PHÁC HỌA 12 BỨC TRANH ẢM ĐẠM CỦA VIỆT NAM 2013



PHÁC HỌA 12 BỨC TRANH ẢM ĐẠM CỦA VIỆT NAM 2013





VIỆT MAN ( PHẠM VĂN HẢI )





1. Đầu năm ăn bánh vẽ cuối năm húp cháo lừa

Phát động từ ngày 2/1/2013, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 “được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”. Tuy nhiên, chiêu bài dân chủ cuội này là một nước đi sai lầm của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Ngày 19/1/2013, bảy mươi hai nhân sĩ trí thức cùng đứng tên trong bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” (gọi tắt là kiến nghị 72), đã đến trao trực tiếp cho Văn phòng Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nội dung bản kiến nghị gồm 6 điểm chính: 
§  Loại bỏ Điều 4 HP để thực sự trao quyền cho nhân dân Việt Nam
§  Yêu cầu tôn trọng các giá trị Nhân quyền phổ quát theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia
§  Sở hữu đất đai toàn dân là khái niệm mơ hồ tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân
§  Thực thi tam quyền phân lập để xây dựng một nhà nước pháp trị
§  Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân (không phải trung thành với bất cứ đảng phái chính trị nào)
§  Đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý công khai đối với bản Hiến pháp sửa đổi.

Dự kiến thời hạn góp ý sửa đổi ban đầu là ngày 31/3/2013 phải dời đến cuối năm. Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi 2013 với tỷ lệ hơn 97%!!! Về tổng thể nội dung, không có gì thay đổi mang tính đột phá so với quy mô huy động trí tuệ 90 triệu dân trải dài trong hơn 11 tháng ròng rã, đó là một kết quả đáng hổ thẹn. Về mặt hình thức, hành văn của bản Hiến pháp sửa đổi còn nhiều chỗ luộm thuộm, rườm rà, thậm chí còn chưa rõ nghĩa gây hiểu nhầm. Điều này chứng tỏ đội ngũ gần 500 người tham gia bỏ phiếu (bấm nút) trực tiếp chưa phải là thành phần tinh hoa của dân tộc Việt.

2. Bóng tối và Ánh sáng

Khi ánh sáng sự thật được soi tỏ bởi ngọn đèn truyền thông sử dụng nguồn lực Internet được chiếu rọi khắp nơi nơi, quyền lực bóng tối bắt đầu rung rinh. Nỗi lo sợ ánh sáng buộc nhà cầm quyền Cộng sản phải gia tăng đàn áp tiếng nói trái chiều.

Mở đầu là quyết định buộc thôi việc đối với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vào cuối tháng 2/2013. Lý do chỉ vì nhà báo này đã bày tỏ công khai việc phản đối quan điểm coi thường ý kiến nhân dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (Ông Nguyễn Phú Trọng đã chụp mũ "suy thoái" cho các nhân sĩ trí thức đòi loại bỏ Điều 4-HP và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN).
Tiếp đến là các quyết định "bắt khẩn cấp" đối với hai nhà báo tự do Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào. Mong muốn gieo rắc nỗi sợ hãi tù tội cho giới cầm bút theo tư tưởng phóng khoáng đã bất thành khi ngay sau các sự việc đó, nhóm Công dân Tự do ký các bản Tuyên bố ủng hộ PV Nguyễn Đắc Kiên, nhóm Blogger Tự do ra Tuyên bố 258 để phản đối Điều 258 - Bộ luật Hình sự dùng làm cớ bắt giam tùy tiện người cầm bút.

Phong trào lập hội nhóm cũng được phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của Mạng lưới Blogger Việt Nam và Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam vào ngày 10/12/2013. Các đội banh No-U (phản đối đường lưỡi bò của Trung cộng) ban đầu chỉ có ở Sài gòn và Hà nội, nay cũng đã xuất hiện ở các tỉnh miền Trung. Các hội nhóm như Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, phong trào Xã Hội Dân Sự cũng bắt đầu định hình.

Sự phản kháng ôn hòa không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn phát triển ở sau chấn song nhà tù. Các vụ tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, LS Lê Quốc Quân, Thanh niên Công giáo Paul Trần Minh Nhật... để phản đối tình trạng xâm phạm nhân quyền trong các trại giam.
Trong các phiên tòa sơ và phúc thẩm ở Long An, sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã công kích thẳng vào sự nhập nhằng của các quan tòa khi đánh đồng Đảng Cộng sản với Nhà nước và dân tộc Việt Nam.

Phiên tòa phúc thẩm ở Phú Yên đã y án sơ thẩm ông Ngô Hào 15 tù và 5 năm quản chế vì "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, các chứng cớ chỉ là "tàng trữ, viết bài, phát tán và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chế độ, nói xấu lãnh tụ ..."

Tình trạng dân oan khiếu kiện vẫn không dứt trước các cơ quan công quyền, tiếp sau vụ anh em ông Đoàn Văn Vươn là chuyện người thanh niên Đặng Ngọc Viết dùng súng bắn chết một người trong đội cưỡng chế đất rồi sau đó tự sát.

Thế giới vẫn theo sát thực trạng của xã hội Việt Nam và có những hành động cụ thể ủng hộ xu hướng Tự do Dân chủ và Nhân quyền:
§  Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2013, Hoa Kỳ đã vinh danh blogger Tạ Phong Tần cùng 8 phụ nữ khác là trên thế giới vì lòng can đảm và khả năng lãnh đạo xuất chúng trong việc cổ vũ cho các quyền của phụ nữ và Nhân quyền nói chung.
§  Cũng trong tháng 3/2013, Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF và Google đã trao giải Công dân Mạng Netizen 2013 cho blogger Huỳnh Ngọc Chênh tại Paris, Pháp.
§  Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 65,  Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã vinh danh LS Lê Quốc Quân, nhà dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, và nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.

3. Lương y như phù thủy 

Nghề y bốc thuốc cứu người xưa nay được xem là ngành nghề cao quý nhất trong xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh suốt 68 năm ở miền Bắc và 38 năm trên toàn cõi Việt Nam, những ung nhọt trong ngành này đang bùng phát như một thứ bệnh dịch nguy hiểm. Ngoài vấn nạn chung là thiếu thốn giường bệnh, phong bì hối lộ, bảo hiểm y tế bất cập... thì năm 2013 có ba khối u ác tính nổi cộm:
§  Nhiều trẻ sơ sinh chết oan sau khi tiêm ngừa, đến nay vẫn chưa được xử lý làm rõ.
§  Nhân bản kết quả xét nghiệm ở BV Đa khoa Hoài Đức dấy lên hoài nghi liệu còn cơ sở y tế nào chưa bị lộ việc "nhân bản" này hay không?
§  Thẩm mỹ viện Cát Tường giải phẫu làm bệnh nhân tử vong rồi phi tang luôn xác, cơ quan điều tra tự hào "giỏi bậc nhất thế giới" bó tay không tìm được tung tích.


4. Tư pháp và hành pháp cùng thi thố trên đường đua vô pháp

Tòa án và cơ quan điều tra Công an Bắc Giang đã cùng nhau tạo nên kỳ án oan sai có một không hai trong lịch sử. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống chung thân với cáo buộc giết người. Trong các phiên xét xử và suốt thời gian thụ án 10 năm, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng cho đến khi hung thủ ra đầu thú! Ông Chấn khai vì đã bị ép cung và nhục hình trong quá trình điều tra nên đã nhận tội giết người.

Thế giới bất bình trước việc tòa án xử LS Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam về tội "trốn thuế", thực chất đó chỉ là cái cớ để đàn áp tiếng nói trái chiều.

Phiên tòa xử Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc trong vụ án tham nhũng thì các phóng viên báo chí chỉ được xem qua màn hình TV. Và án tử hình được cho là quá vội vã trong khi nhiều tình tiết và nhân chứng có liên đới vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Việc tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Trúc - kẻ cầm đầu băng cướp chuyên chém người (chưa có án mạng) - đã gây nên cảnh hỗn loạn trước sân tòa.

Tình trạng công dân tử vong trong trụ sở công an vẫn tiếp diễn và gia tăng với 7 vụ được biết đến trong năm 2013: 
§  Nạn nhân Trần Thị Hải Yến chết tại nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An, Phú Yên (7/10/2013)
§  Nạn nhân Cao Văn Tuyên chết tại Công an xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa (5/7/2013)
§  Nạn nhân Y Két Byă chết tại Công an xã Ea Bhốk, Cư Kuin, Daklak (27/11/2013)
§  Nạn nhân Hoàng Văn Ngài chết tại Công an Thị xã Gia Nghĩa, DakNong (22/3/2013)
§  Nạn nhân Trần Văn Tân chết tại trụ sở UBND xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương (2/1/2013)
§  Nạn nhân  Đinh Ngọc H. chết tại Công an phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương (21/12/2013)
§  Nạn nhân Đỗ Duy Việt chết tại phòng tạm giam Công an huyện Thường Xuân, Thanh Hóa (25/12/2013)

Ngoài ra, chuyện nhân viên công lực lạm dụng quyền hạn để bạo hành người dân cũng gia tăng. Vụ điển hình là 9 nhân viên TTĐT + Dân phòng cùng hùa vào đánh hội đồng người bán hàng rong Trịnh Xuân Tình tại phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Vụ nổ súng do mâu thuẫn cá nhân tại trạm CSGT Suối Tre ngày 26/9/2013 khiến một CSGT chết và 2 CSGT khác bị thương nặng.


5. Đạo đức băng hoại, xã hội suy đồi

Có thể nói Việt Nam là đất nước của khẩu hiệu đạo đức lối sống, nào là "Sống, Chiến đấu, Lao động và Học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM"... Nhưng thực tế xã hội ngày càng điên đảo với những câu chuyện quặn lòng hoặc cười ra nước mắt:
§  Cuồng sát, loạn sát: Cuồng yêu đâm và thiêu chết bạn gái, vợ giận chồng ném con xuống sông, đâm chết bạn nhậu vì sàm sỡ bạn gái, tỏ tình thất bại rút dao đâm thủng tim thiếu nữ 18, chồng giận vợ thiêu luôn 2 đứa con nhỏ...
§  Bạo hành trẻ thơ: Bảo mẫu giẫm đạp chết cháu bé 18 tháng tuổi, clip quay được cảnh 2 bảo mẫu bạo hành nhiều cháu bé ở trường mầm non tư thục...
§  Mạt pháp: "Sư" đem tượng mình vào chùa, "sư" ăn mặn uống bia hại đời thiếu nữ 16 tuổi đến có bầu, "sư" giết người tình yểm bùa rồi chôn xác phi tang...
§  Cướp cạn: kề dao vào cổ cháu bé 2 tuổi để kiếm tiền tiêu, trấn lột lão ăn xin 86 tuổi...
§  Văn hóa nơi công cộng: Chen lấn xô đẩy để ăn sushi miễn phí, hôi bia bị rơi xuống đường...
§  Nhảm nhí: Mr. Đàm hôn sư thầy, bà Tưng tung clip gây sốt cộng đồng mạng, Ký sự "Xách ba lô lên và đi" với quảng cáo 100% "sự thật" của Huyền Chíp...

6. 'Kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu Sở cứu hỏa'

Với hồ sơ Nhân quyền tệ hại, Việt Nam vẫn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao. Bình luận về nghịch lý này, Tổ chức UN Watch có trụ sở ở Geneva, cơ quan theo dõi các hoạt động toàn diện của LHQ, nói kết nạp các quốc gia vi phạm nhân quyền có tiếng như Việt Nam, Trung Quốc làm thành viên Hội đồng Nhân quyền chẳng khác nào cho ‘kẻ chuyên phóng hỏa đứng đầu sở cứu hỏa’.

Ngay trong dịp kỷ niệm 65 ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2013, các hoạt động đàn áp, sách nhiễu giới blogger đã xảy ra ở TPHCM, Hà nội, Đà nẵng, Nghệ an... dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc sử dụng côn đồ và an ninh mặc thường phục gây sự đánh đập gây thương tích cho các thành viên của MLBVN.

Mặt khác, còn ra quyết định xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với công dân Đỗ Anh Tuấn vì "hành vi tàng trữ trái phép các bản in Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và Hiến pháp 1992".


7. Xả lũ đúng quy trình, dân chết sai quy cách!

Tháng 11/2013, miền Trung Việt Nam may mắn thoát hiểm khi cơn cuồng phong Haiyan đổi hướng chạy dọc bờ biển theo hướng Bắc. Tuy nhiên, những trận mưa lớn khiến các hồ thủy điện xả lũ đồng loạt. Cao điểm nhất vào ngày Thứ Bảy 16/11/2013 đã có tới 15 hồ thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả tràn, với 9 hồ xả có lưu lượng lớn từ trên 650 m³/giây tới 2.500 m³/giây, trong đó có các hồ, đập như Bình Điền, Hương Điền ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Sông Ba Hạ (Phú Yên – Gia Lai), PlaiKrông (Kon Tum)...

Hậu quả: Bình Định là tỉnh có số người thiệt mạng nhiều nhất với 14 nạn nhân; tiếp đến là các địa phương Quảng Ngãi với 13 người, Quảng Nam 5 người, Phú Yên 2 người, Gia Lai 2 người; Kon Tum 1 người mất tích. Hàng ngàn nhà cửa, gia súc gia cầm bị cuốn trôi.

Tuy nhiên, các quan chức có liên đới đã phát biểu hết sức vô trách nhiệm rằng, việc xả lũ là đúng quy trình!

8. Cơ đồ sắp hưng?

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thọ 103 tuổi) được xem là lớn nhất từ trước đến nay đã diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Hàng chục ngàn người đã xếp hàng dài nhiều giờ đồng hồ bên ngoài tư gia của Tướng Giáp tại trung tâm Hà Nội chờ đến lượt vào viếng ông và bày tỏ lòng thương tiếc một trong những vị anh hùng được kính trọng nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên lề sự kiện này cũng có những chi tiết đáng chú ý. 
§  Thứ nhất, là câu hỏi vì sao một vị công thần tầm cỡ như vậy lại bị giới cầm quyền gạt bỏ ngoài tai về những lời can ngăn tiến hành dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên?
§  Thứ hai, trong khi lễ hạ quan còn đang tiến hành ở Quảng bình thì tại Hà nội, cờ rủ được hạ xuống để treo cờ nghinh đón Thủ tướng Trung Quốc. Với quy mô của một lễ đại tang, người ta có thể đánh giá vị thế và mối quan hệ cũng như ứng xử ngoại giao của hai quốc gia vẫn tự tán xưng nhau là "anh em láng giềng" này!
§  Cuối cùng, câu sấm truyền trong dân gian đem lại chút ít niềm tin cho những ai theo xu hướng thay đổi:
Bao giờ Đồng cạn Hồ khô,
Chinh rơi Giáp rớt cơ đồ sẽ hưng!

9. Nhà ngoại cảm và xương động vật

Tháng 10/2013, sau khi tiến hành giám định hài cốt liệt sĩ do "nhà ngoại cảm" tìm thấy, Viện Pháp y Quân đội xác định là răng lợn, xương động vật và đất đá.... Một sự thật phũ phàng bị lật tẩy gây rúng động dư luận. Điểm lại các sự kiện có liên quan, người ta giật mình khi thấy Việt Nam sở hữu một lượng rất lớn (vài chục người) có khả năng "ngoại cảm", đồng thời thành tích phát hiện ra hài cốt của họ cũng cao ở mức khủng khiếp. Niềm tin tâm linh của các gia đình liệt sĩ càng bị khủng hoảng mạnh khi một tiết lộ cho hay các "chương trình đi tìm hài cốt" (với sự trợ giúp của "nhà ngoại cảm") có quy mô lớn thực chất chỉ là giải pháp tình thế để xoa dịu nỗi đau của quá nhiều gia đình không tìm được tông tích người thân. Chưa hết, một vị luật sư đã trưng ra các bằng chứng để tố cáo việc ngụy tạo khi làm chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" được phát sóng nhiều kỳ trên VTV.

Khả năng của các "nhà ngoại cảm" càng thực sự phơi bày khi hàng loạt "thầy/bà ngoại cảm" chỉ sai vị trí thi thể của nạn nhân trong vụ TMV Cát Tường.

10. Con voi chui lọt lỗ kim

Chuyện 600 bánh heroin (229 kg) đi trót lọt qua cửa khẩu TSN đến tận Đài Loan đặt một dấu hỏi to tướng về thực trạng an ninh hàng không và công tác phòng chống ma túy. Hiện tại vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về sự việc này.

11. Xu hướng bỏ Đảng (Cộng sản) và một chuyện muốn vào Đảng hy hữu

Ngày 5/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, một đảng viên kỳ cựu, tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam để phản đối sự suy thoái biến chất của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước mà ông gọi là lực cản cho sự phát triển của dân tộc.

Cùng ngày, nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng - xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền - cũng tuyên bố ra khỏi đảng. Ông viết: 'Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm'.

Trong khi đó, doanh nhân Lê Thăng Long, một trong những sáng lập viên của phong trào Con Đường Việt Nam, lại muốn xin vào đảng với ý định "để giúp cho ĐCSVN tiếp tục cải cách, cải cách triệt để, cải cách toàn diện để giúp cho ĐCSVN cống hiến được nhiều lợi ích cho dân tộc Việt Nam".


12. Đỉnh cao phát ngôn ấn tượng 2013

Người cộng sản Việt Nam thường tự hào là "đỉnh cao trí tuệ" loài người. Trong giai đoạn xế chiều này, những phát ngôn của họ càng khẳng định rõ "tầm cao" ấy:

- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giành ngôi quán quân với 3 phát ngôn ấn tượng:
"Tăng viện phí là thành tựu y tế"

"Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm thì xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật"

"Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) càng phải thương họ hơn vì họ không có tiền"

- Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng giành ngôi á quân với 2 phát ngôn ấn tượng:
"Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa."

"Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng."

- Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền:
"Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới"

- Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh:
"Các trường hợp án oan như của ông Nguyễn Thanh Chấn muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại thực tế."

- Đại biểu quốc hội Lê Như Tiến lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu QH trước mỗi kỳ họp:
"Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng."

- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Lý Quang Thái:
"Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì... đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị"

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:
"Đây là quy hoạch của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công Thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không phải nói về Chính phủ hay về bộ ngành này, bộ ngành khác."




……../.

...nông nghiệp hữu cơ Ấn Độ





Thánh sống của nông nghiệp hữu cơ Ấn Độ





Lão nông Bhaskar Save


Đến với nông nghiệp hữu cơ từ việc sớm nhận ra cái vòng luẩn quẩn của việc sử dụng phân hóa học, Bhaskar Save ngày nay nổi tiếng khắp thế giới bởi những triết lý canh tác hài hòa với thiên nhiên và hoàn toàn không cần đến sự can thiệp của hóa chất.


Bhaskar Save sinh năm 1922 trong một gia đình có truyền thống làm nghề nông ở một ngôi làng xinh đẹp thuộc Dihri, bang Gujarat, tây bắc Ấn Độ. Ông có tuổi thơ hạnh phúc và khi nhớ về những năm tháng trưởng thành của mình, ông nói: “Trồng trọt là một phần tự nhiên, thuộc về văn hóa của cuộc sống, và thay đổi tùy theo mùa. Nó là một nghề đẹp đẽ, chứ không phải một cuộc vật lộn đầy những khổ sở và lo lắng mà các phương thức canh tác hiện đại đã biến nó thành như vậy.” Bhaskar Save lớn lên trên đồng ruộng của gia đình, trồng những nông sản truyền thống như lúa, đậu và rau. Trong hơn 10 năm là nhà giáo, ông vẫn thường xuyên làm việc ngoài đồng tất cả các ngày từ 6 giờ đến 10 giờ.

Giã từ hóa chất


Năm 1951, cùng với việc làm hệ thống tưới tiêu, ông trở thành người đầu tiên ở làng sử dụng phân bón hóa học. Ông bắt đầu có những vụ mùa bội thu tới mức giám đốc một công ty phân bón đã trao cho ông quyền đại diện để tiếp thị sản phẩm! Ông đã bị thuyết phục, cũng như đi thuyết phục người khác về hình thức trồng trọt mới và trở thành “người nông dân kiểu mẫu” trong những ngày đầu của “cuộc cách mạng Xanh”. Giữa những năm 1950, ông mua một héc-ta đất thích hợp cho việc trồng lúa. Đây chính là nền tảng cho nông trại Kalpavruksha hiện nay của ông. Nhưng Save sớm nhận ra rằng, ông đã đi vào vòng luẩn quẩn với việc sử dụng phân hóa học. Để tránh giảm sản lượng, ông phải sử dụng ngày càng nhiều phân bón vô cơ.


Mahatma Gandhi có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Bhaskar Save từ rất sớm. Những ý tưởng của Gandhi đã tạo cảm hứng cho “thí nghiệm hữu cơ với sự thật” của Save – như cách ông gọi sự chuyển đổi của mình sang canh tác hữu cơ. 


Ban đầu, năng suất cây trồng giảm đáng kể. Nhưng – cũng chính lúc đó – ông nhận ra rằng, ông đã được hưởng lợi từ việc giảm chi phí sản xuất, khiến ông thu lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên chuyển hướng canh tác (Ông không chuyển đổi toàn bộ trang trại sang canh tác hữu cơ ngay. Trước hết, với những sản phẩm rau để bán, ông vẫn tiếp tục sử dụng phân bón hóa học). Kết quả, ông đã gần như nhân đôi số ruộng và xây được một căn nhà nhỏ cho gia đình mình. Đối mặt với những khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm rau (do thừa cung), ông chuyển sang trồng cây ăn quả và cây lấy hạt. Cuối cùng, ông chấm dứt sử dụng mọi chất hóa học trên nông trại. Ngày càng có những phát triển đa dạng trên cánh đồng của ông: không chỉ có chuối, ông còn trồng cả dừa và đu đủ. Ông đã xây dựng hệ thống luống đánh cao, được ngăn cách bởi các rãnh tưới tiêu, để trồng cây. Dần dần, hình thức canh tác hữu cơ đem lại năng suất cao hơn (trong khi chi phí lao động đầu vào giảm đáng kể), dẫn đến thu nhập tăng. 


Save chia sẻ kiến thức sâu rộng của mình đến những người khác bằng cách viết báo và góp phần vào việc xuất bản các ấn phẩm được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc. Trong ba thập kỉ qua, hàng chục bài báo đã viết về Bhaskar Save và phương thức canh tác hữu cơ của ông – không chỉ bằng tiếng Anh mà còn bằng tiếng Marahati, Gujarati, Hindi và một số thứ tiếng khác. 


Triết lý của Save


Nói về phương pháp canh tác của mình, Bhaskar Save cho rằng trồng trọt phải đáp ứng các nhu cầu của mọi sinh vật sống bởi bản thân tự nhiên đã luôn luôn tự cung cấp mọi thứ chúng ta cần.


Canh tác hữu cơ dựa trên sáu yến tố cơ bản Đất- Nước - Không khí - Giống thực vật - Côn trùng và vi sinh vật - Các giống động vật, mà trong đó con người là một phần. Mục tiêu là để con người được sống hạnh phúc mà không phải ăn bữa trước lo bữa sau. Sự tương tác của sáu yếu tố tạo nên một hệ thống ổn định, có thể tự sinh sản. 


Tôi tin tưởng rằng chỉ bằng cách canh tác hữu cơ trong sự hài hòa với thiên nhiên thì Ấn Độ mới có thể cung cấp được nguồn thực phẩm phong phú và lành mạnh một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người – đó là được sống khỏe mạnh, có nhân phẩm và hòa bình.

Bhaskar Save
Save cho rằng, điều đầu tiên cần phải hiểu là không được làm gì ảnh hưởng đến sáu yếu tố của cuộc sống và không can thiệp vào các nguyên tắc sau: 


1. Không có sinh vật nào là kẻ thù của nhau.


2. Về bản chất, không có gì là vô dụng – tất cả mọi vật đều đóng một vai trò riêng, kể cả cỏ dại! 


3. Hoa lợi của tự nhiên không giống như việc sản xuất một sản phẩm. Tất cả các phần của hoa lợi đều có thể sử dụng được, ví dụ như năng lượng sinh khối, sau khi chúng ta đã dùng các loại quả và hạt của cây, sinh khối có thể được sử dụng để tái tạo đất.

4. Con người có quyền gieo hạt và quả, nhưng chỉ có khoảng 10 – 15% những gì được gieo sẽ phát triển. Còn lại 85 – 90% có thể được sử dụng để tái tạo độ màu mỡ của đất.

5. Phần còn lại của cây trồng, các sinh vật sống của lòng đất có quyền sử dụng.

6. Nông nghiệp là một hoạt động thiêng liêng, và vì nó chăm sóc cho trái đất của chúng ta, nó khác biệt với các ngành kinh doanh khác. Tất cả hoa lợi của bạn đều là lợi nhuận.

Bhaskar Save đã nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng khác nhau, trong đó phải kể đến giải thưởng “Nông dân trồng dừa giỏi nhất” của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ. Ông thường xuyên được mời tham gia tư vấn và giảng dạy. Nhưng việc ông thích nhất là nói chuyện với những người nông dân tập sự. Mỗi thứ bảy, lại có rất đông người đến gặp Save và thăm nông trại của ông để học hỏi những kiến thức về canh tác hữu cơ.


Những kiến thức, kinh nghiệm của Bhaskar Save đều được ghi lại Bharat Mansata – một nhà khoa học tình nguyện đi theo Bhaskar Save từ hơn 30 năm nay- ghi lại. Bharat Mansata cũng là người đứng tên xuất bản mọi ấn phẩm của người nông dân tài hoa này.


Năm 2006, Bhaskar Save đã viết và xuất bản một loạt bức thư ngỏ với các chứng cớ mạnh mẽ gửi đến M.S. Swanimathan, người được coi là cha đẻ của “cuộc cách mạng Xanh” Ấn Độ và cũng là Chủ tịch Ủy ban Nông dân Quốc gia. Sự phê phán của Save dành cho Swanimathan rất dữ dội và... dũng cảm: “Ngài là cha đẻ của “cuộc cách mạng Xanh” Ấn Độ, cái đã mở tung cửa cho các chất độc từ hóa chất nông nghiệp, tàn phá các mảnh đất và cuộc sống của hàng triệu người nông dân Ấn Độ trong suốt 40 năm qua.”


Mặc dù lên tiếng chỉ trích, nhưng Save vẫn giành được sự kính trọng của Swanimathan. Swanimathan đã viết thư trả lời Save: “Tôi ngưỡng mộ công việc của ông từ lâu và tôi rất biết ơn về những gợi ý chi tiết, [...] những nhận xét và kiến nghị có giá trị. Chúng tôi sẽ xem xét chúng.” Những bức thư của họ sau này được xuất bản dưới tên gọi “The great agricultural challenge” (Thách thức lớn về nông nghiệp) và được dịch ra nhiều thứ tiếng.


Giải thưởng One World Award của IFOAM1 tôn vinh Bhaskar Save như một trong những người tiên phong và có ảnh hưởng nhất trong phong trào canh tác hữu cơ. Với bề dày sáu mươi năm kinh nghiệm, ông đã truyền cảm hứng và động viên ba thế hệ nông dân Ấn Độ đi theo hình thức canh tác này. Save là minh họa cho sức mạnh của việc giáo dục theo hướng “từ nông dân đến nông dân” và thật không có gì quá khi người ta ca ngợi ông như “Gandhi của nền nông nghiệp hữu cơ Ấn Độ”. 



Đất: Đất đang sống và những người theo đạo Jain đều có ý thức sâu sắc về điều này. Hàng triệu vi sinh vật tồn tại trong lòng đất. Mỗi sinh vật đều có quyền được  sống, vì thế chúng không nên bị tiêu diệt bởi thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ.

Chúng tôi chủ trương canh tác một cách tối thiểu trên mảnh đất đã được phát triển để sử dụng từ khi chúng tôi mới bắt đầu, không nên sử dụng đất quá mức (mặc dù rất khó để có thể đạt được điều này!)

Hãy nghĩ đến những cánh rừng, chúng tự tái sinh và tạo ra bầu không khí trong lành và có thể tự bảo vệ mình khỏi những xáo trộn mà con người gây nên. Đây là một ví dụ của việc thiên nhiên tự bảo vệ mình. Trong rừng có hổ và rắn như những người bảo vệ nhưng hãy nghĩ đến cả những chú voi và bàn chân to lớn của chúng đã giúp làm đất trở nên tơi xốp. Thiên nhiên tự vệ và thiên nhiên bảo vệ.

Cỏ dại: Cỏ dại là một phước lành. Chúng có thể bảo vệ mặt đất khỏi bị xói mòn do nắng mặt trời, mưa và gió. Hãy quản lý và kiểm soát cỏ dại, chứ không phải tiêu diệt chúng. Hãy xem cỏ dại là lớp mùn cho mặt đất, sẽ là đất trọc nếu bạn diệt trừ cỏ dại. Như cái đầu của một người hói, tóc/cây sẽ không mọc trở lại. Cỏ dại sẽ không gây hại nếu như nó không cao hơn cây trồng của bạn.

Các công đoạn của trồng trọt

Hoạt động trồng trọt gồm năm công đoạn: Làm đất - Bón phân - Tưới nước – Bảo vệ cây trồng - Làm cỏ. Người nông dân có thể cần nước để tưới nhưng thường thì tự nhiên sẽ tự chăm sóc tất cả những mảng được đề cập phía trên. Với phương thức canh tác hữu cơ, bạn chỉ cần 10 – 15% nước so với các cách thức trồng trọt truyền thống.

Làm đất: Giun đất thật tuyệt vời! Một ngày, chúng trở lên mặt đất 10 – 15 lần để hít thở và chính nhờ vậy mà chúng đã giúp đất thông khí. Giun đất tiêu thụ một lượng vi sinh vật bằng 1.5 lần trọng lượng cơ thể chúng mỗi ngày và khi tiêu thụ các vi sinh vật,
chúng giải phóng vào lòng đất các khoáng chất cần thiết như ni tơ, ma giê, v.v. Thông qua sự bài tiết của giun đất, mặt đất trở nên màu mỡ và nhờ quá trình hô hấp của loài vật này mà mặt đất được cung cấp đủ ô xi và độ ẩm.

Bón phân: Các chất phân hủy rất quan trọng cho sự màu mỡ và độ ẩm của đất. Chất hữu cơ không phải là thức ăn cho đất nhưng là thức ăn cho các loài động vật, mà phân của chúng giúp nuôi dưỡng đất.

Tưới tiêu: Đất cần ít nước hơn bạn tưởng. Ta cần độ ẩm, chứ không phải lũ lụt, ngập úng hay tưới quá nhiều. Đất cần đá để thông khí và tiếp nhận nước một cách vừa phải. Bạn không nên tưới quá nhiều, vì như thế đất sẽ mất ô xi và cây trồng sinh trưởng không tốt.

Rễ cây sẽ vươn dài tương ứng với độ rộng của tán lá phía trên mặt đất. Nên tưới nước dưới bóng râm và tưới ở vị trí tương ứng với mép của tán lá, để kích thích rễ cây phát triển.

Bảo vệ cây trồng: Trong số 1,25 triệu loài côn trùng thì chỉ có 1% tấn công thực vật. Thuốc trừ sâu có khả năng diệt trừ các loài côn trùng gây hại, nhưng không loại bỏ được trứng của những loài này, cho nên cũng không đạt hiệu quả cao. Thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu không được khuyến khích trong canh tác hữu cơ.

Xen canh là cách thức tốt hơn để bảo vệ cây trồng bằng việc trồng những giống cây thu hút sâu bọ ra khỏi các cây trồng chính. Những giống cây có thể sử dụng cho mục đích này có cây Neem (có vị chát) và cúc vạn thọ (khiến côn trùng vô sinh).

Bhaskar Save

Minh Trang tổng hợp 


----


1 IFOAM (International Federation of Organic Agriculture Movements - Liên đoàn Quốc tế của các Phong trào Nông nghiệp hữu cơ) là tổ chức hàng đầu thế giới về nông nghiệp hữu cơ với 750 thành viên ở 108 nước. IFOAM  được thành lập năm 1972 và có trụ sở ở Bonn, Đức. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn quốc tế IFOAM.



......./.

Nông nghiệp nước Mỹ



Nông nghiệp nước Mỹ: chính sách là để phục vụ









Kinh nghiệm 80 năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp của nước Mỹ có nhiều mặt tích cực, đáng để Việt Nam tìm hiểu. Nhất là để có những chính sách hỗ trợ nông dân, đổi mới tư duy quản lý đất đai, điều chỉnh chính sách, chuỗi giá trị nông nghiệp phù hợp thực tế thay vì đầu tư vào các chương trình không thể cải thiện thu nhập nông dân hiện nay.










Từ năm 1932, Chính phủ Mỹ đã nhận định các khâu trung gian (doanh nghiệp kinh doanh, chế biến nông sản, vật tư nông nghiệp và xuất khẩu lương thực) chiếm lợi tức áp đảo, câu kết với các đối tác nước ngoài, khiến thu nhập của nông dân Mỹ giảm sút. Đạo luật Điều tiết nông nghiệp 1933 đã được chính phủ ban hành, đặt nền móng cho chính sách khuyến nông.
Những chính sách “bảo vệ”
Kéo dài suốt 63 năm (1933-1996) là một chương trình hỗ trợ nông dân thông qua hình thức cho trả nợ vay bằng sản phẩm. Theo đó, chính phủ cho nông dân vay vốn canh tác tương ứng theo sản lượng thu hoạch và “giá bán định trước” ghi vào hợp đồng vay vốn (gọi là “giá hợp đồng”). Nông dân giữ quyền thanh lý hợp đồng bằng cách bán lúa mì lại cho chính phủ theo giá hợp đồng.
Như vậy nông dân không sợ bị lỗ nặng nếu trúng mùa mà vẫn có quyền bán lúa mì cho thương lái với giá cao hơn để tích lũy lợi tức nhiều hơn.
Điểm đặc biệt của chính sách này là nguồn kinh phí không lấy từ ngân sách mà lấy từ một quỹ “bình ổn nguồn nông sản” do các công ty kinh doanh, chế biến nông sản, vật tư nông nghiệp và xuất khẩu lương thực đóng góp hằng năm theo công thức quy định cụ thể bằng luật. Chính sách này bị các doanh nghiệp kinh doanh lương thực chống đối nên Chính phủ Mỹ buộc phải trưng cầu ý dân hằng năm. Liên tiếp 63 năm luôn có trên 2/3 số hộ nông dân bỏ phiếu thuận cho thấy đây là chính sách rất hợp lòng nông dân.
Để tránh lãng phí và lạm dụng, mỗi hộ nông dân chỉ được vay một số vốn tính theo diện tích đất thực canh và năng suất bình quân ba năm gần nhất. Ngoài ra còn phải tuân thủ quy hoạch về sản lượng canh tác hằng năm của Bộ Nông nghiệp. Công cụ chính sách này giúp nhà nước quy hoạch kiểm soát sản lượng nông nghiệp, tránh tình trạng thừa cung làm rớt giá, đồng thời đề cao vai trò chia sẻ, trách nhiệm ổn định nguồn cung nông sản của các đơn vị kinh doanh trong chuỗi giá trị cung ứng.
Trước tình trạng dư thừa sản lượng đã khiến giá cả mất ổn định, chính sách “bảo tồn, dưỡng đất dự trữ” (Conservation Reserve Program - CRP) ra đời với mục đích chính nhằm đưa các vùng đất cằn cỗi, trồng trọt năng suất thấp nhưng chi phí lớn vào diện không khai thác để bảo dưỡng, bảo tồn và dự trữ.
Chương trình này chi trả tiền trực tiếp cho hộ nông dân chủ đất với phần diện tích đưa vào diện bảo tồn trong vòng 10 năm không được khai thác bất kỳ hình thức nào để đổi lấy tiền hỗ trợ từ “quỹ bảo tồn, bảo dưỡng, dự trữ đất”.
Chính sách thay đổi luân phiên cây trồng hoặc quy định hạn mức diện tích canh tác trước đây không hiệu quả. Do đó chính sách bảo tồn, dưỡng đất dự trữ đã đáp ứng yêu cầu quản lý sản lượng nông nghiệp để ổn định nguồn cung hợp lý, đảm bảo giá cả nông sản được duy trì cao, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Suốt 40 năm, chương trình quy định một tổng số diện tích cụ thể các loại đất kém năng suất để đảm bảo kinh phí chương trình bảo tồn, bảo dưỡng đất không bị quá tải. Tiền hỗ trợ bảo tồn thường thấp hơn lợi tức canh tác ở vùng đất màu mỡ.
Khi Tổng thống J. F. Kennedy đắc cử, chính phủ nhận thấy nông dân cần được hỗ trợ để ổn định thu nhập và chương trình chi trả trực tiếp cho nông dân để họ giảm diện tích canh tác tốn kém quá nhiều ngân sách. Do đó chính phủ đã đề ra chính sách cưỡng chế cắt giảm sản lượng toàn quốc nếu 2/3 số hộ nông dân đồng ý trong cuộc trưng cầu ý dân hằng năm. Mục đích là giảm sản lượng để giữ giá nông sản trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế.
Thời gian đầu, chương trình này giúp giữ được giá nông sản ổn định ở mức cao song khi ngày càng hội nhập quốc tế, mức giá này khiến nông sản của Mỹ khó cạnh tranh và mất thị trường xuất khẩu. Sự cự tuyệt của thị trường đã tiếp lửa cho những ý kiến chống đối chương trình này mà đỉnh điểm là nông dân sử dụng quyền lực chính trị thông qua Quốc hội ra luật bãi bỏ quy định cưỡng chế giảm sản lượng. Sau năm 1963, một chương trình tự nguyện được thay thế.
Chương trình hỗ trợ nông dân trực tiếp được triển khai khi đạo luật Lúa mì - bông vải thông qua năm 1964. Theo đó, hộ nông dân nhận được một tín chỉ trị giá 75 xu Mỹ cho mỗi “thùng” lúa mì (giống như “giạ” ở VN). Sau khi tổng kết các hóa đơn bán sản lượng cho nhà máy chế biến, hộ nông dân sẽ đổi các tín chỉ trên lấy tiền mặt. Số tiền hỗ trợ này được trích từ một quỹ do các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh vật tư và nông sản đóng góp.
Như vậy các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đã đóng góp hoàn toàn số tiền hỗ trợ cho nông dân, thực chất là một hình thức tái phân phối lợi tức về lại cho nông dân.
Các đạo luật nông nghiệp sau này (1970, 1973, 1981, 1985) đã tập trung khắc phục các phát sinh rủi ro chính sách tạo ra bởi các chương trình hỗ trợ nông dân và giữ giá nông sản. Bởi khi các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, chúng tạo nên tâm lý phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ, từ đó khiến các mức giá hỗ trợ đề ra trong chính sách trở thành “giá kỳ vọng” của nông dân, rồi thành “giá thị trường” trong nội địa.
Cơ chế thị trường điều tiết giá theo nguồn cung - cầu đã bị méo mó bởi các chính sách hỗ trợ này. Hậu quả ngoài ý muốn là nông dân có xu hướng tăng sản lượng thu hoạch khiến cho quỹ hỗ trợ ngày càng phình to và ngân sách phải bù lỗ. Mục đích ban đầu là khống chế sản lượng đã bị chệch hướng.
Khi thiên tai giáng xuống làm mất mùa, cộng thêm cuộc khủng hoảng tài chính - dầu hỏa của những năm 1970-1975, chi phí chương trình hỗ trợ và giữ giá vượt khỏi mức an toàn ngân sách và có nguy cơ bị đổ vỡ dây chuyền. Nông sản Mỹ mất dần thế mạnh vào tay các quốc gia khác trên thế giới vì giá cao.
 Đạo luật An ninh lương thực năm 1985 đã căn cứ hiện trạng nền nông nghiệp, thu nhập nông dân và tình hình thị trường quốc tế, thay đổi cách tính tiền hỗ trợ từ linh động sang cố định để giảm bớt gánh nặng ngân sách. Chương trình hỗ trợ lãi suất cũng được cải tổ theo hướng không duy trì giá nông sản ở mức cao để đảm bảo thu nhập cao cho nông dân, mà chỉ đảm bảo một lợi tức hợp lý.
Quy định cho phép nông dân dùng sản lượng để trả nợ vay bị bãi bỏ, cắt giảm chi phí chính phủ phải mua lương thực tạm trữ. Thay vào đó là các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cho vay xây dựng kho tích trữ sản lượng tại chỗ để chờ giá thích hợp bán ra (marketing loan).
Đạo luật Lương thực, nông nghiệp và bảo tồn năm 1990 tiếp tục giảm số tiền trong các chương trình hỗ trợ vì thu nhập nông dân đã khá cao và cần giữ giá nông sản cạnh tranh trên thị trường thế giới. Từ chỗ nông nghiệp được bảo hộ suốt 60 năm qua, Chính phủ Mỹ quyết định giảm dần can thiệp của nhà nước vào cơ chế giá, để cơ chế thị trường hoạt động đầy đủ khi nền nông nghiệp Mỹ đã phát triển cao, công nghiệp hóa và hoàn toàn hội nhập quốc tế.
Từ năm 1990 về sau, các chính sách nông nghiệp chỉ duy trì hỗ trợ, trợ giá ở mức tương đối thấp, còn lại tập trung đầu tư các chương trình dự trữ lương thực chiến lược quốc gia, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, công nghệ thông tin, dự báo thời tiết... để đảm bảo phục vụ hiệu quả thị trường nông sản và nông nghiệp quốc gia.
Quy mô nông nghiệp Hoa kỳ từ 1960-2012
Những kinh nghiệm cần lưu ý
Có thể thấy kinh nghiệm lý thú nhất mà Chính phủ Mỹ rút ra trong chính sách trợ giúp nông dân và trợ giá nông sản là những điều kiện cần và đủ khi quyết định trợ giá nông sản phải thay đổi theo đặc điểm, thu nhập và tình trạng phát triển nông nghiệp từng thời kỳ.
Việc hỗ trợ nông dân và trợ giá theo một công thức cố định hay linh động cũng phải tùy theo thực tế, đòi hỏi chính phủ phải nắm chính xác các số liệu thời gian thực và tình hình thị trường. Mục đích chính trị của chính sách trợ giá nông sản phải được cân nhắc hài hòa giữa hai mục tiêu có phần mâu thuẫn với nhau: duy trì các nông trại gia đình quy mô trung bình, hay là ổn định giá nông sản...
Những chính sách giới hạn diện tích canh tác hoặc khống chế sản lượng lương thực cũng không thể áp dụng bừa bãi vì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và ý chí lao động của nông dân.
Trong vòng 30 năm, chính sách nông nghiệp linh hoạt và thực dụng này đã giúp tăng thu nhập hộ nông dân, tăng tỉ lệ tập trung ruộng đất, tăng mức độ cơ giới hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền nông nghiệp Mỹ. Một hộ nông dân Mỹ có 7-10 lao động thành viên, làm chủ công nghệ và cơ giới hiện đại, canh tác vài trăm hecta mà không cần đến “đội quân làm mướn”.
Khi thu nhập nông dân tăng cao (hiện nay là 100.000 USD, tương đương 2,2 tỉ đồng/năm/hộ), các “địa chủ” phải tự mình canh tác vì cơ giới hóa rẻ hơn là thuê nhân công. Mâu thuẫn, địa chủ và bóc lột do vậy mà tự biến mất.
Mặt khác, việc trưng cầu ý dân hằng năm về chính sách nông nghiệp thể hiện bản chất trợ giúp và phục vụ nông dân của chính quyền, bất chấp hậu quả là các quốc gia khác phản đối, khiếu nại WTO các chính sách bảo hộ của Mỹ tạo ra cạnh tranh không bình đẳng.
Nông dân thật sự là đối tượng để chính sách phục vụ, điều tiết thu nhập cho họ là mục tiêu quan trọng nhất, chứ không phải các tổng công ty kinh doanh lương thực nhà nước chiếm vị trí chủ đạo trong tham mưu, hoạch định chính sách lẫn doanh thu và lợi nhuận. Suy cho cùng, công cụ chính sách nếu dùng không đúng chỗ sẽ bền vững hóa tình trạng bấp bênh, tạo thêm lý do duy trì các chính sách kém hiệu quả, mà hậu quả sẽ kéo dài sang thế kỷ 22.


TRẦN KHUÊ





........./.

Sự thừa nhận muộn màng, nhưng quan trọng





40 NĂM TRUNG QUỐC ĐÁNH CHIẾM TRÁI PHÉP QUẦN ĐẢO HOÀNG SA:

Sự thừa nhận muộn màng, nhưng quan trọng







Mặc dù Trung Quốc luôn ra sức tuyên truyền về cuộc chiến xâm lược cách đây 40 năm đối với quần đảo Hoàng Sa, nhưng từ lâu, dư luận quốc tế và khu vực đã sớm nhìn rõ dã tâm của Bắc Kinh.
Nhiều tư liệu đã và đang được giải mật chứng minh, Trung Quốc manh nha âm mưu thôn tính quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh đã lộ rõ khi nước này xua quân đánh chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Hơn 1 năm trước (5/8/2012), Tân Hoa xã từng đưa tin, Chủ tịch Mao Trạch Đông là người ra lệnh dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 9/8/2012, tờ Nhân dân nhật báo đăng bài thuật lại cuộc chiến này, trong đó điểm mặt 6 chỉ huy trực tiếp hoạch định và chỉ đạo tác chiến lực lượng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Một số chỉ huy kể trên như Vương Xương Thái, thường xuyên được giới truyền thông Trung Quốc và một số đơn vị quân đội mời nói chuyện, tuyên truyền xuyên tạc về vấn đề Biển Đông và trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Thông qua Vương Xương Thái, dư luận được biết, có tới 12 chỉ huy quân đội Trung Quốc trực tiếp tham gia đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông
Tân Hoa xã cho biết, đầu năm 1974, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai cùng Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình đã nhóm họp để bàn mưu đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng khi đó giới truyền thông Trung Quốc lại cố tình bóp méo sự thật lịch sử với cái gọi là “cuộc chiến phản kích tự vệ trên biển”. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của mình, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và chính quyền Việt Nam cộng hòa đều bác bỏ thẳng thừng những cáo buộc phi lý, và vô hiệu của Bắc Kinh. Và thấy rõ âm mưu của Bắc Kinh trong việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (nhận được sự đồng tình của Mỹ), ngày 15/1/1974, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã điều 3 tàu khu trục và một tàu hộ vệ ra nhóm đảo Lưỡi Liềm (gồm Trăng Khuyết và Nguyệt Thiềm) thuộc quần đảo Hoàng Sa để tăng cường phòng thủ và bắn pháo vào đảo Hữu Nhật, nơi Trung Quốc vừa cắm trộm cờ.
Ngày 17/1/1974, các chiến hạm của chính quyền Việt Nam cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh. Cũng trong ngày 17/1/1974, binh lính của Hạm đội Nam Hải đã phối hợp với quân thuộc quân khu Hải Nam tiến ra 3 đảo Tấn Liễu, Thâm Hàng và Quảng Kim của quần đảo Hoàng Sa. Ngay trong đêm 17/1/1974, khi nhận báo cáo tình hình từ Trường Lý Lực, Phó cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai đã cùng với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh làm báo cáo khẩn gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông đề nghị điều quân ra đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa. Khi nhận được báo cáo khẩn do Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh đưa tới, Chủ tịch Mao Trạch Đông đắn đo, cân nhắc và không ngủ được bởi 10 giờ sáng hôm sau ông vẫn chưa ngủ dậy.
Sau khi ngủ dậy, Chủ tịch Mao Trạch Đông tiếp tục đọc báo cáo rồi suy nghĩ khá lâu bởi ông khá quen thuộc tình hình quần đảo Hoàng Sa, cũng như mọi động hướng tại đây của chính quyền Việt Nam cộng hòa mấy năm gần đây. Và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phê vào bản báo cáo của Thủ tướng Chu Ân Lai và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh 2 chữ “Đồng ý”, đồng thời giao cho Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy quân đội Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Sau khi nhận “thánh chỉ”, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình đã điều binh khiển tướng, quyết đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai gọi điện cho Cục Tác chiến, hỏi chi tiết tình hình quần đảo Hoàng Sa. Sau đó Thủ tướng Chu Ân Lai còn sửa phương án tác chiến do Cục Tác chiến soạn thảo, đồng thời trả lời Quân khu Quảng Châu về việc điều động binh lực. 20 giờ ngày 17/1/1974, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai chủ trì hội nghị đánh Hoàng Sa với sự có mặt của các đơn vị hữu quan. Sau đó, mặc dù trời đã khuya, nhưng Thủ tướng Chu Ân Lai vẫn chủ trì hội nghị Bộ Chính trị và đề nghị Quân ủy Trung ương thành lập tổ lãnh đạo gồm 5 người do Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh đứng đầu, cùng Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Đặng Tiểu Bình và Trần Tích Liên tham gia để xử lý mọi công việc của Quân ủy Trung ương và tác chiến khẩn cấp. Sau khi thống nhất các phương án, Thủ tướng Chu Ân Lai và Vương Hồng Văn liên danh báo cáo lên Chủ tịch Mao Trạch Đông. Một lần nữa Chủ tịch Mao Trạch Đông đồng ý với kế hoạch đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai
Theo mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Quân khu Quảng Châu điều tàu số 396, 389 thuộc Hạm đội quét thủy lôi của Hạm đội Nam Hải và tàu số 271, 274 thuộc Đại đội 73 săn tàu ngầm ở căn cứ Du Lâm, tiến vào vùng biển gần quần đảo Vĩnh Lạc, Hoàng Sa. Đồng thời cử 4 Trung đội dân quân lần lượt tiến vào đóng tại 3 đảo Tấn Liễu, Thâm Hàng, Quảng Kim. Ngoài ra, Quân khu Quảng Châu còn điều tàu số 281, 282 thuộc Đại đội 74 săn tàu ngầm tiến vào vùng gần đảo Vĩnh Hưng, Hoàng Sa làm nhiệm vụ chi viện; ra lệnh cho Trung đoàn 22 không quân thuộc Hạm đội Nam Hải cử 2 máy bay bay tuần tra trinh sát trên vùng trời đảo Vĩnh Lạc…
Sáng sớm ngày 19/1/1974, Thủ tướng Chu Ân Lai đề nghị Nguyên soái Diệp Kiếm Anh triệu tập tổ lãnh đạo kể trên để thông báo quyết định bổ sung thêm Tô Chấn Hoa vào tổ này nhằm nghiên cứu, thảo luận phương án tác chiến cụ thể tại quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Thủ tướng Chu Ân Lai còn gọi điện cho Bộ Tổng Tham mưu cho biết: hôm nay có khả năng khai hỏa, nên quyết định thành lập tổ lãnh đạo để thay mặt Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương giải quyết các vấn đề có liên quan tới tác chiến tại quần đảo Hoàng Sa. Tổ lãnh đạo này gồm 6 người (Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa) do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình phụ trách chung. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình cùng 4 thành viên của tổ lãnh đạo đã tới Cục Tác chiến để trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đánh Hoàng Sa.
Khi đó tàu 396, 389 nhận lệnh ngăn chặn tàu khu trục Lý Thường Kiệt và tàu hộ vệ Sóng nổi giận của chính quyền Việt Nam cộng hòa; còn tàu săn tàu ngầm số 271, 274, 281 và 389 được lệnh giám sát 2 tàu khu trục Trần Khánh Dư và Trần Bình Trọng của chính quyền Việt Nam cộng hòa. 10 giờ 25 phút sáng 19/1/1974, binh lính Trung Quốc khai hoả, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. 11 giờ 32 phút cùng ngày, Trung Quốc tăng viện và bắn chìm chiến hạm của hải quân chính quyền Việt Nam cộng hoà và cưỡng chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Khi nghe tin tàu hộ vệ của chính quyền Việt Nam cộng hoà bị bắn chìm, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh khi đó đang chỉ huy tại Cục Tác chiến đã ra lệnh chỉnh lý tình hình thành báo cáo ngắn để gửi gấp lên Chủ tịch Mao Trạch Đông. Sau khi được Chủ tịch Mao Trach Đông phê chuẩn, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và một số người quyết định đổ bộ tác chiến, chiếm 3 đảo San Hô, Cam Tuyền, Kim Ngân từ tay chính quyền Việt Nam cộng hòa. Cuộc đổ bộ này bắt đầu từ chiều tối ngày 19/1 và đến 9 giờ 35 ngày 20/1/1974, binh lính Trung Quốc đã chiếm được 3 đảo nói trên.
Sau khi Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã thông qua Nguyễn Hữu Chí gửi kháng nghị lên Liên hợp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an thảo luận vấn đề này. Khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Hoàng Hoa đã giảo biện cho hành động xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh vừa tiến hành. Ngày 27/2/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: sẽ thả toàn bộ 48 sĩ quan, binh lính của chính quyền Việt Nam cộng hòa và một sĩ quan liên lạc Mỹ bị bắt trong cuộc chiến xâm lược trái phép quần đảo Hoàng Sa. Đến tháng 5/1974, Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định điều gấp 3 tàu hộ vệ mang tên lửa từ Hạm đội Đông Hải chi viện cho Hạm đội Nam Hải nhằm duy trì sự chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đông Ngàn - Từ Sơn

Chuyện về làng nghề... hốt cứt ở Hà Nội



Chuyện về làng nghề... hốt cứt ở Hà Nội




Lúc tôi còn nhỏ mẹ tôi thường đe tôi: "Nếu không học hành tử tế thì sau này chỉ có đi hót cứt thôi con ạ".

Hình ảnh người gánh phân suốt ngày lang thang trong cái thị trấn nghèo quê tôi làm tôi rùng mình. Cái tương lai có mùi khó ngửi này chẳng quyến rũ được ai. Nhưng mẹ tôi lầm. Thời tôi lớn đây là cái nghề hái ra tiền. Ít nhất cũng hơn hẳn cái sự kiếm ăn với cái bằng tiến sĩ của tôi. Anh biết đấy, viện Khoa Học của tôi nằm cạnh làng Cổ Nhuế, tôi có đủ sở cú để khẳng định với anh điều đó. Làng này sống bằng nghề hót cứt, có đền thờ Thành Hoàng hẳn hòi. Thành Hoàng làng Cổ Nhuế là một vị hót cứt chính hiệu. Trong đền người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay …Người làng Cổ Nhuế đã đời này qua đời khác, ngày lại ngày, làm sạch cho thủ đô Hà Nội.
Vua Lê Thánh Tông từng ban cho làng này câu đối :

"Khoác tấm áo bào giang tay gánh vác Thiên hạ

Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ Thế gian".

Anh đừng so sánh làng Cổ Nhuế với làng Phương Lưu ; cạnh trường đại học Hàng Hải của anh ở Hải Phòng. So sánh như thế là hạ nhục làng Cổ Nhuế của tôi đấy. Ngoài cái vinh quang của nghề hốt cứt (lao động là vinh quang), làng Cổ Nhuế còn là quê hương của một đại tướng : Ðại tướng Văn Tiến Dũng, cùng một tổ tiên vinh quang như các vị đồng hương gồng gánh của ông. Hơn nữa làng Phương Lưu của anh tuy hốt cứt nhưng chủ yếu sống bằng nghề đạo chích, chứ đâu có được ‘’tôn chỉ mục đích’’ như dân Cổ Nhuế.

Thanh niên Cổ Nhuế ta thề

Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương

Nhưng không phải dân làng Cổ Nhuế lúc nào cũng được hưởng cái vinh quang của lao động đâu anh ạ. Kể từ những năm hợp tác hóa ồ ạt vào cuối thập niên 50, nghề hót cứt đã phải chịu nhiều cay đắng. Người ta ngăn cấm những người nông dân đi hót cứt, coi như họ là những người trốn lao động, bỏ việc đồng áng để đi "buôn" cứt. Người làng Cổ Nhuế phải tôn trọng pháp luật của đảng đành ngồi nhà mà tiếc rẻ những bãi…… đơn côi không người chăm sóc.

Chỉ mãi tới cuối năm 1986, sau đại hội đổi mới của đảng, đất đai được chia ra để cho các gia đình nông dân tự canh tác. Nghề trồng rau ở ngoại thành Hà Nội sống lại, người Cổ Nhuế mới lại được phép đi…. hót cứt và buôn… cứt.

Rau cỏ của xứ ta thơm ngon là nhờ phân Bắc. Các cụ lão nông chi điên dạy thế ! Phân hóa học cho dù là sản phẩm của trí tuệ văn minh, chỉ cho những thứ rau xanh tươi nhưng nhạt thếch.

Ðổi mới và cởi trói do mẫu công khai (Glasnost) có cái mặt trái của nó. Trước đây ai muốn đi hót cứt thì hót. Nhưng từ ngày người người đi hót, nhà nhà đi hót thì theo qui luật. "Người khôn, của hiếm", dân Cổ Nhuế đã chiến đấu ngoan cường để dành lấy địa vị đầu ngành…. cứt Việt Nam.

Không biết đại tướng đồng hương, ngày ấy có can thiệp vào chuyện này hay không, nhưng theo qui dịnh của UBND thành phố Hà Nội dân ngoại thành không được phép tự do đi hót cứt và lấy cứt nữa. Trước đây ngoài những bãi cứt vô tổ chức, vô kỷ luật mà bất cứ ai cũng có thể hót. Người đi lấy cứt có thể đến làm vệ sinh cho các nhà xí hai ngăn ở các thành phố để để thu về cho mình một số cứt kiếm được. Bây giờ người nông dân ngoại thành bị bắt buộc phải mua phân tại chợ Cổ Nhuế, một chợ tự cổ chí kim, từ Ðông sang Tây đều không có, được thành lập năm 1989. Giá cả tùy thuộc chất lượng (nói sau).

Dân ngoại thành bây giờ trở thành người đi lấy phân thuê cho Cổ Nhuế. Họ được phân chia địa bàn hoạt động, theo lịch sắp xếp mang sản phẩm đến chợ nhưng không phải để họ tự bán. Họ chỉ được nhận phần trăm tiền bán mà giá do ban quản lý chợ Cổ Nhuế quyết dịnh. Chống lại ư ?? Mất việc ngay.

Ðội hậu bị, hàng ngàn người xung phong thay chân kiếm cứt (xã hội hiện tại cứt hơi ít lắm, nay phải kiếm, tức là phải đi làm vệ sinh để lấy cứt ở các hố xí, như đã nói trên) Ði kiếm cứt hơn hẳn làm thương nghiệp, đừng nói gì đến nông nghiệp. Mỗi lần tôi hỏi một anh Cổ Nhuế :

- Giá cả như thế chắc các anh chóng giàu lắm.

Anh đáp :

- Anh Giai ơi, trông thế thôi, chứ kiếm được hai sọt thì cũng ăn mẹ nó hết một sọt rồi còn gi !?!
Trong chợ phân, xuất hiện phân giả. Người ta dùng đất xét thuồn qua ống nứa, giã nhỏ thân chối trộn lẫn với nghệ bôi bên ngoài và cho tất cả lẫn vào phân thật. Ðó là bí quyết. Phân giả gây náo loạn cho chợ phân khiên thanh niên Cổ Nhuế phải cử ra một bộ phận "kiểm tra chất lượng" trước khi giao hàng. Anh còn nhớ dốc Bưởi chạy về viện Khoa Học không ? Trạm kiểm tra được lập ra tại đó, hoạt động từ mờ sáng đến trưa. Mùi uế khí từ tay các kiểm tra viên thọc thẳng vào sọt phân tìm của giả. Nhờ lành nghề và cương quyết, sau đó vài tuần, những đứa làm phân giả bị cắt giấy phép.

Tại chợ cứt được chia làm bốn loại:

- Hạng nhất (first class): là phân lấy từ khu Ba Ðình… nơi có nhiều gia đình quan chức nên cứt được coi là "nạc" (tiếng nhà nghề chỉ cục phân rắn chất lượng cao) (!).

- Hạng 2: Từ khu Hoàn Kiếm, nơi có nhiều dân buôn bán, nhiều nhà hàng khách sạn.

- Hạng 3: Từ khu Hai Bà Trưng và Ðống Ða, nơi đa số dân cư là ngưòi lao động, xài nhiều rau nên "mờ" (nhiều nước lỏng bõng).

- Hạng 4: Từ ngoại thành, loại này xanh lẹt vì "nguồn nguyên liệu" thuần túy là rau muống. Bà con nông dân làm gì có thịt mà ăn.

Có lần tại chợ xuất hiện một sọt phân đề chữ: "Phân ngoại 100 phần trăm". Dân chúng không hiểu tại sao có bọn dám qua mặt Hải quan, dám nhập cảng "phân ngoại" về xài.

Về sau chủ nhân sọt phân giải thích: Phân lấy từ bể "phốt" (fosse septique) của các sứ quán nước ngoài thì không phải là phân ngoại còn là gì ?

Ðây là những điều tai nghe mắt thấy, tôi ghi lại gửi anh để có dịp kể lại cho bà con xa nước nghe chơi… Cho biết quê hương ta có những thứ…. mà người ta hoàn toàn không có. Tôi bảo đảm đây là sự thật ‘’chăm phần chăm’’./.


(Nguồn: Hàn Sĩ - Tiến sĩ Vật lí)