VƯỢT QUA NỖI SỢ



VƯỢT QUA NỖI SỢ
Alan Phan




Đời sống thuộc về những người đang sống; và người đang sống phải luôn sẵn sàng để thay đổi (Life belongs to the living, and he who lives must be prepared for changes) – Johann Wolfgang von Goethe 




Mỗi người trong chúng ta đều có những nỗi sợ khác nhau, cái thì đơn giản, cái thì phức tạp, cái thì vô lý, cái thì được công nhận là chính đáng.



Trăm ngàn nỗi sợ
Nhiều bà cô sợ chuột, trong khi lẽ ra thì thì nên sợ …chồng (con chuột lớn và nguy hiểm nhất trong nhà). Nhiều ông thì sợ sếp…trong khi lẽ ra thì nên sợ cái khả năng yếu kém về công việc của mình.
Tôi có một anh bạn nhiều tài năng, giỏi và thành công về mọi mặt, nhưng lại sợ “ma” khủng khiếp. Anh giải thích là thuở nhỏ, nhà giàu, anh luôn ngủ chung với các bà vú, và tối nào , đầu óc non nớt của anh cũng bị nhồi vào một vài câu chuyện ma. Bây giờ, ở trạc tuổi hơn 50, anh vẫn không bao giờ dám ở một mình qua đêm tại khách sạn. Anh nói, vì công việc làm ăn đòi hỏi những chuyến công tác khá liên tục, anh phải thuê….mỗi đêm một cô gái điếm  để nằm chung…dù không làm gì.
Tôi không biết anh sợ thật hay không; hay đó chỉ là một cách biện luận rất khoa học và thuyết phục cho  bà vợ diễn viên xinh đẹp người Hồng Kông?
Tôi cũng mang nhiều nỗi sợ, nhiều khi rất ngây ngô. Chẳng hạn điều tôi sợ nhất là bị bệnh Alzheimer..mất hết trí nhớ. Tôi thà chết chứ không muốn một ngày nào đó…ngồi khóc hu hu trên đường. Thiên hạ có bu đến hỏi thăm…sẽ phải trả lời là tôi có một bà vợ trẻ đẹp và một gia đình tuyệt vời,,,nhưng tôi quên mất họ là ai và đang ở đâu?
Dĩ nhiên chúng ta cũng còn nhiều nỗi sợ khác…nếu có thể cho là chính đáng.


Thất bại và thành công
Thường thấy nhất ở các bạn trẻ là…nỗi sợ thất bại. Làm gì cũng co rúm lại, không thi thố hết tài năng và ý chí vì gánh nặng của nỗi sợ. Thất bại là một ám ảnh từng phút…vì hệ quả đau thương sẽ phải nhận chịu. Hoặc là mất tiền (kéo theo việc mất tài sản, gia đình…) hoặc là mất danh tiếng, thể diện…hoặc là mất mạng với xã hội đen…Chưa nói đến chuyện tù tội tại những quốc gia thích hình sự hóa …những chuyện kinh doanh và tiền bạc.
Một nỗi sợ khác mà các nhà phân tâm học thường phải điều trị là …nỗi sợ thành công. Nói ra thì hơi phi lý nhưng rất nhiều người trong chúng ta đều mang bệnh lý này.

Tiềm thức của chúng ta không tin sự thành công của mình là xứng đáng với khả năng tự tại…nên thường thúc đẩy những hành động vô thức khiến chúng ta tự …hủy diệt (self-destruction). Chúng ta phạm vào những lỗi lầm ngu ngốc để…khỏi “bị thành công”.

Một thí dụ nổi bật là ông Gary Hart, ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ vào năm 1988. Ông ta dẫn đầu rất xa về các đối thủ khác về sự tín nhiệm của cử tri cho đến tháng 5 năm 1987 (6 tháng trước bầu cử). Ông coi như chắc chắn là ứng cử viên sáng chói mà đảng Dân Chủ sẽ đưa ra để tranh chức Tổng Thống Mỹ với ông George Bush (cha).
Ông Hart làm một chuyện khá ngu xuẩn là thách thức báo chí đưa ra ánh sáng vụ ông lăng nhăng với kiều nữ Donna Rice. Xì căng đan lớn này tiêu hủy đời chánh trị của Gary Hart và giúp Bush cha lên làm Tồng Thống.
Trong quá khứ non trẻ kinh nghiệm và hiểu biết của một doanh nhân, chính cá nhân tôi cũng đã vài lần bị tiềm thức tạo ra những self-destruction và làm tôi trắng tay qua nhiều chuỗi hành động ngu xuẩn.


Nỗi sợ lớn nhất
Tuy nhiên, một nỗi sợ mà phần lớn chúng ta đều mắc phải, không nhiều thì ít là căn bệnh sợ thay đổi.
Khi chúng ta thoải mái hay chấp nhận hiện tại, mọi thay đổi tạo nên nhiều  bất tiện, khó chịu và âu lo. Nó trở thành những bức tường cao ngất…nhốt ta trong ngục tù của quá khứ (vì hiện tại sẽ thành quá khứ ngay khi chúng ta đang sống). Mặc dù trên tư duy logic, chúng ta đều biết rằng thay đổi là chuyện phải làm.
Một học sinh có thể thoải mái ở lớp 5, nhưng anh không thể vịn lý do đó mà không chịu lên lớp. Một con người có thể thoải mái với cuộc sống…sáng cà phê, chiều nhậu nhẹt…mặc cho hệ quả của ù lì kiến thức và bệnh ung thư đợi chờ? Một cô vợ bị chồng đánh đập ngược đãi hàng ngày không thể biện luận là …dù sao tôi cũng còn sướng hơn vài bạn khác.
Một dân tộc bị tình trạng… “luộc ếch” không thể nói…dù sao hôm nay cũng đã tốt hơn ngày hôm qua. Với những bạn chưa đọc về thí nghiệm này, tôi xin giải thích. Người ta cho một con ếch vào một chảo nước lạnh…rồi từ từ đun sôi…rất chậm để con ếch không nhận ra. Con ếch điều chỉnh độ thoải mái của mình mỗi lần nước tăng lên vài độ. Đến khi nhận biết thì quá muộn: nước đã sôi sùng sục. Ngược lại, nếu bỏ 1 con ếch vào một chảo nước sôi thì bằng mọi giá con ếch sẽ cố gắng nhẩy thoát ngay từ đầu.


Cần một “người hùng”
Không những chỉ với con người, có những cơ chế tổ chức  mà nỗi sợ thay đổi gần như là ..tuyệt đối. Nhất là khi các lãnh tụ và bộ hạ đang “có” mà bảo họ phải hy sinh vì quyền lợi chung lớn hơn, với cơ nguy thành “không”, thì bất cứ thay đổi gì cũng là do “thế lực thù địch”.

Tư duy đã làm không ít nền kinh tế của nhiều quốc gia khập khiểng…và tụt hậu (như lời các quan chức của Việt Nam gần đây đã thú nhận).

Lối vận hành kinh tế chính trị của các giới cầm quyền này giống như thói mua IPhone mới nhất của các đại gia chân đất. Họ khoe là mới tậu được cái IPhone 5S; nhưng họ vẫn cài hệ điều hành OS1 của Apple từ thời IPhone thế hệ đầu.
Các chuyên gia không ăn lộc của chánh phủ đều đã tiên đoán hệ quả của lối quản trị này hơn…5 năm về trước.

Ở Nga, Gorbachev thực sự là một vĩ nhân vì ông có đủ đởm lực để thay đổi khi cá nhân ông và phe nhóm vẫn còn quyền lực. Những tấm gương sáng khác trong lịch sử cận đại là Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc hay Lý Quang Diệu của Singapore hay Thein Sein của Myanmar. Ngay cả ông học trò Hun Sen của Việt Nam cũng sắp qua mặt thầy vì dám thay đổi.

Chúng ta đã đổi mới được một lần vào năm 1991 nhờ học tập tấm gương thành công của Trung Quốc (và tình thế lúc đó cũng không cho nhiều lựa chọn). Qua 20 năm và cả chục hệ điều hành khác nhau, chúng ta vẫn quên chưa …update version mới nhất.
Bán hay cho quách cái IPhone 5S dường như là một giải pháp hợp lý hơn.

Alan Phan

Disclosure: Alan hiện đang tư vấn cho vài công ty lớn và các đại gia Trung Quốc về “American strategy” bằng M&A hay phát triển tổ chức tại Mỹ. Nếu Trung Quốc (hay Việt Nam) có một lãnh tụ đởm lược cỡ Đặng Tiểu Bình thì coi như Alan thất nghiệp. Tuy nhiên, Alan sẽ rất vui cho cả tỷ dân đang chết dần vì lợi ích cá nhân và phe nhóm của các chánh phủ này.



....../.

...công nghệ giáo dục // GS Hồ Ngọc Đại

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/141548/gs-ho-ngoc-dai---toi-khong-kieu-ngao-.html



GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi không kiêu ngạo'


GS Hồ Ngọc Đại cho biết, dù chương trình công nghệ giáo dục đã tồn tại hơn 30 năm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn rất cẩn trọng khi cho quay trở lại.



Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm
Tiết học giáo dục lối sống của thầy và trò Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định). Ảnh: Kiều Oanh

Nguyên tắc: Trẻ em luôn đúng
Ngoài sách Tiếng Việt, sách của các môn Toán, Giáo dục lối sống của GS Hồ Ngọc Đại đang trên hành trình vừa làm vừa nghe góp ý của những người triển khai.
Đều đặn hàng tuần, GS Đại lên kế hoạch đi thực địa một tỉnh để hoàn thiện sách làm thử.
"Làm thử là thưa với trẻ em Thầy làm thế có được hay không? Giáo dục lối sống hay giáo dục bất cứ vấn đề gì thì phải thật. Với trẻ con, cái gì thật thì nó tin, cái gì nó tin thì sẽ làm theo. Nếu trẻ không chấp nhận thì chúng ta sai chứ đừng nghĩ rằng trẻ không biết gì" - ông nói.
Giải thích thêm về nguyên tắc "lấy trẻ làm chuẩn", vị GS tuổi 78 cho hay:
"Nền giáo dục hiện đại là thầy giáo phải biết chấp nhận trẻ con chứ không phải trẻ con biết chấp nhận người lớn"
"Đã đến lúc chúng ta phải cư xử lại, điều chỉnh lại thái độ cư xử của mình: đặt trẻ là trọng tâm. Tôn trọng trẻ một cách thực sự, không xã giao, không chính trị thì trẻ sẽ yêu mến".
Đối với ông, việc dạy trẻ  phải công phu như thế chứ không nên áp đặt theo chủ quan người lớn.
Về phương pháp thì không phải "bắt chước" mà để học sinh tự làm trên cơ sở việc cô giao. Khi giao việc không làm mẫu, học sinh tự tư duy đáp án. "Đáp án nào cũng đúng để thấy trong cuộc sống có nhiều đáp án khác nhau".
"Khi giao nhiệm vụ phải căn cứ vào trẻ để cư xử chứ không phải căn cứ vào anh để cư xử".
Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm
GS Hồ Ngọc Đại cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT Nam Định dự giờ tiết học giáo dục lối sống tại Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định). Ảnh: Kiều Oanh
"Phải dạy cho trẻ hết sức đa dạng chứ đừng cứng nhắc cái gì" - GS truyền kinh nghiệm.
Đi tập huấn khá nhiều tỉnh thành, ông từng nói với các cô giáo, mất thời gian là mất tuyệt đối, cho nên sách công nghệ không có ôn tập.
"Ôn tập là làm 1 việc 2 lần - mất hai lần thời gian cho việc đó như vậy lãng phí. Phải xác định buổi sáng có nghĩa vụ của buổi sáng và buổi chiều có nghĩa vụ của buổi chiều. Hai buổi đều quý giá như nhau. Không thể buổi sáng học không tốt buổi chiều làm lại hoặc ở trường làm chưa tốt về nhà bố mẹ dạy lại" - GS Đại quan niệm.
Sẽ không có chết lần 2
Theo GS Hồ Ngọc Đại, CGD sống lại không phải là nguyện vọng cá nhân mà là nhu cầu của cuộc sống. Nhu cầu cuộc sống đã đến mức nhiều người nhận ra.
Theo đuổi CGD trong 35 năm thăng trầm "chết đi, sống lại", GS Hồ Ngọc Đại tự tin khẳng định sẽ không có "chết lâm sàng" lần 2.
Việc Bộ GD-ĐT đưa vào trong giảng dạy và "không còn thí điểm" ở lớp 1 nữa theo GS, đó là tín hiệu khi đã chấp nhận cái này thì theo tất yếu buộc phải chấp nhận những cái tiếp theo.
"Cho nên, mình phải suy nghĩ làm sao để các bước tiếp theo phải làm chu đáo. Làm để triển khai đại trà chứ không "để chứng minh nó đúng".
Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm 
Học sinh chăm chú lắng nghe tiết học Toán theo chương trình công nghệ (Ảnh: K.Oanh)
"Tôi không kiêu ngạo"
GS Hồ Ngọc Đại nói, trong số những người có bằng cấp, may ra có một số nhà khoa học, còn tuyệt đại đa số là những học trò thi đỗ.
"Khi CGD bị dừng lại, tôi cũng biết trước nên không có gì ngạc nhiên" - GS lạc quan.
Khi CGD bị dừng, ông dành thời gian để hiệu chỉnh bộ sách.
Hồ Ngọc Đại, sách giáo khoa, thí điểm
GS Hồ Ngọc Đại
Ông vẫn còn nhớ những người đồng hành giúp mình "hoàn thiện chương trình chuẩn đến từng dấy phẩy" là giáo viên địa phương, học sinh, phụ huynh và các giám đốc sở, một vài nhà quản lí.
Năm 1987, tại hội nghị toàn quốc về giáo dục, phát biểu của ông khiến cả ngành giáo dục lao xao:
"Các anh có thể không đồng ý với tôi, có thể chống lại tôi, không đồng ý với tôi...nhưng nền giáo dục hiện nay ở bên này bờ sông - nền giáo dục của tôi ở bên kia bờ sông. Muốn đi từ bên này sang bên kia bờ sông thì không thể không qua cây cầu Hồ Ngọc Đại được."
Giải thích về phát ngôn "khó lọt tai" này từ gần 30 năm trước, giáo sư Đại cười:
"Tôi nói thế không kiêu ngạo mà đầy trách nhiệm. Tôi không phải là cá nhân - tôi là đường lối tư tưởng - tôi là một công nghệ - tôi là một giải pháp, một thực tiễn. Các anh muốn hơn phải qua cầu công nghệ - không còn cách nào khác. Tôi nói thế để có trách nhiệm với đất nước".
3 nguyên tắc của công nghệ giáo dục
Theo GS Hồ Ngọc Đại, CGD được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó.
Do đó giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học bộ sách này thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ SGK Tiếng Việt CGD. Sách này không bán rộng rãi mà tỉnh nào đăng ký thực hiện phải đăng ký trước với Bộ GD-ĐT trong hè để Nhà xuất bản Giáo dục căn cứ vào số lượng đó in ấn.
  • Kiều Oanh (ghi)



....../.

NHÀ VĂN ĐÚNG NGHĨA LÀ TINH HOA CỦA ĐỜI





NHÀ VĂN ĐÚNG NGHĨA LÀ TINH HOA CỦA ĐỜI

 

 

Nguyễn Hoàng Đức


Nước ta có hàng nghìn nhà thơ, đó là những người vào hội nhà nước, kỳ thực, nếu rưa rứa vậy, như hội thơ chui vừa qua kết nạp trong ít tháng đã có khoảng dăm ngàn người trình độ trứng gà – trứng vịt với hội chính thống luôn, thì Việt Nam có khoảng cỡ triệu nhà thơ, và cũng có khoảng vài trăm nhà văn. Nhưng số lượng hùng hậu đó có bao nhiêu nhà thơ và nhà văn chuyên nghiệp đúng nghĩa? Để biết cây hãy xem quả, và xem cách người cầm bút ra quả.
Văn học tất yếu phải có nhân vật, nếu không có khác gì bánh mỳ không kẹp nhân. Bánh trưng Việt Nam nếu không có nhân, sao thành bánh trưng?! Ấy vậy mà hầu hết các nhà thơ Việt không thể hiểu, và nếu có hiểu cũng không thể làm, hàng nghìn tập trường ca ra đời không hề có nhân vật, nếu có nhân vật thì rất nhợt nhạt, không tạo thành một xã hội nhân vật, hiếm hoi lắm mới xuất hiện một nhân vật trước biển trời mênh mông không biết làm gì ngoài gãi háng. Ngay cả văn xuôi, nhân vật cũng rất nhợt nhạt, nhiều tác giả trẻ viết truyện như là viết ký, nhân vật không giao tiếp, va chạm, xúc tác, mà chủ yếu là suy diễn trong đầu.
Suy diễn quá nhiều đó là cách làm nghèo và phản văn học, đặc biệt sau khi đã xuất hiện Hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh, và bút pháp đối thoại ngôn từ của Faulkner trong “Âm thanh và cuồng nộ”. Một vài nhà văn, nhà thơ quá nổi tiếng còn được khiên cưỡng ghép cho những bút pháp “hậu hiện đại”, nhưng than ôi, họ không biết tiếng Tây, cũng chẳng biết viết văn theo mệnh đề kép có đại từ quan hệ, hoặc giả có biết tiếng Tây thì lại sền sệt tâm hồn í ì i tre lá.
Nói một cách thẳng thắn, không thể ấm ớ che đậy, như trước đây ngành điện ảnh đã từng công bố sau bao nhiêu lần chần chừ: Phim Việt Nam dở là bởi kịch bản văn học yếu. Văn học Việt quả là rất non tay lèo tèo, nhân vật không có, định lấy đậu phụ làm nhân chay cho văn học, tưởng là nhân ăn vào thấy nhạt vô song. Nhân vật nhợt nhạt không có hành động, càng không có tư tưởng, chỉ có tí chút sinh hoạt ăn ngủ, dục vọng, họp hành vô bổ. Tình tiết yếu. Chủ yếu dùng suy diễn, nhưng tri thức và tư tưởng lại yếu nên suy diễn loanh quanh.
Chúng ta có những hội văn nghệ rất lớn, một cái cây to nhiều người khênh còn được, nhưng dăm người tụ lại một cây sáo, hay trăm người bấu lấy một cây đàn thì làm sao tấu nhạc được. Nhà văn là nghề cầm bút, đâu có phải đua nhau ra đồng tát nước, mà có thể xúm xít đông đảo trên trang giấy? Cụ thể chúng ta có Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Văn nghệ công nhân, chỉ còn thiếu văn nghệ nông dân và văn nghệ dọn môi trường. Đấy là cách chúng ta đã đặt vấn đề sai. Tại sao?
Bởi văn nghệ là của Văn nghệ sĩ, chứ làm sao của bộ đội và công an cũng như công nhân được?! Nhà nông làm ra sản phẩm thì người ta gọi là “nông sản”. Quân đội có súng ống bảo vệ biên cương. Công an có dùi cui bảo vệ an ninh. Chứ quân đội và công làm sao có tác phẩm để trở thành văn nghệ sĩ? Tất nhiên quân đội và công an có quyền yêu văn nghệ, thì chúng ta chỉ nên gọi là “câu lạc bộ văn nghệ quân đội” hay “CLB văn nghệ công an” thì được.
Văn nghệ là tinh hoa phải dùng đúng chỗ thì nó mới đắt.
Trái lại một khi chúng ta dùng từ “văn nghệ” cách lạm dụng tràn lan, thì nó mới nảy sinh sự coi thường nhàm chán và tạo ra vô số nhà thơ, nhà văn nghiệp dư.
Cụ thể, về mặt học thuật, các triết gia Hy Lạp xác định không thể có quân nhân, công nhân, nông dân viết văn. Aristote lập luận: Những người lao động chân tay nặng nhọc hay mưu sinh kiếm sống vất vả, khó có thể có tâm hồn thanh cao. Tại sao? Vì lao động mưu sinh đã không giúp người ta sự thanh nhàn để suy tư. Và nếu không suy tư đủ nhiều đủ chín, người ta khó mà ngẫm nghĩ thấu đáo mọi vấn đề. Xã hội Hy Lạp xưa tách bạch rõ ràng: người chủ và đầy tớ. Người chủ có tiền đầu tư làm ăn, có bổng lộc điền sản, vì thế học hành, đọc sách và suy ngẫm. Trái lại người ở vất vả lao động dịch vụ tay chân không thể có điều kiện suy ngẫm những điều cao thượng.
Về ngành nông nghiệp hiện đại, máy cày, máy bừa, máy gieo hạt, máy gặt đập đã đưa vào nông nghiệp rất nhiều, nhưng các chuyên gia tính toán, đưa máy móc vào nông nghiệp không có lãi bằng lao động chân tay. Chẳng hạn một gia đình nông Việt Nam, mua máy kéo vài chục triệu vào sản xuất, được vài vụ chiếc máy đó lăn ra hỏng, thì trồng bao nhiêu thóc cho lại? Dù lỗ, nhưng thế giới vẫn tăng tiến đưa máy móc vào nông nghiệp, vì lãi cho việc: làm tăng số người nhàn rỗi lên. Và một nền nông nghiệp tiên tiến được đo bằng: một người làm nông nuôi được bao nhiêu người khác, giúp họ nhàn rỗi để làm các công việc khác cũng như đầu tư cho trí tuệ và văn hóa.
Aristote còn cho rằng: mục đích của đời người là nhàn rỗi. Vì đương nhiên không ai muốn cuộc sống mưu sinh vất vả.
Từ nhàn rỗi, người ta mới có thời gian học tập, cầm quyển sách, và yêu thích văn chương.
Aristote bàn về giáo dục như sau: không nên để trẻ con ở gần những người ở, vì họ ít học, cục cằn, thô lỗ, hay nói tục. Trẻ con sẽ bị nhiễm.
Người Tàu có câu “làm tướng là ngồi trong màn trướng biết việc ở ngoài ngàn dặm”. Nhà văn như người ta thường nói là kiến trúc sư của tâm hồn, rất cần thiết phải cao thượng. Bởi chỉ có cao thượng anh mới có thể dấn thân vào cứu rỗi cuộc đời. Nhà văn không nhất thiết phải bò lê bò càng cùng đi thực tế vào đồng ruộng hay nhà máy. Ông Freud đâu có đến thanh lâu, vậy mà ông viết về tình dục lọc lõi mọi bề, vì ông viết bằng kiến thức có nguyên lý. Trong khi đó một triệu ma cô ăn chơi đĩ điếm rách trời có viết được một trang tình dục nào đâu?! Nhà văn rõ ràng là một viên tướng của chữ nghĩa và văn hóa, anh quan sát cuộc đời bằng tầm cao của tháp canh, chứ không phải bằng cách lăn lộn vào hiện trường như mấy cô đầu bếp.
Nhà văn là người sáng tạo và lao động bằng chữ nghĩa. Bản chất sâu xa của chữ nghĩa là Phổ quát, kiến thức, và cao thượng, vì đơn giản chữ nghĩa ở trên đầu. Người Tàu xưa cho rằng: chỉ có bậc thánh hiền mới nên viết sách để hướng dẫn chúng sinh. Còn dạng tiểu nhân thấp hèn thì không nên viết sách làm loạn chuẩn mực của xã hội. Ngày nay là thời đại của máy in và máy vi tính, quan niệm về văn học cũng thoáng hơn, ai biết chữ thì đều có thể làm thơ, viết sách. Chỉ có điều, nếu tri thức và nhân cách còn thấp lè tè thì nhà văn chúng ta khó mà chuyển tải được những giá trị cao thượng của cuộc đời. Muốn hay, muốn vĩ đại, văn học phải chuyên nghiệp. Không nên nôn nón vội vàng như cả triệu công – nông – binh hay giám đốc, vừa thuộc mặt chữ đã ào ào xếp vần làm thơ, hay mấy anh chị nhà báo đưa tin cấp một thấy sân nhà còn thừa liền tranh thủ viết vài truyện ngắn… như vậy làm sao có thể sản sinh một vài tác phẩm đồ sộ, mênh mông, quảng bác, và vĩ đại? Hãy làm cây lớn trước khi tỏa bóng xuống cuộc đời. Hãy rèn luyện mình thành tinh hoa trước khi tỏa sắc vào tác phẩm. Chớ nên tung hứng vài câu lèo tèo trên chiếu thơ mà đòi trùm bóng lên sông núi rồi cả những đại dương xa xôi nữa. Mây tre đan xuất khẩu dù đẹp đâu có thể trở thành cây đàn lia thiêng liêng của thơ đang cùng Homer tấu trên đỉnh O-lanh-pơ?



NHĐ  12/09/2013


......./.


Hồ Chí Minh, Hồ Tập Chương, và còn cái gì nữa?


www.facebook.com/thuhienvu



Hồ Chí Minh, Hồ Tập Chương, và còn cái gì nữa?



VŨ THƯ HIÊN





Mới đây, nhà bất đồng chính kiến Phạm Quế Dương có nêu câu hỏi trên net: “Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc: Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan”?. Câu hỏi của ông thế này : “Gần đây, dư luận sôi động về việc Đài Loan xuất bản cuốn sách “Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh.” ( Hồ Chí Minh sinh bình khảo), do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hóa ấn hành ngày 01-11-2008.Tác giả là Hồ Tuấn Hùng, giáo sư đã từng dạy học hơn 30 năm, tốt nghiệp trường Đại Học Quốc Lập Đài Loan, khoa lịch sử”... 
Đã có khói ắt có lửa đâu đó. Lửa đây là cuốn sách của giáo sư Hồ Tuấn Hùng nói trên (ít người được đọc nguyên bản) và bài “Một nghi án lịch sử Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người?” của bình luận gia Trần Bình Nam hết lời ca ngợi cuốn sách nọ (“Cuốn sách của ông Hồ Tuấn Hùng viết một cách có phương pháp, trưng dẫn tài liệu xác thực và kết luận một cách có tính khoa học”). Bài của bình luận gia Trần Bình Nam được cả chục web và blog đăng lại, hẳn có nhiều người đọc. 
Thú thật, tôi ngán các chuyện tầm phào nọ. Cái đề tài này rõ là tầm phào bên cạnh những chuyện tày trời đang làm nóng dư luận như các vụ xử án vô lối các bloggers, vụ Yên Mỹ, vụ nổ súng vì cưỡng chế đất ở Thái Bình, vụ chống cưỡng chế đất liên tục ở… Sở dĩ tôi thấy cần phải viết mấy dòng về nó là vì có nhiều bạn fb gửi nhời hỏi tôi: này, chuyện ấy thực hư ra sao hở ông? 
Là người chẳng phải giáo sư hay bình luận gia như hai ngài nói trên, thế tất ý kiến của tôi không thể có trọng lượng với tư cách người khảo cứu. Nó là ý kiến của dân thường, người nghe thấy có lý thì gật cho một cái khích lệ, thấy không ra gì thì phẩy tay cho qua. 
Tôi không biết nhiều về ông Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng đủ để thấy chuyện ông Hồ là người Tàu là chuyện tào lao. Mà chẳng phải chỉ mình tôi nghĩ thế. Nếu ông Hồ là người Tàu thật thì tất tần tật những ai từng gặp ông, từng làm việc với ông (có cả nghìn, cả vạn người đấy), tạm kể từ thời Quốc dân Đại hội Tân Trào 1945 cho tới khi ông qua đời năm 1969, hoá ra đều mù dở - khốn nạn, ông là Hồ Tập Chương đấy, là người Tàu đấy, người Khách gia đấy, thế mà không một ai phát hiện. 
Trước hết, ta hãy xem những tài liệu cũ còn được lưu xem Quốc tế Cộng sản (QTCS) đánh giá Hồ Chí Minh như thế nào vào thời điểm có tin về cái chết của ông? 
Những tài liệu này cho thấy vào thời điểm đó ông bị QTCS đánh giá thấp lắm. Thấp đến nỗi ban lãnh đạo QTCS phải cử Trần Phú, Ngô Đức Trì về Đông Dương để sửa chữa những sai lầm của Nguyễn Ái Quốc liên quan tới Hội nghị hợp nhất các đảng cộng sản (1930) do ông chủ trương. Tại Hội nghị TƯ tháng 10-1930, Trần Phú kịch liệt phê phán quan điểm chính trị và tổ chức của ông là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm…” Sau đó, Trần Phú được cử làm Tổng bí thư, còn Nguyễn Ái Quốc chỉ còn được giữ chân liên lạc giữa VN và vài chi bộ Đông Nam Á với quốc tế. Thậm chí khi được tin Nguyễn Ái Quốc qua đời ở Hồng Kông, Hà Huy Tập còn viết: “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào CM…Ông đã không đưa ra bàn luận trước về những sách lược mà QTCS đòi hỏi phải áp dụng để loại bỏ những phần tử cơ hội trong Đảng. Ngoài ra, ông còn khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”. 
Một người bị QTCS đánh giá như thế, thử hỏi QTCS tạo ra một người giả ông ta để làm gì? 
Lập luận của bình luận gia Trần Bình Nam: “Nhưng sau đó Quốc tế Cộng sản thầy cần người có uy tín như Nguyễn Ái Quốc để phát triển phong trào Cộng sản tại Đông Dương nên dấu nhẹm và tìm cách xóa dấu vết việc Nguyễn Ái Quốc chết và lên kế hoạch dùng phái viên của Quốc tế Cộng sản Hồ Tập Chương có khuôn mặt hao hao giống Nguyễn Ái Quốc và từng làm việc với nhau để làm sống lại nhân vật Nguyễn Ái Quốc”, rõ ràng không thuyết phục. 
Một câu hỏi khác cũng có người đặt ra: Ờ thì QTCS không làm việc ấy, nhưng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm thì sao? Để phục vụ cho mục đích bành trướng trong tương lai ở Đông Dương chẳng hạn?
Các chứng cứ lịch sử cho thấy ĐCS TQ vào thời kỳ đó rất yếu, thậm chí một địa bàn đủ an toàn cho Đại hội VI của nó (1928) trên lãnh thổ quốc gia cũng không có, phải mượn đất Nga để tổ chức tại Moskva. Cuộc chiến Quốc-Cộng khởi đầu năm 1927 đã buộc những người cộng sản Trung Quốc phải lui về nông thôn và hoạt động bí mật, thắng lợi to lớn nhất mà họ có được là chiếm thành phố Quảng Châu trong vẻn vẹn có 3 ngày để thành lập một Công xã Quảng Châu hữu danh vô thực.
Trong hoàn cảnh ấy, một Khổng Minh tái thế cũng không nghĩ tới việc cho ai đó đóng giả Hồ Chí Minh cho một tương lai trời không biết, đất không hay.
Như thế, QTCS không cần một Hồ Chí Minh giả, ĐCSTQ cũng không nghĩ tới việc ấy.
Vậy ai cần, ngoài hai học giả nói trên?
Chuyện những nhà cầm quyền độc tài thường sử dụng những người giống hệt mình để đóng thế trong những trường hợp phòng xa bị hành thích là có thật. Có Hitler giả, Stalin giả, Mao giả… nhưng người ta chỉ dùng người đóng thế cùng nòi giống, có diện mạo và hình thể giống người thật khi di chuyển, khi xuất hiện ngắn trước quần chúng, chứ người không cùng nòi giống như Hồ Tập Chương giả Hồ Chí Minh, lại đóng giả dài hạn nhiều năm, như thật, trong đời sống hàng ngày, thì chưa có tài liệu nào nói tới.
Trước hết, cái dễ phân biệt nhất giữa người thật với người giả là ở ngôn ngữ. Những người đã trưởng thành mới học ngoại ngữ dù cho thông thạo đến mấy cũng không thể nào sử dụng nó hoàn hảo như người bản địa được. Ta tính thử: Nguyễn Ái Quốc, năm 1932 đã qua đời vì bệnh lao (ông sinh năm 1890, tức lúc đó 42 tuổi), Hồ Tập Chương (sinh năm 1901, tức lúc đó 32 tuổi) được lập tức thay thế (cứ cho là đã có một viễn kiến không bình thường và ông này đã được dự trữ sẵn để thay thế), thì thời gian học tiếng Việt của Hồ Tập Chương cho tới khi mở lớp huấn luyện cho hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí năm 1941 là 9 năm (giả định là chỉ có học tiếng mà thôi). Mờ lớp huấn luyện cho nhiều người Việt thì không thể bằng một thứ tiếng Việt không thông thạo được. Nhưng không một ai trong những người tiếp xúc với Hồ Chí Minh trong thời kỳ ấy tỏ ra nghi ngờ ông không phải người Việt. Không một ai trong những người Việt thuần, ở sát bên ông Hồ Chí Minh trong công việc hàng ngày trong cuộc kháng chiến chống Pháp (9 năm) như Phan Mỹ, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Văn Lưu, Lê Văn Rạng, Lê Giản, Trần Duy Hưng, Trần Hữu Dực…, và rất nhiều người khác nữa, có một chút nghi ngờ ông Hồ Chí Minh không phải là người Việt.
Tôi từng gặp nhiều người có năng khiếu xuất chúng về sử dụng ngoại ngữ, trong đó có hai người Trung Quốc nói tiếng Việt rất thông thạo là Văn Trang và Lương Phong. Văn Trang đại diện cho phân bộ Hoa Nam ĐCSTQ liên lạc với ĐCSVN, Lương Phong là cán bộ ngoại giao, sau này xếp hàng thứ sáu tính từ Giang Thanh là số 1 trong cuộc Đại cách mạng Văn hoá Vô sản (thập niên 60 thế kỷ trước). Hai người này nói thạo tiếng Việt tới mức làm tôi ngạc nhiên. Nhưng đấy chỉ là cảm giác ban đầu, một lúc sau, khi câu chuyện mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, tinh tế hơn, tức thì họ ngắc ngứ, phát âm sai, hiểu sai. Ngay trong những người Hoa thuộc những thế hệ ra đời ở VN, lớn lên trên đất Việt, sống chung với người Việt từ tấm bé, ta vẫn nhận ra những nét khác biệt nào đó để ta biết họ không có nguồn gốc Việt. Trong khi đó thì chưa một ai bắt gặp ông Hồ nói sai hoặc hiểu sai tiếng Việt. Còn hơn thế, ông còn có thể bắt bẻ những cán bộ dưới quyền khi họ dùng từ ngữ sai. Những ví dụ về chuyện này nhiều, xin miễn kể. 
Nhân vật Hồ Tập Chương của tác giả Hồ Tuấn Hùng là người Hakka (người Hẹ, hoặc Khách gia), là cán bộ hoạt động quần chúng của ĐCSTQ, chắc chắn phải nói được tiếng quan thoại (tiếng Bắc Kinh). Hồ Chí Minh (thật) thì lại không thông thạo tiếng ấy, và ông không giấu giếm điều này. Trong những cuộc gặp gỡ không trù liệu trước với các tướng Tàu như Lư Hán, Tiêu Văn, Long Vân… vào năm 1946, ông đều phải dùng bút đàm. Chuyện này nhiều người biết, và có được ghi lại đâu đó trong những hồi ký. Khi phải dùng quan thoại trong tiếp xúc ông thường phải dùng ông Nguyễn Văn Thuỵ (biệt hiệu Thuỵ Tàu) và Phạm Văn Khoa (biệt hiệu Khoa Tếu) làm phiên dịch. 
Còn nhiều, rất nhiều, chứng cứ khác bác bỏ luận chứng của ông học giả Hồ Tuấn Hùng về một Hồ Chí Minh giả. Tôi có mặt trong buổi mừng thọ 60 tuổi ông Hồ Chí Minh tại thác Dẫng thuộc An toàn khu Việt Bắc, tôi lúc ấy 17 tuổi, mắt tinh, đầu tỉnh táo, xác nhận rằng hôm đó tôi đã gặp một người 60 tuổi thật, chứ không phải một người 49 tuổi là Hồ Tập Chương. Tôi cũng xác nhận rằng trong thói quen ẩm thực ông Hồ Chí Minh là người thích ăn các món ăn Việt Nam như canh riêu, cá kho khô, cà Nghệ muối xổi… và chưa bao giờ đòi hỏi người nấu ăn cho ông phải làm bánh bao, màn thầu, tỉm xắm… hay là thứ gì khác gợi nhớ tới ẩm thực Trung Hoa.
Chắc chắn sẽ còn nhiều người viết về Hồ Chí Minh-chính khách liên quan tới nhiều lĩnh vực: những giai đoạn hoạt động chưa được làm sáng rõ, lý do gắn liền với những bí danh vô số kế của ông, những người đàn bà trong đời ông, công và tội của ông trong thời gian làm chủ tịch nước VNDCCH vv… Nhưng đó là những chuyện khác, những đề tài khác.
Theo tôi nghĩ, chuyện Hồ Chí Minh là người Tàu tên Hồ Tập Chương của học giả Hồ Tuấn Hùng là một tác phẩm giả tưởng tồi, không đáng để đọc, so với những chuyện giả tưởng của văn học Trung Quốc hiện đại như Ma Thổi Đèn, Mật Mã Tây Tạng…




.........../.

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258




  Trao đổi với 
Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La 
về Tuyên bố 258


 

Trịnh Hữu Long - 20/9/2013

Tôi đọc các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và bài viết “Đoan Trang – tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ” trên blog của tác giả Đông La với nhiều cảm xúc và suy nghĩ đan cài. Bài của Đông La sau đó được đăng trên báo Văn nghệ ngày 19-9-2013 nhưng tôi chưa được đọc bản này.

Thực tiễn sinh hoạt chính trị ở Việt Nam đang ngày càng đa sắc, và tôi chắc sẽ là sự hối tiếc lớn cho bất cứ nhà sử học nào không có ý định nghiêm túc về việc lưu giữ lại những tháng ngày sôi động này cho hậu thế.

Tôi là người không phản đối nhóm Tuyên Bố 258 hay nhóm Phản Bác Tuyên Bố 258. Họ đều đang thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Ngay cả các dự luật được trình Quốc hội thông qua cũng có người bỏ phiếu thuận, người bỏ phiếu chống, thì việc một tuyên bố chính trị của nhóm 258 bị phản đối là bình thường.

Với tư cách là một người ủng hộ “Mạng lưới blogger Việt Nam” và Tuyên Bố 258, tôi muốn trao đổi lại với blogger Hoàng Thị Nhật Lệ  và tác giả Đông La về một số lập luận của họ mà tôi cho là chưa thỏa đáng, để góp thêm một ý kiến vào cuộc tranh luận sôi nổi này.

Vấn đề mạo danh, tiếm danh và đại diện

Cả Nhật Lệ và Đông La đều cho rằng, một nhóm nhỏ blogger ký vào Tuyên bố 258 đã mạo danh “mạng lưới blogger Việt Nam”, tùy tiện xem mình là đại diện của cộng đồng blogger Việt Nam (trong đó có họ) để làm những việc mà họ cho là sai trái.

a) Trước khi đi vào phân tích lập luận này, chúng ta hãy khảo sát nhanh một số hành vi tương tự với hành vi của nhóm Tuyên bố 258:

- Năm 1921, nhà cách mạng Hồ Chí Minh (có tài liệu nói rằng khi đó tên là Nguyễn Ái Quốc) cùng với một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ở các thuộc địa của Pháp đã lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, ra báo “Người cùng khổ” để đấu tranh cho quyền của các dân tộc thuộc địa. Bốn năm sau, ông cùng với, cũng một nhóm nhỏ các nhà hoạt động khác, lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Không có dữ liệu lịch sử nào cho thấy nhân dân các dân tộc thuộc địa, dân tộc bị áp bức hay những người cùng khổ phản ứng với các tên gọi này.

- Ngày 11-3-1951, Đảng lao động Việt Nam, khi đó là một nhóm không nhỏ, khoảng 760.000 đảng viên, trên dân số Việt Nam khi đó là khoảng trên 23 triệu người, lập ra một tờ báo lấy tên là “Nhân dân” và tự nhận là “tiếng nói của nhân dân Việt Nam”. Hành vi gần tương tự cũng xảy ra với báo Người Hà Nội, Người cao tuổi, Phụ nữ Việt Nam, Doanh nhân, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Đài tiếng nói Việt Nam và rất nhiều báo đài khác. Mở rộng ra nước ngoài, chúng ta có báo New Yorker (Người New York), People (Dân chúng/Nhân dân), Playboy (Dân chơi),...

- Và cuối cùng, vào trung tuần tháng 9-2013, Nhật Lệ cùng với một nhóm nhỏ các blogger Việt Nam, lập ra, hoặc tự nhận là “Cộng đồng blogger Việt Nam” để phản bác Tuyên bố 258.

Như vậy, nếu chúng ta đồng ý với lập luận của Nhật Lệ và Đông La, thì nhà cách mạng Hồ Chí Minh, Đảng lao động/Đảng cộng sản Việt Nam, Cộng đồng blogger Việt Nam và nhiều cá nhân, tổ chức khác đã thực hiện một loạt các hành vi mạo danh, tiếm danh và đại diện một cách tùy tiện, có hệ thống trong suốt gần một thế kỷ qua.

b) Trong khi đó, TẤT CẢ những người viết blog ở Việt Nam (blogger) chưa từng cùng nhau biểu quyết thành lập ra một tổ chức nào của mình, để quyết định việc sử dụng tư cách “blogger Việt Nam” ra sao. Ở Việt Nam chưa từng có một tổ chức nào đăng ký cái tên “mạng lưới blogger Việt Nam”, nhãn hiệu “mạng lưới blogger Việt Nam” cũng chưa từng có ai đăng ký bảo hộ. Vậy nếu nói rằng nhóm 258 mạo danh, tiếm danh và tùy ý đại diện cho blogger Việt Nam, thì ai là người đang nắm cái “danh” ấy?

Nếu như có một nhóm, cũng nhỏ, các blogger Việt Nam khác đứng lên tuyên bố ủng hộ “mạng lưới blogger Việt Nam” thì Nhật Lệ và Đông La sẽ phản ứng thế nào?

Bên cạnh đó, lập luận của Nhật Lệ và Đông La cũng sẽ không thỏa đáng khi đặt vào tình huống sau: Một sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài phát biểu trước toàn trường rằng anh ta đại diện cho sinh viên Việt Nam nói riêng và đồng bào Việt Nam nói chung gửi lời chúc mừng năm mới đến bè bạn quốc tế. Anh ta có tư cách đại diện không? Anh ta có mạo danh, tiếm danh của ai không? Nếu câu trả lời là Có, thì ai là người có tư cách thưa anh ta ra tòa?

Nhóm nhỏ cá nhân không được phép liên hệ với sứ quán?

Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La cho rằng, một nhóm nhỏ cá nhân không thể tùy tiện liên hệ với đại sứ quán nước ngoài, vì đó là việc “quốc gia đại sự” và phải thông qua Bộ ngoại giao mới được tiến hành.

Bất kỳ ai cũng có thể ngay lập tức nảy ra câu hỏi: Những cá nhân muốn xin visa, học bổng du học và nguồn tài trợ từ các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam có được tự ý thực hiện không? Hay cần phải thông qua Bộ ngoại giao?

Ngược dòng lịch sử, chúng ta dễ dàng tìm thấy những việc làm tương tự như việc nhóm 258 đã làm:

- Ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành cùng với một nhóm nhỏ những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, trong đó có Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, đã gửi đến Hội nghị hòa bình Versailles một văn bản có tên là “Yêu sách của nhân dân An Nam” (được ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc) gồm 8 điểm, bao gồm các yêu cầu dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Nếu lập luận của Nhật Lệ và Đông La là đúng, thì việc này phải thông qua triều đình Huế và chính phủ bảo hộ ở Đông Dương.

- Trong suốt quãng thời gian từ 1920 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc đã liên tục tự ý liên hệ với các tổ chức nước ngoài như Đảng xã hội Pháp, Đảng cộng sản Pháp, Quốc tế II, Quốc tế III; hoặc với chính phủ nước ngoài như Liên Xô, mà không thông qua triều đình Huế hay chính phủ bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Đến đầu năm 1945, trước khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã liên hệ với chính phủ Mỹ và nước này đã cử 8 nhân viên tình báo nhảy dù xuống Việt Bắc để huấn luyện cho Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

(Xin nói rõ, tôi không đánh giá Hồ Chí Minh và những việc làm của ông cách đây cả thế kỷ là chuẩn mực hay không là chuẩn mực cho việc làm của người Việt Nam ngày nay, mà chỉ có ý liệt kê những sự việc cùng tính chất để so sánh và tranh luận)

Điều lớn nhất tôi băn khoăn là văn bản pháp luật nào quy định công dân Việt Nam muốn liên hệ với đại sứ quán nước ngoài để trao tuyên bố về việc cải cách pháp luật ở Việt Nam lại cần phải thông qua Bộ ngoại giao? Văn bản nào cấm công dân Việt Nam tự ý làm việc đó?

Trao tuyên bố 258 cho sứ quán nước ngoài là cầu viện nước ngoài?

Cả blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La đều cho rằng, việc nhóm 258 trao Tuyên bố 258 cho các sứ quán và tổ chức nước ngoài là hành động cầu viện nước ngoài.

Riêng điều này, tôi đồng tình với Nhật Lệ và Đông La. Hành động trao Tuyên bố 258 cho các chính phủ và tổ chức nước ngoài chính là hành động kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của Mạng lưới blogger Việt Nam, như chính trong tuyên bố này họ đã đề cập. Trong một thế giới toàn cầu hóa, việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế phục vụ cho mục đích của mình là hoàn toàn bình thường.

Hãy đọc thêm những tư liệu sau đây để biết rõ hơn về hoạt động “cầu viện nước ngoài” mà Việt Nam đã từng tiến hành trong lịch sử:

- “...Chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi” (Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 16-2-1946).

-  “Mọi thắng lợi của Đảng ta và nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc…” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.10).

-  “Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tiếp nhận từ năm 1965 đến 1972, các nước XHCN đã giúp Việt Nam khoảng hơn 7.000 quả đạn tên lửa SA-75 và 180 Hồng Kỳ, gần 5.000 khẩu pháo cao xạ các loại, gần năm triệu viên đạn pháo cao xạ, hơn 400 máy bay chiến đấu MIG-17, 19, 21, K6, hàng trăm ra-đa tiên tiến, hiện đại; gần 4.000 chuyên gia quân sự phòng không của Liên Xô”  (Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam  - Nguyễn Văn Quyền – Báo Nhân dân điện tử, đăng ngày 3-12-2012). 

Hơn nữa, nhóm 258 trao tuyên bố cho Liên hợp quốc – nơi Việt Nam là thành viên đầy đủ, và các đại sứ quán của các nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao, chứ không trao cho Al-Qaeda. Đây là những tổ chức và quốc gia mà chính phủ Việt Nam thường xuyên “cầu viện” bằng những đề nghị tài trợ, hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ USD và vô số hoạt động hỗ trợ khác, trong đó có cả hoạt động hỗ trợ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền – tương tự như nhóm 258 đã làm.

Cầu viện nước ngoài không phải là việc xấu, trừ khi nó được sử dụng cho mục đích xấu, ví dụ: tham nhũng.

Trao tuyên bố 258 cho sứ quán nước ngoài là sự sỉ nhục quốc gia?

Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La đều bày tỏ sự bức xúc với việc Mạng lưới blogger Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho các đại sứ quán nước ngoài và cho rằng đây là hành động sỉ nhục quốc gia.

Sự bức xúc này là có thể hiểu được và trong một chừng mực nào đó, chúng ta nên đồng ý với nhau rằng, có một sự khác biệt lớn trong hệ giá trị quốc gia của chúng ta, nhất là trong buổi giao thời, quá độ này của lịch sử Việt Nam. Cách chúng ta hiểu về quốc gia, cách chúng ta tự hào về quốc gia là rất khác nhau. Điều này không chỉ do sự khác biệt giữa các cá nhân, mà còn do sự xô đẩy của nhiều xu hướng chính trị khiến cho cách chúng ta hiểu về lịch sử và hiện tại bị méo mó và thiên lệch theo nhiều hướng.

Tuy vậy, chúng ta cần phân biệt giữa khái niệm quốc gia và khái niệm chính quyền. Tuyên bố 258 nhắm tới việc vận động quốc tế gây sức ép để chính quyền Việt Nam bãi bỏ điều 258 – Bộ luật Hình sự, mà họ cho là gây tổn hại đến quyền con người của người dân Việt Nam. Đây không phải là tuyên bố phê phán quốc gia Việt Nam, mà là phê phán chính quyền Việt Nam.

Vậy phê phán chính quyền Việt Nam là sỉ nhục quốc gia? Nếu lập luận này là đúng, thì căn cứ vào những dữ liệu tôi đã nêu ở các phần trên, Hồ Chí Minh đã sỉ nhục quốc gia trong ít nhất một nửa cuộc đời mình, kể từ khi ông tham gia cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Trung Kỳ năm 1908 và bị đuổi học. Ngày nay, nhiều người Việt Nam tự hào vì Hồ Chí Minh đã đấu tranh cho niềm kiêu hãnh của dân tộc, chứ không phải là sỉ nhục quốc gia. Nhiều người khác, dù đồng tình hay phản đối Hồ Chí Minh, đều không thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh, bằng cách phê phán chính quyền Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đã đấu tranh cho một Việt Nam tốt hơn, chứ không phải là sỉ nhục Việt Nam.
Lý do nào khiến cho Hồ Chí Minh được coi là niềm tự hào, còn nhóm 258 bị coi là một sự sỉ nhục?

Nhóm 258 đã chống lại pháp luật Việt Nam, chống lại Quốc hội?

Trong bài viết “Đoan Trang – tuổi nhỏ nhưng sai lầm không nhỏ”, tác giả Đông La cho rằng: “...nhóm Đoan Trang đã sai và chống lại luật pháp Việt Nam, bởi Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy bị bắt vì phạm pháp chứ không phải vì họ ‘đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ’”.

Đến đây chúng ta cần phải xem xét lại khái niệm “bị bắt vì phạm pháp”. Hồ Chí Minh đã từng bị bắt ít nhất hai lần vào năm 1931 ở Hồng Kông và năm 1942 ở Quảng Châu – Trung Quốc, đều với lý do “phạm pháp”. Các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt đều từng bị bắt và tống giam với lý do tương tự.

Chúng ta hẳn cũng từng nghe qua câu nói của mục sư Martin Luther King: “Đừng bao giờ quên rằng, tất cả những gì Hitler đã làm ở Đức đều là hợp pháp” (nguyên văn: “Never forget that everything Hitler did in Germany was legal”).
Điều đó có nghĩa là gì?
Có nghĩa là hàng triệu cái chết của người Do Thái và hàng triệu tù nhân của chế độ phát xít Đức đều được Hitler biện minh bằng công cụ pháp luật do chính ông ta đặt ra. Nếu như một người lính của Hitler từ chối thi hành lệnh thảm sát người Do Thái, anh ta có bị coi là “phạm pháp” không? Nếu như một công dân Đức viết bài phê phán chế độ phát xít Đức, ông ta có bị bắt vì tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” không?

Trở lại với Việt Nam, nếu một nhóm blogger Việt Nam ra tuyên bố yêu cầu chính quyền bãi bỏ chế độ độc quyền trên thị trường xăng dầu và điện, hoặc bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, liệu họ có bị coi là “phạm pháp” và bị bắt không?

Cần thiết phải hình dung về khái niệm “bị bắt vì phạm pháp” và khái niệm “pháp luật” một cách đầy đủ trước khi kết luận bất cứ một vấn đề pháp lý nào. Để làm được việc đó, một người nghiên cứu nghiêm túc nhất thiết không thể bỏ qua thông tin sau đây của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp):

Trong 10 năm, các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Riêng Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27 nghìn văn bản, phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.” – Quyết định số 214/QĐ-KtrVB, ngày 23/8/2013.

Nếu nói rằng, hành vi ra tuyên bố yêu cầu bãi bỏ một điều luật là hành vi chống lại pháp luật Việt Nam, thì Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đại biểu Quốc hội là những người chống lại pháp luật Việt Nam một cách thường xuyên, lâu dài, có hệ thống và có tổ chức nhất.

Nếu nói như tác giả Đông La, rằng “việc làm của nhóm Đoan Trang thực sự là hành động chống lại việc thi hành công vụ của không chỉ một cá nhân, một cơ quan mà là Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam!” thì hẳn Đông La đang tát những cú đầy cay nghiệt vào mặt các đại biểu Quốc hội, vốn thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của cử tri về việc thi hành, sửa đổi luật, kể cả trực tiếp tại địa phương lẫn gián tiếp trên báo chí và môi trường mạng.

Lời kết

Khi đọc các bài viết, bài phỏng vấn của blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La, tôi có một sự so sánh tự nhiên giữa hai nhân vật này. Không thể phủ nhận là tôi dành nhiều thiện cảm cho blogger Nhật Lệ, bởi blogger trẻ tuổi này tỏ ra tôn trọng người khác và ít phạm lỗi ngụy biện hơn nhiều so với Đông La. Trong khi Đông La dùng phép ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) đối với nhà báo Đoan Trang và nhóm 258, cũng như viện dẫn những vấn đề không liên quan đến Tuyên bố 258 như vụ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đắc Kiên để kết luận vấn đề, thì blogger Nhật Lệ đã cố gắng tỏ ra lý lẽ, nhã nhặn và lịch sự.

Tôi không ngạc nhiên khi nhiều người quy kết Nhật Lệ là dư luận viên, nhận tiền của chính quyền để tấn công nhóm 258. Cũng có rất nhiều người tấn công cá nhân đối với Nhật Lệ bằng cách chế giễu giọng nói của cô. Cá nhân tôi cho rằng điều này không thực sự công bằng với Nhật Lệ. Không ai đáng bị chế giễu chỉ vì giọng nói của mình, và tôi cũng không muốn trong xã hội hình thành một định kiến rằng những ai phản đối cải cách đều là kẻ xấu.
Nếu phải thú nhận một điều gì đó, tôi sẽ thú nhận rằng nhiều năm về trước, bản thân tôi có nhiều suy nghĩ gần giống như Nhật Lệ, với một thái độ khá tương đồng, và tôi tin là nhiều người đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam hiện nay cũng từng mang những đặc điểm của một dư luận viên thứ thiệt. Chúng ta không có lỗi với một thứ nhận thức bị nhồi sọ của mình, chúng ta chỉ có lỗi nếu không chân thành và cầu tiến lắng nghe.

Việc phản đối đôi khi chỉ phản ánh sự khác biệt thuần túy về mặt quan điểm, mà không nhất thiết phải đi kèm với động cơ xấu. Chúng ta muốn có một xã hội đa nguyên và tôn trọng quan điểm cá nhân thì không thể không tôn trọng việc làm của Nhật Lệ và nhóm Phản Đối Tuyên Bố 258, cũng như coi đó như một biểu hiện bình thường của việc thực thi quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, nếu nhóm 258 và các cá nhân, tổ chức khác phản đối việc làm của nhóm Nhật Lệ, đó cũng là một việc bình thường nữa.

Mặc dù không đồng tình với nhiều lập luận và thái độ tranh luận mà Nhật Lệ và nhóm của cô thể hiện, tôi không loại trừ khả năng Nhật Lệ là một người trẻ đang có những cố gắng chân thành trong việc bảo vệ những điều mà cô cho là đúng. Đọc bài của Nhật Lệ, tôi không cảm thấy sự ác ý, và thậm chí cảm nhận được nhiều thiện chí của blogger này. Việc làm của cô đã mở ra một diễn đàn có chất lượng đối thoại công khai hiếm hoi mà tôi chứng kiến được sau nhiều năm, giữa những người chỉ trích và những người bảo vệ chính quyền. Đó là một tín hiệu mà tôi nghĩ rằng, cả hai phe đều nên vui mừng. Xã hội chúng ta không cần thêm bất kỳ một “bên thắng cuộc” nào nữa, mà đang khát khao sự hòa giải và yêu thương.

Tôi không có ý định kết luận điều gì qua bài viết này, mà chỉ gợi mở một hướng tranh luận vấn đề, trong vô số các hướng tranh luận xoay quanh Tuyên bố 258. Điều này cố nhiên không có nghĩa là tôi không có lập trường gì trong cuộc tranh luận này, mà chỉ vì tôi nghĩ đôi khi có thể tranh luận theo một cách khác./.