ISRAEL – TỒN TẠI BẰNG NỘI LỰC QUỐC PHÒNG



ISRAEL – TỒN TẠI BẰNG NỘI LỰC QUỐC PHÒNG



https://www.facebook.com/nguyen.manhkim


Ở một nước mà người ta ăn ngủ với cảnh báo khủng bố thường trực thì việc đầu tư nghiên cứu và phát triển vũ khí phòng vệ là điều hiển nhiên. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào mà một quốc gia nhỏ với dân số chỉ gần 9 triệu lại có thể cho ra đời những sản phẩm vũ khí thuộc hàng đẳng cấp như vậy? Chuyên san công nghiệp vũ khí của Anh, Jane’s, xếp Israel đứng thứ 6 trong số nhà xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Năm 2012, Israel xuất khẩu số trang bị quân sự trị giá 2,4 tỉ USD – tính bình quân đầu người đạt khoảng 300 USD. Đó là tỉ lệ cao nhất thế giới (bình quân đầu người Mỹ được chia, dựa vào doanh số vũ khí, đạt 90 USD).
Từ năm 2001-2012, theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí Israel đã tăng gấp đôi. Việc đối mặt khủng bố như cơm bữa giúp vũ khí Israel luôn được thử nghiệm thực tế chiến trường khiến sản phẩm quân sự của họ càng có giá trị. “Chúng tôi đưa con em mình vào quân đội Israel và chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ được dùng loại vũ khí tốt nhất trong số các loại tốt nhất” – phát biểu của Gil Wainman, phát ngôn viên hãng Israel Weapon Industries (IWI) - một trong những hãng vũ khí lớn nhất Israel, nơi cung cấp quân đội Israel súng máy Uzi, súng trường Tavor, súng máy Negev… Súng ngắn Desert Eagle của IWI trở nên quen thuộc đến mức nó hiện diện trong nhiều phim hành động của Mỹ. Khi được tư nhân hóa năm 2005, IWI có 50 nhân viên. Bây giờ, theo Der Spiegel (27-8-2014), con số trên tăng hơn gấp 10. Số vũ khí IWI xuất khẩu chiếm đến 90% sản lượng của họ…
G-Nius là một hãng lừng danh khác. Xe “The Guardium” vận hành tự động là một trong những sản phẩm nổi tiếng của G-Nius – một trong những hãng đầu tiên có thể sản xuất một đội chiến binh robot. Được đưa ra chiến trường từ năm 2007 với nhiệm vụ tuần hành biên giới Gaza, “The Guardium” được điều khiển từ xa hoặc có thể tự chạy thông qua lộ trình được lập trình. Trang bị camera và cảm ứng, “The Guardium” thu được dữ liệu về môi trường xung quanh. Nó còn có hệ thống vũ khí được điều khiển từ xa. Nằm trong Công viên Kỹ thuật cao tại thành phố Yokneam ở Đông Bắc Israel, G-Nius là liên doanh với tập đoàn điện tử-không gian Elbit Systems và tập đoàn quốc phòng-hàng không Israel Aerospace Industries (IAI, thuộc nhà nước).
Dù quân đội Mỹ nổi tiếng với các sản phẩm UAV quân sự (máy bay không người lái) nhưng Israel là nơi bán nhiều UAV hơn Mỹ, theo ghi nhận năm 2013 của chuyên san Jane's (có thể bán gấp đôi Mỹ trong năm 2014). Harop là một ví dụ. Chiếc UAV này có thể mang 23 kg thuốc nổ. Một khi phát hiện mục tiêu trên màn hình, người điều khiển có thể tăng tốc Harop lên 400 km/g để nó lao thẳng vào mục tiêu. Quân đội Israel đã sử dụng Harop nhiều năm. Xuất khẩu UAV quân sự của Israel đang tràn ngập thị trường châu Á. Thậm chí Đức cũng đang dòm ngó UAV Heron.
Tại triển lãm thiết bị quân sự Defexpo đầu năm 2014 ở Ấn Độ với 624 hãng từ 30 quốc gia góp mặt, Israel đã tham dự với 21 công ty (số lượng nhiều chỉ sau Nga và Pháp). Tại đây, Israel Aerospace Industries (IAI) đã trình làng một số sản phẩm mới, trong đó có tàu không người lái Katana; hệ thống radar hiện đại, hệ thống phòng không, thiết bị kiểm soát-điều khiển điện tử… The Diplomat (25-2-2014) cho biết, tập đoàn Israel Military Industries (IMI) đã ký được hợp đồng trị giá 500 triệu USD với một số nước châu Á trong năm 2013. Tại triển lãm hàng không Singapore Airshow ngày 11-2-2014, không chỉ các hãng vũ khí Israel, cả Bộ trưởng quốc phòng Moshe Yalon cũng có mặt. Tại đây, hãng Elbit giới thiệu UAV Hermes 900 (dùng cho do thám, có thể bay cao đến 9.000 m), trong khi Rafael trình làng hệ thống laser “Iron Beam” được thiết kế như một hệ thống phòng thủ bằng tia laser, có thể diệt phi pháo (rocket) và UAV ở cự ly gần. Đây là một trong những hệ thống vũ khí mới nhất của Rafael.
Từ thập niên 1970, Israel đã nỗ lực tự cung tự cấp thay vì chờ viện trợ quân sự Mỹ. Thời đó, họ đã có tàu trang bị tên lửa Reshef, chiến đấu cơ Kfir, tên lửa Gabriel, xe tăng Merkava… Thập niên 1970, vũ khí Israel đã nổi như cồn. Washington thậm chí phải kiểm soát các thương vụ vũ khí Israel đối với các loại có nguồn gốc kỹ thuật từ Mỹ. Năm 1978, Mỹ đã ngăn cản Israel bán 12 chiến đấu cơ Kfir cho Uruguay… Đến nay, Israel có hơn 150 công ty sản xuất vũ khí với doanh số tổng cộng hơn 3,5 tỉ USD/năm. Trong khi Israel Military Industries (IMI) chuyên sản xuất súng, đạn, thuốc nổ…, Tadiran (công ty tư nhân lớn nhất Israel) chuyên về thiết bị truyền thông, hệ thống điện tử điều khiển và chỉ huy; và Soltam chuyên về đạn cối...
Một trong hãng vũ khí lừng danh nữa là Rafael, nơi sản xuất tên lửa không đối không Shafrir (sau đổi thành Python) từng gây khiếp đảm thế giới Arab (trong cuộc chiến Yom Kippur 1973, Không quân Israel đã phóng 176 tên lửa Shafrir 2, tiêu diệt 89 máy bay địch). Rafael cũng là nơi cho ra lò tên lửa chống tăng Spike; tên lửa không đối đất Popeye; tên lửa đất đối không David’s Sling; và đặc biệt hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome). Israel còn có những cá nhân xuất sắc. Abraham E. Karem là một ví dụ. Đây chính là người chế tạo UAV Predator mà quân đội Mỹ sử dụng mạnh những năm qua…
Ngoài sự liên hệ chặt giữa giới khoa học dân sự và kỹ sư quân sự, điều khiến công nghiệp vũ khí Israel lớn mạnh là nền tảng năng lực khoa học-kỹ thuật của họ. Israel là một trong những quốc gia được ngưỡng mộ nhất thế giới bởi họ có những bộ não siêu việt luôn được khai thác đúng mức. Trong nhiều năm, Israel luôn nằm trong đầu bảng các quốc gia sáng tạo nhất thế giới trong niên giám World Competitiveness Yearbook được Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD, Thụy Sĩ) đánh giá. Israel đầu tư 4,4% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D) – tỉ lệ cao nhất thế giới. IMD cũng xếp Israel đầu bảng xét về chi tiêu cho giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển-ứng dụng công nghệ, an ninh mạng và công nghệ thông tin. Chưa hết, Israel cũng đứng đầu bảng về “Chỉ số Quân sự hóa toàn cầu” (Global Militarization Index) do Trung tâm chuyển đổi quốc tế Bonn (BICC) đánh giá. Michael Brzoska, giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình và chính sách an ninh thuộc Đại học Hamburg, trong một nghiên cứu năm 2007, cho biết, 30% dự án nghiên cứu và phát triển Israel đều tập trung chủ yếu vào mục đích ứng dụng quân sự.
Và điều căn bản của mọi căn bản là ý thức tinh thần tự vệ - yếu tố quan trọng nhất đối với Israel, một dân tộc nhỏ với vị trí địa lý lọt thỏm giữa một thế giới Arab luôn dòm ngó ganh ghét. Bị đè nặng bởi tảng đá lịch sử thù hận liên miên mấy ngàn năm nhưng Israel không lấy lịch sử làm cái cớ để quỳ mọp, không lấy địa lý làm lý do để “giải thích” cho sự phục tùng, không lấy các “yếu tố khách quan” nội tại để lừa bịp dân chúng về một chủ trương đối ngoại bằng đầu gối. Bài học tồn tại của Israel là lấy động chế động. Họ dùng bạo lực để đối mặt với bạo lực. Họ dùng sức mạnh quân sự để chống lại những con dao giấu kín luôn chực chờ đâm lén phía sau; với những quả bom khủng bố nhân danh này nọ mà nạn nhân bất kể là ai, từ người già đến trẻ nhỏ; với những cuộc bắn dội tên lửa của kẻ thù mà kết quả là những thây người khét lẹt co quắp. Để sống, Israel phải biết tự vệ và chống trả. Có chuyện kể, hồi Cuộc chiến Sáu ngày 1967, có một bà mẹ ôm chặt đứa con nhỏ đứng bên cạnh khẩu pháo, run bây bẩy giữa trời giông lạnh cóng. Chiếc áo mưa của bà đã được dùng để che nòng khẩu pháo! Cái tinh thần dữ dội và bền bỉ đó không phải dân tộc nào cũng có.
……
- UAV Harop (Defense News)
- Tự lực để tồn tại là yếu tố quan trọng nhất đối với Israel (Der Spiegel)