có như vợ chồng ông Bùi Thiện Lộc cũng đã ra Bưng theo Kháng chiến. Cựu Bí thư Bạc Liêu, ông Nguyễn Thành Nhơn cũng là một địa chủ. Năm 1950, khi ông Lê Đức Thọ, ông Lê Toàn Thư từ Xứ uỷ Nam Bộ xuống Tỉnh uỷ bàn với ông Kiệt về quyết định để ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư thay ông Nhơn chỉ vì ông Nhơn là địa chủ, ông Kiệt đã không chịu. Ông Lê Đức Thọ nói: “Hoặc là cậu làm Bí thư, hoặc là cậu chịu kỷ luật?”. Ông Kiệt đã chọn nhận kỷ luật Đảng cảnh cáo, chứ không thể nào đồng ý với lý do kỷ luật ông Nhơn. Ông biết lúc đó, cả về học vấn lẫn khả năng lãnh đạo, ông Nhơn đều có nhiều mặt hơn mình. Trước khi theo kháng chiến, những nông dân như ông Kiệt chỉ có cái “quần đùi”. Khái niệm về Tổ quốc lúc đó của ông cũng hết sức đơn giản. Thời ấy, những người dân quê ông, thấy ai nói giọng Đàng Ngoài đều cho là “Đám người Huế”. Sau này, dự những cuộc họp của Uỷ Ban Kháng chiến Nam Bộ, nghe những bậc trí thức như Nguyễn Văn Hưởng, Ung Văn Khiêm, Phạm Ngọc Thuần…. nói, ông thấy có một khoảng cách rất rõ giữa mình và những bậc trí thức đó. Ông biết, nếu mình có gì hơn họ thì cũng chỉ hơn cái “cấp uỷ” chứ không thể hơn họ về lòng yêu nước, sự hiểu biết và khả năng thu hút quần chúng được. Trước khi gặp “Cách mạng” , ước mơ lớn nhất của ông là thoát khỏi đồng ruộng lam lũ, tù túng. Có lúc ông chỉ mong được làm anh lơ xe, được làm anh thợ cắt tóc. Ông “có ý kiến” với mấy thầy trợ giảng ở lớp Hoa Nam: “Tôi biết địa chủ Nam Bộ. Ở Việt Nam không có Bạch Mao Nữ”.
Một trong những thầy trợ giảng của lớp chỉnh huấn về từ Hoa Nam, giáo sư Đào nguyên Cát, hiện là Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhớ lại: Tôi được phân công giúp anh Kiệt tìm “Tư tưởng Chủ đạo”. Theo những gì tôi được học ở lớp “Chỉnh Phong” bên Trung Quốc thì vào Đảng, phải giác ngộ lập trường giai cấp công nhân. Do đó, mỗi người, phải tìm xem “lập trường cũ” của mình là gì để mà từ bỏ. Khẩu hiệu viết trên tấm băng đen của lớp chỉnh huấn nhấn mạnh:Thành khẩn bộc lộ khuyết điểm của mình là thước đo độ trung thành với Đảng. Kết quả, anh Kiệt “thành khẩn” nhận: Khi vào Đảng anh mới chỉ vì để “giải phóng dân tộc” chứ chưa phải vì “giai cấp”, cũng có lúc anh “dao động”; “Nhận thức không rõ ràng về tội ác của địa chủ” là một ví dụ. Nên tôi kết luận: Tư tưởng Chủ đạo của anh Kiệt là “Tiểu tư sản” dù anh là con của một người bần nông. Những màn “đấu tố”, “căm thù địa chủ” được diễn tập ở lớp Hoa Nam làm ông Kiệt nhớ lại hồi ở nhà học võ, nhớ chuyện “Tổ nhập”.
Hồi ấy, có những ông thầy dạy võ về ấp Bình Phụng và các làng lân cận mở lò. Đêm đêm, Chín Hoà thường ra các lò võ học lóm. Mấy ông thầy thấy, hỏi: “Mày thích à?”. Chín Hoà không chần chừ: “Dạ, ham lắm”. Mấy ông bảo: “Vậy mày thử đi”. Chín Hoà thử và các ông thầy thấy cậu múa võ còn hay hơn cả học trò của mấy ổng thế là cho Chín Hoà vô học. Cùng dạy võ có mấy ông thầy dạy bùa. Họ nói: Có bùa, “Tà bổn thân” thoát ra, “Tổ nhập” thì bị đòn không đau nữa. Chín Hoà thích lắm, ra sức học gồng, học “vô Tổ”. Nhưng không hiểu sao, nhiều bạn võ tuyên bố đã được “Tổ nhập”, mà Chín Hoà luyện riết, “Tổ” vẫn không vào. Cuối cùng, mấy ông thầy bùa nói: “Tà bổn thân mày nặng quá, giờ chỉ còn cách ăn bóng đèn mới mong giải được”. Nghĩ tới việc cho cái bóng đèn vô miệng, ớn tới xương sống, nhưng Chín Hoà, phần vì muốn thành tài, phần vì muốn theo đến cùng để biết sự thật, nên bằng lòng. Ông thầy lấy bóng đèn, đặt trên một cái đĩa, đưa ra trước mặt, Chín Hoà hơi run, bảo: “Nếu thầy cắn bể được cái bóng đèn, thì con làm”. Ông thầy cắn cái bóng đèn bể ra rồi ngồi đọc thần chú trong khi Chín Hoà cho hết vô mồm nhai. Đêm về, Hoà kể lại cho mẹ nghe, bà già sợ con lủng ruột, khóc ầm lên. Những mảnh thuỷ tinh trong bụng Chín Hoà, sau đó không hề gây hại gì, còn “Tổ” thì không biết có nhập không mà mỗi khi bị đánh, cậu vẫn còn thấy đau lắm. Sau này, Chín Hoà hỏi, đám bạn được “Tổ nhập” thú nhận, thực ra họ cũng chỉ “gồng” lên. Ở lớp tập huấn Việt Bắc, những người tập đấu tố cũng vậy, họ cũng thấy những địa chủ như Mười Phái và thực ra họ cũng phải “gồng” lên như mấy anh bạn “Tổ nhập” trong lớp học võ của Chín Hoà. Sau lớp học ở Việt Bắc, Trung ương có ý định đưa ông Võ Văn Kiệt đi đào tạo ở Trung Quốc, nhưng lấy lý do vừa phạm khuyết điểm về quan hệ trong thời gian ra Bắc, ông Kiệt xin trở lại Miền Nam.
Năm 1952, ông Võ Văn Kiệt lại đi bộ trở lại Miền Nam. Đến Tam Kỳ, Quảng Nam, vào Đoàn Giải phóng, nghe nói ông Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ vừa ra Bắc, đi qua đấy. Ông Kiệt rất tiếc. Ông Kiệt gặp ông Lê Duẩn lần đầu tiên vào cuối năm 1949, trong Hội Nghị Xứ uỷ mở rộng, tổ chức tại Đồng Tháp Mười. Lần gặp đó, ông Kiệt có một ấn tượng mạnh về ông Duẩn, ấn tượng về một con người đầy sức sống, uyên bác và có sức thu hút mạnh mẽ. Cũng trong Hội nghị đó ông Lê Duẩn và ông Lê Đức Thọ biết ông Kiệt. Hai nhân vật về sau sẽ trở thành những người có ảnh hưởng lớn trong Đảng này, từ đấy bắt đầu chú ý và đánh giá cao về ông Võ Văn Kiệt. Năm 1955, sau Hiệp định Geneve, ông Võ Văn Kiệt lại có thêm nhiều kỷ niệm với ông Lê Duẩn. Năm đó, trên Cửa Sông Đốc, Cà Mau, chuyến tàu tập kết cuối cùng đợi sẵn, ông Kiệt cũng chia tay mọi người ra đi. Nhưng chiều ấy ông không xuống bến mà ém chờ ông Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn lúc chạng vạng tối, cùng với ông Lê Đức Thọ, trước mặt báo chí và Uỷ ban Giám sát, đã lên tàu để rồi lúc gần nửa đêm, một chiếc xuồng con bí mật đón ông quay lại. Khuya, ông Võ Văn Kiệt đưa ông Duẩn về một căn cứ ở Bạc Liêu, nơi ông Duẩn rất thích: một cái trại nằm giữa đồng, xung quanh là sông nước. Đêm ấy, bà chủ nhà thấy ông Kiệt, lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, quay về cùng một ông, “cỡ ông Kiệt mà còn phải chăm sóc”, bà nghĩ, chắc to lắm.
Sáng, ông Kiệt ra giúp bà chủ nhà nhổ lông vịt làm cơm, bà hỏi: “Có phải ông Duẩn?”. Ông Kiệt giựt mình nhưng phản ứng mau lẹ: “Đâu có, ổng đi hồi hôm rồi”. Bà dứt khoát: “Ông Duẩn! Cậu không tin, tôi lấy hình cho coi”. Nói rồi bà lên trang thờ lấy hình ông Duẩn xuống. Ông Kiệt thấy khó lòng chối mãi, bèn dặn: “Thì ông này giống ông Duẩn nhưng chị không được nói với bất cứ ai nhé”. Buổi sáng hôm ấy ông Kiệt cứ phân vân, nhưng rồi ông quyết định phải thú thật với “Anh Ba”. Ông kêu ông Duẩn ra vườn, nói: “Bà già phát hiện ra anh”. Ông hỏi: “Ai nói?”. “Không, bà còn giữ hình anh trên trang”. Ông Duẩn lắc đầu: “Lại Trần Bạch Đằng!”. Hồi đó, ông Trần Bạch Đằng làm thông tin, cho chụp hình ông Lê Duẩn rồi cơ quan nào cũng treo. Ông Kiệt giải thích: “Nhưng bà già có ý thức lắm, anh cứ yên tâm”. Ông Duẩn suy nghĩ rất căng rồi nói: “Chỉ cần bả mừng, bả nói với con bả là đủ lộ”. Rồi ông lệnh: “Chuẩn bị, tối đi”.
Đó là những ngày cực kỳ căng thẳng của “Cách mạng Miền Nam”. Những nhà lãnh đạo Kháng chiến như ông Duẩn, ông Kiệt, vừa phải đối phó với sự ruồng bố gắt gao của chính quyền Ngô Đình Diệm, với cái chết trong từng gang tấc; vừa chịu sức ép lớn từ phía cơ sở và những người dân ủng hộ Cách mạng. Những người dân trong vùng kháng chiến thấy Chính quyền Ngô Đình Diệm “truy lùng Cộng sản” mà Cách mạng vẫn không dám phản ứng gì, nhiều người tìm gặp lãnh đạo, hỏi: “Vậy Bác Hồ có biết không?”. Từ các địa phương, những người Cộng sản viết thư cho Xứ Uỷ: “Ở đây chỉ còn một số ít cơ sở, nếu không cho chúng tôi đánh hoặc rút ra thì chúng tôi xin vĩnh biệt Đảng, vĩnh biệt các đồng chí”. Cho phép họ nổ súng lúc đó là có thể bùng phát một cuộc chiến, trong khi Đảng chưa có chủ trương. Ông Kiệt nhớ lại: “Những anh em viết thư này sau đều hy sinh hết”. Ông Duẩn cũng có lúc bị bật ra đảo Hòn Khoai. Năm 1956, từ Bến Tre, ông lên Sài Gòn, tại đây, cơ sở tiếp tục bể, thêm một số Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ bị bắt. Ông Duẩn quyết định đưa Xứ uỷ Nam Bộ sang Phnompênh. Năm 1957, ông Duẩn ra Bắc, tạm giao quyền lãnh đạo Xứ uỷ cho ông Nguyễn Văn Linh. Từ Miền tây, ông Kiệt lên thay ông Linh làm Bí thư Khu uỷ Sài Gòn.
Từ Campuchia ông Kiệt về Tây Ninh rồi lần mò tiếp cận với Sài Gòn. Hầu hết những cơ sở cũ mà ông nhận “bàn giao” đều vỡ hết. Nhiều Khu uỷ viên vừa nối được liên lạc đã bị bắt. Ông Kiệt quyết định xây dựng hoàn toàn cơ sở mới, ra lệnh không được móc nối với cơ sở cũ, phòng địch để lại cài bẫy. Cũng trong giai đoạn này, ông đưa ra một đề nghị được Xứ uỷ chấp nhận: lấy Gia Định làm bàn đạp thâm nhập Sài Gòn- Chợ Lớn, thành lập Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định. Sài Gòn- Gia Định từ sự liên kết có ý nghĩa kháng chiến đó, sau trở thành một khu vực hành chính chung. Trong suốt những năm 1959-1970, Ông Võ Văn Kiệt lúc thì nằm dưới địa đạo Củ Chi, lúc vào hẳn trong Thành phố, vừa xây dựng các phong trào đấu tranh ở Nội Thành, vừa xây dựng lực lượng vũ trang chiến đấu Vùng ven Đô. Ông Lê Đức Anh nhớ về giai đoạn này của ông Kiệt: Năm 1963, ông Lê Đức Anh được cử vào Nam, về Bộ Chỉ huy Miền, sau khi ông báo cáo với Trung ương Cục ý kiến chỉ đạo, mà cho tới hôm nay, ông Anh vẫn chú ý nhấn mạnh là “Ý kiến của anh Lê Duẩn và anh Văn Tiến Dũng”, theo đó: Phải xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang cả trong đô thị và vùng ven, Tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Miền nói: “Vấn đề đô thị phải mời anh Sáu Kiệt”. Ông Kiệt khi đó đang ở Củ Chi, được mời ngay lên Miền để nghe chủ trương mới. Đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ông Lê Đức Anh và ông Võ Văn Kiệt, ông Kiệt, kể từ Đại hội III, năm 1960 đã là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng. Ấn tượng của ông Lê Đức Anh về ông Kiệt là: “Tôi thấy anh nói các kế hoạch mới với một niềm tin vững chắc và tôi cũng rất tin anh”. Theo ông Lê Đức Anh, ông Kiệt từ trước đó đã lãnh đạo Khu uỷ xây dựng các cơ sở trong nội thành, xây dựng lực lượng biệt động và một phần lực lượng đặc công cho không chỉ Sài Gòn mà cho cả Miền. Trong con đường sự nghiệp của mình, ông Kiệt và ông Anh còn gặp nhau nhiều trong những năm sau đó.
Năm 1970, ông Kiệt được điều trở lại Miền Tây, làm Bí thứ Khu uỷ Khu IX. Tình thế chiến trường Miền Nam khi đó hết sức khó khăn. Sau Chiến dịch Mậu Thân, Khu uỷ Khu IX kiểm điểm: Do “chăm bẵm vào khả năng giải phóng hoàn toàn đô thị”, Khu uỷ đã tập trung toàn lực tấn công vào đầu não đô thị, trong khi yếu tố bất ngờ không còn. Địch quân lại lại tiến hành “Bình định đặc biệt”, “Bình định cấp tốc” gom dân vào ấp, cán bộ đảng viên bị dạt ra khỏi dân. Quân đội Sài Gòn đóng thêm 1000 đồn bót. Trong số 250 xã Miền Tây Nam Bộ, cuối năm 1968, có 50 xã đảng viên phải ly hương, 40 xã khác chỉ còn một hoặc hai đảng viên. Các trung đoàn chủ lực cũng bị đánh dạt vào sâu về Trà Vinh, U Minh. Trong khi số lượng du kích sụt, tân binh lại không tuyển đượcngay cả trong những “xã giải phóng”… Ông Kiệt hiểu được tình trạng đó. Trong Chiến dịch Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt ở Sở chỉ huy Tiền Phương, vào sát cửa ngõ Sài Gòn. Tiền phương của Sài Gòn cũng nhận được những lệnh liên tiếp tập kích vào đô thị để “giành thắng lợi tối đa”. Mậu Thân quả là đã gây được những tiếng vang chính trị trong lòng nước Mỹ, nhưng những người trực tiếp ở chiến trường như ông đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói: “Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc”. Hơn 11 vạn quân giải phóng đã hy sinh trên toàn chiến trường. Phần lớn căn cứ địa Quân Giải phóng ở nông thôn đã trở thành “đất trắng”.
Nhưng, ông Võ Văn Kiệt không quá lo lắng về tình hình đã qua. Miền Tây là “đất” của ông. Ông sẽ đường hoàng đến Khu IX bằng con đường bất ngờ nhất. Ông xuống Châu Đốc theo đường bí mật và lệnh cho chị Sáu Trung, giao liên công khai lên Sài Gòn kêu Sáu Hoa mang xe xuống. Từ Châu Đốc, ông ngồi trên chiếc xe du lịch của ông Sáu Hoa, cơ sở của ông ở Sài Gòn, về Rạch Giá, ông ở chơi nhà bà con bên vợ mấy ngày trước tai mắt của chính quyền Sài Gòn rồi mới ra Bưng. Theo nguyên tắc, mỗi lần di chuyển địa bàn hoạt động, những người lãnh đạo như ông lại chọn một tên mới. Trên đường đi, ông có cảm giác, mọi việc có vẻ thuận, ông tin tình hình rồi sẽ tốt lên, vì thế ông lấy bí danh mới cho mình là Tám Thuận. Đại tá Lê Đức Anh cũng đã được điều về làm Tư Lệnh Khu IX trong dịp đó. Trước khi đi, Đại tá lấy bí danh mới là Chín Hoà. Khu IX dưới sự lãnh đạo của ông, sau đó nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu, và đến Hiệp định Parisnăm 1973 thì ông Kiệt bắt đầu mang danh “Tướng Xé rào”.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình chiến sự Miền Nam được Thượng tướng Trần Văn Trà mô tả trong cuốn Hồi ký Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm: “Ở các Chiến trường khác ta bị lấn mất đất, mất dân rất nhiều, riêng ở Quân khu IX, Quân khu Miền Tây Nam Bộ, nơi lúc bấy giờ, địch tập trung quân đông nhất, ta vẫn giữ được các vùng của ta. Sở dĩ được như vậy vì Khu uỷ Khu IX lúc ấy do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư đã thống nhất với Bộ Tư lệnh Quân Khu do đồng chí Lê Đức Anh làm Tư lệnh, nhận định rằng kẻ địch không bao giờ chịu thi hành Hiệp định, chiến tranh vẫn là chiến tranh, mọi hoạt động vẫn như cũ không có gì thay đổi cả”. Nhưng cũng theo Tướng Trà: “Éo le thay hành động cụ thể ấy[của Khu IX] lại ngược hẳn với một loạt chủ trương lúc ấy”. Chủ trương lúc ấy về Thi hành Hiệp định Paris được thể hiện trong Nghị Quyết 21 của Bộ Chính trị và được Tố Hữu vào tận Miền Nam phổ biến là: “Hoà hợp dân tộc và thi đua hoà bình” đồng thời coi “đấu tranh chính trị là chủ yếu”, tranh thủ thời cơ “gò cương vỗ béo” lực lượng vũ trang. Từ tinh thần Nghị quyết mà ông Tố Hữu phổ biến đó, Hội nghị Binh vận Miền tháng 4-1973 triển khai “năm cấm chỉ”: Cấm tấn công địch; cấm đánh địch đi càn quét; cấm bắn pháo vào đồn địch; cấm bao vây đồn bót; cấm xây dựng ấp xã chiến đấu. Ông Kiệt và Thường vụ Khu uỷ ra lệnh Binh vận Khu không phổ biến chủ trương này của Binh vận Miền.
Thực tế luôn luôn đưa lại cho ông Võ Văn Kiệt những cảm nhận chính xác và ông đã cùng với Thường vụ và Đại tá Lê Đức Anh đưa ra “Kế hoạch Thời cơ” ngay khi Hiệp định Paris đang được chuẩn bị ký kết, kịp thời bẻ gãy Chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ” của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu. Một kế hoạch mà ông Thiệu dự định sẽ chiếm 85% đất đai và kiểm soát 95% dân chúng Miền Nam 45 giờ trước khi Hiệp Định Paris có hiệu lực. Ngày 2-2-1972, tức là 4 ngày sau khi ký Hiệp định Paris, ông Kiệt triệu tập Hội nghị Thường vụ Khu uỷ, xác định “Không mơ hồ ảo tưởng” và “Kiên quyết giữ vững thành quả cách mạng”.
Ngày 3-3-1973, Quân đội Sài Gòn dùng 30 tiểu đoàn đánh vào Chương Thiện, dự kiến trong 7 ngày sẽ chiếm xong các mục tiêu, bịt cửa ngõ U Minh. Nhưng các mũi tiến công đều bị chặn đứng, Khu IX, ngay sau đó tổ chức tấn công trên toàn địa bàn Quân Khu. Nhiều nơi cho rằng “Khu uỷ Tây Nam Bộ xé Hiệp định Paris”. Trung ương Cục điện yêu cầu “Khu IX phải thấy tình hình mới”. Bộ Tư lệnh Miền phê bình và thông báo toàn Miền. Tướng Trần Độ, thay mặt Bộ Tư lệnh Miền ra lệnh cho Đại tá Anh rút hai trung đoàn chủ lực về phía sau rèn luyện nếu không sẽ “đưa đại tá Lê Đức Anh ra Toà án binh”. Đại tá Anh cứng, trả lời Bộ Tư lệnh: “Cho phép Quân khu IX thi hành chủ trương của Thường vụ Khu uỷ”. Lúc đó, ông Kiệt tuyên bố: Mệnh lệnh tối cao lúc này là phải giữ đất, giữ dân. Ông điện cho Trung ương Cục và Bộ Chính trị: Nếu không chống địch lấn chiếm, để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả. Bộ Chính trị sau đó đã triệu tập đại diện các Khu, đại diện Trung ương Cục, đại diện Bộ Tư lệnh Miền ra Hà Nội. Sau nhiều tuần tranh luận, Chiến trường Khu IX đã là một thực tế có sức thuyết phục cao, chủ trương sau Hiệp định Paris được Bộ Chính trị xác định lại: Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng. Trong thời gian đó, Đại tá Lê Đức Anh ở lại chiến trường, chỉ huy Khu IX, chặn đứng cuộc tấn công thứ II vào Chương Thiện của 75 tiểu đoàn Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Ông không những không phải “ra Toà án Binh” mà còn được vinh thăng vượt cấp quân hàm lên Trung tướng. Mấy chục năm sau sự kiện này, ông Lê Đức Anh nhớ lại: “Anh Kiệt lúc đó là chỗ dựa cho các quyết định của chúng tôi”. Từ năm 1972, ông Kiệt là Uỷ viên chính thức Trung ương Đảng. Trong Hồi Ký của mình, Tướng Trà đánh giá rất cao vai trò của Khu IX, ông viết: “Nếu như từ năm 1973, chúng ta tin rằng bằng cách này hay cách khác, Hiệp định Paris sẽ được thi hành giống như chúng ta đã tin hai năm sẽ có Tổng tuyển cử hồi Hiệp định Geneve… thì tình hình đã không như bây giờ”. “Bây giờ” mà Tướng Trà đề cập trên đây là “Chiến thắng 30-4-1975”.
Sau ngày 30-4-1975, từ một nhà lãnh đạo kháng chiến xuất sắc, ông Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ 53 tuổi, trở thành người đứng đầu chính quyền dân sự của Thành phố Sài Gòn. Ông sẽ phải bắt đầu ở đây nhiều công việc mà ông chưa từng được biết đến. Ông đã từng là một người hăng hái áp dụng những chuẩn mực của thời “Cả Nước đi lên Chủ nghĩa xã hội”. Để rồi, bằng sự mẫn cảm chính trị của một Võ Văn Kiệt luôn có mặt ở nơi cuộc sống thực tế đang diễn ra, ông nhận ra những rào cản của cơ chế. Ông trở thành chỗ dựa cho các doanh nghiệp “xé rào”, vượt qua cơ chế quan liêu bao cấp.
Cơ chế được coi như là nguyên nhân chính làm cho nền kinh tế Việt Nam bị kiệt quệ vào cuối những năm 70, đầu 80. “Xé rào” trong sản xuất kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối những năm 70 là khởi đầu của hàng loạt những cuộc “xé rào” khác trong nông nghiệp, trong phân phối lưu thông, góp phần làm thay đổi tư duy của Đảng về kinh tế và là cơ sở lý luận cho đường lối đổi mới trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI.
Khi trở về Thành phố sau 30-4, ông Kiệt mang theo một vốn liếng chính trị đầy ấn tượng, nhưng ông đã không chỉ sử dụng số vốn đó. Trong môi trường mới ông đã tận dụng nhiều cơ hội để tri thức, để tự hoàn thiện mình. Tháng 12-1981, ông được điều ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ Nhiệm Uỷ ban Kế Hoạch. Năm đó, ông đã 59 tuổi, thế nhưng theo ông Việt Phương, một “sỹ phu” có tiếng của “Bắc Hà”, người nhiều năm làm Trợ lý cho Thủ ttướng Phạm Văn Đồng và sau đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Khi đó sức bật của ông vẫn mạnh. Ông làm Kế hoạch chỉ sau một thời gian, anh em trí thức Xã Hội Chủ Nghĩa rất chịu”.
Mười năm sau khi ra Hà Nội, năm 1991, ông Võ Văn Kiệt trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người đứng đầu Chính phủ theo cách gọi của Hiến Pháp 1980. Đường hướng phát triển kinh tế lúc đó vẫn đang còn phải mò mẫm. Tốc độ tăng trưởng rất thấp, lạm phát vẫn còn ở mức 67%. Cũng năm đó, Liên Xô tan rã, nguồn ngân sách mất 1/3 từ viện trợ của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ; thị trường truyền thống mất. Thật khó đánh giá sự kiện Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ lúc đó là một bi kịch hay thời cơ. Khối SEP tan rã; nước XHCN Trung Quốc khi đó vẫn chưa bình thường hoá quan hệ với Việt Nam; Mỹ và Phương Tây vẫn còn cấm vận… Lần đầu tiên, Việt Nam phải tự mình quyết định mọi công việc và quyền lợi cho chính đất nước mình. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đóng một vai trò rất lớn. Ông tích cực xoá quan liêu bao cấp, tích cực xây dựng những thể chế pháp lý theo hướng thị trường. Và, với một gương mặt hết sức thân thiện, với một nụ cười hết sức cởi mở, ông mang ra Thế Giới những thông điệp mới về Việt Nam, một Việt Nam cầu thị và khát khao phát triển. Năm 1992, Mỹ bỏ cấm vận, năm 1994, Mỹ bình thường hoá quan hệ; năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN… Khi ông thôi Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 8%. Việt Nam huy động được 8,5 tỷ ODA và 28 tỷ đầu tư nước ngoài. Ông Việt Phương kể: Lúc sinh thời, nhiều lần ông Phạm Văn Đồng, người chính thức có 32 năm làm Thủ tướng Việt Nam, nói: “Đánh giá đúng mức và khách quan thì, trong các đời Thủ tướng của Việt nam, kể cả tôi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người làm được nhiều việc và làm được nhiều việc tốt nhất”.
Quả thực, ông Võ Văn Kiệt đã để lại nhiều dấu ấn trên khắp miền đất nước. Những dấu ấn có thể từ những công trình lớn mà ông đã quyết định đầu tư; từ những phong trào mà ông đã khởi xướng; và đặc biệt, từ những “nguồn cảm hứng phát triển” mà ông đã khơi dậy, gieo mầm. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Có thể vì tôi làm Thủ tướng vào một thời điểm mà đất nước ở trong một tình thế buộc Chính phủ phải nhanh chóng hành động; tình hình Thế Giới cho phép Việt Nam tiếp cận rộng rãi với cộng đồng Quốc tế hơn”. Nếu chỉ xét những gì đạt được trong Thập niên 90, Việt Nam có thể được đánh giá cao và ông Kiệt có thể bằng lòng, phấn khởi. Nhưng, đã có một thời gian rất dài, theo ông Kiệt: Những khó khăn do Chế độ cũ để lại, khó, nhưng chỉ vài năm là giải quyết được; nhưng, những vướng mắc do các chính sách mới gây ra thì phải mất nhiều năm mò mẫm, bó tay. Trong cuốn “Hồi Ký” của mình, Cựu Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu viết: “Năm 1975, Thành phố Hồ Chí Minh có thể cạnh tranh ngang với Băngkok; còn năm 1992, tôi nghĩ, có lẽ nó đã tụt hậu 20 năm”. Tuy ông Lý Quang Diệu chỉ dùng từ “có lẽ” khi đưa ra nhận định này, nhưng những so sánh của ông đã làm cho ông Kiệt nhức nhối: “Tôi đau không thể tưởng được”. Sau năm 1975, theo ông Kiệt: “Mình có một thời cơ vô cùng lớn nhưng mình đã bỏ mất”. Có lẽ tụt hậu so với Khu vực là một trong những điều mà ông day dứt nhất. Nhưng, năm 1997, ông đã 75 tuổi, đã đến khi ông từ giã chính trường.
Khi đang còn đương chức ông Kiệt hay nói với một người bạn già ở Hà Nội, đại tá Trần Tấn Nghĩa: “Tao thèm được như mày, lâu lâu ra đầu phố ăn tô phở, uống chén chè, nói dóc quá”. Đại tá Trần Tấn Nghĩa là người phá vụ án “Số 7 Ôn Như Hầu” hồi năm 1945 và là người hùng trong vụ “Hoạt động phỉ và phản loạn ở Đồng Văn” hồi năm 1960. Ông Nghĩa từng làm Quận trưởng Công an Đặc biệt, bảo vệ An Toàn Khu[ATK] hồi ông Kiệt ra Việt Bắc, rồi cùng dự Đại hội Đảng lần thứ II, cùng học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc III với ông. Thỉnh thoảng, khi cần nghe những lời nói thật, ông lại gọi Đại tá Nghĩa tới, hỏi: “Ngoài Phố họ nói tao thế nào, mày?”. Ông Kiệt cũng chỉ mới gặp lại Đại tá Nghĩa vào một ngày cuối năm 1991.
Hôm đó, Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng mới nhận chức Võ Văn Kiệt đang chuẩn bị đi đón một vị khách quốc tế thì bảo vệ đưa cho ông một lá thư. Mở ra đọc, ông thấy cái giọng thư không lẫn vào đâu được: “Tao biết mày ở đây. Người xưa nói, ‘giàu đổi bạn, sang đổi vợ’. Không biết mày có thế không. Tao về hưu rồi, không tìm mày để nhờ vả, kiếm chác gì nữa. Tao già, người già thích gặp bạn cũ, thế thôi. Mày biết tao ‘Giang hồ quen thói vẫy vùng’ rồi”. Ký tên: Nghĩa, Trần Tấn Nghĩa. Kèm theo lá thư là một tấm hình nhỏ, chụp một ông Kiệt thời trẻ, trong bộ quân phục “Bát Lộ Quân”. Phía sau tấm ảnh ghi nắn nót: “Mến tặng Nghĩa để kỷ niệm những ngày học tập ở Trường Đảng và cũng là những ngày không thể quên nhau. VB[Việt Bắc] ngày 13-2-1952”. Ký tên: “Kiệt. Kiệt Nam Bộ”. “Thằng Nghĩa!”. Ông kêu lên và giao cho bảo vệ đi đón ông Nghĩa, chở ngay tới nơi ông tiếp khách. Vừa tiễn khách về nơi nghỉ, ông chạy ra gặp bạn, hai người ôm nhau, “ồn ào” vài câu, rồi lại “theo chương trình trong ngày của người đứng đầu Chính phủ”, ra Hàng Đẫy dự một trận khai mạc bóng đá. Gặp quan khách trên khán đài, ông giới thiệu: “Đây là ông bạn Việt Bắc của mình”. Tối hôm đó về nhà, bà Phan Lương Cầm đã chuẩn bị một bữa tiệc: nửa cái đùi bê non thui, chấm tương; cá thu kho… Ông Kiệt bảo: “Mày cứ bốc tay như dạo trước”. Rồi, nhân lúc vợ ông, bà Cầm đi xuống bếp, ông hạ giọng: “Mày nhớ cô Hạ quán Cây Đa Nước Chảy không?”. Ông Nghĩa: “Cô Hạ ‘Máy Chém’ chứ gì. Tao nhắc mày là cổ, bây giờ có chắt rồi đấy nhé”. Cả hai cùng cười thoải mái, sống lại những ngày của 40 năm cũ. Ngày đó, cạnh trường Nguyễn Ái Quốc, có một quán nước, cô Hạ, chủ quán, rất xinh, nhưng giá bán thì mắc như “máy chém”. Học viên, toàn là cán bộ cao cấp, vẫn hay “lượn lờ” ở đấy, dù chẳng ai có nhiều tiền. Ngày 23-11-1997, bảy năm sau ngày gặp lại, và ngày mà ông Kiệt nói với đại tá Nghĩa: “Tao trả cái chức Thủ tướng rồi mày ạ”; ông Võ Văn Kiệt rủ đại tá Trần Tấn Nghĩa về lại Việt Bắc. Họ cùng ghé “Cây Đa Nước Chảy”, cùng ghé nơi ngày xưa có bà Mé hay cho sắn và hỏi ông Kiệt: “Mày là người dân tộc ở trong Nam à?”. Hai người ôn lại rất nhiều kỷ niệm Việt Bắc. Rồi, ông Kiệt bảo đại tá Nghĩa: “Mày nhớ những gì học hồi ở Trường không? Thế giới ngày nay phải được hiểu theo cách mới, mày ạ”.
Cuối năm 2001, ông Kiệt làm đơn trả lại ngôi biệt thự công vụ trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội. Nơi ông đã ở đó từ những năm 80. Ông bàn với vợ, bà Phan Lương Cầm, về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi gia đình người con gái của ông, Võ Hiếu Dân và gia đình người con trai của ông, Phan Thanh Nam, đang sống và làm việc. Nơi, trong thẳm sâu của ký ức, có một hình ảnh mãi mãi không phai về người vợ yêu dấu Trần Kim Anh đã từng chung thuỷ chờ đợi ông, đã từng tần tảo nuôi các con, và đã hy sinh cùng với hai đứa con nhỏ năm 1966, trên đường lên căn cứ Khu uỷ thăm chồng.
Rời ngôi biệt thự công vụ trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, ông nhận ra là mình sẽ để lại một khoảng trống nho nhỏ nơi anh lái xe, anh bảo vệ, chị bếp… những người “làm nhiệm vụ Nhà nước”, nhưng cuộc đời đã mấy chục năm gắn bó với ông. Ông thu xếp để họ được bố trí một công việc mới, ổn định. Ông về quê những sỹ quan cận vệ, những người đã đi với ông hàng chục năm, cảm ơn những “gia đình đã sinh ra họ, những người con tận tuỵ với ông, với công việc”. Theo Bác sỹ Đinh Trần Nhưng, bác sỹ riêng của ông: Ông sống với nhóm phục vụ như với những người trong gia đình. Ông chia sẻ mọi thứ với họ, trừ… “chức vụ”. Từ khi làm Bí thư Khu uỷ Kháng chiến cho tới ngày làm Thủ tướng, chưa có ai trong “gánh phục vụ” được ông “đẩy lên cao”. Nhưng họ, cho đến bây giờ, vẫn như những “người nhà chú Sáu”, vẫn tự hào vì đã từng được làm việc, chiến đấu bên ông. Họ giờ đây cũng là một mối quan tâm của ông khi trở lại Sài Gòn.
Lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt lên Sài Gòn là năm 1940, sau Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lần đó, khi người chỉ huy của ông, Bí thư Liên Khu uỷ Quảng Trọng Hoàng nói với những đồng đội sống sót: “Thôi tụi bây về nhà”. Trong những ngày chưa bắt được liên lạc với Tổ chức, ông Kiệt theo ghe cá lên Bến Bình Đông, Sài Gòn, rồi từ đó theo những người bán cá lên Thủ Dầu Một. Lần thứ hai, vào khoảng năm 1956, lúc ông Kiệt đang là Xứ uỷ viên kiêm Phó Bí thư Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang, ông được Xứ uỷ gọi lên Sài Gòn làm việc. Thay mặt Xứ uỷ, ông Lê Toàn Thư và ông Nguyễn Văn Linh[Mười Cúc] tiếp ông. Làm việc xong, ông Mười Cúc giao nhiệm vụ cho người phụ trách giao liên của Xứ uỷ chở ông Kiệt bằng xe Honda đi tham quan Thành phố. Đó là lần đầu tiên ông xuống đến Bến Bạch Đằng, ra Ngã Tư Hàng Xanh, vào Trung tâm Thành phố… Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, ông Kiệt được ăn món thịt bê non thui còn tươi rói, chấm với nước tương gừng dậy mùi ở phố thợ mộc, nơi cư ngụ của những bà con người Bắc. Món bê thui do ông Nguyễn Văn Linh, người 30 năm sau đó trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt nam, đãi. Mấy năm sau, ông Kiệt được điều về làm Bí thư Khu uỷ Sài Gòn thay ông Mười Cúc. Từ Củ Chi, ông đi thẳng vô Thành bằng một chuyến xe du lịch sang trọng, do ông Sáu Hoa lái, chạy theo đường công khai. Lần đó, ông Kiệt ở lại Sài Gòn ba tháng, đóng vai thơ ký cho nhà thầu khoán Sáu Hoa. Ngày 30-4-1975 ông có mặt ở Sài Gòn, và sau đó, trở thành người lãnh đạo cao nhất của một Thành Phố, kể từ đó, mang tên Hồ Chí Minh; một thành phố, kể từ đó lưu lại không ít dấu ấn Võ Văn Kiệt; một thành phố, kể từ đó, trải qua những năm tháng đầy biến động, được ghi sâu trong ký ức của mỗi con người.

===


"Anh Sáu Dân"
Sáng 24-5, Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhập viện để rồi đi mãi. Buổi làm việc chiều 23- 5, giờ đây, đã là “buổi làm việc cuối cùng” của ông. Hôm ấy, trong cơn mưa không dứt, ông say sưa nói về vai trò của người trí thức trước những vấn đề của đất nước. Những ai đã từng biết đến Võ Văn Kiệt, người chứng kiến một đội ngũ trí thức trước năm 1975 hăm hở ở lại Sài Gòn để rồi, sau đó, lặng lẽ rời bỏ Sài Gòn. Mới hiểu, vì sao ông có thể để lại dấu ấn sâu đậm và được các bậc trí thức quý trọng.
“Để Tôi Đưa Anh Đi, Đừng Vượt Biên Nguy Hiểm”
Năm 80, trong khi GS Chu Phạm Ngọc Sơn đang đi công tác ở Liên Xô, một người con của ông “vượt biên” không thành. Phải sống ở Sài Gòn thời ấy mới cảm nhận được sự dữ dội của hai từ ấy, “vượt biên”. Trở lại Sài Gòn, ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Để cháu đi như vậy, có gì, tôi với anh có tội”. Vợ GS Chu Phạm Ngọc Sơn là một dược sỹ, đang làm ở một bệnh viện lớn, “giải phóng” vô, bà được xếp vào thành phần “bóc lột”, bị thay thế bởi một người yếu kém về chuyên môn. Con gái ông, sau này trở thành một bác sỹ giỏi ở Mỹ, những năm ấy, thi vô dự bị y khoa không đậu. Cho dù ông vẫn quyết tâm gắn bó với chế độ mới, lòng tin của vợ con ông vơi dần.
Biết chuyện, Ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng qua lại, trò chuyện với gia đình giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, nhưng ông nhận ra mình bất lực. Ông Kiệt nói với giáo sư Sơn: “Thôi, anh cứ để cho cô ấy và mấy cháu đi, đi chính thức. Bên đó, có điều kiện cho các cháu học hành. Sau này, nếu các cháu trở về thì tốt, nếu không, tôi với anh cũng được làm tròn bổn phận”.
Cũng trong những năm ấy, ông Kiệt cho gọi Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Huỳnh Kim Báu lên, dặn: “Anh nghe ngóng, anh em trí thức lỡ ‘đi’, nếu có bị bắt ở đâu, anh phải lãnh về”. Ông Huỳnh Kim Báu nhớ lại: “Một lần, nhận được tin công an Bình Thuận bắt giam kỹ sư Dương Tấn Tước về tội ‘vượt biên’, ông Kiệt cấp giấy cho tôi, ra Bình Thuận ‘di án’ về TP HCM thụ lý”. Ông Báu kể, khi bước vô trại giam, anh Tước thấy tôi, mừng quá định kêu lên, tôi phải giả vờ làm mặt lạnh, bước tới, còng tay anh Tước. Dọc đường, tôi cứ phải làm thinh mặc cho kỹ sư Dương Tấn Tước ngơ ngác. Qua khỏi Bình Thuận, tôi mới mở còng và giải thích: “Công an Bình Thuận mà biết, người ta chụp đầu cả tôi”.
Đích thân ông Kiệt nhiều lần đến các trại giam để bảo lãnh các trí thức. Theo ông Phạm Văn Hùng và Nguyễn Văn Huấn, hai người giúp việc thân cận thời đó của ông, hình thức “xử lý” đối với những trí thức vượt biên của “Anh Sáu Dân” là kêu tụi tôi đích thân đi làm lại hộ khẩu và sổ gạo cho họ. Một trong những trí thức mà ông Kiệt rất quý trọng là kỹ sư ngành dệt Phạm Văn Hai. Khi ông Hai vượt biên bị bắt, ông Kiệt vào trại giam, nói: “Khi nào không ở lại được nữa hãy nói với tôi, anh đừng đi như thế, nguy hiểm lắm”.
Nước Đâu Phải Là Chuyện Của Trí Thức”
Ông Võ Văn Kiệt nhiều lần tâm sự, ông hiểu, phần lớn những trí thức chọn ở lại sau ngày 30-4 không phải vì họ bị “kẹt”. Ông biết nhiều người có trong tay cả một chiếc máy bay đã cất cánh nhưng không thể nào rời bỏ Việt Nam được. Nhiều người, như giáo sư Châu Tâm Luân, đã từng là một “kẻ chống đối” trong chế độ cũ. Kết thúc chiến tranh là một cơ hội mà phần lớn người dân miền Nam lúc ấy hy vọng sẽ nhanh chóng thống nhất được lòng người để xây dựng một đất nước ấm no hạnh phúc. Nhưng, ông hiểu vì sao chính những người đó về sau đã “vượt biên”.
Ông Đặng Anh Võ, một chuyên gia trong ngành viễn thông, do từng phục vụ trong quân đội, sau 1975, phải đi “học tập” một thời gian. Cũng như nhiều trí thức lúc đó, ông Võ phải làm đủ nghề để kiếm sống. Ông, một người lãnh lương gần 4 cây vàng/tháng hồi trước 1975, kể lại cuộc sống về sau trong tập sách “Những Trang Đời” do Hội Nghiên cứu Dịch thuật xuất bản: 16:30 tan sở; 17:00 đến Trung tâm ngoại ngữ; 21:00 về, ăn qua loa rồi phụ vợ gọt thơm, gọt ổi để sáng còn kịp đi bỏ mối. Nhiều hôm, 21:00 dạy ra, bánh xe bị xẹp, phải dắt bộ 9 km về nhà tự vá để tiết kiệm 3 đồng! Nhưng, sự khốn khó của cuộc sống không phải là tất cả.
Ông Huỳnh Kim Báu kể, năm 1978, khi có nhiều trí thức bỏ nước ra đi, ông Võ Văn Kiệt đã gặp gỡ trí thức Thành phố, kêu gọi họ ở lại. Ông nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Lúc đó, GS Nguyễn Trọng Văn đứng lên trả lời ông: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu 3 năm năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người ra đi không phải là chúng tôi”. Câu nói của GS Nguyễn Trọng Văn gây rúng động. Tối hôm ấy tại văn phòng Thành ủy có một cuộc họp, Huỳnh Kim Báu được mời dự. Các ý kiến phê phán GS Văn hết sức gay gắt, có người đề nghị: “bắt”. Ông Báu kể, Sáu Dân làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu. Cuối cùng, ông nói: “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu 3 năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”. Kết luận của “Sáu Dân” khiến cho mọi người im lặng và nhờ kết luận đó, GS Nguyễn Trọng Văn đã không bị bắt.
Năm 1977, một lần, hệ thống nước máy của Thành phố bị đục, ông Võ Văn Kiệt mời các nhà trí thức tới hiến kế. Nhiều người phát biểu, riêng ông Phạm Bửu Tâm ngồi im. Ông Kiệt hỏi: “Sao vậy anh Tâm?” Ông Phạm Bửu Tâm là một nhà giáo dục rất được kính trọng. Ông Tâm cũng rất quý ông Kiệt nhưng có lẽ là đã dồn nén lâu lắm, ông đứng dậy, nói: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khỏe, vì cái gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải chuyện tụi tui”.
Những câu nói như vậy không làm cho ông Võ Văn Kiệt, lúc đó đang nắm “quyền sinh quyền sát” tại Thành phố, để bụng. Ông nhận thấy ở đấy sự đau đớn của giới trí thức. Ông biết, những người như kỹ sư Phạm Văn Hai không chỉ tiếc những tài sản bị “cải tạo”, mà còn không chịu được khi nhìn những nhà máy, khi “rơi vào tay cộng sản”, bị quản lý cẩu thả, chất lượng sản phẩm xuống cấp. Những người như GS Châu Tâm Luân, Dương Kích Nhưỡng thì xót xa về một vấn đề khác lớn hơn. Ông Kiệt kể: Anh Dương Kích Nhưỡng nói với tôi, “Ý của các anh rất tốt nhưng các anh không làm được”. Tôi hỏi vì sao, anh Nhưỡng nói, “Đất nước phải được quản lý theo luật chứ không thể theo tinh thần nghị quyết”. Cho tới hàng chục năm sau, khi nhớ lại thời điểm này, ông Kiệt nói: “Đau lắm, để họ ra đi là đau lắm! Nhưng, mình biết, cái cách của mình lúc ấy không thể nào giữ được họ”.
Khát Khao Tri Thức
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Ông Võ Văn Kiệt chưa bao giờ được đến trường một cách chính thức. Từ năm lên sáu, lên bảy tuổi, ông Kiệt, khi ấy có tên là Phan Văn Hòa, Chín Hòa, thường theo cha nuôi lênh đênh đi gặt mướn cho các điền chủ dọc sông Tiền, sông Hậu. Công việc của Chín Hòa là giữ ghe hoặc “mót” lúa. Năm tám tuổi, Chín Hòa mới được đi học. Lớp học do những gia đình trung nông, địa chủ, sau ngày mùa, cất trại, rước thầy về dạy, nên tiền học chỉ phải trả “rất nhẹ”. Ông Hai Mẹo, một trong hai người thầy “dạy mùa” của Chín Hòa, kể: “Năm 1932, lấy được cái certificat, tôi về Đình, ông chú thấy tôi có chữ, kêu tôi dạy cho trẻ con lối xóm. Chín Hoà, thông minh và ăn nói lễ độ lắm. Nhưng dạy được hai năm thì tôi cũng hết chữ, rồi thôi”. Lớp học thứ hai của ông là do những người truyền giáo tới ấp Bình Phụng, quê ông, mở. Ông học ở ngôi trường này khoảng một năm. Tuy nhiên con đường tìm kiếm tri thức của ông Võ Văn Kiệt không dừng lại ở đấy.
Khi tham gia cách mạng, được dự những cuộc họp của Uỷ Ban Kháng chiến Nam Bộ, nghe những bậc trí thức như Nguyễn Văn Hưởng, Ung Văn Khiêm, Phạm Ngọc Thuần…. nói, ông Võ Văn Kiệt thấy có một khoảng cách rất rõ giữa mình và những bậc trí thức đó. Ngay từ trong kháng chiến ông đã miệt mài đọc sách và học hỏi từ những bậc trí thức, cho dù có nhiều người chỉ là cấp dưới của ông.
Sau ngày 30-4-1975, ông không mang nguyên cái “thế” của một nhà lãnh đạo kháng chiến xuất sắc từ trong rừng trở về. Ông không ngần ngại học hỏi từ những người trí thức Sài Gòn cũ. Trong đó có những người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài gòn như tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo, tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh… Ông nhìn thấy ở họ phẩm chất của những người yêu nước và rất tự trọng. Hồi đó, một vị lãnh đạo thấy ông gần gũi với những quan chức cao cấp của chế độ cũ, muốn giữ cho ông, ra lệnh: “Đó là CIA đấy”. Ông trả lời: “Lúc nào anh đủ bằng chứng họ là CIA hãy đưa tôi, chính tôi sẽ bắt họ”. Những kiến thức về kinh tế thị trường của các ông như Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Xuân Oánh, những người đã từng là phó thủ tướng trong chế độ Sài Gòn, và của nhiều bậc trí thức Sài Gòn khác, mà ông có dịp tiếp cận rất sớm, tuy ngay lúc đó chưa dùng được nhưng về sau đã rất hữu ích với ông.
Năm 1989, khi ông đang là Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng, được giao chủ trì công tác cải cách hệ thống ngân hàng, ông Kiệt đã thiết lập một nhóm chuyên gia bao gồm cả những người đã từng hoạt động trong hệ thống ngân hàng Sài Gòn. Hai “tác giả” chính của Pháp lệnh Ngân hàng thời đó chính là hai chuyên gia được ông mời từ Sài Gòn ra: ông Huỳnh Bửu Sơn và ông Lâm Võ Hoàng.
Năm 1990, khi đại diện Việt Nam lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, ông kể: “Tôi không yên tâm với bài phát biểu do anh em văn phòng chuẩn bị. Anh em giỏi nhưng hiểu biết về phương Tây chưa nhiều”. Ông đã không ngần ngại đưa bài phát biểu của mình vào Sài Gòn nhờ tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh đọc lại. Đồng thời, ông cho bà Tôn Nữ Thị Ninh liên hệ mời tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo lúc này đang ở nước ngoài bay đến Davos. Như vậy, trong chuyến đi tới phương Tây lần đầu tiên ấy, ông có không chỉ là một người bạn mà còn là một “cố vấn” ở bên. Trước chuyến đi, ông cũng nhờ bà Tôn Nữ Thị Ninh tư vấn về trang phục. Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới và Thế giới bắt đầu nhìn thấy một nhà lãnh đạo “cộng sản”, từ trong cách ăn mặc, phát biểu, hết sức thân thiện và không có nhiều khác biệt với thế giới bên ngoài.
Sự Trân Trọng Chân Thành
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo kể, cách đối xử của ông Võ Văn Kiệt gần như khác hẳn với nhiều nhà lãnh đạo Thành phố lúc đó. Ông nhớ, những năm sau 1975, ông ở lại nhưng rồi không được sử dụng, đôi khi cả ngày không có việc gì làm. Nhưng, khi nghe một vị lãnh đạo điện thoại bảo: “8 giờ sáng nay mời anh lên tôi gặp”, ông đã trả lời: “8 giờ tôi bận”. Ông Kiệt không bao giờ cư xử như vậy. Cho dù đang ở vị trí đầy quyền lực và lớn tuổi hơn, khi nào ông Kiệt cũng gọi tiến sỹ Nguyễn Văn Hảo bằng “ông”. Những khi muốn gặp ông thường trực tiếp nói chuyện điện thoại và bao giờ cũng hỏi trước: “ông tiến sỹ rảnh vào lúc nào?”
Một lần, ông Kiệt mời kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng ông đi Angierie. Trên chuyến bay của hãng hàng không Air France, ông được xếp ở khoang hạng nhất còn KTS Ngô Viết Thụ, do sơ suất chỉ được mua vé ngồi ở phía sau. Ông muốn mời KTS Ngô Viết Thụ lên ngồi cùng nhưng không được. Ông “xin” phi hành đoàn cho được xuống hạng economy để ngồi với ông Thụ, thế là phi hành đoàn đã đồng ý để ông mời KTS Ngô Viết Thụ lên. Trong một chuyến đi khác cùng với KTS Ngô Viết Thụ ra Hạ Long, khi ông Thụ xúc động trước cảnh đẹp thần tiên, đích thân ông Kiệt đã lấy giấy và tự tay mài mực cho ông Ngô Viết Thụ vẽ.
Là một nhà lãnh đạo hết sức quyết đoán nhưng đồng thời, ông Võ Văn Kiệt cũng là người hết sức thận trọng, ông thường lắng nghe rất nhiều ý kiến khác nhau trước khi ban hành các quyết định của mình. Ông nói: “Kinh nghiệm của một nhà lãnh đạo là phải nghe rất kỹ ý kiến chuyên gia và đặc biệt, đã nghe chuyên gia thì phải nghe trực tiếp chứ không bao giờ nên nghe thông qua những người giúp việc”.
Cho đến những năm cuối đời, ông vẫn đọc rất nhiều, đọc cả những ý kiến chỉ trích ông gay gắt. Nhiều lần ông dặn những người giúp việc, nếu như những người chỉ trích ông về nước, hãy mời họ tới gặp ông. Ông trân trọng và muốn trao đổi sâu thêm về những khác biệt, với họ.
Bằng sự trân trọng tri thức và các bậc trí thức một cách chân thành. Ông tìm thấy ở họ, không ngừng, những điều mới mẻ. Và đặc biệt ông kiến tạo được rất nhiều mối quan hệ bè bạn với các nhà trí thức. Đó là lý do mà người ta có thể tìm thấy ở ông không chỉ là uy lực mà còn là sự thông tuệ. Và đặc biệt, ông có được từ những người đã gặp và làm việc, không chỉ là sự kính trọng mà còn là sự thân thiện. Sự thân thiện của một con người vẫn thường được gọi: “Anh Sáu Dân”.


Huy Đức








MYANMAR - LÀ NHƯỢC TIỂU NHƯNG KHÔNG LÀM CHƯ HẦU!






MYANMAR - LÀ NHƯỢC TIỂU NHƯNG KHÔNG LÀM CHƯ HẦU!

Manh Kim



Ai đã mở cửa để đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama vào Myanmar trong chuyến công du lịch sử ngày 19-11-2012? Ai mở đường đưa Myanmar đến cuộc bầu cử dân chủ tự do đầu tiên sau 25 năm vào 3 năm sau, ngày 8-11-2015? Ý chí lãnh đạo là điều không thể phủ nhận nhưng điều quan trọng nhất khiến Myanmar chọn con đường dân chủ chính là ý chí thoát Trung!
Điều gì đã khiến Myanmar thay đổi tư duy đối ngoại khi can đảm quyết định tách khỏi quỹ đạo tưởng chừng bất di dịch với Trung Quốc để ngả theo trục phương Tây? Chính là sự tái nhận thức sáng suốt về quyền lợi và chủ quyền quốc gia. Hơn nửa thế kỷ được “bảo kê” bởi Bắc Kinh, Myanmar đã ngậm đắng nuốt cay chịu nhiều thiệt thòi. Trung Quốc ngày càng gây sức ép thao túng kinh tế và vơ vét tài nguyên Myanmar, từ dầu khí, đồng, gỗ teak, đá quí đến sản vật nông nghiệp... Họ mua vô số đất đai để làm nông trại nhưng thuê mướn nhân công từ Trung Quốc. Nói cách khác, đất Myanmar dần được “chuyển quyền sở hữu” sang người Trung Quốc. Dân Trung Quốc tràn xuống cố đô Mandalay (thành phố lớn thứ hai Myanmar) nhiều đến mức cư dân địa phương có câu nói đùa rằng “Chỉ cần dân Tàu khạc nước dãi thì cũng đủ ngập để cho người Mandalay bơi rồi!”.
Trung Quốc đổ rất nhiều tiền với vô số dự án đầu tư vào Myanmar. Tháng 9-2010, Bắc Kinh tuyên bố cho vay 4,2 tỉ USD với lãi suất zero trong 30 năm để “giúp” Myanmar xây đập, đường xá, hỏa xa và phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, “chơi” với Bắc Kinh, Naypyidaw chỉ nhìn thấy thiệt. Họ thấy rõ thủ đoạn “thả con tép bắt con tôm” của Trung Quốc. Tháng 3-2010, tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc) cho biết mậu dịch song phương hai nước đạt 2,9 tỉ USD vào năm 2009, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và từ (gần bằng) zero vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, cái gọi là “song phương” thực chất hầu như chỉ là một chiều: năm 2009, xuất khẩu Trung Quốc sang Myanmar đạt 2,3 tỉ USD nhưng xuất khẩu ở chiều ngược lại chỉ vỏn vẹn 646 triệu USD (Asia Times 19-10-2011)...
Nói thêm một chút về địa chính trị. Là nước lớn thứ hai Đông Nam Á với 1/3 (trong tổng chu vi 1.930 km) hình thành nên một bờ biển liên tục chạy dọc vịnh Bengal và biển Andaman, Myanmar đóng vai trò như một ngã tư chiến lược, về biển lẫn đất liền, tạo thành một điểm kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nắm được Myanmar là nắm được một ưu thế địa chính trị quan trọng. Trung Quốc đã nhìn thấy tầm chiến lược địa chính trị Myanmar, nơi có biên giới tiếp giáp với họ dài đến 2.000 km, từ rất lâu. Suốt thập niên 1960 rồi 1970, Trung Quốc luôn phủ bóng lên lịch sử Myanmar.
Đầu thập niên 1991, Trung Quốc thậm chí đưa cố vấn quân sự sang nước này. Từ ảnh hưởng chính trị, họ bắt đầu tạo ảnh hưởng kinh tế. Như bài viết trên Asia Times (19-10-2011) của Bertil Lintner (nguyên phóng viên Far Eastern Economic Review, tác giả một số quyển sách về Myanmar), từ thập niên 1980, Trung Quốc đã có ý định xây con đập Myitsone. Điều này đã thể hiện trong một bài viết mang tựa “Mở rộng về phía Tây Nam – ý kiến một chuyên gia”, đăng trên tờ Beijing Review số tháng 9-1985. Bài viết này đề cập khả năng tìm một lối ra cho con đường mậu dịch đối với các tỉnh Nam Trung Quốc (Vân Nam, Tứ Xuyên) vốn bị “khóa” cô lập trong đất liền bởi yếu tố địa lý, bằng cách khai thông ngả Myanmar để ra Ấn Độ Dương. Bài viết cũng nhắc đến việc xây các tuyến hỏa xa Myitkyina và Lashio ở Đông Bắc cũng như sông Irrawaddy để làm tuyến vận chuyển cho hàng xuất khẩu Trung Quốc. Đến thập niên 1990, Myanmar đã gần như trở thành một tỉnh của Trung Quốc, khi được Bắc Kinh tập trung đầu tư với vô số dự án hạ tầng.
Mục tiêu Bắc Kinh là biến Myanmar thành một bàn đạp vệ tinh, một vùng đệm giúp hỗ trợ phát triển kinh tế cho các tỉnh Tây và Nam Trung Quốc. Nói cách khác, đầu tư hạ tầng cho Myanmar là đầu tư cho tương lai phát triển cho chính khu vực phía Nam và Tây Trung Quốc, để không chỉ có thể giúp các tỉnh này san bằng khoảng cách thu nhập với các tỉnh giàu có phía Đông của họ mà còn tạo nên ưu thế cạnh tranh kinh tế với láng giềng Ấn Độ. Đó là một phần của “chính sách hai đại dương” mà giới chính trị học thuật Trung Quốc cổ súy (phải làm chủ cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương). Thế là loạt dự án hạ tầng bắt đầu hình thành, từ một xa lộ dẫn đến một hải cảng mới toanh trị giá nhiều triệu đôla, phục vụ việc xuất khẩu hàng sản xuất ở các tỉnh phía Tây và Nam Trung Quốc; đến một tuyến ống dẫn hơn 1.600 km đưa dầu Trung Đông và châu Phi đến các nhà máy lọc ở Vân Nam; đến một tuyến ống dẫn nữa đưa khí đốt Myanmar đến thắp sáng cho Côn Minh và Trùng Khánh; đến hơn 20 tỉ USD đầu tư cho một tuyến hỏa xa cao tốc giúp việc đi lại xưa kia mất hàng tháng nay có thể chỉ còn không đến một ngày; rồi đến năm 2016, sẽ có một hệ thống đường sắt đi suốt từ Yangon đến Bắc Kinh hoặc thậm chí tới Delhi rồi từ đó sang châu Âu…
Quan trọng hơn cả là việc sử dụng Myanmar làm trạm trung chuyển dầu hỏa từ Trung Đông và châu Phi vào sâu trong nội địa Trung Quốc, giúp né được “cửa ải” Malacca. Do lệ thuộc tuyệt đối nguồn dầu nước ngoài với 80% dầu nhập được đưa về ngang Malacca, một trong những eo biển nhộn nhịp nhất thế giới mà nơi hẹp nhất chỉ rộng 2,7 km, Trung Quốc rất lo sợ một khi xảy ra xung đột, Malacca có thể bị đóng cửa và nguồn cung ứng dầu bị ách tắc. Cho nên, bằng mọi cách phải thiết lập được tuyến ống dẫn ngang Myanmar.
Một cách tổng quát, trước khi xảy ra cú bắn pháo hiệu của Tổng thống Thein Sein vào tháng 9-2011 (về việc tạm ngưng xây đập Myitsone), hay nói chính xác hơn là trước khi Naypyidaw thay đổi quan điểm đối ngoại, Myanmar là sân sau của Bắc Kinh, là đất nhà của hàng chục ngàn di dân Trung Quốc, là thị trường chuyên tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc, là nơi giới doanh nghiệp Trung Quốc mặc sức tác oai tác quái. Nếu nói không quá thì sinh mạng kinh tế Myanmar gần như hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.
Một sự nhìn nhận lại vai trò và ảnh hưởng Trung Quốc đã âm thầm diễn ra. Năm 2004, theo bài viết của Bertil Lintner trên YaleGlobal (5-11-2012), trung tá Aung Kyaw Hla – nhà nghiên cứu thuộc Học viện quốc phòng Myanmar – bắt đầu thực hiện một khảo sát chi tiết. Bản báo cáo tuyệt mật dày 346 trang này, với tựa “Một nghiên cứu về quan hệ Myanmar-Hoa Kỳ”, đã phác họa những chính sách bắt đầu được áp dụng nhằm có thể cải thiện quan hệ với Washington đồng thời giảm lệ thuộc Bắc Kinh. Nội dung báo cáo nói rằng, việc xem Trung Quốc là một đồng minh ngoại giao và nhà bảo trợ kinh tế đã tạo ra một “tình huống khẩn cấp” đe dọa sự độc lập quốc gia. Báo cáo viết rằng, chỉ bằng cách cải thiện quan hệ với Mỹ, Myanmar mới có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, giúp đất nước lần hồi thoát khỏi “chủ nghĩa khu vực”, nơi họ phải lệ thuộc vào ý chí và quan hệ với những láng giềng trực tiếp trong đó có Trung Quốc, để “bước vào một kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa”…
Có thể tóm gọn lý do khiến Myanmar từ bỏ “hũ mật Trung Quốc” để uống “chén đắng phương Tây” - nếu nhìn ở góc độ thường được xem là “an toàn chính trị” đối với một chế độ – qua một nhận định của Nay Zin Latt, cố vấn chính trị của Tổng thống Thein Sein: “Trước đây, muốn hay không, chúng tôi phải chấp nhận tất cả những gì mà Trung Quốc đề nghị. (Bây giờ), khi lệnh cấm vận được (phương Tây) tháo dỡ, điều đó sẽ tốt hơn cho mọi người ở Myanmar”. Nói cách khác, Myanmar hiểu rằng, chỉ với thiện chí thật sự cải tổ theo đường hướng có lợi dân tộc, họ không chỉ có thể tự cởi trói và thoát được “án” cấm vận mà nhờ đó còn hạn chế lệ thuộc Trung Quốc, về lâu dài.
Ý nghĩa lớn nhất trong câu chuyện dân chủ của Myanmar là vấn đề địa chính trị không phải là rào cản lớn nhất để lấy đó làm cái cớ biện dẫn cho sự cúi đầu làm chư hầu. Chỉ 19 năm sau khi lập quốc từ bàn tay không với một nhúm người tha phương từ khắp nơi thế giới quần tụ lại, không có gì trừ ý chí dân tộc mãnh liệt, Israel đã kiên cường chống chỏi sự vây bủa khốc liệt và chiến thắng trước những con hổ dữ Arab trong cuộc chiến 7 ngày. Và đến nay, Israel vẫn luôn bị đe dọa và vẫn tiếp tục lớn mạnh hơn trong sự đe dọa thường trực đó, bất luận yếu tố lịch sử lẫn yếu tố địa lý vô cùng phức tạp, bởi còn xen lẫn bởi yếu tố tôn giáo. Đừng lấy cái gọi là “lời nguyền địa lý” và “lời nguyền lịch sử” để tự gánh lên vai cái lối ngụy biện hàm hồ về việc “chúng ta không còn con đường nào khác là phải chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc!”. Đó là cái não trạng mặc cảm khiếp nhược của những kẻ hèn hạ, bao biện cho tư duy chính trị của những kẻ bán nước hèn hạ bội lần. Làm thế nào có thể thoát Trung khi còn có kiểu suy nghĩ tăm tối như vậy? Làm thế nào có thể thoát Trung khi mà vẫn không chấp nhận một nền chính trị dân chủ như Myanmar hay Philippines, để người dân có thể bày tỏ ý nguyện thoát Trung và nhìn thấy được kết quả từ ý chí thoát Trung đồng nhất của dân tộc thông qua lá phiếu?
……….
Một phần bài viết này trích từ hồ sơ hai kỳ khoảng 5.000 từ đã đăng vào năm 2012 dưới bút danh “Nguyễn Cao Trí” (tên của con trai tôi).



......./.