TỐ HỮU với CẢI LƯƠNG & KỊCH THƠ


TỐ HỮU 
với 
CẢI LƯƠNG & KỊCH THƠ


[ TRÍCH HỒI KÝ của PHẠM DUY / chương 32 ]




[….]
Trong một buổi họp khác, tổ kịch đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói :
- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu.
Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng :
- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ.
Nhưng Tố Hữu cười khảy :
- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước, bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.

Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ :
- A... Tố Hữu nói như vậy thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này phải có thái độ với bài hát đã từ lòng nhân dân mà ra...





Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng. Xưa nay tôi là người không ưa cãi nhau cho nên lúc đó tôi cũng im luôn. Dù lập trường của Tố Hữu không vững lắm nhưng tôi cũng không đứng lên để bênh vực hai anh nhạc sĩ Nam Kỳ này.
Theo sự hiểu biết của tôi - vốn là kẻ đã đi theo gánh hát Cải Lương trong ba năm trời - thì bài Vọng Cổ đã ra đời vào năm 1917 là lúc nước Việt Nam đã sống dưới ách nô lệ thực dân từ lâu rồi. Đã mất nước rồi mới có một người là ông Sáu Lầu ở Bặc Liêu đẻ ra bài Vọng Cổ. Điệu Vọng Cổ xuất thân từ điệu Hành Vân, mới đầu chỉ có 20 câu, mỗi câu 2 nhịp. Khi nó phát triển tới loại Vọng Cổ 6 câu mỗi câu 16 nhịp rồi tiến tới 32 nhịp thì âm nhạc của nó nghiêng hẳn về điệu ru con ở miền Nam. Trong suốt mấy chục năm, Vọng Cổ đã được dùng để kể lể đầy đủ mọi thứ chuyện buồn hay chuyện không buồn, kể cả những chuyện hài hước làm cho người nghe phải cười nôn ruột của mấy anh hề. Không phải chỉ có những bài hát Vọng Cổ than khóc mà thôi đâu.
Nhưng nếu cứ cho rằng đa số bài Vọng Cổ nói tới chuyện buồn đi, là làm nhụt chí anh hùng đi, thế tại sao vào ngày lịch sử 12 tháng 10 năm 1945, tất cả Nam Bộ cứ cầm gậy tầm vông vùng lên đánh Pháp và vẫn còn tiếp tục đánh Pháp cho tới bây giờ (là mùa Hè 1950). Những thính giả mà ta cho rằng đã bị đầu độc bằng bài Vọng Cổ hằng mấy chục năm, tại sao họ vẫn anh dũng chiến đấu ? Họ đâu có đầu hàng Pháp ? Và chắc chắn là họ vừa đánh giặc, vừa hát Vọng Cổ cho mà coi. Vọng Cổ, theo tôi, chính là bài hát phát sinh từ nhân dân cho nên nó mang rất nhiều chất tình tự dân tộc.
Nói một cách khác, khi tôi nghe hát Vọng Cổ, tôi rất cảm động và tôi thương yêu nước tôi hơn là khi tôi nghe nhạc... classic hay nhạc rock chẳng hạn.
Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ :
- Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến.

Lại cũng không ổn. Những vở kịch thơ trước đây tôi đã được coi, chính là những vở kịch nung nấu lòng ái quốc của chính tôi, vì nó nói tới chuyện Nguyễn Trãi, Phi Khanh, nói tới Quán Biên Thùy, Người Mù Dạo Trúc, Bến Nước Ngũ Bồ, Lên Đường, Viễn Khách... Lối ngâm thơ rền rĩ mà những ngâm sĩ đã mắc phải khi diễn kịch thơ, ta có thể khắc phục được nếu ta huấn luyện cho các ngâm sĩ biết chọn đoạn nào ngâm, đoạn nào nói. Và nếu ngâm nên ngâm theo giọng gì ? Giọng oán cần phải dùng cho đúng lúc.
Là kịch thơ nhưng vẫn có thể có những đoạn nói thơ - lẽ dĩ nhiên không phải là lối nói thường hoặc nói lối theo kiểu Hát Chèo hay Cải Lương - Cần nhất là phải dùng tối đa những điệu ngâm khác biệt với giọng oán như sa mạc, cổ thi hay những điệu ngâm thơ nằm trong nhạc mục của Hát Ả Đào.
Vấn đề này nằm hoàn toàn trong lĩnh vực kỹ thuật (không phải nghệ thuật) cho nên rất dễ cải tiến. Opera của Âu Tây là cái gì, nếu không phải là kịch thơ có ngâm nga và có hát lên ? Hơn nữa, gần đây, tại chiến trường Cao-Bắc-Lạng, tôi và Hoàng Cầm rất thành công với những màn diễn thơ có thể được gọi là những màn kịch thơ ngắn được lắm.

HOÀNG CẦM - PHẠM DUY


Tôi cho rằng, nếu lúc đó Hoàng Cầm được khuyến khích để tiếp tục phát triển Kịch Thơ thì không chừng chúng ta đã có một thứ sân khấu có tính chất opera theo kiểu Việt Nam, chứ không phải thứ opera học mót của các trường phái của Âu Tây.
Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử toạ bỗng im phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích.
Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố :
- Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.




[…..]



PhạmDuy  



....../.