Nghề ăn cắp của người Việt ở Đức



Nghề ăn cắp của người Việt ở Đức


http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/nghe-an-cap-cua-nguoi-viet-o-duc.html#.VbiHP9Wxsvw.facebook



PHẠM THỊ HOÀI

****


Có lần tôi đi một phiên tòa xử nhanh hai thanh niên Việt Nam ăn trộm trong cửa hàng. Một chàng diện Nike Air Max chói chang Một chàng quần bò Dolce Gabbana rất xước. Cả hai đều mới sang Đức hai tuần trước, đơn xin tị nạn còn chưa nộp. Họ ăn trộm phụ kiện, nước hoa và mỹ phẩm trị giá gần 1000 Euro, trong một cửa hàng mà họ hiển nhiên là những vật thể lạ.
Xã hội tư bản tân tiến một thế kỷ rưỡi sau Marx đã xóa đi nhiều ranh giới giữa các giai cấp đối kháng, song lại mở rộng khoảng cách giữa các đẳng cấp. Hai thanh niên Nghệ An này chỉ cần đặt một nửa bàn chân vào cửa hàng đó là toàn hộ hệ thống báo động của nó đã đỏ rực. Hình phạt cho mỗi chàng là một cuối tuần quản thúc, tức chiều tối thứ Sáu khăn gói đến Nhà Quản thúc Thanh thiếu niên ở, chiều tối Chủ nhật được về. Đại diện tư pháp cho thanh thiếu niên cằn nhằn rằng thế hơi nặng, phạt lao động công ích là đủ rồi. Công tố viên nhún vai. Thẩm phán thở dài, biết rằng sớm muộn cũng gặp lại họ, nhiều phần sớm hơn phần muộn.

Người Việt ở Đức hoàn toàn vắng mặt trong những tội phạm cỡ lớn như khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia; rất khiêm tốn trong những tội phạm tài chính và công nghệ cao; khá thứ yếu trong những lĩnh vực như ma túy, mại dâm...; quả thật không thể sánh vai các bạn thuộc khối Đông Âu cũ do Nga dẫn đầu; nhưng lừng danh trước hết với mafia thuốc lá lậu và ngay sau đó có thứ hạng đáng kể là những người ăn trộm, có lẽ chỉ đứng sau Rumani.
Trong ba năm gần đây, mỗi năm cộng đồng 84.000 người Việt ở Đức phạm khoảng 5000 vụ hình sự, trong đó trên dưới 1000 vụ là tội ăn cắp.
Để so sánh: cộng đồng Trung Quốc 110.000 người, mỗi năm trên dưới 200 vụ ăn cắp.
Trừ tranh tượng nghệ thuật và bí mật công nghệ, nói chung không có thứ gì mà người Việt ở đây không thể và không nỡ ăn cắp, từ mèo nhà hàng xóm, xe nôi, xe đạp, hộ chiếu, thẻ tín dụng, điện, nước, biển số, đến nhân thân, vịt trời...; làm nấm ăn cắp nấm, làm xúc xích ăn cắp xúc xích, làm quán ăn cắp tất cả những gì không còn nguyên niêm phong; song phổ biến nhất là ăn cắp trong cửa hàng.
Có thời, đồ ăn cắp được bày ngang nhiên ở nhiều góc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, khu chợ Việt Nam nổi tiếng tại quận Lichtenberg. Đồng bào xúm xít mua đồ tốt giá rẻ, từ hộp thuốc đánh răng, kem dưỡng da, rượu, cà-phê đến túi xách, áo da, quần bò hàng hiệu. Sự nghiệp bán thuốc lá lậu đã góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ở miền Đông nước Đức trong 25 năm qua, song thời hoàng kim của nó đã là dĩ vãng, trong khi ăn cắp thì tương lai còn khá vững bền.



Người Việt bán thuốc lá lậu tại Đức - NGUỒN: SPIEGEL TV


Ta hãy nhớ lại: Ngày 10/5/1996, cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường thuốc lá lậu ở Berlin giữa các băng đảng Việt Nam - mở màn ngày 6/12/1992 với một xác người Việt ở một bãi đậu xe tại quận Marzahn, Đông Berlin - đạt tới đỉnh cao ghê rợn: sáu người Việt bị hành hình trong một căn hộ chung cư cũng ở quận Marzahn, tất cả tay đều bị trói, mỗi người lĩnh chính xác hai viên đạn của băng Ngọc Thiện bắn vào đầu. Bốn ngày sau, để "tháng Năm đẫm máu" đi vào lịch sử tội phạm của thành phố này, băng Quảng Bình "bị hại" đáp lễ bằng ba xác người Việt vứt ở đường tàu quận Lichtenberg.


Một người Việt bị giết trong các cuộc thanh trừng của mafia thuốc lá - NGUỒN: SPIEGEL TV MAGAZIN




Mafia Việt Nam một thuở, nghe thì kinh, đếm xác nạn nhân càng kinh, song diện mạo thật thì thô sơ đến bất ngờ. Một số lính, được trìu mến hay trọng thị hay e sợ hay tất cả trộn lại – chỉ trừ không giễu nhại - gọi là "bộ đội", quân chủ lực của băng Quảng Bình, sa vào tay cảnh sát Berlin không phải như trong phim hình sự, sau những pha săn lùng, đột nhập nghẹt thở. Mà đơn giản là ngớ ngẩn.
Sau một phiên tòa xử tội ăn trộm một chiếc sơ-mi, một bộ đồ tắm và một chiếc quần short trị giá gần 500 DM trong cửa hàng xa xỉ KaDeWe, bị cáo là một phụ nữ Việt nhất định không chịu rời khỏi phòng xét xử. Cô run rẩy bảo, "bộ đội" đang chờ trước cửa tòa án, "bộ đội" sẽ bắt cóc cô để tra khảo, dù cô không khai gì trước tòa. Một trong những "bộ đội" ấy, súng giắt cạp quần ngẩn ngơ, gần như lao thẳng vào tay cảnh sát, và ngay trong ngày hôm ấy sào huyệt của Quảng Bình bị lật tung, một trong hai khẩu Kalashnikov thu được ở đó chính là vũ khí đoạt mạng ba người ở đường tàu. Vài hôm sau, một trong những "bộ đội" đang bị truy nã cũng dính lưới, không phải trong khi chôn sống một ai đó ngoài rừng, mà trong khi ăn trộm tại một cửa hàng ở quận Lichtenberg.
Ăn cắp vậy là đã góp phần thanh toán mafia thuốc lá, chuyện của người Việt thường trớ trêu như thế. Không bao giờ nghề buôn lậu thuốc lá của người Việt ở đây còn đạt tới quy mô huy hoàng của những năm chín mươi đó nữa.
Đức không còn là điểm đến hấp dẫn nhất.
Chính ở thời điểm đó, Anh quốc nổi lên, với lợi nhuận kếch xù từ nghề trồng cỏ. Người Việt nghèo nhưng nhiều tham vọng. Họ muốn giàu, nhưng phải là giàu một cục, thật nhanh, thật xổi. Chắt chiu những đồng tiền lẻ để khấm khá dần lên từng đời như người Tàu ở nước ngoài thì chẳng bõ.




Tháng Ba năm nay, một phụ nữ Việt Nam vừa bị kết án hai năm sáu tháng tù vì tội bán đồ ăn cắp tổng trị giá 136.000 Euro trong cửa hàng châu Á này - NGUỒN: MORGENPOST SACHSEN



Tuy một bước đổi đời bằng nghề cầm nhầm thì khó, song ăn trộm ở đây một ngày vẫn hơn đi cày ở nhà cả tháng. Và khác xa huyền thoại, đồng bào tôi – nhất là thế hệ hai chàng Nike và Dolce Gabbana – còn thiếu cần cù hơn cả thiếu kiên nhẫn.
Ăn trộm là nghề nhàn, dạo phố, tia hàng, đi làm như đi chơi mà thu nhập không thua đứng đường bán thuốc lá từ sáng sớm đến tối mịt, tức mỗi tháng trên dưới một ngàn Euro, chưa kể tiền nhà, tiền bảo hiểm y tế và khoảng 350 Euro trợ cấp tị nạn, tất cả do nhà nước trả. Môi trường lại vô tận, nhân loại còn thì siêu thị còn, siêu thị còn thì người Việt còn. Và gần như không mất vốn. Một cái kìm cắt tem từ. Một cái túi lót lớp giấy bạc để tránh báo động khi qua cổng từ, gần đây người Việt giàu sáng kiến còn khâu luôn lớp giấy bạc vào mặt trong áo khoác. Và không cần qua đào tạo. Hôm trước theo đàn anh đàn chị đi tia, hôm sau tự mình đã ngon lành khánh thành công ty một thành viên hai ngón. Và ít mạo hiểm. Khung hình phạt cao nhất là năm năm, nhưng có ăn cắp cả Nữ thần Chiến thắng lẫn bốn con ngựa trên cổng thành Brandenburger Tor cũng chưa chắc được tuyên bản án ấy.
Xã hội càng yên thì luật pháp càng hiền.
Trong thực tế, không mấy người Việt phải ngồi nhiều hơn vài ba tháng. Phần lớn chỉ phạt tiền, mỗi tháng trả dần vài ba chục, án tù thường chuyển thành chế độ hưởng án treo. Thanh thiếu niên chưa tròn hai mốt tuổi thường chỉ bị cảnh cáo, phạt lao động công ích, tức dọn dẹp lau chùi ngay trong trại, hay quản thúc cuối tuần. Có lần tôi suýt phì cười vì bản án dành cho một thanh niên Việt Nam ăn cắp 17 gói cà-phê: bắt về trại đi học tiếng Đức!
Thế là hôm ấy khi ra cửa, tôi bảo, hai cháu chịu khó đi học tiếng Đức nhé, đừng ăn trộm nữa.
Chàng Dolce Gabbana đáp, bọn phát-xít, nó xử oan, cháu có cầm đồ đâu.
Cầm đồ ở đây không phải là cầm đồ mà là cầm đồ. Tôi đã tưởng mình khá thông thạo ngôn ngữ của đồng bào ở Berlin, song có lần hỏi một chị làm nghề gì và nghe câu trả lời, em nhặt tay nhặt chân, tôi vẫn hơi sững sờ. Ám ảnh của chiến tranh mấy chục năm trước vụt hiện về: đó là một buổi sáng, từ hầm trú ẩn nơi sơ tán chui lên, đứa trẻ khi ấy là tôi cùng người lớn và những đứa trẻ khác lặng lẽ đi nhặt những mẩu chân tay vô danh, có cái là nguyên một tảng ở khúc hông và bẹn, văng rải rác gần một hố bom mới toanh. Nhưng ở Berlin, người phụ nữ Việt Nam nọ là chủ một tiệm làm móng, việc thường trực là lấy khóe, tỉa da thừa ở móng tay móng chân.
Tôi hỏi, cái gì cầm đồ?
Chàng Nike nhanh nhẹn giải thích, đồ thì cháu cầm, thằng này – hất hàm về phía Dolce Gabbana – chỉ bóc tem thôi. Nhưng cháu đã ra đến cửa đâu. Luật pháp đéo gì, bất công!
Tôi bảo, bóc tem với cầm đồ thì đúng là định ăn trộm rồi, oan với ai nữa.
Dolce Gabbana trừng mắt: Cô bênh bọn Đức lợn hử? Người Việt thì phải giúp người Việt chứ! Cô có phải người Việt không hử?





Vâng, tôi đúng là người Việt, sống ở Đức. Tháng trước, ở TTTM Đồng Xuân, trong lễ hội "40 năm hội nhập và phát triển" của người Việt ở Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân, tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức, thay mặt chính phủ Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của chính phủ và nhân dân Đức, rồi kết thúc bài phát biểu bằng tiếng Đức của mình với lời gửi gắm đến cộng đồng người Việt đang sống ở đây: Đồng bào hãy chứng tỏ lòng biết ơn nước Đức bằng cách tôn trọng luật pháp Đức.
Hóa ra là chuyện ơn huệ.
Vậy việc hai khách du lịch Việt Nam vừa ăn trộm ở Zürich thật không đáng để làm ồn. Họ vừa không có gì mang ơn Thụy Sĩ để phải tôn trọng luật pháp nước này, vừa quá vặt vãnh so với hệ thống công ty hai ngón, chẳng hạn của người Việt ở Đức.

........../.


Úc có thể trở thành một Hy Lạp mới



Úc có thể trở thành một Hy Lạp mới




Thanh Hương



http://www.thesaigontimes.vn/133354/Uc-co-the-tro-thanh-mot-Hy-Lap-moi.html












Sự bùng nổ nhu cầu nguyên liệu đã đem lại may mắn cho nước Úc nhưng đồng thời cũng khiến nước này tăng nợ để đầu tư vào khai thác sản xuất. Nay tốc độ tăng trưởng và nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc giảm, đẩy nước Úc vào giai đoạn khó khăn.
Quặng sắt và nước Úc
Tháng trước, Gina Rinehart, người phụ nữ giàu nhất Úc, người đứng đầu đế chế mỏ Hancock của Perth đã gây sốc cho công nhân của bà ở vùng Tây Úc với tuyên bố: họ phải chấp thuận bị cắt khoảng 10% lương hoặc đối mặt với nguy cơ bị giảm biên chế.
Bà Rinehart, mà gia đình vốn làm giàu từ nguồn lợi khổng lồ từ khai thác quặng sắt, đã chứng kiến tài sản của mình teo tóp lại từ khi giá nguyên liệu thô bắt đầu tuột dốc vào năm ngoái. Tài sản của bà trùm khai thác mỏ nước Úc này ước tính rớt xuống còn khoảng 11 tỉ đô la từ khoảng 30 tỉ đô la chỉ ba năm trước, theo The Telegraph.


Khai thác quặng sắt tại mỏ Pilbara, Úc. Ảnh: BLOOMBERG BUSINESS

Chuyện xảy ra với tài sản của bà Rinehart cũng là tương tự với vấn đề kinh tế mà nước Úc đang phải đối mặt, sau nhiều năm được xem là đất nước may mắn vì giàu tài nguyên, khoáng sản như quặng sắt, than và vàng. Trong những năm bùng nổ phát triển và nhu cầu nguyên liệu, Trung Quốc dường như “mua bao nhiêu cũng không đủ” mọi thứ tài nguyên khoáng sản Úc đào lên khỏi mặt đất, nhất là quặng sắt cho ngành công nghiệp thép của Trung Quốc. Kinh tế của Úc lúc này giống như đất nước dầu mỏ giàu có Ảrập Saudi.
Trong khi phần còn lại của thế giới chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế của Úc, gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc - dường như miễn nhiễm với khủng hoảng, việc làm và thặng dư thương mại vẫn luôn dồi dào.
Tuy nhiên, cũng như kinh tế Ảrập Saudi trở nên dễ tổn thương từ khi giá dầu lao dốc, sự sụt giảm giá than và quặng sắt cùng với tác động của việc đầu tư ồ ạt của các công ty khai thác mỏ quốc tế đang gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế Úc.
Trong tháng 4 vừa qua, thâm hụt thương mại của Úc với phần còn lại của thế giới lên đến 4,14 tỉ đô la Úc. Khoảng cách giữa giá trị xuất và nhập khẩu này ước tính sẽ còn tăng lên do giá các mặt hàng tài nguyên quan trọng nhất của Úc đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm. Quặng sắt nay được bán với giá 45 đô la Mỹ một tấn, so với mức đỉnh 180-190 đô la/tấn năm 2011. Than nhiệt cũng sụt giá thê thảm, nay còn 60 đô la một tấn, so với mức quanh 150 đô la/tấn vào bốn năm trước.
Các nhà kinh tế George Tharenou và Scott Haslem của UBS Australia nói: “Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm từ một phần ba trong tổng giá trị xuất khẩu năm ngoái (7% GDP) xuống còn 28% năm nay, và vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Có nghĩa là GDP của Trung Quốc vẫn là yếu tố “điều khiển” GDP danh nghĩa của Úc trong các năm qua.
Việc tài sản Trung Quốc suy yếu hiện nay đặc biệt ảnh hưởng đến Úc do rổ hàng hóa xuất khẩu của Úc có đến hai phần ba là hàng nguyên liệu thô, mà nhu cầu từ Trung Quốc là yếu tố quyết định lợi nhuận biên (riêng quặng sắt đã chiếm 30% toàn bộ giá trị xuất khẩu của Úc năm 2013, mới đây do giá giảm tỷ trọng này chỉ còn chưa đến 20%). Hiệu ứng giá kéo theo đầu tư giảm mạnh.
Tờ Financial Times tuần trước đưa tin có “cuộc nội chiến quặng sắt” trên mạng xã hội của Úc, với phong trào “quặng sắt của chúng ta” cùng các khẩu hiệu như “gia đình chúng ta, việc làm của chúng ta, tương lai của chúng ta”. Chiến dịch phản đối các chính sách khai thác ồ ạt và cho phép các công ty đa quốc gia đầu tư và khai thác khiến giá quặng sắt sụt giảm. Dĩ nhiên, thị trường và giá không chỉ đơn giản như thế, nhưng rõ ràng giá quặng sắt là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi người dân Úc, nhất là tại các vùng mỏ. Tờ báo ước tính quặng sắt sẽ đóng góp 600 tỉ đô la cho nền kinh tế Úc trong 10 năm tới, nhiều hơn thập niên vừa qua.
Với nền kinh tế mà vào năm 2012 lệ thuộc vào tài nguyên đến 65% tổng giá trị giao thương hàng hóa và dịch vụ, với tình hình hiện nay khó có thể giữ bình ổn mà không gây tổn thất lan rộng. Tỷ lệ thất nghiệp của Úc đang ở mức 6%, mức thất nghiệp rất cao, dù đã cải thiện so với mức 7,6% vào tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 2001. Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) dự báo thất nghiệp vẫn sẽ tăng cao (khoảng 6,5%) vào giữa năm 2016, theo The Guardian.
Trong khi đó, thu ngoại tệ giảm buộc Úc phải vay thêm để bù đắp cho chi tiêu chính phủ và duy trì mức sống lâu nay. Tờ The Telegraph trích lời nhà kinh tế Stephen Koukoulas nhận xét về những nguy cơ của sự gia tăng nợ nước ngoài này, cho rằng nếu giai đoạn giá nguyên liệu sụt giảm vẫn kéo dài, có khả năng Úc sẽ trở thành phiên bản châu Á của Hy Lạp, mà ngân hàng chủ nợ là Trung Quốc.
Ông Koukoulas chỉ ra rằng cuối quí 1 năm nay, nợ nước ngoài của Úc đã đạt 955 tỉ đô la, tương đương 60% GDP nước này. Dù còn xa mới bằng mức nợ 175% GDP của Hy Lạp, nhưng mức nợ của Úc có khả năng còn tiếp tục tăng lên.
Chính quyền Canberra và RBA đã cam đoan là việc giảm giá đồng tiền của nước này có thể bù đắp sự sụt giảm của ngành công nghiệp khai thác mỏ. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra như mong muốn. Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, chỉ có ngành duy nhất tăng trưởng là địa ốc.
Vì sao đô la Úc mất giá?
Theo tờ The Sydney Morning Herald, đô la Úc đã ở mức thấp nhất trong sáu năm trong tuần này, một đô la Úc chỉ đổi được ít hơn 0,75 đô la Mỹ, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Nghĩa là đô la Úc mất thêm 9% giá trị so với đô la Mỹ kể từ giữa tháng 5, và mất 20% trong vòng 12 tháng qua.
Bây giờ, khi Hy Lạp đang trên bờ vực khủng hoảng tài chính, bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ và mối e ngại gia tăng về kinh tế toàn cầu, ít nhà phân tích nghi ngờ chuyện đồng tiền của Úc sẽ còn giảm thêm.
Ngân hàng Quốc gia Úc tuần này đã điều chỉnh dự báo tỷ giá hối đoái đô la Úc cuối năm nay, từ mức 0,74 đô la Mỹ xuống 0,72 đô la Mỹ.
Không chỉ kinh tế Úc là nạn nhân duy nhất, đồng kiwi (của New Zealand) và đô la Canada cũng giảm giá trị trong tuần này khi đô la Mỹ và yen Nhật trở thành nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư.
Giám đốc phụ trách chiến lược ngoại hối của BK Asset Management, Kathy Lien nói: “Các nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng Hy Lạp, cuộc bán tháo tài sản vốn của người Trung Quốc và sự sụt giảm giá nguyên liệu có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng cho kinh tế Úc, New Zealand và Canada”.
Các nước này đều có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Một phần khác là tài nguyên được mua bán bằng đô la Mỹ. Vì thế, nếu 1 đô la Úc chỉ đổi được 0,75 đô la Mỹ lúc giá một tấn quặng sắt là 55,26 đô la Mỹ thứ Sáu tuần trước, tự nhiên sẽ chuyển thành 0,74 đô la Mỹ vào thứ Ba tuần này khi giá quặng sắt rớt xuống còn 49,6 đô la Mỹ/tấn.



Mức tăng trưởng GDP thật của Trung Quốc trong một thập niên vừa qua đang chứng tỏ là

nguồn “điều khiển” mức tăng trưởng GDP danh nghĩa của Úc. Nguồn: ABS, CEIC,


Datastream, UBS

Điều nguy hiểm là các tập đoàn khai thác mỏ ở Úc cũng như ở các nước giàu tài nguyên khác khai thác và bán nhiều hơn để bù đắp doanh thu sụt giảm do giá giảm, và điều này sẽ càng làm giá giảm sâu hơn. Quá trình này cũng khiến các nhà sản xuất có giá thành cao không cạnh tranh nổi và bị sẽ đào thải.
Trong trường hợp Mỹ nâng trần lãi suất (như họ đang cân nhắc), trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn, lúc này nhu cầu cho thị trường tài sản và vốn của Úc sẽ sụt giảm, đồng nghĩa đô la Úc sẽ còn giảm giá trị thêm.
Rõ ràng Úc đang đứng trước nhiều áp lực. Nhà kinh tế của Úc Paul Dales nói: “Cả dự báo về giá quặng sắt và tỷ lệ lãi suất đều dẫn tới hệ quả là đô la Úc sẽ càng yếu hơn so với đô la Mỹ trong tương lai”.
“Nếu giá quặng sắt rớt từ 52 đô la Mỹ/tấn hiện nay xuống 40 đô la/tấn vào tháng 12, 1 đô la Úc sẽ giảm xuống còn 0,7 đô la Mỹ. Trong khi đó, nếu RBA hạ lãi suất xuống 1,5% (từ 2% hiện nay) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất năm tới, khả năng 1 đô la Úc sẽ chỉ còn tương đương 0,65 đô la Mỹ”, Paul Dales cho biết.

 ........./.

NGỤY BIỆN




NGỤY BIỆN

*Bài của MẠNH KIM






Quả thật đây là thời của ngụy biện. Từ phát biểu của quan chức đến những lập luận quái gở, chẳng hạn “chúng ta nên giao đứt Hoàng Sa-Trường Sa cho Trung Quốc” vì “Việt Nam phải đền đáp Trung Quốc cho việc mình nhờ cậy là bình thường và phải phép”…, có thể thấy ngụy biện mọi nơi và ngày càng lan tràn. Nó đánh lừa, tạo lạc hướng và có thể gây hoang mang, với những ảnh hưởng xã hội nhất định bằng lập luận và biện giải dựa vào “lý lẽ” mà thoạt nghe dường như không phải không có lý. Ngụy biện, bản chất của nó, là một cách nói tử tế dùng để chỉ sự lưu manh chữ nghĩa, sự ngoa ngôn, sự méo mó trong logic… Những từ “đánh bùn sang ao”, “nói chuyện huề vốn”, “đánh lận con đen”… đều ít nhiều liên quan ngụy biện.
.
Có nhiều thủ thuật ngụy biện. Ở đây chỉ nêu vài loại phổ biến.
.
AD HOMINEM (ARGUMENTUM AD HOMINEM). Phản ứng bằng cách công kích cá nhân thay vì tập trung vào nội dung tranh cãi. Có vô số ví dụ loại này: Coi kìa, Sài Gòn thời điểm 1975 là hình ảnh một con kênh Nhiêu Lộc đen ngòm đầy rác và nhà sàn; giờ xem đi, nó đã thay da đổi thịt; thế các anh còn muốn gì nữa (nói thế hóa ra Sài Gòn sau 40 năm, nếu không được “giải phóng”, vẫn tiếp tục là “hình ảnh một con kênh Nhiêu Lộc đen ngòm”, hay nó đã phát triển để trở thành thành phố có thể không thua mấy so với Seoul?)… Anh nói nước Mỹ cái gì cũng hay sao anh không qua Mỹ ở đi, nước này tởm vậy thì ở đây làm gì? Anh nói anh yêu nước sao suốt ngày lên mạng chửi bới bêu riếu? Anh nói đất nước đầy tham nhũng mà tham nhũng thì ở đâu chẳng có? Anh chỉ trích công an nhưng nếu anh là công an thì anh có “ăn” không, không khéo anh “ăn” còn khiếp hơn! Anh nói chế độ này nhu nhược trước Trung Quốc nhưng anh dám ôm súng ra trận không, hay cứ ngồi đây chém gió? Anh mong nước ta phải cứng rắn với Trung Quốc nhưng nhìn lại đi, VN có đủ sức đánh Trung Quốc không?...
Tất cả kiểu ngụy biện này đều nhằm công kích bằng trò đánh tráo khái niệm và lý sự cùn. Nó dựa vào cách nghĩ lệch lạc và biện giải vấn đề bằng lý lẽ ngây ngô. Trong trường hợp yêu nước chẳng hạn. Yêu nước là một khái niệm rộng và yêu nước không có nghĩa buộc phải câm nín trước những nhiễu nhương xã hội chứng kiến hàng ngày. Không một dân tộc hay quốc gia nào có thể trưởng thành và phát triển nếu xã hội đó chỉ là một cánh đồng hoang vắng im lìm và người dân buộc phải tự xem họ là con giun cái kiến không thể mở mồm.
.
ARGUMENTUM AD IGNORANTIAM. Ngụy biện bất khả tri. Đây là thủ thuật nhằm cho thấy một điều là đúng vì nó không hoặc chưa thể được chứng minh là sai (hoặc ngược lại). Ví dụ: Không có chứng cứ khoa học nào cho thấy cá có cảm giác đau vì thế tôi khẳng định cá không biết đau! Vì anh không thể chứng minh được có bao nhiêu người lên án chính sách này cho nên tôi nói chính sách này đúng!
IGNORATIO ELENCHI. Kết luận không thích hợp. Vào hang động này là rất khó khăn và khổ cực cho nên việc ông phó thủ tướng vào đó là hành động cần phải đáng tôn vinh! Anh ấy là người lương thiện-Sao bạn biết?-Vì anh ấy nói thế!
.
POST HOC ERGO PROPTER HOC ("after this, therefore, because of this”). Ngụy biện nhân quả. Con gà gáy trước khi mặt trời mọc do đó việc con gà gáy làm cho mặt trời mọc. Tại Romania, phá thai bị xem là bất hợp pháp trong hai thập niên dưới thời nhà độc tài Nicolae Ceausescu; vào thời điểm mà nước này cũng chứng kiến một trong những tỉ lệ ung thư vú thấp nhất thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển phương Tây; do đó, không phá thai sẽ giúp hạn chế ung thư vú! Uống rượu gây ra tai nạn giao thông do đó tai nạn giao thông sẽ giảm nếu nhậu nhẹt giảm…
.
ARGUMENTUM AD MISERICORDIAM. Ngụy biện bằng lòng trắc ẩn. Này quí vị thử nhìn xem, thằng bé đáng thương nhếch nhác gầy còm này sao có thể là kẻ trộm tinh quái được thế cơ chứ! Này nhìn đi, đứa bé này là hậu quả của chất độc màu da cam; thử nhìn vào lương tâm mình đi, các bạn thấy có nên đi kiện đòi bồi thường không (vấn đề ở chỗ thật ra không phải là nên kiện hay không mà là nên kiện ai và kiện như thế nào, vì không thể kiện một nhà sản xuất dao chỉ vì con dao ông ấy liên quan đến một vụ án mạng).
.
ARGUMENTUM AD POPULUM. Ngụy biện nhân danh số đông; kêu gọi công luận. Sử dụng truyền thống, lý tưởng, tôn giáo, nguyên tắc phổ quát… để ngụy biện. Là người yêu nước, phải xài BPhone. Người Việt dùng hàng Việt; dùng hàng Việt là yêu nước; Trung Nguyên là sản phẩm Việt; do đó uống càphê Trung Nguyên là yêu nước! Đóng thuế là yêu nước. Nộp lệ phí giao thông là yêu nước… Với trường hợp này, yếu tố “yêu nước” đã được sử dụng để làm phương tiện cho ngụy biện. “Yêu nước” đang là cái neo tưởng tượng được tung ra để níu lại con tàu xã hội chao đảo mà nhiều giá trị khác trong đó đã trở nên lung lay dữ dội hoặc thậm chí không còn tồn tại.



........./.

Hai ngàn năm nữa, tổ quốc tôi, ông là ai?




Hai ngàn năm nữa, tổ quốc tôi, ông là ai?

Tiểu Thiện chuyển ngữ
Theo tinhhoa.net . 6 July 2015

**
Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh 17 tuổi thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?










Dưới đây là toàn bộ bài nội dung bài diễn văn:
“Kính thưa các thầy cô, bạn bè thân mến!
Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.
Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?
Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?
Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu .
Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.

Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới.
Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.
Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa:
Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị.
Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế.
Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.
Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay:

Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành.
Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì.
Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.

Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.
Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.




....../.

Tòa án Tối cao Mỹ (Supreme Court of the United States - SCOTUS)





https://plus.google.com/+GiangLe_KinhTeTaiChinh/posts/EqvpwpW7etk



***


Cách đây hơn một tuần báo chí và cộng đồng mạng rầm rộ đưa tin phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ (SCOTUS) về hôn nhân đồng giới. 

Một số báo chạy tít "Mỹ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới" hay "Mỹ cho phép hôn nhân đồng tính trên cả nước". Những title như vậy có thể chấp nhận trong ngôn ngữ bình dân, nhưng với những ai quan tâm đến luật pháp (Mỹ) viết như thế không hoàn toàn chính xác. 

Dưới đây tôi sẽ lý giải kỹ hơn tại sao và nhân tiện bàn thêm về một vấn đề rất quan trọng trong hệ thống nhà nước mà một số trí thức VN đã từng nhắc đến.

Trước hết cần lưu ý Mỹ có thể chế nhà nước liên bang nên khi viết "Mỹ cho phép" hay "Mỹ công nhận" có hàm ý ở mức liên bang chứ không phải tiểu bang. 

Trên thực tế cho đến vụ xử này 38 bang đã công nhận hôn nhân đồng giới nên phán quyết của SCOTUS ngày 26/6 không thay đổi gì luật lệ ở những bang đó liên quan đến hôn nhân đồng giới. 

Nhưng ở tầm mức liên bang cũng không đúng vì 2 năm trước (26/6/2013) SCOTUS đã từng có một phán quyết (vụ United States v. Windsor) buộc chính phủ liên bang phải công nhận hôn nhân đồng giới (chính xác hơn SCOTUS đã bác bỏ một điều luật của liên bang trước đó định nghĩa hôn nhân là quan hệ giữa một người phụ nữ và một người đàn ông).

Phán quyết của SCOTUS ngày 26/6/2015 (trong vụ Obergefell v. Hodges) không phải "cho phép" hay "công nhận" hôn nhân đồng giới mà tuyên bố 12 bang còn lại khi không công nhận/cấm hôn nhân đồng giới là trái với Hiến pháp Mỹ, cụ thể là trái với Tu chính án thứ Tư (liên quan đến quyền bình đẳng). Như vậy phán quyết này gián tiếp buộc 12 bang còn lại phải công nhận hôn nhân đồng giới trên cơ sở nếu làm ngược lại sẽ bị coi là vi hiến.

Đến đây cần nhắc lại một khác biệt rất quan trọng giữa Tòa án Tối cao Mỹ (Supreme Court of the United States - SCOTUS) với Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Mặc dù có tên gọi (trong tiếng Việt) giống nhau, bản chất của hai tòa án này rất khác nhau. TANDTC của VN là tòa phán xử lại (phúc thẩm/giám đốc thẩm) cao nhất các vụ kiện tụng đã được xử ở tòa cấp dưới, thuật ngữ tiếng Anh là (highest) Court of Appeals. 

Trong khi đó SCOTUS của Mỹ (hay High Court of Australia) về bản chất là tòa án hiến pháp (Constitutional Court). Đa số các vụ xử ở đây, dù cũng có thể xuất phát từ đơn kháng án một phán quyết của tòa cấp dưới, đều liên quan đến tính hợp hiến/hợp pháp của một hay nhiều bộ luật như trong vụ hôn nhân đồng giới vừa rồi hoặc vụ Obamacare ngay trước đó (King v. Burwell ngày 25/6/2015).

Trước đây một số trí thức VN (và cả một số quan chức/chính trị gia) đã từng lên tiếng kêu gọi thành lập một tòa án hiến pháp. 

Đây là một cơ quan vô cùng quan trọng trong hệ thống nhà nước tam quyền phân lập. 

Mục đích chính của một tòa hiến pháp là giúp cho người dân/doanh nghiệp/tổ chức có thể kiện tính hợp pháp/hợp hiến các quyết định/chính sách của chính phủ và thậm chí cả các bộ luật đã được quốc hội thông qua. 

Không phải lúc nào các cơ quan lập pháp và hành pháp cũng đúng. Ngay cả khi đất nước có một nền báo chí tự do vẫn cần có một cơ chế buộc các cơ quan quyền lực nhà nước phải sửa sai. Điều này sẽ củng cố thêm nguyên tắc thượng tôn pháp luật mà một xã hội văn minh phải có.


Hi vọng những ai đã từng hoan hỉ với quyết định của SCOTUS, thậm chí treo rainbow flag lên avatar, sẽ ủng hộ dự án thành lập một tòa hiến pháp cho VN trong tương lai.




https://en.wikipedia.org/wiki/Obergefell_v._Hodges



......../.