Vuốt ve vùng cấm và ý kiến dân biểu




Vuốt ve vùng cấm và ý kiến dân biểu
XUÂN DƯƠNG

****

http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Vuot-ve-vung-cam-va-y-kien-dan-bieu-post152603.gd

****

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu về tình trạng tham nhũng khi tiếp xúc cử tri Hà Nội: “Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu". [1]
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu ý kiến trong cuộc họp với doanh nghiệp tại TP HCM: “Họp cứ vuốt ve nhau, nguy hiểm lắm”. [2]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phiên thảo luận dự án Luật tổ chức tòa án (sửa đổi), nói: “Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn…”. [3]
Một ý kiến khác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “tiền ăn, chơi, chạy chạy không phải từ tham nhũng thì từ đâu”. [1]
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay như sau: “ (họ) ăn của dân không từ cái gì”. [1]
 Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế Xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi, chưa đạt yêu cầu, tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Thanh tra, kiểm tra chưa cao, ít phát hiện, xử lý còn chậm, tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức gây bức xúc trong nhân dân chậm khắc phục”. [4]
Đại diện cho tiếng nói của người dân, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền nêu ý kiến: “chúng tôi thấy từ 1949 đến 1975 chỉ có một ông quản gia nhưng kiểm kê tài sản của Dinh Bảo Đại không thiếu một cái gì. Đến chúng ta, mỗi lần kiểm tra thì có bao nhiêu con dấu nhưng vẫn mất dần, mất mòn. Toàn là đảng viên giữ tài sản sao mất nhiều thế?”. [5]
Còn đại biểu đoàn Thanh Hóa Lê Nam thì cho rằng: “nếu đụng tới cán bộ càng cao thì càng cần phải công khai minh bạch. Nếu chỉ làm từ vai trở xuống thì nhân dân không tin đâu”. [5]
Về phía truyền thông, đài truyền hình kỹ thuật số VTC nêu câu hỏi: “Sao tài sản của dân giao cán bộ cứ mất dần mất mòn?”. [5]
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Chống tham nhũng đã nói nhiều, bàn nhiều từ trung ương đến địa phương, nhưng chưa giảm được nhiều như kỳ vọng của nhân dân, là thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị và công cuộc kiết thiết đất nước. Vẫn biết đấu tranh chống tham nhũng cần phải có giải pháp đồng bộ, kiên quyết, kiên trì, nhưng điều quan trọng mà dư luận đang đòi hỏi và chờ đợi là những hành động “nói thật - làm quyết liệt”. [6]
Nhận xét về vai trò của người dân và báo chí trong cuộc đấu tranh chống tham những bài báo kết luận: “Nhiều vụ án tham nhũng lớn bị phơi bày, phần nhiều là do người dân và báo chí phát hiện. Điều đó cho thấy, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít”. [6]
Nếu để ý kỹ đồng tiền trong ảnh minh họa trên bài báo sẽ nhận thấy có điều thú vị.
Đề cập đến chất vấn của ĐBQH về vụ việc ông Trần Văn Truyền, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ có dấu hiệu sai phạm nhưng Thanh tra chính phủ chưa có ý kiến gì. Báo Vietnamnet viết: “Đứng lên trao đổi lại với đại biểu về khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng sau đó, ông Huỳnh Phong Tranh trả lời rất dài song lại "quên" nội dung này (liên quan đến ông Truyền - TG), khiến Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phải nhắc”.
Sau đó ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: "Ông Truyền là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Sau phiên chất vấn lần trước, Ban Bí thư đã họp, chỉ đạo UB Kiểm tra TƯ kiểm tra đúng quy trình những vi phạm của ông Truyền. Đến nay chưa có kết luận nên chưa có thông tin để báo cáo ĐBQH". [7]
Phát biểu của Tổng Thanh tra Chính phủ trước Quốc hội cho thấy Thanh tra chưa thể trả lời Quốc hội vì chưa có thông tin, Thanh tra còn phải chờ kết luận mới có thể báo cáo Quốc hội.
Cho đến thời điểm này (ngày 21/11/2014)  thì vụ việc liên quan đến ông Truyền đã có kết luận, và vì kết luận của UBKT TƯ đã công bố rộng rãi nên sẽ không còn gì để hỏi, dù sao đây cũng là dịp để các vị dân biểu cân nhắc trước khi đề xuất một vấn đề gì.
Trước khi có kết luận vụ ông Truyền, ông Trần Xuân Giá, nguyên Ủy viên TƯ, nguyên bộ trưởng và ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán Tòa án Tối cao đã bị truy tố, điểm chung của cả ba vị này là đều đã nghỉ hưu, trở lại làm dân thường. Giả sử họ có mắc tội thì đứng trước vành móng ngựa là một “dân thường” chứ không phải một quan chức!
Đối với những người đương chức, cấp cao nhất bị miễn chức có lẽ là lãnh đạo cấp tỉnh (Nguyễn Trường Tô – Hà Giang; Trương Tấn Thiệu – Bình Phước; Lê Công Nghiệp – Cà Mau, Lữ Ngọc Cư – Đắc Lắk…). Những vị bị miễn chức này không thấy truyền thông đăng các thông tin gì thêm mặc dù có vị “ liên quan đến vụ tham ô, cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. [8] Còn mấy vị thẩm phán đương chức xử sai hai phiên phúc thẩm vụ “vườn mít” khiến Tòa án Tối cao phải xử phiên thứ ba thì vẫn cặm cụi làm tiếp công việc, giống như ông Lữ Ngọc Cư chuyển sang Ban chỉ đạo Tây Nguyên. [9]
Chống tham nhũng không có vùng cấm, điều này không chỉ đúng về lý thuyết mà cả thực tế nhìn từ trường hợp ông Trần Xuân Giá, ông Trần Văn Truyền.
Báo Motthegioi đã bỏ công sưu tầm các phát ngôn ấn tượng của ông Truyền, dưới đây là một số ví dụ:
Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc”.
Năm 2005, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ ông Truyền nói: “Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy rất dữ".
Nhận định của ông Truyền cho thấy, gần mười năm trước ông là con người nhìn xa, trông rộng. Không những ông nói đúng với suy nghĩ của nhiều người mà có một phần cũng đúng với tương lai của chính mình.
Còn một ý kiến khá hay của ông Truyền được TTO ghi lại ngày 31/10/2008: “Nếu được nói trên diễn đàn Quốc hội, tôi sẽ nói công tác chống tham nhũng hiện không chùng xuống, nếu chùng xuống thì chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng". [10]
Nếu giả sử ông Truyền vẫn còn đương chức, xét về tình hình chống tham nhũng hiện nay không biết ông có giữ nguyên quan điểm của mình đối với báo chí, rằng “chỉ có báo chí chùng, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không chùng”?
Giữa lời nói và việc làm của ông Truyền có khoảng cách hay không, người đọc sẽ tự đánh giá. Người viết thì cho rằng, theo những gì mà UBKT TƯ công bố, ông Truyền chỉ có chút ham muốn về nhà đất, nhưng dẫu sao ông  cũng mất công viết đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin tỉnh nọ, thành phố kia phê duyệt cấp cho ông, có giấy tờ đàng hoàng chứ tuyệt không có chuyện “ăn của dân không từ một cái gì”. Lo cho con cháu mình ai chẳng thế, vấn đề là vì sao người ta lại cấp hoặc bán cho ông nhà, đất dù biết là sai nguyên tắc? 
Kết luận của UBKT TƯ không đề cập đến chuyện ông Truyền trước khi nghỉ hưu ký quyết định bổ nhiệm 60 công chức, nghĩa là cho đến thời điểm này ông Truyền không sai. Nếu ông Truyền không sai thì những ngôn từ liên quan đến ông như: “60 chức được bổ nhiệm ở phút 89" hoặc “Bổ nhiệm 60 cán bộ ở phút 89”… rõ ràng là không phù hợp, không biết ông Truyền có nên kiện những người hay cơ quan đã nói sai sự thật hay không?
Trộm nghĩ tốt nhất là ông không nên kiện vì tuổi cao, sức yếu vả lại như chính ông nói: “xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều”!
Có thể còn một hai vị được báo chỉ “điểm danh” sẽ được nêu tên trở lại trong tương lai, dẫu sao đó không phải là điều mà người dân mong muốn. Mong sao những “lời có cánh” mà ông Truyền nói khi đương chức luôn đồng bộ với những việc mà ông làm, càng mong sao người dân sẽ không mất thời gian đọc kết luận về những việc làm của “một bộ phận không nhỏ” mà hiện thời vẫn “không biết nằm ở đâu”.
Nguồn trích dẫn:




......./.