Hai én năm voi



Hai én năm voi

http://sgtt.vn/Kinh-te/186628/Hai-en-nam-voi.html



ALAN PHAN

Theo phong tục, mùa xuân nên nói toàn chuyện lạc quan để lấy hên. Nhưng không thể bịt mắt để mơ mộng về “tiền rừng bạc biển”, về “tự hào dân tộc” hay về “quốc gia công nghiệp cho 2020”. Với tôi, ý nghĩa của mùa xuân là sự định giá chuẩn xác vị trí của mình và một kế hoạch bài bản để thực hiện nghiêm túc, đem lại một mùa xuân đích thực cho quê hương.



Nhà máy Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh khởi công từ năm 2009. Samsung là một trong những nguồn FDI lớn ở Việt Nam.



Dĩ nhiên đến một lúc nào đó, những chùm hoa mai, hoa cúc… rồi sẽ đâm chồi, những con chim trốn tuyết rồi lại quay về cố hương và những hy vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến trong lòng số đông. Nhưng hiện nay, ngay tại quê hương, chúng ta vẫn phải trực diện với những vấn nạn chưa giải quyết được, dù vài tín hiệu cho thấy sự đổi thay cũng gần kề.
Hai điểm sáng duy nhất của kinh tế xứ này, và dĩ nhiên chúng sẽ đem theo những điều chỉnh về chính trị và xã hội, là sự phát triển mạnh của khu vực FDI (đầu tư từ nước ngoài) và TPP (hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương). Sự ký kết và thực hiện TPP được nhiều chuyên gia tiên liệu vào cuối năm 2014 sẽ mở rộng thị trường may mặc, giày dép… và đương nhiên cũng lôi kéo thêm nhiều FDI trong lãnh vực này.
Trong khi đó, gia tăng của FDI sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho nhân công, cho họ một thu nhập cao hơn, kích thích tiêu dùng và ổn định xã hội. Các đầu tư của nước ngoài cũng gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và bất động sản, hạ áp lực về nợ xấu ngân hàng và ngân sách chính phủ.
Ở bình diện khác, có những thử thách quá lớn như “năm con voi to tướng trong phòng” có thể giảm thiểu, ngay cả phá vỡ, tác dụng của hai “con én” FDI và TPP, đang lẻ loi trong mùa xuân mới.
Năm con voi đó là:
Bình cũ rượu cũ
Kinh nghiệm khi nhìn qua Trung Quốc và những cố gắng cải cách gần đây của ông Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo bao quanh là một sự thất vọng của hành động nửa vời. Khi nhất định giữ cơ chế chính trị và quyền lợi của nhóm tư bản đỏ qua sự chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, mọi thay đổi về kinh tế sẽ hời hợt và chỉ gia tăng lợi thế của khu vực FDI. Thực ra, nhóm lãnh đạo Trung Quốc cũng không đủ quyền lực để lựa chọn. Ngày xưa, khi ông Đặng Tiểu Bình thực hiện “cải cách”, kinh tế Trung Quốc còn nghèo và nhóm lợi ích rất thưa thớt. Ngày nay, đối thủ của ông Tập mạnh và giàu hơn nhiều. Mọi người thoả hiệp là “bứt dây động rừng” nên có lẽ họ không thực sự muốn thay đổi.
Chỉ số “giàu nghèo”, “thành phố – nông thôn”, “các tỉnh Đông – Tây”… vẫn rất nhiều khác biệt và sự bất mãn của đa số dân Tàu nghèo vẫn ám ảnh an sinh xã hội. Kinh tế sẽ vẫn bế tắc về lâu dài và mọi thay đổi đang được đẩy lùi về phía sau để một thế hệ trẻ mới của Trung Quốc tự lo liệu.
Việt Nam đang sao chép kịch bản tái cấu trúc này của Trung Quốc.
Yếu kém của khu vực tư nhân
Sau tám năm thử thách khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, dù cạnh tranh trên sân nhà, với chi phí điều hành thấp và vẫn được bảo vệ với nhiều đặc lợi trong nhiều lãnh vực. Ngoài việc sản xuất gia công và tiến bộ trong nông nghiệp, thành quả về tài chánh cho thấy sự thua yếu trong quản trị, thiếu sót về sáng tạo, nhất là kiến thức kinh nghiệm về biển lớn ngoài kia.
Thử thách lớn nhất vẫn là một tư duy “xin – cho”, làm ăn theo quan hệ… đã mọc rễ sau 80 năm của bao cấp, tiểu nông và gia đình.
Không một thương hiệu Việt nào có thể xâm nhập thị trường Âu Mỹ dù lợi thế nguyên liệu về gạo, càphê, giày dép, nội thất… rất dồi dào. Thay đổi tình thế là việc làm khả thi, nhưng sẽ mất rất nhiều năm ngay cả thập kỷ.
Yếu tố thời gian
Trong khi đó, những tiến bộ về công nghệ mới, hệ thống quản trị, nguồn lực tài chánh… của thế giới không ngừng tăng tốc. Trong định chế cạnh tranh tự do, không ai chờ đợi Việt Nam tái cấu trúc để cùng song hành. Điều này có nghĩa là sự cách biệt về kinh tế của các nước đang và đã phát triển so với các nước tụt hậu sẽ mỗi ngày mỗi lớn.
Với thông tin đa dạng và cập nhật từng giây qua internet, áp lực đòi hỏi từ dân chúng, từ nhu cầu mới, từ thu nhập… sẽ vô cùng lớn lao, gây bất ổn trầm trọng cho an ninh xã hội.
Giáo dục văn hoá
Một yếu tố quan trọng và luôn luôn là khởi điểm cho mọi phát triển hiện đại là dân trí hình thành từ nền giáo dục khai phóng tự do. Những hiện tượng gần đây xảy ra trong hành xử nhỏ nhặt nhất của tương tác xã hội (nạn hôi của, lừa đảo, chụp giựt, côn đồ, vô cảm…) cho thấy Việt Nam còn mất ít nhất vài ba thế hệ nữa mới sản sinh một đa số văn minh và có đạo đức dân sự.
Hiện tượng du học cao độ chẳng qua là một hình thức tỵ nạn vì hệ thống giáo dục trong nước gần như không còn điểm sáng. Sự tuyệt vọng của các bậc phụ huynh, cô thầy cũng như con em học sinh hiện rõ qua từng lời kêu cứu trên mọi mạng truyền thông, trái hay phải.
Nền giáo dục hiện tại còn tiếp tục thì chuyện phát triển đất nước cho kịp đà tiến của nhân loại vẫn chỉ là một kiểu “chém gió”, càng nói nhiều càng thấy khôi hài.
Môi trường an sinh
Quan trọng hơn hết, để có cuộc sống khả dĩ chấp nhận được, con người cần một môi trường bảo bọc yên ấm của gia đình, bạn bè, tha nhân. Khi chúng ta phải đối diện hàng ngày với thực phẩm pha trộn hoá chất độc hại, nước và không khí ô nhiễm tệ hại, trộm cướp từ những người quen hay sơ, phong bì đều đều cho các quan… thì tâm không an và thân xác thì phó mặc cho may rủi. Ngay cả khi vào bệnh viện, không ai biết những gì sẽ xảy ra cho mình vì một hệ thống y tế cực kỳ xuống cấp trên mọi góc độ.


ALAN PHAN


Làm báo thời MS-DOS

Làm báo thời MS-DOS


http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/109152/Lam-bao-thoi-MS-DOS.html






Nguyễn Vạn Phú



Mới hôm rồi tình cờ thấy một bàn máy đánh chữ cũ kỹ nằm ở góc phòng khách nhà người quen, ký ức về những ngày làm báo cách đây hơn 20 năm lại quay về. Tháng 9-1991, tôi vào làm cho tờ Vietnam Investment Review (VIR) khi tờ báo này chuẩn bị ra mắt số đầu tiên. Đây là tờ tuần báo bằng tiếng Anh chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cùng một số nhà báo người Úc thực hiện. Còn chừng ba tuần nữa là đến ngày ra báo thế mà các tay nhà báo Úc nhởn nhơ như không. Nick Mountstephen rủ tôi ra Lê Lợi mua đồ nghề. Loay hoay một hồi chúng tôi chở về chừng bốn chiếc bàn máy chữ loại xài rồi.
Các bạn phóng viên trẻ giờ này chắc không hình dung nổi, đến thập niên 1990 rồi mà nhà báo vẫn phải viết tay là chủ yếu, ai dùng bàn máy chữ để viết tin là đã “tân tiến” lắm rồi. Mua máy chữ hôm trước, hôm sau chúng tôi lại phải ra nhà sách mua đủ loại bút xóa để “tẩy tẩy, xóa xóa” chứ không lẽ cứ gõ vài dòng là quẳng vào thùng rác, thay giấy khác.
Trong tòa soạn lúc ấy có anh Hoàng Ngọc Nguyên, là cây bút chủ lực của VIR trong những ngày đầu nhưng vẫn giữ vai trò người xuất bản tờ Saigon News Reader bán chạy trong giới đầu tư nước ngoài ở Sài Gòn dạo đó. Anh Nguyên là “phù thủy” trong sử dụng bàn máy chữ để “sản xuất” tờ báo này - một mình anh vừa làm phóng viên, biên dịch viên, người dàn trang, người gõ bài - tất cả thực hiện trên bàn máy chữ. Cái tài của ảnh là làm sao canh chừng để tin chấm dứt đúng cột, đúng khuôn khổ. Thậm chí vì tờ báo chỉ bằng khổ giấy A4 nhưng cũng chia thành hai cột, anh vừa gõ tin của cột này, vừa gõ tin của cột bên kia! Sản xuất xong tờ báo (thường là buổi sáng, dịch tổng hợp mọi tin kinh tế chính của báo trong nước), anh cho người photocopy thành mấy trăm bản và phân phối đến các văn phòng đại diện các công ty nước ngoài khắp thành phố. Bảo đảm giờ có đủ phương tiện trong tay, kể cả phần mềm dàn trang trên máy tính, khó lòng kiếm ra người có thể làm ra tờ báo trong vòng mấy tiếng đồng hồ như anh Nguyên.
VIR cũng là nơi đầu tiên mua tin các hãng thông tấn nước ngoài, tôi nhớ hình như mua tin của AFP trước tiên. Lúc đó vì chưa có máy tính, chỉ có máy fax, thế là tin từ AFP liên tục đổ về, chạy ra ào ào từng cuộn giấy. Lúc đầu tôi hăm hở đọc hết vì chưa bao giờ có dịp tiếp cận tin nhiều và nóng hổi như thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là đầu hàng không kham nổi.
Chất liệu đầu vào là tin bài đánh máy hay nhận bằng fax nên khi đưa xuống nhà in, nhân viên phòng máy phải gõ vào một lần nữa. Nhiệm vụ của bọn tôi là ngồi bên cạnh để sửa lỗi vì nhân viên đâu rành tiếng Anh, gõ sai là chuyện thường. Nhưng cũng nhờ thế bọn tôi tiếp xúc rất sớm với máy tính, dù chỉ là gõ văn bản.
Cũng may là một thời gian ngắn sau, các tay nhà báo người Úc không biết kiếm đâu ra được mấy máy vi tính đời 286 và 386, màn hình đơn sắc, có cái không có ổ cứng. Muốn khởi động, trước tiên phải bỏ vào ổ đĩa mềm loại 5,25 inch đĩa chương trình MS-DOS để chạy. Máy chạy rồi mới lấy đĩa ra, bỏ đĩa chương trình Word Perfect vào. Lúc đó Microsoft Word chưa thịnh hành, ai nấy đều dùng Word Perfect 5.1. Cũng chẳng ai bày, tôi mày mò bấm F1 (chương trình giúp đỡ) và tự học các phím tắt để sử dụng phần mềm này viết bài. Các bạn trẻ ngày nay ắt cũng khó hình dung màn hình máy tính lúc đó không phải ở dạng “What you see is what you get” như hôm nay, nó chỉ là một màn hình đen hay xanh với con trỏ là dấu gạch ngang nhấp nháy. Phải học thuộc các lệnh để trình bày và xử lý văn bản. Tính toán thì có Lotus 1-2-3 chứ chưa có Excel, cơ sở dữ liệu thì dùng dBase chứ đâu đã có Access.
Trưa, lúc mọi người chợp mắt, tôi tò mò mở máy ra “vọc”, cứ thử hết file exe này đến file com khác. Nhiều lúc chỉ gõ lệnh cls để khoái trá thấy màn hình dọn sạch trơn. Thấy file command.com “không dùng làm gì cả”, bèn xóa (đây là file chủ chốt của hệ điều hành MS-DOS), tiện tay xóa luôn các file autoexec.bat và config.sys vì cứ nghĩ để chúng làm gì cho chật chội. Dại dột đến thế, may nhờ có các anh kỹ thuật viên dưới phòng máy nhà in lên phục hồi giùm.
Có nhiều chuyện cười ra nước mắt như thế - chẳng hạn một sếp VIR một hôm kêu ầm lên là máy hỏng, kỹ thuật phải vào sửa gấp. Hóa ra hôm trước ổng nhét ổ đĩa mềm vào, viết bài và cuối ngày tắt máy quên lấy đĩa ra. Khi mở máy trở lại vì ổ đĩa mềm chỉ chứa dữ liệu chứ không phải ổ đĩa khởi động nên máy đứng cứng ngắc, làm sao chạy được. Lúc đó máy tính là một cái gì đó người ta phải đối xử như “nâng trứng, hứng hoa”; ai cũng nghĩ phải xây phòng riêng, lắp máy lạnh máy mới chạy! Ngày nay khi ổ cứng máy tính chừng 500GB, RAM 4GB, tốc độ xử lý trên 2GHz là chuyện thường có lẽ ít ai ngờ có thời máy tính chỉ có ổ cứng 30MB, tốc độ xử lý chỉ có 6MHz, còn RAM bao nhiêu thì chẳng ai biết nữa.
Nhờ có máy tính, công đoạn nhờ nhân viên nhà in gõ lại coi như không cần thiết nữa nhưng tôi và Alex McKinnon, một nhà báo Úc rất trẻ, vẫn phải thường xuyên xuống nhà in để theo dõi nhân viên dàn trang. Lúc đó phần mềm dàn trang phổ biến là Ventura, chạy chậm như rùa. Báo chí Việt Nam đã chuyển từ sắp chữ chì sang dàn trang trên máy tính nhưng tít vẫn phải vẽ tay và co chữ, font chữ thì rất linh hoạt, bài dư một chút thì bung ra, thiếu một chút thì co lại, bất kể nguyên tắc trình bày báo. Tờ VIR với những nguyên tắc không thể du di phải cử người xuống phòng máy để hỗ trợ nhân viên dàn trang cắt tin bài hay chọn bài khác cho vừa chỗ chứ không co dãn cỡ chữ. Cũng nhờ vậy mà học sơ qua Ventura rồi sau này là PageMaker và QuarkXPress.
Những năm đó, công nghệ thông tin có những bước tiến nhảy vọt, máy tính lên đời 386, 486 và cuối cùng Windows 3.1 ra đời. Một điều lạ là máy mạnh lên nhưng phần mềm ngày càng nặng nề nên cứ phải nâng cấp phần cứng liên tục. Tôi nghĩ cả thế giới trong một thời gian dài làm ra bao nhiêu là đổ tiền cho Bill Gates và các hãng phần cứng, chẳng lạ gì anh chàng này trở thành tỉ phú trong một thời gian ngắn. Còn nhớ đó là thời gian vàng son của máy PC, cứ vài tháng là có con chip mới, cuộc đua tốc độ xử lý cứ mải miết chạy, đến mấy năm gần đây mới tạm dừng.
Có lẽ cũng vì lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, giới làm báo lúc đó có sự tò mò, thích tìm tòi ứng dụng công nghệ vào công việc mà dường như thiếu vắng trong giới phóng viên trẻ ngày nay. Tôi nhớ lúc đó một chuyên viên kỹ thuật người Úc đang xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ các số báo VIR vào một đĩa CD, truy xuất dễ dàng. Lúc rảnh rỗi anh này giúp bọn tôi viết các macro để tự động hóa các khâu biên tập. Các bạn biên tập viên đều biết bài nhận từ nhiều nguồn sẽ có nhiều cách viết khác nhau nên việc đầu tiên là chuyển hết về phong cách mà tờ báo đang áp dụng. Anh thu gom hết mọi biến thể, mọi sửa đổi mà các biên tập viên chỉnh sửa bài vào thành một macro (tập hợp các lệnh thực hiện tự động) chạy ngay trong MS Word. Biên tập viên nhận bài, chỉ cần bấm một nút, ngay lập tức máy sẽ tự động rà soát biên tập kỹ thuật cho mình - rất nhanh và rất tiện.
VIR in được hai số ở TPHCM thì phải chuyển ra in ngoài Hà Nội. Nick, Alex và tôi khăn gói ra thủ đô, hành lý lúc đó chỉ là cây thước để vẽ ma két báo. Mọi chuyện lặp lại với nhà in báo Hà Nội mới. Mấy tháng sau, bộ máy tạm ổn, tôi quay về TPHCM thì nảy sinh việc liên lạc bài vở giữa hai đầu đất nước. Một thời gian dài chúng tôi phải dùng fax, lại phải quay về cách nhờ nhân viên phòng máy gõ lại bài đã gõ trong Sài Gòn. Sau một thời gian mày mò, bọn tôi mua hai cái modem, nối với đường dây điện thoại. Cách làm thật thủ công, bây giờ ai nhìn vào ắt phải cười ngất. Sau khi thu gom chừng năm bài từ văn phòng TPHCM, tôi gọi điện cho Lê Quốc Vinh, phóng viên ngoài Hà Nội, hai bên cùng mở modem lên và quy ước, “một, hai, ba” cùng nhấn enter để đường dây thoại chuyển thành đường dây data, hai modem sau một hồi rè rè, rít rít đã bắt tay được với nhau và hai máy mới bắt đầu chuyển bài cho nhau. Thủ công là vậy nhưng “phát hiện” này giúp tiết kiệm cả đống thời giờ gõ lại bài cũng như tránh sai sót chính tả.
Tiếp theo đó là sự xuất hiện dịch vụ thư điện tử (e-mail). Thoạt tiên chỉ có Netnam (anh Trần Bá Thái) và Teltic (anh Nguyễn Anh Tuấn) cung cấp, mỗi ngày hai nơi này nối mạng với máy chủ ở Úc mấy lần để nhận thư và gửi thư. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Anh Tuấn, sau này làm Tổng biên tập tờ VietNamNet có vào Sài Gòn chơi và cho tôi một tài khoản e-mail. Từng cá nhân mỗi khi muốn nhận thư cũng phải truy cập một số điện thoại nào đó, modem cũng rít lên từng hồi trước khi kết nối vào được mạng máy chủ.
Tuy nhiên, e-mail là bước tiến làm thay đổi công nghệ làm báo mạnh mẽ (nên nhớ lúc đó chưa có Internet). Bọn tôi học được nhiều thủ thuật sử dụng e-mail mà nay hóa ra thừa thãi. Ví dụ mặc dù chưa có Internet, vẫn có thể lấy được tin bài từ một trang web bằng cách gửi e-mail đến một địa chỉ nào đó, trong tiêu đề ghi một dòng lệnh nào đó. Nhờ e-mail, nhà báo nay đã có thể gửi thư phỏng vấn người ở tuốt bên Mỹ hay bên Anh. Nhờ e-mail việc gửi bài thủ công theo kiểu “một, hai, ba” chúng ta cùng bấm enter đã biến mất.
Sau này cũng có nhiều công nghệ khác biến mất như thế. Chẳng hạn trong một thời gian dài, mặc dù đã dàn trang trên máy tính, vẫn phải in ra trên giấy can và nhân viên nhà in vẫn phải cắt dán thủ công toàn bộ tờ báo lên bảng súp-po. Sau này nhà in chuyển thẳng từ file nên nghề cắt dán (montage) này đã mai một. Nhớ khoảng năm 1989, tôi có dịp đưa một nhà báo nước ngoài đi chụp ảnh ở Huế. Lúc đó đám cưới chụp một hai cuốn phim màu là sang lắm rồi nên các bạn tưởng tượng tôi đã há hốc như thế nào khi anh chàng phóng viên ảnh này chơi một ngày hết 40 cuốn phim, loại 36 tấm mỗi cuộn. Nay máy kỹ thuật số chụp bao nhiêu không ai để ý và có lẽ mọi người cũng dần quên cuộn phim Kodak ngày xưa.
Năm 1997 lúc tôi chuyển về làm cho tờ Saigon Times Daily, công nghệ đã khá phổ biến. Chúng tôi mua tin của Reuters và truy cập tin bằng đường dây riêng. Lúc đó Reuters có gói dịch vụ Business Briefing thật tuyệt vì ngoài tin của Reuters người dùng có thể truy cập mấy ngàn tờ báo khắp thế giới, tin tức nóng hổi. Nay có Internet thì chuyện đọc báo khắp nơi là chuyện bình thường nhưng lúc đó, cứ tưởng tượng ngồi ở Sài Gòn mà có thể nhảy vào đọc tờ Time hay Washington Post mới phát hành là chuyện khó hình dung. Bọn tôi lúc đó cũng ăn gian, ví dụ đưa tin về hội nghị thượng đỉnh ASEAN ăn đứt báo bạn vì tiếp cận và tham khảo đủ loại tin bài mà phóng viên báo khác đưa lên mạng Business Briefing.
Cuối năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối Internet. Ngay năm sau đó chúng tôi tổ chức cuộc thi thiết kế trang web trên tờ Saigon Times Daily mặc dù không biết gì nhiều về thiết kế web. Giám khảo là những nhân vật tin học nổi tiếng lúc đó như anh Hoàng Minh Châu của FPT, chị Đồng Thị Bích Thủy (Đại học Khoa học Tự nhiên) và hãng IBM đồng ý tài trợ giải thưởng cuộc thi là máy tính xách tay IBM, lúc đó có giá chừng 3.000 đô la! IBM còn cho mượn máy mạnh để giám khảo sử dụng chấm bài cho nhanh nữa. Bên cạnh nhiều thí sinh dùng màu sắc lòe loẹt, chữ chớp chớp, uốn lượn... vẫn có những người thiết kế các trang web đơn giản mà lại đẹp và sang trọng. Có lẽ nhiều bạn thí sinh thời đó đã theo nghề thiết kế web cho đến nay. Chẳng bao lâu sau hàng ngàn trang web Việt Nam lần lượt xuất hiện.
Nhìn lại, hoàn toàn không có gì tiếc khi phải bỏ công sức học nhiều lệnh trong DOS mà nay có ai xài nữa đâu, cũng không có gì ganh tỵ khi ngày xưa phải chật vật với ổ đĩa 1,2MB thường xuyên bị hỏng hóc so với các thanh USB vài ba GB mà phóng viên nào ngày nay đều phải có. Lúc đó để cài Microsoft Word phiên bản mới nhiều lúc cần đến 8, 9 đĩa mềm, mà có lúc cài đến đĩa số 7 nó lại báo hư mới tức. Chặng đường làm quen với công nghệ là một phần của nghề báo thời mở cửa - không thể đổi cho bất kỳ món gì - dù đó là chiếc kính Google Glass hay nắm xôi của thằng Bờm.


Tản mạn chuyện tiết kiệm



Tản mạn chuyện tiết kiệm

http://nguyenvanphu.blogspot.com/2014/01/tan-man-chuyen-tiet-kiem.html




NGUYỄN VẠN PHÚ


Câu chuyện ông lão ăn xin bị cướp mất 25 lượng vàng đầu tiên làm mọi người sửng sờ nhưng ngay sau đó là chê trách – lấy 25 lượng vàng này bán ra, gởi tiền vào ngân hàng thì ông cụ gần 90 tuổi này sẽ sống sung sướng trọn đời chứ đâu cần vất vả đi ăn xin nữa. Đây là một ví dụ mang tính cực đoan về chuyện nên hay không nên tiết kiệm; còn những câu chuyện khác không đến nỗi cực đoan như thế thì không dễ phán đoán đúng sai. Một cơ quan kỉ niệm 30 năm ngày thành lập, trong thư mời khách ghi rõ không nhận hoa mà đề nghị chuyển thành tiền cho một quỹ từ thiện cơ quan này đang tổ chức. Có người sẽ hoan nghênh tinh thần tiết kiệm này bởi những năm trước hàng trăm lẳng hoa sang trọng sau một ngày sẽ bị vứt bỏ rất lãng phí. Có người cho rằng nếu ai cũng ứng xử như cơ quan kia thì những người trồng hoa sẽ bán cho ai, ngành kinh doanh hoa sẽ đi về đâu, người đưa hoa sẽ làm việc gì...

Nói chung, khi bàn ở bình diện từng cá nhân, chuyện tiết kiệm hay chi tiêu đến đâu là vừa phải thì không khó để xác định. Làm ra tiền thì cứ tiêu miễn sao đừng vung tay quá đáng, theo kiểu vay mượn tiền để sắm iPhone cho oai. Thế nhưng ngay ở đây, khái niệm thế nào là hợp lý cũng thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Ngày xưa không ai dám vay mượn những khoản tiền khổng lồ để mua nhà. Ai mua nhà mắc nợ sẽ bị chê chứ không ai thán phục cả. Nhưng cứ thử nghĩ, cặm cụi làm lụng vất vả suốt 40 hay 50 năm để dành dụm mua một căn hộ thì trong suốt 40 hay 50 năm đó, người dành dụm sẽ sống ở đâu; trong khi cứ mua nhà ở cho thoải mái, từ từ rồi trả nợ như kiểu trả tiền thuê nhà hàng tháng. Thế nên ngày nay chuyện vay trước mua trả góp sau những món đắt tiền như nhà cửa, xe cộ, máy móc vẫn nằm trong ngưỡng hợp lý nếu khoản tiền trả góp hàng tháng không vượt quá thu nhập. Tiêu dùng trước, chi trả sau là cách sống rất bình thường ở nhiều nước phát triển nhưng vẫn chưa được phổ biến ở nước ta.

Còn trên bình diện cả nền kinh tế, cái quán tính thắt lưng buộc bụng vẫn mạnh hơn nhiều. Thế hệ người viết bài này ngày xưa được dạy dỗ rằng Nhật Bản là tấm gương sáng khi người dân sau chiến tranh đã cùng nhau thắt lưng buộc bụng để dành hết mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế. Thế nhưng hàng chục năm sau, bây giờ nhiều nhà kinh tế lại nói dân Nhật tiết kiệm quá mức, tiết kiệm nhiều là gây hại cho nền kinh tế; rằng sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản trong suốt chục năm qua là do trước đó dân Nhật không chịu chi tiêu! Nghĩ cũng hợp lý: ai nấy đều làm lụng, không ai tiêu thì làm ra của cải để cho ai. Nếu hàng làm ra không ai mua thì kinh tế sẽ trì trệ, lúc đó thu nhập sẽ giảm, lại càng phải thắt lưng buộc bụng như một vòng luẩn quẩn. Xuất khẩu như một giải pháp là điều dân Nhật ngày xưa và dân Trung Quốc ngày nay đang làm – ráo riết nữa là đằng khác. Nhưng bán hàng cho cả thế giới để làm gì – ôm một mớ đô-la về - liệu đó có phải là sự thịnh vượng hay lại là món nợ phải gánh, phải lo toan. Chính vì thế Trung Quốc đang tìm cách nâng sức mua của người dân lên để chuyển đổi nền kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào xuất khẩu như động lực tăng trưởng đến chỗ tăng trưởng nhờ tiêu dùng như nước Mỹ.

Thế cho nên khoan vội nói chuyện lãng phí hay tiết kiệm khi chưa nghĩ cặn kẽ đến dây chuyền tác động của một hành vi, một hoạt động. Hollywood làm một bộ phim tốn vài trăm triệu đô-la, chiếu trong vài tuần là hết, liệu như thế có lãng phí không? Có ai lập luận sao không để mấy trăm triệu đô-la đó xây vài chục cái bệnh viện cho dân nghèo? Dĩ nhiên với công nghệ điện ảnh thì không ai cắc cớ đặt câu hỏi như thế cả bởi ngành điện ảnh tạo công ăn việc làm cho cả một cộng đồng lớn lao và cung cấp thức ăn tinh thần cho hàng triệu triệu con người. Cũng không ai đặt vấn đề vì sao từ thập niên 1990 đến nay con người chạy đuổi theo công nghệ thông tin với hàng triệu máy tính dùng một phần chức năng, một phần vòng đời rồi vứt bỏ thay bằng máy mạnh hơn. Đó là sự lãng phí cần thiết để công nghệ đạt được những bước tiến khổng lồ với chi phí chia đều cho mọi người cùng san sẻ.

*                             *                             *

Cuối cùng hãy dùng góc độ tiết kiệm để nhìn vào một vấn đề giáo dục đang nóng: bỏ thi “ba chung” để giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học. Ngay sau khi chủ trương này được giới thiệu, lập tức có hai luồng ý kiến khác nhau. Bên đồng tình cho rằng các trường đại học cần phải được quyền tuyển chọn sinh viên cho mình một cách chủ động trong khi các kỳ thi “ba chung” (chung đề thi, chung ngày thi, dùng chung kết quả để xét tuyển) không đáp ứng được yêu cầu này. Bên phản đối lại nghĩ thi riêng từng trường sẽ rất bát nháo, trường dễ trường khó, làm nảy sinh tệ nạn dạy thêm, khó bảo mật đề thi…

Trong kinh tế có khái niệm “lợi thế nhờ quy mô” (economies of scale), đại khái nếu số lượng sản phẩm tăng lên thì chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm sẽ giảm xuống. Ví dụ một tờ báo mỗi số chỉ in 1.000 bản thì giá thành một bản sẽ rất cao trong khi in 100.000 bản, giá thành mỗi tờ bán ra sẽ giảm mạnh. Thử nghĩ mỗi trường đại học hay cao đẳng đều phải tổ chức có người ra đề, in ấn, bảo mật… thì sự tốn kém sẽ nhân lên hàng trăm lần bởi trường nào cũng phải bỏ ra từng ấy chi phí. Nay nếu có một tổ chức đứng ra biên soạn một bộ đề mà bất kỳ trường nào cũng có thể sử dụng, ngay lập tức chi phí sẽ giảm đi rất nhiều nhờ được chia đều ra, mỗi trường gánh một ít mà thôi.


Vậy, thay vì bỏ “ba chung” tại sao không nghĩ đến chuyện chỉ bỏ cái chung cuối cùng mà thôi. Tức vẫn thi đề chung và cùng một ngày nhưng các trường sẽ tuyển sinh riêng và kết quả thi chung đó chỉ là một trong những tiêu chí mà trường sử dụng để xét tuyển. Vấn đề là Bộ Giáo dục & Đào tạo không còn là nơi ra đề thi nữa bởi nhiệm vụ của Bộ là quản lý nhà nước chứ đâu phải làm chuyên môn. Sẽ có những trung tâm, thoạt tiên là trực thuộc Bộ, chuyên lo biên soạn đề thi cho các trường dùng chung. Sau này dần dần công việc “khảo thí” như vậy cũng có thể “xã hội hóa” để các trường ngồi lại, cùng tìm giải pháp để tổ chức, miễn sao tận dụng được “lợi thế nhờ quy mô” nói trên.

Đó chính là tiết kiệm đúng nghĩa.





Đôi dép Nhật và cách làm chính sách





Đôi dép Nhật và cách làm chính sách


http://plo.vn/ho-so-phong-su/doi-dep-nhat-va-cach-lam-chinh-sach-445407.html



Thay vì cấm do không quản lý được, chính quyền Nhật chủ động tạo sự hấp dẫn cao độ trong chính sách để người dân tự nguyện làm theo.
Khi đến thăm các gia đình tại Nhật, không ít người Việt tỏ ra bất ngờ và thán phục sự chỉn chu của người Nhật. Họ cẩn thận, chăm chút đến từng chi tiết trong mọi việc. Ngay cả những việc rất nhỏ như xếp đặt những đôi dép khi sử dụng xong. Chúng nằm ngay ngắn, hướng đầu về phía trước như biểu lộ sự lo xa và sẵn sàng hành động của các chủ nhân.
Vậy nên đối với những chuyện lớn như làm chính sách, chính phủ Nhật cũng rất chủ động tạo sự thoải mái ở mức cao nhất cho người dân. Việc này không khó chứng minh qua cách làm chính sách trong ngành giao thông và ngành nông nghiệp của xứ sở hoa anh đào.

Giao thông công cộng hấp dẫn hơn đi xe máy

Giao thông là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng và thực thi chính sách của chính phủ Nhật. Khi đến Nhật, không ít các sinh viên Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam tỏ ra thích thú với hệ thống giao thông tại đây. Bởi lẽ các con phố lớn, nhỏ đều rất thông thoáng, khác hẳn với khung cảnh dày đặc và chi chít xe như tại Bangkok (Thái Lan) hay tại Hà Nội, TP.HCM. Chưa kể hệ thống phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, tàu ngầm, tàu cao tốc tại đây rất phát triển.



 
Thanh niên Nhật an tâm thụ hưởng những thành quả mang tính thế kỷ. Ảnh: ĐỖ THIỆN



Như nhiều nước trên thế giới, chính phủ Nhật cũng không muốn người dân phải sử dụng xe máy di chuyển, vì họ cho rằng mấy mươi triệu phương tiện mô tô vừa làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, kẹt xe… và tăng lượng phát thải khí nhà kính mà chính họ phải đi mua quyền phát thải từ nhiều nước khác.
Thế nhưng chính phủ Nhật không cấm người dân đi xe máy, trừ một số khu vực đặc biệt như trường học, bệnh viện. Họ hiểu rằng người dân cũng muốn bảo vệ môi trường và ghét nạn kẹt xe. Thay vào đó, chính phủ Nhật hiểu rõ trong thời đại công nghiệp và toàn cầu hóa, dân Nhật cần nhanh chóng, tiện lợi, linh hoạt và an toàn trong di chuyển. Đây là điều quan trọng giúp chính phủ Nhật xây dựng chính sách theo kiểu nhà nước kiến tạo phát triển. Đó là thay vì ra sức chống tai nạn giao thông hay cấm đi xe máy thì họ tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng tốt nhất để hạn chế tai nạn và người dân tự nguyện không đi xe máy.
Trong khu đô thị tại TP Kyoto, một trong những thành phố sầm uất nhất Nhật, xe buýt dường như lúc nào cũng có mặt trên các tuyến đường. Đường sá tại Nhật tuy không rộng nhưng nhờ lượng xe máy “đếm trên đầu ngón tay” và lượng xe ô tô cũng khá khiêm tốn nên xe buýt di chuyển nhanh, tiện, giá cũng không quá đắt đỏ. Tốc độ trung bình xe buýt đạt khoảng 50-60 km/giờ, điều mà người đi xe máy sẽ rất khó khăn mới làm được dưới tiết trời giá lạnh và độ an toàn không cao.
Bên cạnh đó, mạng lưới dày đặc các loại tàu cao tốc của Nhật cũng thu hút đông đảo người dùng. Tốc độ các loại tàu công cộng của Nhật có khi lên đến 300 km/giờ, có thể đến mọi nơi trong và ngoài TP Kyoto và liên đới với các thành phố khác. Xuất phát từ Kyoto đến tỉnh Mie bằng tàu Shinkansen với chiều dài đường đi tầm 900 km thì chỉ mất khoảng ba tiếng.







Khi vào phòng, người Nhật luôn để giày dép ngăn nắp và hướng ra phía ngoài. Họ làm chính sách cũng chủ động và chu đáo như thế. Ảnh: ĐỖ THIỆN


Nông nghiệp: Chuẩn bị 20 năm chưa phải là đủ

Trong câu chuyện mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp, chính phủ Nhật hết sức thận trọng trước những lợi ích và rủi ro. Điển hình nhất là việc Nhật tham gia vào vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP). Đây được xem là một trong ba mục tiêu quan trọng của chính quyền Shinzo Abe.
Việc tham gia vào khối TPP, một trong những hiệp định mậu dịch tự do giữa 12 nước, trong đó có những quốc gia lớn như Mỹ, Canada, Úc… sẽ mở ra cho Nhật thị trường xuất khẩu rộng lớn cho các mặt hàng vốn là thế mạnh của Nhật như điện tử, ô tô… Như vậy, trong bối cảnh hàng hóa Nhật phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa giá rẻ Trung Quốc thì việc gia nhập TPP sẽ tạo ra ưu thế xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, mang về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho cường quốc kinh tế thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, những rủi ro từ TPP sẽ ập đến với nền nông nghiệp Nhật nếu việc đàm phán không có sự thận trọng. Kết thúc vòng đàm phán thứ 20 (diễn ra tại Singapore hồi tháng 12-2013), đại diện đàm phán Nhật cương quyết đánh thuế nhằm bảo vệ năm mặt hàng nông sản mà nước này cho là nhạy cảm, trong đó có gạo. Điều đáng lưu ý là sự cương quyết này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đồng ý cho Nhật kéo dài thuế quan nông nghiệp trong vòng 20 năm, nghĩa là Nhật có 20 năm chuẩn bị để bắt đầu mở rộng cửa cho nông nghiệp quốc tế ùa vào. Song Nhật ý thức được nền kinh tế nội địa đang gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp trong nước rất đắt đỏ sau thảm họa kép hồi 2011 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thế nên con số 20 năm vẫn chưa đủ thuyết phục để Nhật đánh cược đời sống của hàng triệu nông dân.
Thêm vào đó, Nhật cũng tỏ ra rất chủ động trong việc tìm kiếm trợ lực và chiến lược tự làm mạnh nền nông nghiệp quốc gia. Với quyết tâm hiện nay của chính quyền Abe, thời gian tới TPP rất có thể sẽ được ký kết. Như vậy, thay vì tìm cách duy trì thuế quan bảo vệ nông nghiệp nội địa, người Nhật chủ động xây dựng nội lực bằng hình thức “thuê ngoài” (outsource) ngành nông nghiệp để chiến đấu với doanh nghiệp quốc tế. Chính phủ Nhật đã và đang kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) và nhiều nước nhằm đảm bảo nguồn lương thực có giá cả cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia trong tương lai.
Câu chuyện đôi dép người Nhật tưởng chừng không mấy liên quan gì đến vấn đề giao thông và nông nghiệp. Tuy nhiên, ở góc độ xã hội học hay chủ nghĩa kiến tạo, tư duy ngăn nắp, chủ động tạo ra sự hấp dẫn, phòng ngừa hơn chữa trị và thận trọng trong những việc nhỏ nhặt, cũng quyết định đến tính hiệu quả của chính sách nhà nước.


ĐỖ THIỆN (Từ Kyoto, Nhật)




Kiến tạo vì tương lai

Hệ thống xe công cộng người Nhật đi mỗi ngày là kết quả lao động của nhiều đời quan chức cấp cao gộp lại. Tàu siêu tốc Shinkansen, một trong những niềm tự hào lớn nhất của nền công nghiệp đường sắt châu Á và thế giới, là một minh chứng sống. Dự án tàu siêu tốc này được khởi động vào năm 1940 nhưng mãi đến 1964 mới hoàn thành phân đoạn huyết mạch đầu tiên nối liền Tokyo - Osaka.
Để làm được điều này, có người đã phải hy sinh: Chẳng hạn Thống đốc ngành đường sắt quốc gia Nhật Shinji Sogou, người được xem là cha đẻ của đường sắt cao tốc Shinkansen, đã chấp nhận bị thôi chức vì đưa ra chi phí dự án thấp hơn thực tế. Đó là một ví dụ trong vô số ví dụ về thành quả kinh tế, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục… mà thanh niên Nhật đang được hưởng thụ.

Người “yếu thế” được ưu tiên đặc biệt

Ở Nhật, những người “yếu thế” như người khuyết tật, người già luôn nhận được nhiều ưu đãi và sự hỗ trợ từ nhà nước, cộng đồng trong tất cả hoạt động.
Điển hình như các con đường tại Nhật luôn có phần đường được đánh dấu rất cẩn thận cho người mù có thể tự đi lại. Tại các ngã ba, ngã tư nơi có tín hiệu đèn giao thông, mỗi khi đèn đỏ bật lên, tín hiệu đèn báo hiệu người đi bộ được phép qua đường phát sáng thì cùng lúc sẽ có âm thanh “tích tắc… tích tắc” phát ra để người mù có thể nhận biết qua đường. Nhiều tuyến xe khách, thậm chí là xe buýt được thiết kế đặc biệt phần cửa vào dành riêng cho người khuyết tật nhằm thuận tiện di chuyển đến khu vực ghế ưu tiên trên xe và xuống xe an toàn.



Hoàng Sa & Hòa Giải Quốc Gia




Hoàng Sa & Hòa Giải Quốc Gia





"Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”. Phải khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, 19-1-1974, ông Nguyễn Đăng Quang - một thành viên của phía Hà Nội trong "Phái đoàn liên hiệp quân sự 4 bên" thi hành Hiệp định Paris (1973) - mới nhận ra điều này. Họ ở đây là các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bên mà cho đến nay, nhiều người vẫn gọi là phía "ngụy"[1].

Phải mất 40 năm sau, báo chí nhà nước mới bắt đầu đăng hình bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà lên trang nhất, sau khi một tổ chức "dân lập" - trung tâm Minh Triết - chứng nhận chồng bà đã "hành động vì biển đảo".

Phải mất 40 năm sau, các thế hệ người Việt trong nước mới biết hình ảnh trung Tá Ngụy Văn Thà, thiếu tá Nguyễn Thành Trí, đứng thẳng trên đài chỉ huy chiến hạm Nhựt Tảo khi những loạt đạn đang bắn từ các tàu Trung Quốc; biết đến, hai hạ sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu từ chối xuống tàu cứu sinh, chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng rồi đi vào lòng biển Hoàng Sa cùng con tàu Nhựt Tảo.

"Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”. Ngày 14-3-1988, trên bãi đá ngầm Gạc Ma, trước mũi súng bắn thẳng của quân Trung Quốc xâm lược, các chiến sỹ hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết không rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng. Trong ngày hôm ấy, 64 người lính Việt Nam đã chết trong tư thế hiên ngang, máu họ đã lắng lại thành những cột mốc muôn đời trên biển.

Mười bốn năm trước đó, ngày 19-1-1974, khi một đơn vị hải kích gồm hai nhóm của Việt Nam Cộng Hòa đổ bộ lên chiếm lại đảo Quang Hòa, nhóm người nhái phải lội qua một đầm nước trống trải, ngập đến thắt lưng... Từ bắc đảo, quân Trung Quốc ào ạt đổ bộ lên, chúng núp sau các tảng đá dùng đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình - hai người lính Việt Nam cộng hòa tử thương, hai bị thương - nhóm hải kích vẫn không lùi bước. Trong ngày hôm ấy, 74 người lính Việt Nam đã chết trong tư thế hiên ngang, máu họ đã lắng lại thành những cột mốc muôn đời trên biển.

"Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”.

Thật trớ trêu thay, chỉ khi đứng trước dã tâm của quân Trung Quốc, những người đi từ miền Bắc mới có thể thốt lên, hóa ra người anh em miền Nam của mình cũng sẵn sàng xả thân bảo vệ non sông, đất nước.

Bất cứ điều gì xảy ra cũng đều có lý do, nhưng tại sao phải đợi quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa những người như ông Quang mới nhận ra chân lý đó. Năm 1974, Việt Nam Cộng hòa từng có ý định dùng không quân lấy lại Hoàng Sa, theo phi công Nguyễn Thành Trung: “Mấy ông cấp tá... phát biểu trong cuộc họp rằng: Đánh với Việt Cộng là chỉ đánh chơi thôi... Đánh với Trung Cộng mới là đánh, cho nên trận này... cấp đại tá, trung tá, thiếu tá đánh trước, đánh cho họ biết người Việt Nam là như thế nào...".

Phải chờ trận hải chiến Hoàng Sa 1974 những người lính miền Nam mới có cơ hội để chứng minh đầy đủ phẩm chất của một chiến binh; để những người lính miền Bắc, về sau nhận thấy, cái cách mà người anh em của mình chiến đấu, không có mảy may nào là "ngụy".

Cái giá mà người Việt Nam phải trả để nhận biết điều vô cùng đơn giản này là biết bao máu xương và một phần lãnh thổ tổ tiên, quần đảo Hoàng Sa, đã rơi vào tay Trung Quốc.

Chiều 11-1-2014, sau khi nghe ông Lữ Công Bảy, thượng sĩ giám lộ trên khu trục hạm Trần Khánh Dư, kể lại trận hải chiến Hoàng Sa, một cử tọa, vốn là người cởi mở, vẫn dùng từ "ngụy" theo thói quen khi đặt câu hỏi về phía Việt Nam Cộng hòa.

Mất Hoàng Sa đã khiến cho người Việt thống nhất khá cao khi thấy Trung tâm Minh Triết tôn vinh bà quả phụ Ngụy Văn Thà. Nhưng mất Hoàng Sa, không phải người Việt nào cũng học được bài học: không thể giữ đảo, giữ biển khi người Việt Nam vẫn đứng ở các bên để tranh cãi ai chính danh, ai ngụy.

Năm 1950, khi luận về những hiềm khích giữa La Sơn Phu Tử và Bùi Dương Lịch, giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: "Lúc loạn thời... Tuy ai cũng làm theo lẽ phải, nhưng óc đảng phái nó làm sai lệch cả lý luận".

Thống nhất giang san đã khó nhưng còn khó hơn khi thống nhất lòng người.

Thật vui khi trên trang nhất các báo xuất hiện chân dung bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà. Nhưng làm sao có thể thống nhất lòng người khi chỉ coi 74 người lính cùng hy sinh với trung tá Ngụy Văn Thà là không phải "ngụy".

Còn nhiều trang sử cần được mở ra, không chỉ có ở Hoàng Sa, dù ở đâu trên mảnh đất của ông cha, người Việt Nam chỉ nên để súng ống quay về cùng một hướng. Chỉ có hòa giải quốc gia mới có thể phát triển quốc gia. Một dân tộc không thể vững mạnh nếu như lòng người phân tán.

Huy Đức 

[1] Theo báo Thanh Niên số ra ngày 12-1-2014: Trong một buổi làm việc chính thức, một thiếu tá VNCH đã hỏi ông Quang: “Chúng ta đều là người Việt, hiện tại chúng ta đang là kẻ thù của nhau nhưng sau này có lẽ sẽ không là kẻ thù của nhau nữa. Tôi xin hỏi liệu sau này có một cường quốc phương bắc xâm chiếm một mảnh đất nào của chúng tôi hoặc của các ông thì các ông sẽ đối phó ra sao?”. “Lúc đó tôi mới ngoài 30, nhiều vấn đề cũng chưa hiểu rõ để đủ sức trả lời câu hỏi này. Chỉ một năm sau đó khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa tôi mới thấy rằng chính những người ở phía đối địch hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”, ông Quang nhớ lại.



..../.

7-1-1979 - kỷ niệm ngày Campuchia thoát nạn diệt chủng


7-1-1979
kỷ niệm ngày Campuchia thoát nạn diệt chủng











[....]


   Tháng 6 -2007  đi xuyên miền Tây từ Hà Tiên lên cặp theo mé kinh biên giới Việt Nam-Campuchia, qua An Giang ghé vô Tri Tôn-Ba Chúc.Hôm ấy là một ngày nắng, người ta đem hài cốt những người dân Ba Chúc bị thảm sát ra phơi.Tự hào mình là người có trí tưởng tượng tốt nhưng chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng cảnh hàng ngàn đầu lâu, xương sọ, ống tay ống chân đem phơi trong nắng!
Rờn rợn và ma quái.
Trong vòng 2 tuần từ ngày 15 đến ngày 30 -4-1978, 3157 dân thường Ba Chúc vùng quanh núi Tượng và núi Dài đã bị quân Khmer đỏ thảm sát (trong tổng số 16 ngàn dân của xã ). Phần lớn nạn nhân bị sát hại vào ngày 18 tháng 4, khi một toán quân Khmer xâm nhập dồn hết dân làng vào các ngôi chùa và trường học rồi thảm sát .Những người sống sót trốn được vào núi Tượng, tuy nhiên họ cũng bị phát hiện ra vài ngày sau. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp và đóng cọc vào cửa mình, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết.
Xương người và sọ người được cất giữ tại đền tưởng niệm nạn nhân bị Khmer đỏ thảm sát tại Ba Chúc

Trên cánh đồng Ba Chúc hơn 30 năm trước, hàng ngàn người dân vô tội đã chết tức tưởi thế này!


Những sọ người này đều chung một vết thủng trên đầu: Chúng bắn hoặc dùng búa đập thẳng vào đỉnh sọ! 

Đền tưởng niệm Ba Chúc-Làm sao quên được?
Năm tháng qua đi, trời đã xanh, mây đã trắng, trường học mọc lên nhưng nỗi đau thật khó nguôi quên!





Kinh khủng hơn khi tôi qua Phnompenh và ghé thăm nhà tù Tung sleng-vốn xưa là một trường học và Khmer đỏ đã biến đây thành một địa ngục hơn hẳn những trại tập trung của Hitler thời thế chiến thứ 2.
Những hình ảnh , hiện vậy còn trưng bày tại đây đến hôm nay sau khi xem chỉ có thể thốt lên một từ: Rùng rợn!


Bản đồ Campuchia được làm từ những sọ người dân bị đập chết!
Trường học đã bị biến thành "siêu địa ngục".Trong từng phòng chúng ngăn ra từng ô vuông chưa đầy 1m2, các nạn nhân chỉ có thể ngồi chứ không thể nằm và tất cả sinh hoạt vệ sinh cá nhân trong cái ô chưa đầy 1m2 ấy. 


Hàng vạn bức ảnh trẻ con và người lớn đã chết trong bảo tàng này .Những đôi mắt vẫn ngơ ngác hỏi: Vì sao tôi bị giết?Làm sao lại giết tôi? Những chân dung trẻ con khiến tim ta thắt lại.Tấm hình chỉ nói rằng: các em đã từng sống và đau đớn chết! 
Cách tra tấn phổ biến: Treo ngược lên đánh rồi nhận vào lu nước! (được họa sĩ tái hiện lại.)

Máu những nạn nhân trên nền gạch cứ thẫm đen lặn vào viên gạch lát nền, dù đã 30 năm rồi!



Và sau tất cả những tội ác kinh hoàng của Khmer đỏ, tôi chỉ muốn hỏi: Tại sao con người lang sói man rợ đến vậy.
Và hẳn các bạn đều biết những năm tháng ấy ai là "người bạn lớn"-kẻ đẻ ra, hà hơi tiếp sức cho tội ác diệt chủng của Khmer đỏ?

Biết để mà nhớ, nhớ thật lâu như chúng ta từng nhớ về "người bạn" này!

Nhớ và đừng bao giờ quên!

ĐỪNG BAO GIỜ QUÊN!



LE DUC DUC 


............/.

Những câu hỏi về môn ngoại ngữ






Những câu hỏi về môn ngoại ngữ



Nhân dư luận đang lên tiếng về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT mà theo đó, môn ngoại ngữ sẽ không còn là bắt buộc cũng như tự chọn (chỉ là một môn “khuyến khích”), xin mạn phép góp vài câu hỏi.

Phải chăng với ý định bỏ qua môn thi ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT đã âm thầm thừa nhận rằng trong hơn 30 năm qua kể từ khi hòa bình lập lại, công tác dạy và học ngoại ngữ đã không hiệu quả?
Kế đến, nếu đối chiếu với lộ trình của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, không thể không tự hỏi tiếp: Có phải do trục trặc mà nay khi đề án đó chỉ còn sáu năm nữa là hết hạn, bộ và các trường đành khất để... “có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của đề án”?

Trục trặc đó là gì?

Phải chăng đề án này đã được “tản quyền” cho các địa phương một cách quá rộng rãi và dường như các địa phương mới chỉ chú trọng đến hai điểm là ngân sách dành cho mỗi tỉnh và lộ trình thực hiện. Và rồi nay lực bất tòng tâm, không tài nào thực hiện nổi?

Tạm lấy thí dụ một tỉnh Tây nguyên. Theo một bài báo của tờ báo tỉnh này đầu năm học 2011-2012: “Từ năm học 2011-2012 triển khai chương trình giáo dục môn tiếng Anh bắt buộc cho học sinh từ lớp 3 liên thông đến lớp 12 năm 2020, sao cho đạt bậc 3 (B1 theo khung tham chiếu châu Âu) khi tốt nghiệp THPT... Bên cạnh đó, triển khai chương trình dạy môn toán và tin học bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên X...
Ở một tỉnh khác ở miền Tây Nam bộ, đầu tư 437 tỉ đồng với lộ trình là: ” Từ năm học 2012-2013 bắt đầu triển khai dạy chương trình giáo dục 10 năm môn tiếng Anh cho khoảng 15% số lượng học sinh lớp 3 và liên thông đến năm 2020 có 100% học sinh lớp 12 được học theo chương trình này. Năm 2015 triển khai chương trình dạy thí điểm môn toán bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên Y..., sau đó mở rộng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh”.
Làm thế nào mà trong khi một tỉnh đồng bằng chỉ khiêm tốn đề ra mục tiêu 15% số học sinh lớp 3 bắt đầu học tiếng Anh từ năm học 2012, trong khi một tỉnh Tây nguyên địa hình rừng núi chia cắt lại lạc quan đề ra mục tiêu “bắt buộc” đại trà từ lớp 3 cũng cùng thời gian đó? Phải chăng đã có một sự thả nổi kế hoạch, thả nổi hoạch định ngân sách và thả nổi mục tiêu?

Trong sự khác biệt đó, vẫn nổi lên một mẫu số chung: đó là ở cả hai lộ trình đều có một mức đến cực nhỏ là phấn đấu “dạy thí điểm môn toán bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên Y..., sau đó mở rộng dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh” ở tỉnh này và “triển khai chương trình dạy môn toán và tin học bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên X... ở tỉnh kia.

Phấn đấu đến hết lộ trình đó, vào năm 2020, học sinh lớp 12 của các trường điểm tốt nghiệp với tiếng Anh trong các môn toán, tin và khoa học - giống như bảng điểm mà các trường đại học nước ngoài đang đòi ở đầu vào!

Nay qua dự thảo của Bộ GD-ĐT, môn thi ngoại ngữ đã không còn cho dù bắt buộc hay tự chọn, liệu sẽ tạo cớ cho các trường không có đủ năng lực dạy ngoại ngữ dẹp luôn môn học quan trọng này, để rồi chỉ còn sót lại một vài trường điểm ở mỗi địa phương với một ít học sinh có cơ hội được học và đăng ký thi môn ngoại ngữ theo diện khuyến khích?

Trên một bình diện khác, nghe bộ hẹn để... bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu của đề án ngoại ngữ 2020, xin bàn thêm: đã tăng cường tuyển sinh sư phạm ngoại ngữ, tăng cường chất lượng đào tạo hay chưa và có chủ trương giữ thầy cô dạy ngoại ngữ bằng đồng lương tương xứng để họ khỏi chạy qua các ngành khác?
Ai lại đặt cái cày đi trước con trâu!
THIÊN DI