Văn minh Sicagô



Văn minh Sicagô

Phạm Thị Hoài



Từ khoảng 1955-1956 trở đi, dưới những bút danh Trần Lực, Chiến Sĩ, D.X., T.L. và C.B.,  Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhiều bài trên báo Nhân dân về nước Mỹ [1], đặt nền tảng cho tư duy và cảm nhận của nhiều thế hệ người Việt về cái thế giới kinh hoàng rùng rợn của chủ nghĩa tư bản ở những xứ sở phương Tây bất hạnh trên địa cầu. “Mỹ mà xấu” trở thành một cách nói phổ biến ở miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh và được coi là một phát ngôn châm biếm thành công, một cách chơi chữ độc đáo của ông Hồ. Chúng ta hãy đọc lại một số bài báo đó.


Bài kí tên C.B. sau đây đăng trên Nhân dân số 838, ngày 20-6-1956.

Sicagô và Sài Gòn
Sicagô là một thành phố to hạng nhì ở Mỹ, có độ ba triệu dân và rất nhiều công nghiệp và thương nghiệp. Nó cũng là sào huyệt của những “vua” cướp của, giết người, buôn lậu và các thứ tội ác.
Hiện nay, Mỹ đang đưa “văn minh” Sicagô đến miền Nam Việt Nam ta.
Tối hôm 9-6, hai nhân viên của “phái đoàn viện trợ” Mỹ đã bắn nhau chết ở tiệm rượu “Đồng tiền vàng”. Có lẽ đó mới là bước đầu.
Hôm 12-6, một bọn cướp với súng ống đầy đủ, đã cướp chuyến xe hơi ở Xuân Lộc, cách Sài Gòn 80 cây số.
Các báo miền Nam cho biết: từ 21-5 đến 7-6, ở Sài Gòn và các thành phố xung quanh có 48 vụ trộm cướp và 47 vụ tống tiền. Ở Sài Gòn – Chợ Lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ ăn cắp xe đạp và xe hơi. Có những tên đã đánh cắp hơn 20 chiếc xe hơi.
Tệ hại nhất là “văn minh” Sicagô đã lan rộng đến lớp thanh niên học sinh. Thí dụ: 1 nam học sinh 17 tuổi, ở Tân Sơn Nhất, đã phạm tội giết người, cướp của.
Một nữ học sinh trường luật, 23 tuổi, đã phạm tội tống tiền gần nửa triệu đồng…
Đế quốc Mỹ xúi giục Ngô Đình Diệm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, âm mưu trường kỳ chia cắt đất nước ta. Đó đã là một tội ác tày trời, không thể tha thứ. Chúng lại còn âm mưu phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, đầu độc thanh niên ta – Hai tội chồng chất, càng không thể tha thứ[2]

*
Bài kí tên Trần Lực sau đây đăng trên Nhân dân số 2051, ngày 28-10-1959.
Mỹ mà phong không thuần, tục không mỹ
Do kết quả của giáo dục và ảnh hưởng của xã hội, số phạm tội trong đám thiếu niên và thanh niên (từ 10 đến 20 tuổi) ngày càng tăng. Trên báo chí Mỹ thường có những tin tức rùng rợn như sau:
Thằng bé E. Pakét, 16 tuổi, đã giết chết cha và một em gái của con bé S. Phrốtxlen, 15 tuổi, là “người yêu” của nó. Mẹ và hai em gái của Phrốtxlen cũng suýt bị Pakét giết chết (14-10-1959).
Tuần báo Tin tức Mỹ và báo cáo thế giới ( 14-9-1959) viết: Bọn phạm tội trẻ tuổi ngày càng táo bạo. Ở các thành phố to, đi ra đường là có nguy hiểm. Sự khủng bố ở ngoài đường đã trở nên một vấn đề ngày càng nghiêm trọng
Báo Ngôi sao, xuất bản ở thủ đô Mỹ đã đăng những lời khuyên răn của sở cảnh sát đối với phụ nữ, trong đó có mấy điều như sau:
- Khi các bà, các cô ra đường, nên có người đưa đi.
- Nên chọn những đường phố đông người và nhiều đèn sáng.
- Trước khi đi vào ngõ, phố ít đèn, nên để ý có ai theo đuổi mình chăng.
- Nếu có chút đáng ngờ, thì nên vào ngay một nhà gần nhất ở đó để gọi cảnh sát.
- Nên nắm thật chặt cán túi tay của mình.
- Không nên mang trên mình vòng xuyến quý và nhiều tiền bạc.
- Nếu đi xe hơi của mình, thì chỉ nên dừng xe ở những phố đông người. Nên luôn luôn đóng kín cửa sổ xe.
- Không nên tắt máy, để khi cần thì cho xe chạy được ngay.
Và nhiều điều dặn dò khác, để tránh nguy hiểm do bọn du côn trẻ tuổi gây ra.
Đó là một “nếp sống văn minh” mà đế quốc Mỹ muốn đưa ra làm gương cho thiên hạ noi theo! Ngu ngốc thay đế quốc Mỹ vậy! [3]

*
Bài kí tên T.L. sau đây đăng trên Nhân dân số 2003, ngày 30-3-1960.
Chế độ nào, thanh niên ấy
Ngày 17 tháng 1 năm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở 4 thủy thủ trẻ tuổi Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bón người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ còn lương đủ cho hai ngày và hai mươi kilô khoai. Bốn người lênh đênh xiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giày ủng để ăn. Ăn hết giày ủng, họ phải nấu cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ phải hứng nước mưa và mỗi người mỗi ngày chỉ được uống nửa cốc. (Để mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống.)
Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hùng ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (khi chiếc đàn hãy còn) để khuyến khích lẫn nhau.
Cuối ngày thứ bốn mươi chín thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.
Đó là tiêu biểu của tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở những thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ, cách đây không lâu, tên E. Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng nó đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng “không may” ba người đã chạy thoát [4].
Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D. Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoónia, đã giết chết năm người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt, nó thản nhiên nói: “tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn.”
Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau? [5]
*
Tôi cũng thuộc những thế hệ lớn lên bằng gạo mốc và lòng tự hào rằng chúng ta còn thiếu thốn, nhưng có thừa những phẩm chất tốt đẹp để vẫy gọi phía bên kia. Rằng ngoài chính nghĩa, lí tưởng, lòng nhân ái và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chúng ta còn lành mạnh. Chúng ta đầy giun sán trong người nhưng không mắc bệnh giang mai. Không cao bồi, đĩ điếm, xì-ke ma túy. Không bệnh hoạn, đồi trụy, dâm ô. Không thần kinh, không tự tử. “Mỹ mà xấu” bao nhiêu, chúng ta tốt đẹp bấy nhiêu.
Có thể cái ưu thế đạo đức ấy từng có thật ở một mức độ nhất định và đóng một vai trò chưa thể đánh giá hết trong hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh. Song từ ấy đến nay chẳng có gì – từ truyền thống và thuần phong mĩ tục đến tín ngưỡng và quốc giáo Mác-Lê-Hồ – chứng tỏ và bảo đảm rằng người Việt thượng đẳng hơn những dân tộc khác về đạo đức. Chẳng có gì để chúng ta phải sững sờ không tin nổi, vì sao một điều khủng khiếp này, một tội ác tày trời nọ lại có thể xảy ra trong “xã hội ta”.
Ngược lại. Sẽ có ích hơn, nếu xuất phát từ tiền đề rằng không có vực thẳm đạo đức nào của nhân loại là quá sâu với người Việt. Tôi từng đinh ninh rằng xâm hại tình dục trẻ em chỉ có thể là sản phẩm của phương Tây. Bây giờ hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam đã thành tin nhàm.Một bé gái 8 tuổiMột bé gái 7 tuổiMột bé gái 6 tuổiMột bé gái 5 tuổiMột bé gái 4 tuổiMột bé gái 3 tuổi… Không ngưỡng nào là cuối cùng. Chúng ta không là một ngoại lệ nào hết. Cũng đầy đủ khả năng hư hỏng, điên rồ, méo mó, bệnh hoạn, hủy diệt kẻ khác và tự hủy diệt như con người ở bất kì đâu. Xã hội Việt Nam ngày nay cũng tràn ngập những điều rùng rợn kinh hoàng mà Hồ Chí Minh quy về cho xã hội Mỹ, cộng thêm bản sắc dã man mông muội rất riêng của văn hóa Việt Nam.
Muộn nửa thế kỉ, cuối cùng Hà Nội cũng đến kịp với nền “văn minh Sicagô”. Và đang nôn nóng vượt qua, như thường thấy ở kẻ đến muộn. Trước sau Mỹ vẫn dẫn đầu về tỉ lệ tội phạm trong các nước phát triển. Nhưng nếu đi tìm một cái xác trên dòng Chicago River, người ta sẽ không thể trong vỏn vẹn mười ngày ngẫu nhiên gặp luôn sáu thi thể khác, như trên sông Hồng.

Tháng 11 4, 2013
© 2013 pro&contra


[1] Những bài này sau được tập hợp thành sách trong Nói chuyện Mỹ…Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1972, 352 trang. Ngoài ra còn một cuốn sách khác, nhan đề Mỹ mà xấu, ghi tên tác giả là Vladimia Pôzônê, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tái bản năm 1989. Vladimia Pôzônê – hay Vla-đi-mia Pô-dơ-ne – có phải là một trong vô vàn bút danh khác của Hồ Chí Minh không, là một nghi vấn hợp lí.
[2] In lại trong Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000
[3] Sđd, tập 9
[4] Tác giả lặp lại sự việc đã được kể trong bài viết kí tên Trần Lực 5 tháng trước, ngày 28-10-1959, nhưng tên các nhân vật liên quan có chút thay đổi.
[5] Sđd, tập 10





......../.