ĐỐT PHÁO, TÂM LÝ TIÊU XÀI HOANG PHÍ VÀ HÌNH THÁI KINH TẾ XÃ HỘI





ĐỐT PHÁO, TÂM LÝ TIÊU XÀI HOANG PHÍ

VÀ HÌNH THÁI KINH TẾ XÃ HỘI

Tác Giả: Nguyễn Văn Trung & Đỗ Đức Thịnh

*************




Giới thiệu

Giáo sư Nguyễn Văn Trung là một nhà giáo và cũng là nhà nghiên cứu được nhiều người biết đến với khối lượng khá đồ sộ các công trình, tác phẩm có giá trị trong các lĩnh vực nghiên cứu về văn học và triết học. Năm 1993, trước khi rời khỏi đất nước đến Canada, ông có ủy thác cho tôi một số bài viết dưới dạng bản thảo, dặn để tùy nghi sử dụng và công bố khi có dịp thuận tiện. Từ đó đến nay, tôi không có dịp nào gặp lại ông, còn đống bản thảo kia thì vì nhiều lý do khác cũng có lúc bị tạm quên đi. Nay nhân dịp "Suối Nguồn" được tục bản, và đang chuẩn bị cho tập 3 - 4 nhằm vào dịp Tết Âm lịch sắp đến, soạn lại tập bản thảo thấy có bài “Đốt pháo” do ông viết chung với Đỗ Đức Thịnh, nên tôi thấy cũng là dịp thuận tiện để phổ biến bài nghiên cứu này. Trong bài có những nhận định, phân tích sâu sắc liên quan đến việc đốt pháo vốn là một tục lệ truyền thống rất lâu đời của dân tộc ta.
Ở Việt Nam, do hoàn cảnh thực tế xã hội, việc cấm đốt pháo đã được thực hiện từ năm 1995, nhưng như thế không đồng nghĩa là người Việt Nam chẳng còn tâm lý mê nghe tiếng pháo ngày Tết, nên có người dùng pháo thu băng thay cho pháo nổ... Bài viết đã được thực hiện từ năm 1988, trước giai đoạn cấm pháo khá lâu, nên có vài chi tiết nhỏ không còn phù hợp (những chi tiết này chỉ tập trung ở phần mở bài). Tuy nhiên, đứng về phương diện lâu dài, và nếu coi đây là một công trình khảo cứu về dân tục học thì nó vẫn còn có giá trị, gợi được cho chúng ta nhiều suy nghĩ tốt để có cơ sở giải quyết đúng đắn hơn một số vấn đề liên quan đến văn hóa, lối sống trong hiện tại.


Trần Văn Chánh

*************





Hàng năm theo thông lệ vào những ngày gần Tết thế nào cũng có những ý kiến lên tiếng kêu gọi hoặc thông báo những biện pháp hành chính nhằm hạn chế, ngăn cấm việc đốt pháo vì nhiều lý do và lý do thường được nại ra hơn cả là tránh lãng phí để tiết kiệm.
Không phải bây giờ mà ngay từ đầu thế kỷ, thời phong trào Duy Tân đã thấy giăng những lời khuyên tiết kiệm: “Tôi xin kể các món vô ích ấy ra cho các ông nghe: giấy bắc thảo, giấy tiền, vàng bạc là đồ đốt ra tro mà thôi, chớ ông bà nào mà lấy đâu, dẫu có lấy cũng không bận được. Còn pháo thì nổ lụp bụp ít tiếng rồi hết, lại bay thêm tàn cho cháy nhà cửa, đã một cái vô ích nhi hữu tốn, mà lại mất tiền cho chú chiệc nữa”[1].
Nhưng rồi pháo vẫn nổ, nhiều ít tùy năm, không phải vì những tác động của lời khuyên hay biện pháp hành chính nào mà do tình hình làm ăn phát đạt nhiều hay ít của mỗi người.
Trước một hiện tượng xã hội như vậy, thiết tưởng nên đi tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của nó. Chúng tôi đề nghị ba hướng tìm hiểu, và nêu lên một số dữ kiện biết được để từ đó đặt giả thuyết giải thích.

1. TÂM LÝ TIÊU XÀI HOANG PHÍ VÀ HÌNH THÁI KINH TẾ XÃ HỘI

Đã từ lâu, tục ăn uống, chơi bời trong các dịp lễ, tết, hiếu hỉ thường phung phí không tiếc của. Tục ngữ và ca dao của ta có những câu:
Đi cày ba vụ không đủ ăn ba ngày Tết.
Hoặc:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi…
Những câu trên biểu lộ một tâm lý tiêu xài hoang phí của người Việt Nam vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Tâm lý này không riêng gì Việt Nam mà các xã hội có nền kinh tế tiền tư bản đều có tâm lý tương tự. Vậy phải có những nguyên nhân chung. Xã hội nào cũng làm ra dư ít nhiều những gì cần thiết. Vấn đề đặt ra là sử dụng phần dư đó như thế nào? Trong lịch sử nhân loại có hai quan niệm kinh tế: một là của các xã hội cổ sơ hay tiền tư bản, hai là của các xã hội từ tư bản trở về sau. Ví dụ: cấy lúa trồng cây, chỉ cấy một mùa, làm một vụ. Hoa lợi thu hoạch được, sau khi chỉ dùng vào những nhu cầu sinh sống (ăn, mặc, ở), phần dư lại đem tiêu xài hết. Hoặc ngược lại: nghĩ cách cấy thêm một mùa thứ hai, trồng một thứ cây khác, đào thêm kinh rạch, mua phân bón, thuốc trừ sâu, nghĩa là dùng tiền dư để tích lũy, đầu tư tái sản xuất để tăng năng suất. Cách làm ăn thứ nhất, chỉ nghĩ đến năng suất trước mắt, không nghĩ đến tiết kiệm, đầu tư phát triển trong tương lai. Cách tiêu xài cũng phi kinh tế vì chỉ nghĩ làm sao tiêu cho hết phần dư thừa, đặc biệt bị chi phối bởi động cơ phô trương, bảo vệ thể diện cá nhân, gia đình, dòng họ, bộ tộc… qua nhữngcách cho, tặng, biếu, thách thức… và tặng biếu thách thức bắt buộc phải được đáp lại, chấp nhận để giữ thể diện… đó là hiện tượng Potlatch mà nhà xã hội học Pháp, Marxel Mauss, đã khám phá ra khi nghiên cứu những trao đổi giữa các xã hội cổ sơ - bất cứ việc gì cũng có thể là dịp, là cớ để khoa trương, nghĩa là thực hiện Poltatch: sinh con, cưới gả, lễ tết, hội hè, giao hiếu giữa các bộ tộc, làng xã…[2]
Có một bộ tộc ở Bắc Mỹ trưng bày những đồ dùng quý để trao đổi sau đó lại tiêu hủy đi. Theo Malinowki, trên quần đảo Trobiens, những người Mélanésiens đem tất cả những củ khoai mài (Ignames) to đẹp nhất để tặng nhau, sau khi đã long trọng triển lãm. Tóm lại, đồ dùng quý tặng phẩm phải tiêu hủy đi mới được tiếng là xài sang, còn đồ ăn thì để ăn. Do đó, Potlatch biểu lộ hình thức lãng phí quy định địa vị, tiếng tăm, vì không có địa vị tiếng tăm lớn nào mà không đòi hỏi sự khoa trương, thách thức và lãng phí. Theo Poirier ghi lại, ở Madagascar có tục dùng lửa hút thuốc đốt cháy giấy bạc 500 đồng. Ở Phi Châu rửa tay bằng sữa. Ở Ouganda nhà giàu phô trương sự giàu sang của mình bằng cách ngồi ngoài trời nắng để cho những tảng bơ dội trên đầu chảy đầy mình trước sự thán phục của đám đông!
Thời xưa, ở Việt Nam có hiện tượng Potlatch hay không cho đến nay chúng tôi chưa phát hiện được chứng tích nào. Nhưng tàn dư thì chắc có tục ăn Tết, ăn giỗ, ăn khao, ăn mừng… nhất là ở miền Nam được tổ chức một cách lãng phí nhiều khi vượt quá khả năng của đương sự, nhưng không thể không làm để gọi là “trả nợ miệng” có khi còn phải làm hơn, càng to càng hay để được tiếng (dù được tiếng khen ho hen chẳng còn) hoặc để giữ thể diện cho gia đình dòng họ…
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về phong tục của người dân Hà Nội: “Gặp những khi có việc tang, việc tế, thường làm rất xa xỉ, tranh nhau làm cỗto để khoe khoang. Bánh có cái bề mặt to đến một thước và mời hàng xóm tới ăn uống. Nếu rượu thịt không được đầy đủ có thể bị chê trách”[3].
Sách Gia Định thành thông chí, ghi chép về phong tục ở Gia Định: “Ngày Nguyên Đán bất kể kẻ quý tiện, người lớn nhỏ đều no say vui sướng chơi bời. Phong tục cầu đảo được việc vui mừng đều mở cuộc diện kỷ(hát xướng) như nhà tên Giáp sắp khởi cuộc hát xướng, giết heo phân tống cho mọi người quen biết, cho biết nhật kỳ mới đến xem hát chơi, gọi là phiên lễ, đến ngày tùy tình hậu bạc đem tiền lễ đến mừng coi hát, rồi ăn uống no say, rồi về. Sau người quen biết cũng mở trường hát, cũng dựa phiên lễ đến tên Giáp thì tên Giáp cũng phải đi, nhưng tên Ất trước đi mừng cho tên Giáp một quan tiền thì nay tên Giáp phải đi lại cho tên Ất gia bội lên hai quan. Sau tên Giáp có việc cũng mời, thì Ất qua phải gia lên ba quan, đi qua đi lại như thế gần đến trăm quan, đến nỗi người kia phải cầm thế vay mượn để trả phiên lễ ấy"[4].
Gần đây, những lối ăn chơi hoang phí của người miền Nam được Nguyễn Hiến Lê ghi lại: “Chủ điền trong này là ông vua nhỏ, cha kiếm để cho con phải khá, trước hồi kinh tế khủng hoảng các công tử Bạc Liêu (miền này hồi đó mới phát, lúa chất cao như núi, tiền nhiều như ốc) muốn khoe khoang với gái điếm lấy giấy xăng (cent piastres) cuốn thuốc hút chơi[5]... Người ta kiếm tiền như nước, người ta coi tiền như rác. Mấy năm ấy, dưới Lục tỉnh trúng mùa… cứ chiều thứ bảy, dân Lục tỉnh đem bạc nghìn lên chơi Sài Gòn… Những lối ăn chơi ‘dàng trời’ của công tử Bạc Liêu kể khôn xiết".
Sự tiêu xài hoang phí không chỉ thấy ở những kẻ nhiều tiền lắm bạc mà ngay cả giới công nhân, nhân dân lao động cũng không thiếu. Theo Vũ Xuân Tự kể lại: dân Sài Gòn mua cái mũ dạ Huckel. Đi làm đủ tiền một ngày rồi, thôi không thèm làm nữa. Cu li xe buổi trưa thường gác xe nằm xem báo, ai gọi cũng không đi[6].
Hiện nay, tâm lý tiêu xài hoang phí để khoa trương cũng vẫn còn khá phổ biến. Chúng tôi có nghe kể lại tại một xóm chài miền Duyên Hải, vào dịp Tết, có hai nhà thách nhau đốt pháo, thay phiên nhau nhà này đốt nhà kia đáp lại, cho đến bao giờ không còn pháo đốt nữa kể là thua. Thế là cả hai nhà đều cho người đi mua gom hết pháo trong xã, trong quận, rồi lên cả Sài Gòn… Dưới cái nhìn của nhà dân tộc học, sự kiện đốt pháo khoa trương thách thức kể trên được coi là sự tàn dư của hiện tượng Potlatch, tiêu biểu cho một tâm lý trái ngược với những đòi hỏi tiết kiệm, hợp lý hóa của nền kinh tế phát triển.
Sự khoa trương và lãng phí được diễn ra dưới mọi khía cạnh và trong mọi lĩnh vực: lãng phí tiền của, công sức lao động, thời gian và cả chất xám. Xây dựng một công trình không phù hợp hoặc vượt quá khả năng đời sống kinh tế xã hội trong lịch sử. Sự tiêu xài hoang phí không phải đơn giản chỉ là vấn đề tâm lý gắn liền với một hình thái kinh tế xã hội. Như vậy, vấn đề đặt ra phải chăng không hẳn chỉ là đấu tranh giữa hai con đường cùng chủ trương tiết kiệm hợp lý hóa vì sản xuất phát triển mà còn là đấu tranh giữa hai con đường đó với tàn dư của con đường kinh tế cổ sơ tiền tư bản.
Theo Bùi Tường Huân, chính các giá trị truyền thống của nền văn hóa xưa cũ là lực cản công cuộc phát triển kinh tế hay công nghiệp hóa theo kiểu tư bản không riêng gì ở Việt Nam mà còn cả các nước chậm phát triển trong vùng Đông Nam Á[7].


2. Ý NGHĨA VÀ CHỨC NĂNG CỦA MỘT PHONG TỤC PHỔ BIẾN LÂU ĐỜI

Đốt pháo là gây tiếng nổ lớn, liên tục và kéo dài. Nói một cách tổng quát có thể gây tiếng động dưới nhiều hình thức.
Bằng dụng cụ, đồ dùng: đốt pháo (pháo công, pháo lệnh), bắn súng, gõ chuông mõ, đánh trống, phách, chiêng, thanh la, não bạt, kéo nhị, đánh đàn, thổi kèn v.v.
Bằng tiếng người: la hò, hét, khóc, cười to tiếng.
Vấn đề đặt ra là những trường hợp nào thấy hay đúng hơn buộc phải gây tiếng động, ngược lại trong những trường hợp nào không được gây tiếng động. Và vì sao phải gây hay không được gây tiếng động như một điều cấm kỵ?
Vấn đề cũng đặt ra không phải chỉ cho Việt Nam mà cả cho các dân tộc ở các châu lục khác, không phải chỉ bây giờ mà từ thời xưa trong các phong tục lâu đời hiện nay còn được giữ hay đã được ghi lại qua các truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết…  
A. Trường hợp gây tiếng động
1. Tết
Tết là những ngày cúng, ngày lễ nhất định trong một năm. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong một năm Việt Nam cũng có ba cái Tết: tết Đoan ngọ (5 tháng 5 âm lịch), tết Trung thu (15 tháng 8 âm lịch) và tết Nguyên đán (1 tháng Giêng âm lịch). Ở đây chỉ xin đề cập hai Tết: Trung thu và Nguyên đán.
Tết Nguyên đán: được tổ chức long trọng và kéo dài hơn cả vì là ngày đầu của một năm. Đốt pháo trong những ngày Tết mà đặc biệt là đêm giao thừa, thời điểm phân chia giữa năm cũ và năm mới, pháo nổ nhất loạt và đều khắp. Thời xưa, trong đêm giao thừa còn có cả tục đánh trống nữa, tục ngữ có câu: Trống kêu ran như trống giao thừa[8] chẳng khác gì hồi trống Thôi Hoa của Cao Lực Sĩ thời Đường Minh Hoàng để giục giã cho hoa xuân mau nở.
Sách Gia Định thành thông chí có ghi chép: “Cũng như ở Trung Quốc, ngày đầu năm đốt pháo, treo bùa đảo… ngày mùng ba đưa thần gọi là đệ tiễn, lại có thứ pháo đồng, pháo thiết tiếng nổ vang rền rừng núi không dứt”[9].
Tết Trung thu: Tết Rằm tháng Tám, giữa mùa thu, là những ngày hội dành riêng cho giới trẻ (người lớn cũng tham dự). Đối với các dân tộc miền nhiệt đới nhất là Việt Nam, sinh hoạt văn hóa dân gian thường được diễn ra vào ban đêm dưới ánh trăng, đặc biệt vào những đêm trăng thu vằng vặc. Chúng tôi xin giới thiệu một thể loại cổ nhạc dân tộc: hát Trống quân, còn được gọi là hát Trống giăng hay hát Thưởng giăng (trăng) là Tình ca mùa thu. Thể loại dân ca nay đã có từ lâu đời. Tuy được gọi là trống nhưng thực ra là một loại "độc quyền thổ cầm" (cithare en terre), người ta đào một hố sâu khoảng 40 - 50 phân, đường kính cũng khoảng 40 - 50 phân, trên đặt một mâm đồng, hai bên hố đóng hai cọc, cách nhau khoảng vài ba thước, rồi giăng một sợi dây ngang qua, một cái chạc chống lên giữa mặt mâm đồng để làm căng dây đồng thời có tác dụng truyền âm xuống mặt mâm đồng. Mỗi khi đập hay gõ lên sợi dây, phát ra âm thanh như tiếng trống. Vì thế mới có câu ca dao:
Anh vỗ trống đất kêu vang
Em thổi sáo trúc nhịp nhàng với anh
Gọi là xanh lá điểm cành.[10]
Thể loại dân ca này, trong hào quang chiến thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ được dân chúng hoàn chỉnh và phong phú hóa như ta thấy ngày nay.
Những đêm thu trăng thanh gió mát, từ trong nhà ngoài phố, và cả ngoài đồng nội, tiếng hát hòa lẫn với tiếng trống dâng lên đầy thinh không, mà đỉnh cao là đêm rằm tháng tám âm lịch. Phan Kế Bính kể lại: “Trẻ con tối hôm nay dắt nhau từng đoàn từng lũ, đám thì nhảy vò, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa ầm ĩ, lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là tết Trung thu thưởng nguyệt”[11].
2. Các dịp lễ mừng khác
Không phải chỉ trong dịp lễ Tết người ta mới đốt pháo, mà tiếng pháo còn hiện diện trong những phút giây quan trọng của đời người:
Đốt pháo trong lễ Thân nghinh còn gọi là lễ Nghinh hôn hay lễ Đón dâu hoặc Rước dâu[12].
Đốt pháo trong lễ Cất nóc hay lễ Thượng lương và trong lễ ăn mừng Tân gia[13].
Đốt pháo khi khai trương cửa hàng buôn bán[14].
Đốt pháo trong lễ Khao thượng thọ và lễ Vấn lão là bữa tiệc yến để thiết các cụ già[15] v.v.
3. Đám tang
Trong đám tang phải khóc lóc, kể lể, la gào to tiếng. Theo Toan Ánh trong Nếp cũ có ghi lại: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”.
Câu tục ngữ này chứng tỏ trong đám tang phải có kèn trống. Kèn trống nổi lên trong lúc tế lễ cùng với phường bát âm nói điệu nam thương hoặc nam ai, đem sự bi thương cho đám tang và điều hòa mỗi động tác của tang chủ cũng như của người chấp sự.
Mỗi khi có người tới phúng viếng, con cháu khóc lên là có điệu kèn trống nổi theo như muốn cho hương hồn người chết biết có bạn bè thân thuộc tới viếng lễ. Và nhờ có kèn trống báo hiệu nên tang chủ hoặc con cháu khác của người chết nếu đang bị mắc bận mới biết có khách viếng để ra đáp lễ.
Thường thường kèn trống ngồi ở một nơi gần áo quan để mỗi khi có khách tới viếng là thấy ngay[16].
… Trong khi người chết còn quàn trong nhà, trước ngày đưa đám, con cháu thường thuê phường kèn trống và bát âm, cử cho mỗi người vài câu tang nhạc, nhất là kèn để khóc ông bà, cha mẹ. Những câu khóc riêng đều có tiền thưởng, bởi vậy tục thổi kèn này gọi là Thổi kèn giải”[17].
Theo Lê Văn Phát đã ghi lại tục lệ ở Nam Kỳ: trong đám tang có mướn phường tuồng để múa hát khi đi dọc đường, cả phu khênh quan tài cũng ca hát theo nhịp[18].
Toan Ánh kể lại: “Phường tuồng dẫn đường trị huyệt: Thường là năm người, bốn người đóng bốn vai thiên tướng trấn giữ bốn góc đông tây nam bắc và một người thứ năm đóng vai vị thần Hổ, đội mũ đầu cọp.
Thần Hổ và bốn thiên tướng đi đầu đám tang vừa đi vừa có những điệu bộ nhảy tiến và miệng e a hát. Thần hổ vừa vờn nhảy ma quỷ phải trốn chạy, còn các thiên tướng, mỗi điệu bộ đều là những bùa phép trấn an dọc đường, xua tà đuổi ác.
… Khi có phường tuồng trị huyệt, huyệt phải đào tam cấp, Thần hổ nhảy xuống lòng huyệt, thám thính tứ phía, có khi gầm thét, trong khi bốn vị thiên tướng múa, đọc chú và đi quanh huyệt”[19].
Đốt pháo trong ngày đưa đám hoặc cất đám, còn gọi là ngày Phát dẫn. Tục này hiện nay chỉ còn thấy ở người Trung Hoa. Người Việt trước kia cũng đốt pháo, không có pháo đốt tre khô để gây tiếng nổ lớn[20]. Hiện nay tục đốt pháo trong lúc đưa đám tang tuy còn ít người giữ, nhưng việc gây tiếng động lớn khi quan tài được khiêng ra khỏi nhà bằng cách đập mạnh cho bể tan cái siêu sắc thuốc (của người chết) hoặc cái dĩa, tô đốt dầu lạc (đậu phộng) để ở dưới quan tài thì vẫn còn khá phổ biến.
4. Giặc, cướp vào làng, hộ đê (vỡ đê), cháy nhà
Trước các sự biến này, người xưa thường thổi tù và, khua chiêng đánh trống báo động theo nhịp ngũ liên để động viên thôi thúc mọi người sặn sàng đối phó.
5. Lúc có nhật thực, nguyệt thực
Theo Charles Borri, một vị Thừa sai, đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe thời Trịnh - Nguyễn trong một cuốn kí: “Một tháng trước khi xảy ra nguyệt thực, nhật thực vua gởi văn đi các tỉnh báo cho biết để chuẩn bị đối phó. Ngày xảy ra hiện tượng, các quan văn võ, dân chúng đều tề tựu ở triều đình và đi đến một nơi có thiết lập bàn thờ (hương án). Khi xảy ra hiện tượng, vua lạy bốn lạy, rửa tay thắp hương, cầm dùi đánh ba tiếng trống. Sau đó, tất cả các trống khác đều được đánh lên và bắn súng trường (súng hỏa mai), súng thần công, còn dân chúng khua đập các thứ đồ dùng làm bếp cho đến khi hết nhật thực”[21].
6. Trong đời sống hằng ngày
* Ăn uống, hút thuốc
Đến như ăn uống và hút thuốc mà cũng gây tiếng động để cảm nhận hết được sự sảng khoái thì chỉ có các dân tộc Á Đông mà đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam mà thôi (mặc dù lễ giáo không cho phép). Còn gì thú vị bằng xuýt xoa ăn một trái ớt hiểm, hoặc húp một món thức ăn lỏng kêu xì xụp hay uống cạn một ly rượu kêu đánh chót một cái, hoặc húp một bát canh cua rau đay mùng tơi hay xơi quả cà pháo kêu dôm dốp, nhai rau ráu thì ngon tuyệt không gì bằng. Nhưng thế vẫn chưa đủ, còn phải đánh một điếu thuốc lào mà kêu ro ro bất tận như sấm động thì mới thật khoái tỉ. Ta có câu đố về việc hút thuốc lào "Lấy lửa ông táo, đốt đầu ông sư, sấm động ù ù, rồng bay phấp phới"[22].
* Chơi tổ tôm điếm
Có lẽ tổ tôm là một trò chơi phản ánh nhân sinh quan và vũ trụ quan Á Đông: Thuyết âm dương và ngũ hành - Vì cấu trúc của tổ tôm gồm các thành phần sau:
Bài nọc: biểu tượng cho nguyên lý dương.
Bài cái: biểu tượng cho nguyên lý âm.
Bài chân dài: biểu tượng cho Ngũ hành (trong đó có bài cái).
Sự hòa hợp giữa âm dương và Ngũ hành sinh biến hóa (sinh khoái). Phải chăng vì thế mà đánh tổ tôm rất thú vị !?
Ở đây không giới thiệu về cách chơi tổ tôm mà chúng tôi chỉ nói về việc gây tiếng động trong thể loại giải trí hào hứng này. Tổ tôm là loại bài lá xuất xứ từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, nhưng phong cách đánh tổ tôm điếm thì hoàn toàn Việt Nam. Tổ tôm điếm thường được chơi trước sân đình hay trên một bãi đất trống. Người ta làm năm cái chòi (điếm) ở năm phía (ngũ phương) cách đều nhau, ở giữa (trung tâm) đặt một cái giá để cấm bài Nọc. Trên mỗi chòi được trang bị một cái trống để mỗi chân đánh tổ tôm dùng phát biểu khi chơi bài:
Đánh ba tiếng trống: bài đã lên xong, sẵn sàng chơi.
Đánh một tiếng trống: bài ăn được.
Đánh hai tiếng trống: bài ăn được nhưng còn suy nghĩ.
Đánh một tiếng vào tang trống: bài không ăn được hay không muốn ăn.
Đánh một hồi trống: bài ù, hay bài tới.
Linh hồn của cuộc chơi là anh Trung quân: người chạy bài, bốc nọc, có giọng tốt, giải ví von, ứng khẩu tài tình, xuất khẩu thành thơ… để mỗi khi chuyển bài từ cửa này sang cửa khác hay bốc nọc được quân bài nào, anh Trung quân sẽ ứng khẩu ngân nga lớn tiếng cho cả làng (những người chơi bài) cùng nghe. Ca dao có câu:
Tài trai biết đánh tổ tôm, 
Uống chè (trà) mạn hảo, ngân nôm Thúy Kiều.
Lúc sống thì đánh tổ tôm, đến khi chết, cỗ bài tổ tôm cũng còn theo người ta xuống mồ![23].
* Tại trường học
Carl Crow và Lê Văn Phát đều có những nhận xét giống nhau về các trường tiểu học ở Trung Hoa và Việt Nam: trẻ con học trong sự huyên náo, gắng sức đọc thật to khiến từ xa cũng biết ngay đó là lớp một học[24].
B. Trường hợp không gây tiếng động
1. Lúc lâm chung
Khi đau nặng gần chết, theo Lê Văn Phát ghi lại tục lệ ở Nam Kỳ: “Trong lúc đó, người ta không cho con nít lại gần và kiêng gây tiếng động để người đau tĩnh tâm”[25].
Đối với người miền Bắc, Toan Ánh đã ghi lại: “Người xưa, ai đau ốm đến lúc biết mình không thể sống được, hoặc người nhà nhận thấy người đau sắp đến lúc qua đời, thì phải cho người tới căn nhà chính tâm, đặt ngoảnh đầu về phương đông để được sinh khí.
Lúc đó con cháu phải yên tĩnh.
Người nhà sẽ hỏi người bịnh xem có dối dăng (trối trăng) gì không. Nếu người bệnh có nói điều gì, con cháu phải ghi lấy, và sau này sẽ cố tuân theo để vong hồn người khuất được ngậm cười nơi chín suối”[26].
2. Đám tang vào dịp lễ
Thời xưa, khi trong làng đang có hội hè, đại lễ thì “đám ma phải thực hiện trong im lặng, không được kèn trống, than khóc to tiếng”[27].
3. Nhà bếp
Dumoutie đã ghi lại những kiêng kỵ ở miền Bắc hồi đầu thế kỷ, liên quan đến nhà bếp, tác giả kể ra 12 điều kiêng kỵ không được vi phạm ở khu vực nhà bếp như: nói to tiếng, đi giậm chân, gây huyên náo vô cớ, để bát đĩa nồi niêu va chạm nhau, đổ vỡ, bổ củi bằng búa rìu v.v.  Đó là những kiêng kỵ nghiêm nhặt hơn cả trong số 12 điều kiêng kỵ[28].
4. Mùa dịch
Trong lúc đang xảy ra nạn dịch phải “kiêng đánh trống, hoặc đốt pháo”[29]. Nhưng trước khi xảy ra nạn địch thì lại phải gây tiếng động (đánh trống, đốt pháo…) để ngăn ngừa xua đuổi.

C. Ý nghĩa chức năng của việc gây hay kiêng tiếng động
Không phải chỉ ở Việt Nam hay Á Đông mới thấy những trường hợp phải kiêng gây tiếng động mà nhiều dân tộc khác ở châu Âu, châu Mĩ, châu Phi đều thấy có cả. Theo Claude Lévi Strauss cho biết có rất nhiều thần thoại của các sắc tộc dân châu Mỹ La tinh đều thấy những kiêng kỵ gây tiếng động ở nhà bếp. Còn tục phải gây tiếng động khi có hiện tượng nhật thực, nguyệt thực thì rất phổ biến, miền nào, dân tộc nào cũng thấy có: Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai, châu Phi, châu Mĩ từ Canada đến Pérou, Âu Châu…
Về mặt xã hội, ở châu Âu cổ, có tục dân kéo đến nhà nào có đám cưới “bất chính” (lấy nhau không xứng đôi, hoặc có tai tiếng, ngang trái…) họ đập gõ om sòm các thứ nồi, xoong, chảo, chậu để phá đám (gọi là Charivari)[30].
Đó là một số trong muôn vàn sự kiện. Cho đến nay, theo chỗ chúng tôi biết, chưa thấy một tác giả Việt Nam nào giải thích những kiêng kỵ gây tiếng động, nhưng về gây tiếng động thì có nhiều. Theo Nhất Thanh cũng như đa số các tác giả viết về phong tục đều cho tiếng pháo trong ngày tết, ngày cưới là biểu hiện vui mừng[31]. Kim Định đi xa hơn, liên hệ tiếng pháo với tiếng sấm. Theo Đặng Văn Nhâm, kiến trúc nhà cửa Việt Nam, thường làm ba gian, hai chái (con số lẻ) và nhà hướng nam. Đàn ông con trai ở gian chái phía tây gọi là tây phòng, đàn bà con gái ở gian chái phía đông gọi là đông phòng (trái ngược với người Trung Hoa: nam đông phòng, nữ tây phòng và nhà hướng đông). Như vậy nơi ngủ của đàn bà ở phía đông nam cũng là nơi để thóc, hạt giống. Đông nam là cung quẻ Chấn (một quẻ trong bát quái: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) mà Chấn có nghĩa là Sấm và động bụng khi mang thai. Vậy quẻ Chấn cũng báo tin sự sinh nở của lúa gạo vào mùa xuân. Tiếng sấm là điềm tốt, báo hiệu sắp mưa, vì thế người làm ruộng mong sấm như trẻ con mong mẹ chợ về. Cho nên tiếng sấm làm trào dâng hi vọng. Ban đầu chỉ biết dùng tre, luồng, nứa, mỗi khi cháy đến một đốt, phát ra tiếng nổ, sau mới biết đến dồn chất nổ vào ống tre, và cuối cùng, nghĩ ra cách nhồi thuốc nổ vào giấy thay ống tre[32].
Đúng là có tình cảm tích cực khi nghe tiếng pháo, nhưng nếu đốt pháo để biểu lộ niềm hi vọng, vui mừng, tại sao cũng đốt pháo trong đám tang, gây tiếng động để xua đuổi ôn dịch thần khí? Phải có lối giải thích khác vượt khỏi tình cảm vui buồn: Đánh trống, đốt pháo để xua đuổi tà ma. Theo sách Kinh Sở tuế thời ký: “Những tà thần ở trên núi thích nhập vào người để làm hại, gây tật bệnh, chết chóc, nhất là vào dịp tết, nên phải gây tiếng động để xua đuổi chúng đi”[33].
Đốt pháo trong đám tang còn biểu lộ quan niệm về sống, chết của người Việt. Vì người xưa thường nói: “Trẻ làm ma, già làm hội” hoặc “Sống gửi, thác về” (sinh ký, tử quy). Về cõi thọ, nơi không còn chết nữa. Quan niệm này được biểu lộ qua màu sắc của tang chế: màu trắng của khăn, áo tang tượng trưng cho sự hồn nhiên trong trắng và đối với người quá cố thì đã “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”. Cỗ áo quan (hòm, hàng) còn được gọi là cỗ thọ hay cỗ hậu, được sơn son thiếp vàng, đầu áo quan có khắc chữ thọ, ngay cả hương án, nhà táng, và cỗ đòn (đòn rồng) để khiêng áo quan đều được sơn son thiếp vàng là những màu sắc chỉ về hỷ sự, sống động (khác hẳn với người Âu Mỹ, màu tang chế là màu đen buồn thảm và chết chóc). Thái độ của ông cha ta lúc về già cũng rất bình thản, nhiều người sắm sẵn cho mình cỗ hậu sự để trong nhà, cho làm sẵn cả sinh phần (kim tĩnh). Qua ngôn ngữ của Việt Nam chỉ về sự chết: hai năm mươi, cưỡi hạc quy tiên, qua đời, khuất núi… Và nhất là thời điểm chết lại được gọi là Sinh Thì, như vậy chết là thay đổi trạng thái từ hữu hạn (trăm năm) sang vô hạn (vĩnh hằng)…
Còn việc gây tiếng động (đánh chiêng, trống, đốt pháo…) để xua đuổi ôn dịch, tà thần, âm khí, rồi lại kiêng gây tiếng động khi đang xảy ra nạn dịch, thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn. Theo Cadière ghi lại: “Vì dân không muốn để cho ôn dịch, tà thần biết mà làm hại thêm những nhà khác trong làng. Rồi khi trong làng đang có hội hè, đại lễ thì “đám tang phải được thực hiện trong im lặng, không được kèn trống than khóc to tiếng” vì nhà hiếu không muốn làm ảnh hưởng đến không khí mừng vui của tập thể. Thế là đã quá rõ: Vì tập thể, người xưa có hi sinh mọi sự kể cả tình cảm thiêng liêng nhất của cá nhân. Nếu có sống trong khung cảnh làng xã xưa với não trạng “sống dầu đèn, chết kèn trống” và “nghĩa tử là nghĩa tận” mà nhà hiếu phải “bấm bụng” tổ chức tang lễ trong thầm lặng thì mới thấy được cái nghĩa cả “mình vì mọi người” của cổ nhân chúng ta.
Có những nhà dân tộc học giải thích ý nghĩa, chức năng những cấm kỵ hay bó buộc như sau:
Người xưa tin vào vũ trụ là một thể thống nhất: trời đất liên hệ tác động lẫn nhau. Biến cố xảy ra trên trời có ảnh hưởng xấu tốt dưới đất. Trời đất vẫn xoay có quy luật theo một trật tự nhất định. Do đó, những gì xảy ra khác thường đều tạo nguy cơ làm rối trật tự: hạn hán, lụt lội, động đất, sao chổi, nguyệt thực, nhật thực, lấy vợ lấy chồng, đau ốm, xây nhà mới, dời chỗ ở v.v. đều là những cái khác thường. Do đó cần ấn định những điều phải làm, phải tránh bằng các nghi thức để phục hồi trật tự: đưa cái khác thường vào khuôn nếp bình thường[34].[35].[36]
Trong hướng trên, Claude Lévi Strauss giải thích những kiêng kỵ gây tiếng động ở nhà bếp là một cách dễ giữ sự kết hợp hài hòa cân xứng giữa mặt trời và trái đất. Trước khi khám phá ra lửa bếp, con người chỉ biết ăn sống, nên đồ ăn không để lâu được vì dễ bị ung thối. Hoặc dễ tiếp xúc trực tiếp với mặt trời thì lại bị khô cháy. Lửa bếp qua trung gian đồ dùng nấu bếp làm cho đồ ăn chín và do đó thực hiện được sự kết hợp hài hòa. Muốn được như vậy, người làm bếp phải tập trung chú ý, nếu nói chuyện, gây tiếng động tức là lơ đãng có thể làm hư việc nấu nướng. Hơn nữa, trước cảnh nhà tranh vách lá, phải chăng những kiêng kỵ nơi nhà bếp còn có ý nghĩa cảnh giác tối đa về rơm lửa (củi lửa) để tránh hỏa hoạn, và nhất là để bảo toàn hạnh phúc gia đình được trong ấm ngoài êm? Như ca dao có câu:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi nhỏ lửa, một đời không khê.
Trái lại, khi có biến cố bất thường xảy ra (kết hợp sai trái) phải gây tiếng động, càng lớn càng nhiều càng tốt dễ gây chú ý của tập thể nhằm ngăn chặn giảm bớt hậu quả tai hại của biến cố.
Nói cách khác, tất cả những biến cố thiên nhiên hay xã hội là những thay đổi khác thường hoặc định kỳ đã làm cho người xưa sợ hãi lo lắng, nhất là vì người không chủ động trước biến cố. Hơn nữa, biến cố không phải chỉ liên hệ đến cá nhân, gia đình như một việc tư riêng mà đến sự sống còn, số phận của cả thế hệ, làng xóm, dân tộc nữa.
Ngày nay sống ở thành thị hay ở thôn quê đã có điện, con người không còn thấy lo lắng, sợ hãi mỗi khi đêm xuống, nhưng ở thôn quê xưa, đặc biệt đêm 30 tết trời tối đen như mực, cả làng gây tiếng động, phải chăng là biểu lộ một phản ứng tự vệ tập thể, trước khi biểu lộ một niềm vui hi vọng sắp bước sang năm mới?[37]
Người xưa cho rằng biến cố xảy ra tiêu biểu cho hiện tượng vượt qua (passage) từ không sang có (sinh) hay từ có sang không (tử) hoặc từ trạng thái này sang trạng thái khác, đều có tà thần lợi dụng thời cơ thay đổi để làm hại con người, nên phải đặt toàn thể cộng đồng vào tình trạng báo động và đề ra những biện pháp đối phó có tính cách tập thể. Đối phó thường không hiệu nghiệm vì chưa nắm được lý do thực sự của thay đổi nhưng qua cách đối phó có tính chất tập thể, có thể nhận ra:

1. Ý nghĩa của những tập tục, kiêng kỵ: biểu lộ tính liên đới nhân loại, liên đới số phận tập thể.
2. Chức năng của những tập tục, kiêng kỵ:  bảo vệ sự sống của tập thể.

Tình liên đới nhân loại, đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, thông qua ngôn ngữ xưng hô thường sử dụng những danh từ thân thuộc (con, cháu, ông, bà, bác, cô, dì, cậu, mợ, anh, chị, em…) đã trở thành tình liên đới ruột thịt và tất nhiên ý thức về sự sống còn của tập thể lại càng được củng cố mạnh mẽ thêm.
Ngày nay chúng ta không còn tin vào tà ma, không khua chiêng, đánh trống mỗi khi có hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, nhưng có còn giữ được cảnh giác tập thể và ý thức về tình liên đới nhân loại trước những biến cố đe dọa sự sống còn của loài người như chiến tranh hạt nhân hay không?

3. Thích tiếng động, tâm lý dân tộc?
Đốt pháo hay gây tiếng động không phải chỉ do một tục lệ lâu đời, mà còn do tâm lý thích gây tiếng động. Không phải chỉ con nít mới thích đốt pháo mà cả người lớn, nhiều người đổ ra đường nghe xem, hoặc ngừng câu chuyện hay việc đang làm mà không nghĩ đến đó là một vi phạm quyền tự do của mình[38].
Đời sống hàng ngày của người Việt Nam, và nói chung của người Á Đông chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đầy dẫy tiếng động mà đốt pháo chỉ là một trong muôn ngàn cách để biểu lộ. Carl Crow trong cuốn sách viết về đời sống hàng ngày của Trung Hoa là một "vương quốc pháo" hay là một "vương quốc của tiếng động náo nhiệt". Trẻ con học bài to tiếng ở nhà cũng như ở trường. Từ đàng xa đã nhận ra đó là những lớp học. Trong tiệm ăn, không nói đến tiệc, ngay cả chỉ có hai ba người cũng nói cười lớn tiếng, cả tiệm như cái chợ. Người nấu bếp, hầu bàn thay vì đi đến đâu nói nhỏ, lại la lên khi gọi bảo nhau. Trong nhà chơi đàn dịch, vặn radio, tivi thật to cả xóm đều nghe… Ngoài đường tiếng còi xe nổ, nhiều loại còn tháo bỏ bộ phận hãm thanh để được gọi là "xế nổ"; tiếng trống lân, tiếng loa phóng thanh từ các rạp hát, câu lạc bộ, trụ sở phường, tụ điểm văn nghệ công cộng… Gần đây Hồng Ba đã viết bài phóng sự giới thiệu cảnh im lặng trong nhà, ngoài đường của thành phố Paris[39]. Nếu đem so sánh với Sài Gòn thì quả thật hai nếp sống đô thị trái ngược nhau.
Carl Crow đã ghi lại nhận xét của một nhà xã hội học nổi tiếng: “Ở Trung Quốc, về mặt gây tiếng động, ai cũng công nhận quyền mỗi người được làm ồn đến mức tối đa, nhưng không nghĩ đến tôn trọng quyền được hưởng sự trầm lặng mà tập thể cho phép”[40]. Theo Carl Crow, sở dĩ các dân tộc Á Đông theo văn hóa Trung Hoa thích ồn ào vì họ là những dân tộc trẻ (có cái tâm “xích nhi” hồn nhiên, tươi mát mà đầy sức sống). Trẻ con ở đâu và vào thời nào cũng đều thích ồn ào. Chỉ người lớn, người già mới ít thích hay thôi hẳn thích ồn ào. Chúng tôi nghĩ rằng đến nếp sống thầm lặng của các đô thị Âu châu đúng là do văn minh kỹ thuật và pháp luật như Hồng Ba đã ghi nhận. Chỉ có văn hóa Tây phương mới có truyền thống pháp lý dựa trên sự tôn trọng những quyền của con người như một cá nhân. Nếu một vài cá nhân có quyền làm ồn thì quyền đó cũng bị giới hạn để tôn trọng quyền được im lặng của người khác, nhưng quan niệm cá nhân không dừng lại ở các quyền, mà còn liên hệ đến số phận của một cá nhân hiểu như là chính mình đảm nhận lấy một mình sự sống, sự chết, sự cứu rỗi của mình mà thôi, trước Thượng đế. Nếu không tin có Thượng đế thì cũng không thay đổi quan niệm trách nhiệm cá nhân về số phận cuộc đời mình. Do đó, mà đám tang ở Âu châu, dù là theo nghi lễ Thiên Chúa giáo hay không đều diễn ra trong thầm lặng, vì biến cố ở đây chỉ liên quan đến một cá nhân.
Trong xã hội Âu châu cổ, như ở phần trên chúng ta đã trình bày, quan niệm về nhân sinh và vũ trụ giữa Đông phương và Tây phương không khác nhau bao nhiêu (đại đồng và tiểu dị) ít ra qua những cách thế biểu lộ trước những tình trạng khác thường của thiên nhiên và xã hội như các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực và nhất là tục "charivari" của người châu Âu cổ. Quan niệm về cá nhân hay đúng hơn lịch sử đời sống tư riêng (histoire de la vie privée) của văn hóa Tây phương và nói chung của nền văn minh nhân loại ngày nay đã bắt nguồn từ Kitô giáo. Theo các tác giả Philippe Ariès và Georges Duby: Từ đầu thế kỷ thứ 5 (năm 417) Jean Gassien, vị sáng lập tu viện ở miền Nam nước Pháp (Marseille) là người khởi xướng phương pháp giáo dục tâm hồn bằng kinh nghiệm ở nước Pháp cổ (Gaule). Đến đầu thế kỷ thứ 9 (năm 817) dòng thánh Benoit de Nursie đã hoàn chỉnh và phổ biến phương pháp giáo dục này cho tất cả các tu viện, và dòng đã ảnh hưởng trên toàn thể cộng đồng Thiên Chúa giáo thời Trung cổ. Như vậy kể từ thế kỷ 5, Kitô giáo Tây phương đã dần dần hoàn thành một cuộc cách mạng tinh thần (cuộc cách mạng cơ bản). Đó là sự khám phá ra đời sống nội tâm (nội giới). Sự tập luyện này khởi dầu bằng kinh nghiệm, sự cô tịch và thinh lặng. Sự cầu nguyện, đọc và suy ngẫm kinh Thánh (lời Chúa) sẽ đưa con người tới cảnh cô lặng. Công cuộc chinh phục nội giới này không bỏ phế thế giới bên ngoài. Trái lại, nó là khởi điểm để dẫn đến sự nghiệp đổi mới bộ mặt thế giới. Bởi vì lý tưởng của các tu sĩ dòng thánh Benoit có thể tóm lược bằng công thức: “cầu nguyện là làm việc” (Ora et labora). Cầu nguyện trong cô lặng để làm việc có hiệu quả. Cầu nguyện và làm việc đều nhằm một mục đích hiến dâng: Cầu nguyện để hiến dâng cho Thiên Chúa, và vì Chúa đã nhập thể làm người nên làm việc để hiến dâng cho đời[41]. Hoàn toàn khác biệt với quan niệm của nền văn minh cổ La Mã đã coi việc lao động là một sự đau khổ. Sự đau khổ không có giá trị cứu rỗi vì phải diệt dục để hết đau khổ (Phật giáo), cũng như quan niệm về hưởng nhàn của người Á Đông “một chữ nhàn giá đáng muôn chung”. Các đạo giáo Đông phương như Phật và Lão, nhất là phái Thiền tông đã khám phá ra nội giới (tâm thức) rất sớm nhưng phải chăng vì  những quan niệm xuất thế, vô vi, tiêu dao, hưởng nhàn nên đã tỏ ra thiếu tích cực trong việc thúc đẩy sự nghiệp cách mạng khoa học kỹ thuật nhằm biến đổi thế giới và giải phóng con người khỏi sự nghèo nàn và lạc hậu?
Tuy nhiên, có thắc mắc tại sao người theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam lại không từ bỏ được tâm lý thích ồn ào ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ? Điều này trái ngược với phong cách cầu nguyện suy ngẫm trong thinh lặng của tinh thần Kitô giáo. Tín đồ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam họ có thể cầu nguyện riêng lẻ với Thiên Chúa của mình trong thinh lặng mà không thông qua cộng đồng bằng những câu kinh tiếng hát tập thể. Đối với họ, cầu nguyện nhất thiết phải đọc kinh, như thể khẩu có niệm thì tâm mới suy được!
Trong đời sống gia đình xã hội, đám ma, đám cưới của các tín đồ Thiên Chúa giáo cũng đốt pháo, kèn trống rình rang đã đành, vì là con dân đất nước phải có “phép đời, phép đạo”. Nhưng có những nghi lễ phụng vụ chỉ thuần có tính cách “đạo” mà thôi thì cũng đã được Việt Nam hóa. Những cuộc rước sách tại các xứ đạo thường tập trung vào các tháng 5 và tháng 10 dương lịch để kính Đức Mẹ: rộn ràng tiếng kèn, trống, chiêng, phách và những lời kinh tiếng hát tưng bừng náo nhiệt chẳng khác gì những ngày hội mùa nhưng trang nghiêm hơn.
Nhất là vào “Tuần Thánh” trước lễ Phục sinh thì cái phong cách, tâm lý dân tộc được thể hiện một cách trọn vẹn trong các nghi lễ phụng vụ tại các xứ đạo (nhất là các xứ đạo Bùi Chu, Phát Diệm ở miền Bắc và Hố Nai, Gia Kiệm trong miền Nam). Ngay từ ngày đầu Tuần Thánh (nay chỉ còn ba ngày trước lễ Phục sinh) người ta tổ chức lễ Ngắm nhân tài (miền Nam gọi là ngày Lễ Đèn) suy ngẫm về 15 sự thương khó của Chúa Giêsu bằng lời than vãn theo thể điếu văn nghe rất bi ai thảm thiết. Người điều khiển cuộc lễ dùng phách để làm hiệu lệnh. Mọi tín đồ trong nhà thờ thầm thì theo dõi người đại diện. Đến chiều tối thứ năm Tuần Thánh trong nhà thờ các xứ đạo tổ chức nghi lễ Rửa Chân (diễn lại vở kịch Chúa rửa chân cho mười hai tông đồ) sau đó có chia bánh dày cho các người đóng vai mười hai tông đồ. Trong đêm thứ năm Tuần Thánh, có nơi còn tổ chức diễn lại tấm thảm kịch Giuda bán Chúa và quân Giuđêu (Do Thái) đi lùng bắt chúa Giêsu: cũng gậy gộc, giáo mác, chiêng, trống, thanh la, não bạt và những tiếng la ó ầm ĩ chẳng khác gì khung cảnh của Hèm là những nghi lễ gợi lại hành trang của các vị thần thành hoàng trong đời sống xã thôn Việt Nam[42].
Ngày thứ sáu Tuần Thánh (ngày Chúa chết) tín đồ Thiên Chúa giáo tại một số xứ đạo tổ chức đám tang lớn: mọi người đều chít khăn tang kêu khóc ồn ào “như ri vỡ tổ”. Năm nào vì hoàn cảnh không “mở lễ” được thì năm đó kém vui!
Chúng tôi nghĩ rằng sở dĩ tín đồ Thiên Chúa giáo Việt Nam chưa có những thái độ sống tôn giáo như đồng đạo ở Âu châu là vì đạo mới du nhập mới vài trăm năm, và nhất là đa số tín đồ là quần chúng bình dân. Và cũng chính nhờ đa số tín đồ là quần chúng bình dân nên mới có sắc thái đặc biệt Việt Nam.
Một vài dữ kiện và nhận định kể trên cho thấy vấn đề thích ồn ào hay không bắt nguồn từ những quan niệm văn hóa, ý thức hệ về xã hội, con người. Sự lựa chọn không nhất thiết là phải theo Tây phương nhưng cũng phải công nhận cuộc sống hiện nay ở đô thị như Sài Gòn thực quá ồn ào về mọi mặt… và do đó có thể tiến tới chỗ mọi người có thể chấp nhận được: Tôn trọng quyền được làm ồn, đồng thời cũng tôn trọng quyền được im lặng. Nói cách khác thích đốt pháo thì cứ đốt, nhưng phải có pháp luật, biện pháp ngăn cấm và nghiêm trị những vi phạm quyền của người không đốt pháo hay không thích đốt pháo.
Qua những trường hợp và giả thuyết kể trên, hướng tìm hiểu là làm sao nhận diện được ý nghĩa, chức năng của những phong tục lâu đời… từ đó xác định được cái gì là lệch lạc, lỗi thời, cái gì là cốt lõi, có ý nghĩa, giá trị đạo lý nên giữ lại.
Ngày nay, nhiều người phê bình phong tục xưa cũ theo lối nhìn duy lý phương Tây, hiểu theo nghĩa triết học Tây phương thế kỷ 19 (Rationalisme) mà nay bị coi là lỗi thời, chật hẹp, nên đã chỉ nhìn thấy cái ngớ ngẩn, mê tín dị đoan, phi lý trong các phong tục xưa mà không hiểu rằng chính lối phê bình của mình mới thật ngớ ngẩn, tỏ ra chẳng hiểu gì người xưa, như Phan Kế Bính đã viết trong Việt Nam phong tục:
“Ma quỷ đâu mà lại đốt pháo, đốt vàng… Tiễn ma bếp đã là chuyện hão huyền, mua cá làm ngựa mới lại nực cười thay!”.
Thực ra, người xưa đã gán cho thần bếp vai trò của lương tâm nên mới có tục cúng tế, thú tội, chuẩn bị hành trang cho thần bếp lên trời. Điều cốt yếu rút  ra được từ tục lệ thờ cúng ông Táo là niềm tin vào một thẩm quyền đạo đức. Bây giờ chúng ta nhận ra thẩm quyền đó chính là lương tâm con người. Do đó, người xưa chỉ khác chúng ta về cách biểu lộ diễn tả thẩm quyền đạo đức. Đáng lẽ nên phân biệt cái lý là bản chất, cốt lõi, vĩnh hằng và cái biểu hiện, tượng trưng là hiện tượng, dáng vẻ bên ngoài, thay đổi tùy nơi tùy thời của một phong tục, để giữ lại cái bản chất, thì thái độ duy lý chỉ nhìn thấy cái biểu tượng nên đã coi toàn bộ sự tích, tục lệ là nhảm nhí, đưa đến chỗ không tin thần linh và gạt bỏ luôn cả tục lệ. Điều đáng tiếc là không tin thần linh lại đưa đến chỗ cũng chẳng còn đếm xỉa gì đến lương tâm luân lý nữa!
                                                                                            



14.1.1988
NVT & ĐĐT

****************************************





[1]. Trần Thiện Dương, “Bài khuyên ăn tết”, Lục tỉnh tân văn số 12, ngày 30 - 03 - 1908, tr. 3.
[2]. Marcel Mauss, Essai sur le don, forme archaique de l’échange, Année Sociologique, Vol. II, 1923 - 1924. Tiếp nối Mauss đã có nhiều công trình minh chứng hiện tượng Potlatch. Xin kể vài tác phẩm đã tham khảo:
 -  Số đặc biệt tạp chí Arc, tưởng niệm M. Mauss (số 48, năm 1972).
 -  G. Bataille, La part maudite, Ed. de Minuit 1967.
 -  Ignacy Sachs, “La notion de surplus et son application aux économies primitives”, tạp chí L’Homme Revue d’AnthropologieJuillet Sept. 1966.
 -  P. Boudon, L’Essai sur I`Interpretation de la notion d`échange, L’Homme Av. Juin 1966.
[3]. Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Tổng bộ VHXH Saigon 1966 tr. 23: Nói về phong tục ăn Tết ở Hà Nội.
[4]. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Saigon 1972: Nói về phong tục ngày Tết ăn chơi thách thức nhau ở Gia Định.
[5]. Nguyễn Hiến Lê,  Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Saigon 1972  tr. 116: Công tử Bạc Liêu.
[6]. Vũ Xuân Tự, Túi bạc Sài Gòn, Trung Bắc thư xã, Hà Nội 1942: Cách ăn chơi của người Saigon.
[7]. Bùi Tường Huân, “Ảnh hưởng các giá trị truyền thống và cơ cấu xã hội đối với mức sinh hoạt”, tạp chí Quê Hương số 13 Saigon, 1960, tr.  234 - 250.
[8]. Chương Đắc Long, Le Têt du Vietnam, Rites et Interdictions du Têt, France Asie số 68 Janv. 1952.
 -  Điển cố văn học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977: Trống Thôi Hoa, tr.  409 - 410.
[9]. Trịnh Hoài Đức, sđđ. tr. 9: Pháo đồng, pháo thiếc là một loại pháo lệnh bọc đồng hay thiếc, tiếng nổ rất lớn thường dùng để làm hiệu lệnh.
[10]. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, Nxb Mặc Lâm, 1967, trang 18.
[11]11. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục.
[12]. Toan Ánh, Nếp cũ, Nam Chí Tùng Thư, Sài Gòn, 1966  tr. 163, 165, 283, 285, 308, 312, 315.
[13]. Xem chú thích 12.
[14]. Xem chú thích 12.
[15]. Xem chú thích 12.
[16]. Xem chú thích 12.
[17]. Xem chú thích 12.
[18]. Lê Văn Phát, “La vie intime d’ un Annamite de Cochinchine et ses croyances vulgaires”, BSEI Année 1906 2è sem, No 52, tr. 138.
[19]. Toan Ánh, sđd, tr. 320 - 321.
[20]. Louis Chochod - Huế, La Mystériques, Paris Mercure de France 1943, tr. 123.
[21]. Charles Borri, “Relation de la Cochinchine”, Bull. des Amies du Vieux Huế, Juillet Dec. 1931, tr.  374.
[22]. Lâm Ngữ Đường, The Importance of Living  (Lạc thú ở đời ), Trình Xuyên dịch, Nxb Á Châu Sài Gòn, 1955 tr. 417. Đỗ Đức Thịnh, Thuốc lào trong tình tự dân tộc. Tiểu luận cao học khoa học nhân văn, ĐHVK Sài Gòn, trích đăng trong tạp chí Quần Chúng số 1, 2 Sài Gòn  1968 tr. 30 - 39 và 28 - 35.
[23]. Pierre Huard, Connaissace du Viet Nam. Toan Ánh, sđd. tr. 303 (Người ta thường bỏ theo vào áo quan một cổ bài tổ tôm cũ).
[24]. Lê Văn Phát, sđd, tr. 62. Carl Crow, Mes amis des Chinois dans leur vie quotidienne, Payot, Paris 1939, tr. 125.
[25]. Lê Văn Phát, sđd, tr. 108.
[26]. Toan Ánh, sđd., tr. 296.
[27]. Nghiêm Thẩm, Esquisse d’ une Etude sur les Interdits chez les Vietnamiens, Tủ sách Viện khảo cổ, Sài Gòn 1965, tr. 151.
[28]. G. Dumoutier, “Les Cultes Annamites”, Revue Indoch, số 15 tháng 4. 1905, tr. 461. Le Chochod cũng ghi lại kiêng cữ này ở vùng Huế (trang 146), sđd.
[29]. L. Cadière, “Sur quelques Faits religieux ou magiques observés pendant une épidemie de Choléra en Annam”, Anthropologie V. 1910, tr. 519 - 529. Hoặc trong Croyances et Pratiques religieuses des Vietnamiens Tome I Ecole fran. D’ Extr. Orient, Paris 1957, tr. 209.
[30]. Claude Lévi - Strauss, Mythologiques, Tập 1, Le Cru et le Cuit. Paris 1964, tr. 292 - 293.
[31]. Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Cơ sở ấn loát Đường Sáng, Sài Gòn 1970, tr. 369.
[32]. Kim Định, Triết lý cái đình, Nguồn Sáng, Sài Gòn 1971, tr. 59 - 60. Đặng Văn Nhâm, “Kiến trúc nhà của Việt Nam”, Bách Khoa số 13, Sài Gòn 1957, tr. 24.
[33]. Pisier, “Variétés sur Le Tet, Indochine Heddomadaire Illustré”, số viết về Tết năm 1942. Tác giả nói là ghi theo lời người Việt Nam kể.
[34]. L. Chochod Sđd tr. 123.
[35]. C. Borri Sđd tr. 374.
[36]. Có thể xem J. Casaneuve, Sociologie du Rite, P.U.F. Paris 1971, đoạn giải thích những kiêng kỵ,  trang 108 - 111.
[37]. Claude Lévi - Strauss, sđd., tr. 299 - 300. Hoàng Trọng Miên,Việt Nam Văn học Toàn thư II -  Văn Hữu Á Châu xuất bản, 1959, trang 74. Vợ chồng hung thần Na Á chuyên gây tai ách cho người dân Việt -  Không có bùa phép nào trị nổi vợ chồng hung thần này ngoại trừ ánh sáng và tiếng động. Thừa lúc giao thời năm cũ và năm mới, các thần phù trợ dân gian phải về trời chầu Ngọc Hoàng, vợ chồng hung thần tha hồ tác oai tác quái. “Để trừ cái họa ông bà Na Á làm lộng trong mấy ngày Tết, người ta mới bày ra đốt pháo, thắp nhiều đèn trong nhà để xua đuổi hai hung thần sợ tiếng ồn và ánh sáng. Cho nên tối đêm 30 Tết, nhất là từ lúc giao thừa, mọi nhà đua nhau đốt pháo ầm ĩ… để xua đuổi vợ chồng hung thần…”.
[38]. Pháo nổ là chủ yếu để nghe và giá trị của nó là tiếng nổ to, ròn, liên tục, còn pháo bông chủ yếu lại để nhìn và giá trị là ở màu sắc và ánh sáng.
[39]. Hồng Ba, “Những nốt trầm trong cuộc sống phố phường Paris”, Sài Gòn Giải Phóng trang Chủ nhật 13.12.1987.
[40]. Carl Crow, sđd, tr. 123.
[41]. Philippe Ariès và Georges Duby, L`Histoire de la Vie privéetập I - II, Seuil xuất bản, tạp chí Lire trích đăng trong số báo 124 tháng 1 - 1986, tr. 57 - 59.
 -  Thánh Benoit du Nursie (480 - 547) sáng lập tu viện  Mont Cassin lập luật dòng Bénédictin, ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng Thiên Chúa giáo thời Trung cổ.
[42]. Đỗ Đức Thịnh, “Hiện tượng thành hoàng trong đời sống xã thôn Việt Nam”, tạp chí Quần Chúng số 3, 1968, tr. 20 - 28






........./.