_____ Người Amish ở Mỹ



Người Amish ở Mỹ
Phạm Cao Hoàng



http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19462




Họ theo đuổi một lối sống đơn giản, khiêm tốn, hiếu hòa, kiên nhẫn, nhường nhịn, quên đi bản thân, hết lòng vì cộng đồng. Kiêu ngạo và chủ nghĩa cá nhân là những thứ tối kỵ đối với người Amish. Họ không dùng điện, không làm chủ xe hơi, điện thoại,…Cuộc sống của họ bây giờ và 300 năm trước không khác nhau bao  nhiêu.


NGƯỜI AMISH LÀ AI?
VÌ SAO HỌ DI CƯ SANG CHÂU MỸ?

Vào thế kỷ 16, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ở Châu Âu tham gia phong trào Anabaptist Movement vốn chủ trương không rửa tội cho trẻ em, mà chỉ rửa tội cho người lớn- khi mà họ đã có thể chủ động chọn lựa đức tin của họ. Họ ngược đãi, bị phân biệt đối xử, một số người bị giết. Nhiều người trốn vào vùng rừng núi của Thụy Sĩ và miền nam nước Đức, và cộng đồng Amish được hình thành ở đó.

Amish chính là giáo phái Tin Lành tách ra từ một giáo phái Tin Lành đã hình thành trước đó, Mennonites. Đầu thế kỷ 18 để có tự do tôn giáo, cộng đồng Mennonites và Amish di cư sang Châu Mỹ.

HỌ THEO ĐUỔI NHỮNG GIÁ TRỊ NÀO?

Họ theo đuổi một lối sống đơn giản, khiêm tốn, hiếu hòa, kiên nhẫn, nhường nhịn lẫn nhau, quên đi bản thân, hết lòng vì cộng đồng. Kiêu ngạo và chủ nghĩa cá nhân là những thứ tối kỵ đối với người Amish.


Cảnh xây dựng một nhà kho chứa nông sản của người Amish..

Những hình ảnh như thế này là biểu tượng về sự tương trợ lẫn nhau của người Amish. Ngày làmnhà kho giống như ngày hội. Mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng, đến ngày dựng lên thì cả cộng đồng cùng làm, và nguyên tắc là trong một ngày nhà kho phải được hoàn tất. Trong ngày này, đàn ông thì lo công việc, phụ nữ thì nấu các món ăn ngon để chiêu đãi, còn trẻ em thì vui chơi thỏa thích.

ĐIỀU LẠ LÙNG NHẤT VỀ NGƯỜI AMISH LÀ GÌ?

Điều lạ lùng nhất là họ từ chối các tiện nghi do khoa học kỹ thuật mang lại. Họ không dùng điện, không làm chủ xe hơi, điện thoại,…Cuộc sống của họ bây giờ và 300 năm trước không khác nhau bao  nhiêu.

ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CỦA NGƯỜI AMISH LÀ GÌ?

Ưu tiên số một là thờ phượng Chúa. Sống là khoảng thời gian chờ đợi để trở về với Chúa. Kế đến là gia đình, nông trại, và cộng đồng. Phần lớn người Amish sống bằng cách làm nông. Các buổi  lễ và cầu nguyện của họ được luân phiên tổ chức trong các gia đình, không tổ chức trong nhà thờ.

CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI AMISH ĐANG SỐNG Ở MỸ?

Khoảng ba trăm ngàn người, nhiều nhất là ở tiểu bang Ohio, kế đến là tiểu bang Pennsylvania. (Một số ít sống ở Canada). Họ có lối ăn mặc riêng, với loại vải trơn, không có sọc hoặc hoa hòe, hình ảnh…

NGƯỜI AMISH NÓI THỨ TIẾNG GÌ?

Ở nhà thờ và trong gia đình, họ nói tiếng Đức. Khi đi học, họ dùng tiếng Anh. Tiếng Đức cũng được dạy trong nhà trường.

TRẺ EM AMISH ĐI HỌC Ở ĐÂU?

Họ tự hình thành và quản lý một loại trường riêng, được gọi là one-room schoolhouse, loại trường chỉ có 1 phòng học duy nhất nằm ở nhiều địa bàn khác nhau trong cộng đồng.  Thường các em chỉ học tới lớp 8 thì dừng lại.


Một trường học loại one-room schoolhousetrong động cồng người Amish


Nữ sinh Amishtrên đường đến trường


Nam sinh Amishtrên đường đến trường


TẠI SAO NGƯỜI AMISH KHÔNG DÙNG ĐIỆN?

Người Amish không dùng điện vì cho rằng điện đưa đến những tiện nghi của đời sống hiện đại, và sự cám dỗ của những tiện nghi này có thể làm hủy hoại các giá trị tôn giáo và đời sống gia đình.  Giá trị mà họ theo đuổi chính là sự đơn giản, khiêm tốn trong cuộc sống. Càng sống đơn giản, con đường giải thoát sau này càng rộng hơn.


HỌ CÓ SỞ HỮU CÁC LOẠI XE HƠI KHÔNG?

Không. Họ chỉ có xe ngựa (buggy). Họ muốn tạo dựng và duy trì một cộng đồng trong đó mọi người sống hòa hợp, chia sẻ với nhau, có mức sống gần như nhau, không có sự chênh lệch giàu nghèo. Việc sở hữu các tiện nghi đắt tiền sẽ phá vỡ trật tự của cộng đồng, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo, tạo điều kiện cho tính kiêu căng, hợm hĩnh phát triển. Tuy nhiên, do nhu cầu cuộc sống, họ có thể đi xe buýt, xe lửa, taxi, hoặc thuê xe, nhưng làm chủ một chiếc xe thì không.


Xe ngựa ( buggy ) của người Amish


Xe ngựa (buggy) của người Amish


Xe scooter


HỌ CÓ SỞ HỮU ĐIỆN THOẠI KHÔNG?

Phần lớn các gia đình không có điện thoại. Họ sử dụng điện thoại công cộng và ngày nay một số ít bắt đầu dùng cell phone.

HỌ CÓ DÙNG GAS  KHÔNG?

Có. Thứ gì có thể thay thế cho nguồn điện thì họ vẫn dùng, vì nó tiện lợi hơn, nhưng không ảnh hưởng đến lối sống đơn giản của họ. Ví dụ, hệ thống sưởi, bếp gas, tủ lạnh chạy bằng gas, đèn thắp sáng… vẫn được chấp nhận.


Đèn thắp bằng gas trong người của nhà Amish

CÁC WEBSITES CỦA HỌ ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?

Chính những người Amish không làm ra những websites này  vì họ không dùng điện và không sở hữu computers. Các websites này được làm ra bởi những cá nhân hoặc tổ chức có mối quan hệ với cộng đồng người Amish nhằm chuyển đến thế giới bên ngoài những thông tin chính xác về người Amish và lối sống của họ.

NGƯỜI AMISH CÓ CHỤP HÌNH KHÔNG?

Không được chụp hình cá nhân, vì Thánh Kinh của họ xem chụp hình là điều cấm kỵ. Họ quan niệm, “người ta chết để tiếng”, chứ không phải cái diện mạo bên ngoài: mỗi người đến rồi cũng phải đi, cái còn lại là cái tâm, cái đức như thế nào để mọi người nhớ đến. Người Amish không cho phép du khách chụp hình cá nhân của họ.


TẠI SAO ĐÀN ÔNG AMISH ĐỂ RÂU CẰM (BEARD)
VÀ KHÔNG ĐỂ RÂU MÉP (MOUSTACHE)?

Một bộ râu cằm dài là dấu hiệu của sự trưởng thành. Họ bắt đầu để râu cằm sau khi lập gia đình. Người Amish không chấp nhận chiến tranh, mà râu mép lại được giới quân sự ưa chuộng nên họ không phù hợp và không để râu mép.



Những người đàn ông Amish.
Họ luôn luôn đội chiếc mũ rộng vành khi ra khỏi nhà.
Họ bắt đầu để râu cằm sau khi lập gia đình

TẠI SAO PHỤ NỮ AMISH LUÔN ĐỘI KHĂN TRÊN ĐẦU?

Phụ nữ không được phép cắt tóc. Có như thế nào cứ để như thế đó. Họ đội khăn giữ búi tóc cho gọn nhằm thuận tiện trong khi làm việc.


Phụ nữ và trẻ em Amish


Một bà mẹ Amish dẫn con đi dạo chơi

NGƯỜI AMISH CÓ ĐÓNG THUẾ KHÔNG?

Những sản phẩm họ làm ra mang tinh chất tự cung, tự cấp thì được miễn thuế. Tuy nhiên, họ vẫn có nghĩa vụ đóng thuế bất động sản, thuế thu nhập, và các loại thuế khác.

HỌ CÓ NHẬN CÁC PHÚC LỢI TỪ CHÍNH PHỦ KHÔNG?

Không. Họ chủ trương gia đình của họ lo liệu mọi chuyện, nếu quá khó khăn cộng đồng của họ sẽ giúp đỡ. Họ không nhận các phúc lợi từ Social Security Benefits, Unemployment Benefits, Welfare Funds…

NGƯỜI AMISH TRỒNG NHỮNG THỨ GÌ Ở CÁC NÔNG TRẠI CỦA HỌ?

Bắp, lúa mì, thuốc lá, đậu nành, khoai tây, lúa mạch, rau, hoa quả… Họ dùng ngựa để làm sức kéo.  


Trong nông nghiệp, người Amish dùng ngựa làm sức kéo

HỌ CÓ ĐI KHÁM BỆNH KHÔNG?

Họ chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vạn bất đắc dĩ họ mới tìm đến bác sĩ hay bệnh viện. Tuy không có bảo hiểm y tế nhưng họ thanh toán các chi phí chữa trị một cách sòng phẳng, vì cộng đồng của họ sẵn sàng giúp đỡ nếu như cá nhân không tự lo liệu nổi.

GIỚI TRẺ AMISH CÓ CHẤP NHẬN LỐI SỐNG  NHƯ VẬY KHÔNG?

Đại đa số chấp nhận, vì họ đã quen như vậy. Một số rất ít bỏ đi, tìm đến những nơi khác. Thực tế, dân số trong các cộng đồng Amish không giảm đi, mà càng ngày càng tăng, cho thấy niềm tin tôn giáo và những giá trị mà họ theo đuổi vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ .



Các bạn đoán xem cậu thanh niên Amish trong hình đã có vợ hay còn độc thân.
Cậu ta đang băng qua đường bằng một loại ván trượt gắn phía dưới đôi giày.


CÒN BẠN THÌ SAO? NGƯỜI AMISH VÀ CHÚNG TA, AI KHỔ HƠN AI?

Câu trả lời xin dành cho các bạn đọc bài viết này.



............/.

HỒ CHÍ MINH VỚI TRUNG QUỐC

......



[...] Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Tổng Cục Lưu trữ Nhà nước Trung Quốc phối hợp với các cơ quan: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lưu trữ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cục Lưu trữ thành phố Bắc Kinh, Cục Lưu trữ thành phố Thượng Hải, Cục Lưu trữ tỉnh Quảng Đông, Cục Lưu trữ Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Cục Lưu trữ tỉnh Vân Nam tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TRUNG QUỐC” tại Hà Nội và Bắc Kinh

XEM TẠI ĐÂY :




HOẶC BẤM CÁC LINK DƯỚI ĐÂY :




......../.



Chủ nghĩa Xã hội vs Chủ nghĩa Tư bản


Chủ nghĩa Xã hội vs Chủ nghĩa Tư bản


http://hieuminh.org/2014/08/19/cnxh-va-cntb/






Trồng giấc mơ bằng...tiền. Ảnh: Internet
Trồng giấc mơ bằng…tiền. Ảnh: Internet
Robin Hood là người rừng chuyên đi lấy của người giầu chia cho người nghèo. Đó cũng là cách mà CNXH tìm cách chia đều lợi nhuận xã hội cho mọi người nhằm tiến tới công bằng: cơ hội và thành quả.
Đó cũng là ý nghĩ của những người làm nên cuộc cách mạng tháng 8-1945.

Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đều có “Robin Hood”. Liên Xô cải tạo và xử lý gulag, Trung Quốc cải cách ruộng đất. Việt Nam copy cả hai. Hòa bình vừa xong trên nửa nước đã tiến hành xử địa chủ bóc lột, bắt tù, giết cường hào gian ác. Hợp tác hóa toàn miền Bắc, tưởng rằng, bằng sức mạnh tập thể, rời non lấp biển, CNXH thành công sau 5 năm kế hoạch đầu tiên.
Đáng tiếc thay, tư duy cha chung không ai khóc đã ngự trị cả ngàn năm ở nền văn minh lúa nước sông Hồng, giấc mơ của cụ Lê Nin tại xứ Việt vẫn chỉ là giấc mơ. Robin Hood chưa chắc đã là người hùng như trong truyện cổ tích của người Việt.
Sống dưới chế độ XHCN tại Việt Nam 15 năm liền (1954-1970) từ thuở thiếu niên, sau đó 7 năm tại Ba Lan ở lứa tuổi thanh niên với XHCN nửa cộng sản, nửa quí tộc, nửa tin Liên Xô, nửa kia tin Mỹ, có 6 tháng bên tư bản Anh già cỗi, và 10 năm gần đây khi ở tuổi tri thiên mệnh tại sào huyệt đế quốc và tư bản Mỹ, thế mà tôi không tự tin để nói thế nào là tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, chế độ nào tốt đẹp hơn. Mỗi chủ nghĩa có cái hay riêng.
Gọi điện hỏi tay chuyên gia kinh tế thế giới, hắn giải thích nôm na như sau.
Quốc gia nào có sở hữu Nhà nước nhiều hơn gọi là cộng sản, nơi nào sở hữu tư nhân nhiều hơn được gọi là tư bản. Hai mô hình này mà cãi nhau “ai hơn ai” đến thế kỷ sau chưa chắc đã ngã ngũ.
Nếu nhà máy do công nhân đóng góp tiền, làm chủ tập thể, tự bầu lãnh đạo. Sản xuất hàng hóa, có lợi nhuận cùng hưởng và chia đều, khi thua thiệt tất cả nhà máy cắn răng chia chung nỗi đau thất bát. Họ có một người là Nhà nước theo kiểu “sở hữu toàn dân mà đại diện là nhà nước”. Đây là CNXH.
Cũng nhà máy ấy lại do một số cổ đông lắm tiền, nhiều của, do bán bia hơi, buôn đất, phe phẩy, trúng mánh, rồi đóng góp và thuê công nhân. Có ban quản trị được thuê để giúp chiến lược, sản xuất và bán hàng. Khi có lời, mấy tay cổ đông chia nhau, lời nhiều, chia nhiều. Thua thiệt ngồi ôm nhau khóc hoặc tự tử vì phá sản. Vì đã nhận lương, công nhân “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” đã cao chạy xa bay. Đó là CNTB.
Có một sự thật là đầu thế kỷ 20, tư bản làm chủ thế giới, nhưng bóc lột thậm tệ, hành xử hoang dã, cá lớn nuốt cá bé, dân chúng nổi dậy đòi sự công bằng. Lúc đó, cụ Mác Lê vẽ ra một chế độ không còn cảnh người bóc lột người, sở hữu toàn dân, công bằng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, nên cách mạng vô sản thế giới nổ ra khắp nơi. Tư bản bị thất thế, nổi lên là cộng sản với hàng tỷ tín đồ đi theo.
Hỏi về sự khác biệt trong kinh tế của hai chế độ, anh bạn cho đường link google ra cái bảng sau

Economic System – Hệ thống kinh tê

Capitalism – Tư bản CN

Socialism – CNXH

Equity – Công bằngCapitalism is unconcerned about equity. It is argued that inequality is essential to encourage innovation and economic development.
CNTB không quan tâm đến sự công bằng, vì sự không công bằng giúp cho sáng tạo và phát triển.
Socialism is concerned with redistributing resources from the rich to the poor. This is to ensure everyone has both equal opportunities and equal outcomes.
CNXH lại quan tâm đến chia đều tài nguyên, lấy của người giầu chia cho người nghèo. Mọi người cùng có cơ hội và thành quả ngang nhau
Ownership – Sở hữuPrivate businesses will be owned by private individuals
Sở hữu thuộc về tư nhân
The State will own and control the main means of production. In some models of socialism, ownership would not be by the government but worker cooperatives.
Nhà nước sở hữu và quản lý toàn bộ tiến trình sản xuất. Một vài nơi dựa vào công hữu kiểu hợp tác xã.
Efficiency – Tiện ích, hiệu quảIt is argued that the profit incentive encourages firms to be more efficient, cut costs and innovate new products that people want -
Do lợi nhuận nên các công ty trở nên hiệu quả, giảm giá thành và sáng tạo những thứ người tiêu dùng cần.
It is argued that state ownership often leads to inefficiency because workers and managers lack any incentive to cut costs.
Nhà nước sở hữu dễ dẫn đến kém hiệu quả vì công nhân, cán bộ và quản lý không có nhu cầu về sáng tạo và giảm giá thành
Unemployment – Thất nghiệpIn capitalist economic systems, the state doesn’t directly provide jobs. Therefore in times of recession, unemployment in capitalist economic systems can rise to very high levels.
Nhà nước không liên quan trực tiếp đến tìm công ăn việc làm. Khi kinh tế suy thoái, luợng người thất nghiệp rất cao.
Employment is often directed by the state. therefore, the state can provide full employment even if workers are not doing anything particularly essential.
Tuyển nhân viên, cán bộ do nhà nước quản lý vì thế nhà nước vẫn cung cấp đủ việc làm, dù việc làm đó chẳng đóng vai trò gì trong phát triển.
Price Controls – Kiểm soát giá cảPrices are determined by market forces. Firms with monopoly power may be able to exploit their position and charge much higher prices.
Giá cả được điều tiết bởi thị trường. Nhưng đôi khi, những công ty độc quyền có thế dùng sức mạnh của mình “cá lớn nuốt cá bé”, và đưa giá cao hơn nhiều vì lợi nhuận là trên hết.
In a state managed economy prices are usually set by the government this can lead to shortages and surpluses.
Trong cơ chế nhà nước quản lý, giá cả do trung ương quyết định vì thế khi thừa thì rất thừa, khi thiếu thì rất thiếu.

Lợi nhuận thế nào đây? Ảnh: Internet
Lợi nhuận thế nào đây? Ảnh: Internet
Anh bạn nói thêm, nếu CNTB không xấu xa đã không sinh ra CNXH. Nhờ có CNXH mà cánh tư bản sống tốt hơn. Nếu không trái đất vẫn trong đêm dài tăm tối của CNTB.
Qua 70-80 năm, CNXH vẫn chưa mạnh như người ta tưởng là vì chưa biết điều chỉnh như các đồng chí bên tư bản. Các chế độ XHCN tha hóa dần sụp đổ, tư bản lại thắng, không như kịch bản mà các bậc tiền bối CM tháng 8 đã nổi lên giành chính quyền.
Nhưng ai mà biết được, sau thế kỷ nữa, nếu tư bản tiếp tục bóc lột người, cộng sản lại nổi lên. Chẳng có gì đảm bảo sự vĩnh cửu của một chế độ. Vì Robin Hood thời nào cũng có, cách mạng mùa Thu lại nổ ra vì chênh lệch giầu nghèo vượt qua ngưỡng chịu đựng.
Trước khi chào tạm biệt, anh dẫn một câu của Winston Churchill “The inherent vice of capitalism is the unequal sharing of blessings; the inherent virtue of socialism is the equal sharing of miseries. – Thói xấu cố hữu của CNTB là sự phân chia may mắn không công bằng; CNXH có nền tảng đạo đức tốt đẹp là công bằng trong chia sẻ sự khốn cùng”
HM. 19-8-2014.

Để hiểu thêm TỐ HỮU




Để hiểu thêm TỐ HỮU

VƯƠNG TRÍ NHÀN

[trích]


Trước mắt tôi là sưu tập Văn Nghệ số 40 ra 3-1953. Lúc này cơ quan Hội văn nghệ đang đóng ở rừng Việt Bắc. Nhân cái chết của Stalin, tạp chí của Hội ra một số đặc biệt, không chỉ Tố Hữu mà nhiều tác giả khác có bài liên quan tới sự kiện này.


Về thơ
Chế Lan Viên có Stalin không chết, mở đầu bằng mấy câu
Stalin mất rồi
Đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài

Ở đoạn dưới
Mẹ hiền ta ơi
Em bé ta ơi
Đồng chí Stalin không bao giờ chết

…Triệu triệu mẹ già em dại
Đều là súng Stalin để lại ( VTN gạch dưới)*
Giữ lấy hòa bình thế giới
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời

Các bài tiếp theo:
Trước bài Đời đời nhớ Ông của Tố Hữu là bài Nhớ đồng chí Sta lin của Huy Cận
Tiếp đó các bài của Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn.
Xuân Diệu có bài Thương tiếc Đại nguyên soái Stalin:
Nghe tin mất mới thấy lòng quyến luyến
Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường
Thấy Người thật là bát cơm miếng bánh
Người gắn với chúng con trong vận mệnh

Về phần văn xuôi.
Phan Khôi có bài Một vị học giả mác-xít thiên tài. Trước khi viết kỹ về cuốn Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ, Phan Khôi có đoạn dạo đầu ngắn:

Đối với cái chết của Đại nguyên soái Stalin, vấn đề đề ra trước mắt những người đang sống là: Chúng ta phải học tập Stalin, học tập đạo đức cách mạng và trí tuệ của ông, được cả càng hay, không thì được phần nào cũng hay phần ấy, đó là một đảm bảo vững chắc cho cuộc thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của Chủ nghĩa tân dân chủ.
Lê Đạt thì xuất hiện như một phóng viên, ghi lại không khí một nhà máy trong rừng khi nghe tin Stalin mất. Bài viết khoảng 3.000 chữ này kể chuyện cái chết của Stalin đã gợi lên niềm xúc động to lớn, từ đó đánh thức tinh thần lao động sáng tạo của cả một tập thể công nhân gang thép.

Xin phép mở một dấu ngoặc.
Ngoài các bài Liễu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Tế Hanh còn có bài thơ ngắn sau đây, viết trong đợt thăm Trung quốc 1962. Tôi vẫn thường nhẩm lại mỗi khi nhớ tới đời sống tinh thần của chúng tôi những năm 1965 về trước.
Hồ Nam xe chạy không dừng bước
Dãy núi cao liền dãy núi cao
Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng
Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao
Tôi muốn thầm nói với Tế Hanh: Anh không việc gì phải xấu hổ cả. Hồi ấy, bao nhiêu người nghĩ thế, chứ đâu phải riêng anh!

Trở lại chuyện Tố Hữu.
Nếu có ai hỏi tôi thích bài nào của Tố Hữu nhất, tôi sẽ nói rằng đó là cụm mấy bài ông làm hồi đi tù, in trong phần Xiềng xích của tập Từ ấy.
Bài Nhớ đồng
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò

Bài Tiếng hát đi đầy
Hỡi những anh đầu đi trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đầy

Những bài thơ này có cái giọng mà sau này không bao giờ Tố Hữu có nữa. Nhà thơ bơ vơ trong cảnh đơn độc ở núi rừng. Phải làm thơ, phải lấy thơ để tự khẳng định, thơ cất lên không để cho ai mà trước tiên để cho mình .
Những bài thơ viết khi người ta không biết mình sẽ sống hay chết như thế này,
tôi còn gặp một lần nữa trong thơ VN về sau, đó là tập Ánh sáng và phù sa.
Khi soạn tập thơ (1960), Chế Lan Viên chưa chuyển sang giai đoạn lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa , như Xuân Sách sẽ viết .

Sinh thời, Tố Hữu hay nói, đại ý hãy coi ông là nhà cách mạng, sau đó mới là nhà thơ.
Như thế tức là ông cũng đã biết chỗ đứng của mình trong lịch sử.
Có điều không phải luôn luôn người ta làm được đúng như những điều người ta tự xác định.
Là một người hết sức nhạy cảm và sẵn có cả chất mệ của quê hương, ông thừa biết nhiều khi dân văn nghệ ca ngợi thơ ông vì ông là quan chức phụ trách người ta, nắm sinh mệnh của người ta.
Song nếu đủ sáng suốt để từ chối những lời nịnh bợ thường trực thì ông đã không còn là ông nữa.
Lẽ đời là vậy, lúc được được quá cái đáng được, thì lúc mất cũng mất quá cái đáng mất.
Nhưng về phần chúng ta, mỗi lần đả động đến ông, tôi nghĩ nên phân biệt đang nói về ông như một quan chức cao cấp hay nói về ông như một nhà thơ.

Khoảng năm 1973, Hà Nội có một triển lãm điêu khắc với ngôn ngữ khá hiện đại của Nguyễn Hải và Lê Công Thành. Chính Tố Hữu cũng rất thích -- sang Hội nhà văn nghe ngóng về, Nguyễn Khải báo cho tôi biết tin vui đó. Nhưng rồi hóa ra chúng tôi mừng hụt. Mấy vị to hơn tới xem cho là không được. Và người ta lại thấy Tố Hữu cho truyền đi nhận định không thể tìm tòi kiểu ấy, mà hãy trở lại với thứ điêu khắc mô phỏng đời thường, kiểu Trần Văn Lắm!
Tức là cũng như chúng ta, Tố Hữu cũng có lúc phải làm ngược điều mình nghĩ.
Trước đó năm 1965, Nguyễn Thành Long bị nạn với bút ký Cái gốc. Bài ký cũng chẳng có chuyện gì đen tối lắm, chỉ tả phụ nữ trong chiến tranh quá nhếch nhác, nên bị Đảng đoàn Hội phụ nữ kêu.Theo chỗ tôi nhớ, lúc đầu Nguyễn Thành Long rất tự tin, vì Tố Hữu đã nhắn xuống tỏ ý bênh, “họ có Đảng đoàn thì mình cũng có Đảng đoàn chứ “( ý nói Đảng đoàn phụ nữ và Đảng đoàn văn nghệ-- hai cấp tương đương nhau ). Thế nhưng bên phụ nữ kiện lên trên và cuối cùng văn nghệ thua, Cái gốc chung số phận với Tình rừng.

Nguyễn Khải kể khoảng năm 1963, có lần được dự một cuộc họp cùng bí thư tỉnh ủy các tỉnh đồng bằng do Tố Hữu chủ trì, chắc là bàn về công tác tuyên huấn. Trong lúc nghe mọi người thảo luận, bỗng Nguyễn Khải thấy Tố Hữu đang đi quanh thì dừng lại, ghé vào tai mình nói nhỏ:
-- Chăc nhà văn nhìn cảnh này như một trò hề?!
Rồi ông lảng ngay, lên bàn chủ tịch, tiếp tục lo nốt các việc đang làm dở.

Cái lạ của các nhà văn sau 1945 là khi tính viết con người thời nay, chỉ hay viết về nhân vật quần chúng công nông. Còn những người kéo quần chúng đi, vẽ ra cái mẫu điển hình để quần chúng sống theo và nói chung chỉ có vai trò đơn giản là…lèo lái toàn bộ đời sống – những nhân vật quan chức nhân vật cán bộ kiểu ấy lại chả ai viết bao giờ.

Tôi đã phác qua một vài nét về Tố Hữu hồi ở Việt Bắc trong ghi chép về Nguyễn Đình Nghi.
Nhị Ca kể với tôi cái tình tiết sau đây: trong rừng, cạnh cơ quan, thường có những quán cà phê, anh em hay ra đấy đấu láo. Đang vui thì Tố Hữu đến. Thế là mọi người không ai bảo ai rút lui hết. Chỉ còn một người bao giờ cũng ngồi với Tố Hữu đến cùng. Là Hoài Thanh.
Cái công của Tố Hữu hồi ấy là giữ cho được anh em đi theo kháng chiến đến cùng không để họ trở về thành.

Những năm chiến tranh, thỉnh thoảng một số anh em viết trẻ chúng tôi cũng được gọi đi nghe Tố Hữu nói chuyện. Có một câu ông nói khiến tôi nhớ nhất và phải nói thực sợ nhất, đó là cái ý ông bảo sang nước ngoài thấy đời sống họ lạnh lùng lắm, về nước thấy đồng bào mình sống với nhau, ấm cúng hơn hẳn.
Ông cũng thường nói là nổi tiếng ở nước ngoài thì dễ, nổi tiếng ở trong nước mới khó .
Lại có lần khuyến khích lớp trẻ, ông bảo phải biết đấu tranh cho chân lý, khi cần phải cắn xé(!). May mà bọn tôi đã nghe nhiều về tính đồng bóng của ông, nên chẳng mấy cảm động, nhớ đâu hình như chính Xuân Quỳnh bảo rằng có mà ông cho ghè gẫy răng.

Tố Hữu quản cán bộ cấp dưới thế nào? Nguyễn Khải nhận xét có vẻ như càng những người bất tài và có khuyết điểm ông lại càng thích dùng. Những ông A ông B từng bị Tố Hữu mắng như tát nước vào mặt lại rất vững vàng trong vị trí của mình. Vì ông thừa biết loại đó bảo thế nào họ cũng phải nghe.
Bảo Định Giang, người phụ trách Hội liên hiệp những năm ấy thường kể với mọi người ông Lành dọa sẽ lấy đầu nếu BĐG để một vài văn nghệ sĩ tiêu biểu lơ mơ ở Hà Nội rồi dính bom đạn.

Một lần, khoảng những năm trước 1980, tôi ngồi với Nguyễn Khải, Xuân Sách, cùng giở một số báo Tết. Khi ấy Tố Hữu đã đi phụ trách kinh tế, nhưng các số báo tết vẫn có bài của ông. Nguyễn Khải sát hạch tôi:
-- Thằng Nhàn hãy thử bình một câu xem nào.
Tôi lúc đầu cũng chỉ biết nói như mọi người:
-- Thế là được một nhà kinh tế mà mất một nhà thơ.
Nguyễn Khải gạt phắt đi:
-- Không được.
Trong cơn bí, tôi phụt ra một ý mà trước đó tôi không hề nghĩ:
-- Người làm ra những bài thơ như thế này thì chắc làm kinh tế cũng không ra gì!
Bấy giờ Nguyễn Khải mới cười, bảo ra tôi cũng bắt đầu biết rồi đấy.



[....]

_______ tác giả “MÀU TÍM HOA SIM”





Lời tự thuật của HỮU LOAN, tác giả “MÀU TÍM HOA SIM”

[kimdunghn.wordpress.com]










****

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệrớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)



******


Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.


Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.
Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..
Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ…
Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ …
Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.- Thầy ăn đi.Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:-Ngọt quá.Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …

Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”. 
Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. 

Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn …
Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. 





Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.

Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!

Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng….Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông … 

Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chổ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi … 
Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!


Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. 
Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông . 

Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ. 
Sự quyết định của tôi không lầm.

Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì. 



Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.

......../.