Lý Toét và Xã Xệ



Hai "nhân vật" chủ chốt của biếm hoạ Việt Nam được sinh ra trên các trang báo Phong Hoá  và từ đó đi vào văn học, vào đời sống thường ngày của người Việt : Lý Toét và Xã Xệ. Nhất Linh, dưới tên hoạ sĩ Đông Sơn, chính là cha đẻ của Lý Toét.


******
Họa sĩ Đông Sơn vẽ ra Tý Toét vào đầu thập niên 1930, và tờ báo đầu tiên đăng tranh Lý Toét, là Phong Hóa. Đó là hai điểm chính, về cụ Lý được dân chúng yêu chuộng đặc biệt từ gần tám chục năm nay. Tìm đọc lại báo Ngày Nay Xuân 1940, cũ, mới biết Nhất Linh có giải thích rõ ràng chi tiết về lý lịch của cụ, trong bài viết “Lịch sử Lý Toét…”, Báo Xuân Ngày Nay 1940, tóm tắt như sau:
Tên Lý Toét ra đời trước, rồi hình người Lý Toét mới ra đời sau.
Năm 1930, trong báo Tứ Dân, người đẻ ra “tên-Lý Toét” lại là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu (chuyên viên thơ trào phúng của Tự Lực Văn Đoàn), từ “đẻ ra” sáng tác bởi Nhất Linh. Họa sĩ Đông Sơn và bà Phụ Nữ Thời Đàm đẻ ra “hình-Lý Toét” sau. Sự tích là: Đông Sơn một hôm đang xem báo Phụ Nữ, vẽ nghịch một ngườì nhà quê, thấy hay hay nên xé ra vứt vào ô kéo, chưa biết để làm gì. “Quý vị ơi! Nhìn hình dưới đây đi! Nó đấy, chính nó đấy, mảnh giấy nhật trình có chân dung “thủy tổ” của tất cả các Lý Toét sau này đấy!”:
H1
Đúng là không có bà Phụ Nữ Thời Đàm thì không có Lý Toét, Nhất Linh nói chí lý thật! Trên bức hình đó Lý Toét trẻ hơn sau này nhiều, đã được mặc áo dài khăn đóng, như mọi cụ già thời đó. Lại có đủ cả râu ria, búi tóc, cụ xách thêm đôi dép da gia định và cắp cái ô đen: Cá tính được định hình. Cụ thường xách dép lên, đi đất, vì ngại chóng hỏng đôi dép cũ. Cái ô cũng ít khi mở ra, cụ để dành đánh chó và đeo lên vai cho oai. Nhưng chúng cũng làm khổ cụ, vì cứ bị tụi trộm nhỏ nhít đặt vào tầm ngắm, quấy phá luôn luôn. Nào dép, nào ô, nào khăn cứ bị trộm rình!
Chắc các bạn còn nhớ: Bắt đầu từ Phong Hóa số 14, ra ngày 2 tháng 9-1932 chủ bút mới là Nguyễn Tường Tam. Cùng các em là Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long và các bạn như Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Khái Hưng Trần Khánh Giư… mới phụ trách tờ Phong Hóa. Ngay trong số 14 này, ta bắt gặp Đông Sơn đưa hình cụ (chưa có tên) về Hà Nội trên một chuyến xe đò đông như nêm cối (hình dưới). Các bạn có nhìn thấy cụ ngồi trên mui xe ngay trên đầu tài xế đó không? Họa sĩ Đông Sơn thật hóm, giấu kỹ chẳng cho ai biết tin gì cả! Nhưng lòi đuôi! Tuy nhiên, rất có thể chính ông cũng không biết là mình đã cho cụ về thành hôm đó, trên chiếc xe đò đó! (Mà này, nhỡ ông vẽ mà không biết là có cụ trốn trên mui đó thì oan cho ông nhỉ!?)

Nhất Linh còn kể là Lý Toét ra mắt độc giả ngay từ số Phong Hóa 14, nhưng còn ngơ ngác vì chưa có tên. Sau đó Đông Sơn dính thêm cái tên Lý Toét vào hình vẽ, thế là Phong Hóa có trong tay một nhân vật hý họa hoàn chỉnh. Lý Toét nom thật có duyên:



Đội giời đạp đất ở đời
Nguyễn văn Lý Toét là người Việt Nam.

Lần đầu tiên Tứ Ly đem Lý Toét-tên (không có hình), lên báo Phong Hóa trong số 35, trong bài viết “Cuộc Chợ Phiên của Phong Hóa tổ chức”. Lúc đó, Lý Toét-hình, không tên, chỉ dùng để trang trí cho mục Vui Cười mà thôi:

Tới số 48, năm 1933, Phong Hóa có tranh “Lý Toét ra tỉnh” thứ nhất. Đó là lần đầu cụ Lý có đủ tên+hình, cùng cái dáng lom khom hay đặt câu hỏi lạ lùng:
Thế rồi tới Phong Hóa số 59, bức vẽ “Lý Toét ra tỉnh” thứ hai, do Đông Sơn vẽ dưới đây, (ký tên chữ nho) chiếm ngay trang bìa:

Lý Toét lẩm bẩm: Quái! người ta chôn ai mà đào dài vậy??

Đông Sơn Nhất Linh biết rằng nhân vật này sẽ chinh phục độc giả toàn quốc! Quả như vậy, Lý Toét đã làm mưa làm gió trên văn đàn nước ta trong suốt thập niên 1930. Trước hết, về cá nhân Lý Toét, tính chất tổng quát được mọi người cùng chấp nhận bất thành văn, là:
Lý Toét là một ông già nhà quê, có chức phận trong làng, chức Lý trưởng, nên được goi là Lý, mắt bị bệnh đau-mắt-hột từ bé, thành ra nó cứ kèm nhèm, như viền vải tây đỏ, ta gọi là mắt toét. Nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau thành tên luôn, chứ Lý Toét không phải là tên cúng cơm, bố mẹ đặt cho.
Lý Toét nghèo, sống ở thôn quê, chưa từng được thấy những thứ văn minh ngoài phố do người Pháp mang lại. Lý biết đọc chữ quốc ngữ, biết ít chữ nôm, chữ nho, nhưng không hiểu tiếng Pháp, nên có nhiều phen không thông về chữ nghĩa, nhầm chữ nọ sang chữ kia tí chút. Vì nghèo nên Lý Toét tham ăn, lại nghiện rượu, nên ích kỷ, chỉ muốn mình được phần to, thêm nữa, không hiểu gì về vệ sinh, ăn ở dơ bẩn, nên cả tin, sợ hãi đủ mọi thứ. Lý Toét rât mê tín, thờ đủ mọi loại thần thánh, từ con cóc sành trên bể nước ngoài vườn hoa, đến con hổ sống trong chuồng Vườn Bách Thú…
Vợ con ở quê rất lếch thếch. Lý Toét có một cô con gái lớn tên là Ba Vành, cô này xưa bỏ nhà ra đi, rồi lấy tây. Thỉnh thoảng cụ Lý có xuống vùng mỏ thăm con gái, báo Xuân Phong Hóa, số 85 tường thuật thế. Cô có con, thỉnh thoảng con bị sài đẹn cũng mang vào bệnh viện chữa, làm cụ Lý đi tìm thăm thật khốn khổ. Phong Hóa có tranh chân dung của cô, cô mặc áo tân thời, nom cũng đẹp ra phết (khi trước còn ở dưới quê thì vẫn vận áo tứ thân). 
H7-8
Nhân vật ảo Lý Toét với đầy đủ tính cách như vậy, được họa sĩ Đông Sơn sáng tác ra. Nhưng cha đẻ của Lý Toét đã rất hào phóng không giữ tác phẩm cho riêng mình, mà rủ tất cả mọi người cùng tham dự vẽ Lý Toét! Do đó, cùng với Đông Sơn Nhất Linh, các họa sĩ của Phong Hóa nhẩy vào vẽ Lý Toét với đầy hứng thú trong các tranh vui của báo Phong Hóa. Thế là: Cuộc Vui “Vẽ Lý Toét” bắt đầu!
Mỗi họa sĩ anh tài của Phong Hóa vẽ ra một Lý Toét dung mạo khác hẳn nhau, nhưng cùng tính cách, vẫn nhận ra được. Độc giả có thể ngắm các Lý Toét khác nhau trong hình trên của các họa sĩ Đông Sơn, Nhất Sách, Tô Tử tức Ái Mỹ Tô Ngọc Vân, Lemur tức Nguyễn Cát Tường, Bloc tức Trần Bình Lộc, Ngym tức Ngạc Mai tức Trần Quang Trân, Trần An….
Nhân vật Lý Toét với rất nhiều tranh chân dung đó, đã nổi lên vững vàng thân ái như một vì sao mới mọc trong lòng độc giả báo Phong Hóa. Sau này có thêm danh họa Nguyễn Gia Trí (lúc đó mới ra trường) tức Rigt, tức Gtri, cùng nhiều người khác, kể cả Lê Ta Thế Lữ cùng vẽ chân dung Lý Toét (vẽ chữ số thành hình cụ Lý).
Nhưng ngắm tranh Lý Toét lâu, ta thấy cụ có vẻ hơi … cô độc, thiếu bạn. Và việc phải đến, đã đến: Xã Xệ xuất hiện. Nhất Linh gọi đó là do tự nhiên phải thế. Xã Xệ là một nhân vật bằng vai phải lứa với Lý Toét. Xã Xệ béo ịt, thấp lè tè, đầu trọc lông lốc, còn độc một sơi tóc quăn xoắn ốc trên đỉnh. Hình ảnh Xã Xệ hoàn toàn đối chọi với Lý Toét gầy đét và cao lênh khênh. Xã ra đời để đấu láo với Lý, cãi chầy cãi cối với Lý, chung buồn chung vui với Lý… Ngớ ngẩn, lẩn thẩn sống cuộc đời mới của dân nô lệ mất nước, dưới sự bảo hộ của mẫu quốc Phờ Lăng Xa cùng Lý.
Cha đẻ của Xã Xệ là họa sĩ Bút Sơn, từ Saigon gửi tranh vẽ ra Hà Nội. Tôi nghĩ vị này là một độc giả yêu quý Phong Hóa, nên tạo ra nhân vật Xã Xệ đối kháng với Lý Toét. Ông lấy hiệu Bút Sơn để nhái Đông Sơn. Nhưng Nhất Linh đến tận khi mất, vẫn chưa biết tên thật của Bút Sơn. Trên tờ di cảo “Đời làm báo” ghi tất cả tên và bút hiệu các cộng sự viên, trong cũng như ngoài Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh có hàng chữ sau:
Bút Sơn ở Saigon (Người đẻ ra Xã Xệ), tên thật chưa biết. Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hoặc các bạn, cho biết tên thật.
Hiện nay chúng tôi được biết tên thật họa sĩ Bút Sơn là Lê Minh Đức. “Theo nhà báo nhà thơ trào phúng Tú Kềnh viết trên Báo Bình Minh Xuân Mậu Thân 1968 xuất bản ở Saigon thì: Vào năm 1936 báo Phong Hóa, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, ở Hà Nội, có tổ chức cuộc thi vẽ tranh hài hước, họa sĩ chuyên vẽ tranh hài hước Bút Sơn Lê Minh Ðức ở Saigòn vẽ một bức tranh gửi ra Bắc dự thi” (1).
Thật ra, lần đầu tiên Xã Xệ xuất hiện trong tranh Bút Sơn là ngày 16 tháng 3 năm 1934, trên báo Phong Hóa số 89. Xã Xệ đã được đón tiếp thật nồng hậu. Xã cùng Lý lên ngay trang bìa của báo. Dưới đây là bức tranh trên Phong Hóa, Xã Xệ ra mắt toàn dân An Nam, cõi Đông Pháp, với lối lý luận hạng nhất:

Lý Toét: Thế này là nhất cử lưỡng tiện. 
Cân một lần hai đứa rồi chia hai ra thì cũng được chứ lị!

Vậy là báo Phong Hóa đã tạo dựng được cặp đôi hý họa Lý Toét, Xã Xệ, mang rất nhiều “đặc tính dân tộc”, đi vào lịch sử văn học Việt Nam:


Tranh Lý Toét Xã Xệ không của riêng ai, thật là thú vị. Mỗi bức tranh có khi là một tấm, có khi là một loạt nhiều tấm như phim hoạt họa, với lời chú giải ngắn gọn hoặc vài câu thoại, chính là một câu chuyện nhỏ, nhiều khi rất thâm trầm, nhiều khi mộc mạc…. Ai có một vài ý nghĩ chủ đạo là có thể vẽ ra một tranh hay, nếu không biết vẽ thì viết thành truyện cười Lý Toét cũng không kém phần dí dỏm.
Trong khi đó, nhờ những cuộc thi tranh khôi hài của Phong Hóa, nhiều họa sĩ bên ngoài tòa soạn đã tới vẽ cho Phong Hóa như NG9, HKB, DLAN, Trần An, 2TTG, Mạnh Quỳnh…. và rất nhiều người không chuyên cũng vẽ. Thêm nữa, các họa sĩ còn mang hình ảnh Lý Toét Xã Xệ phổ biến, nhân rộng ra khắp các báo thời bấy giờ, từ ngoài Bắc tới trong Trung, trong Nam. Họa sĩ thích vẽ, người thường thích kể chuyện, báo nào có Lý Xã thì có nhiều người đọc. Đến nỗi cặp đôi này đã trở thành những nhân vật để quảng cáo! Có những bài quảng cáo thuốc, quảng cáo rượu của Lý Toét … đăng ngay trên Phong Hóa, Ngày Nay rất nhiều lần.
Để cạnh tranh, báo Thanh Niên số #2, ra ngày 27-1-34 cho ra đời “Xã Dù”một anh em họ hàng với Lý Toét. Nhưng tiếng tăm của Xã Dù quá lu mờ, nay không ai còn biết, nhớ đến (bài Cuộc Điểm Báo, Phong Hóa số 84).
Như vậy là Đông Sơn Nhất Linh đã dựng ra được một phong trào có vô số họa sĩ trong, ngoài tòa báo, cùng độc giả “dấn thân”, đua nhau sáng tác ra vô số tranh Lý Toét Xã Xệ kể chuyện vui đùa!
Còn gì thú vị hơn!


[...]


“A ha! Tam anh chiến nhất Bố!”


[....]

Phạm Thảo Nguyên

Tự lực văn đoàn


Mẹ tôi kể về Tự lực văn đoàn

NGHIÊM ĐA VĂN

Mẹ tôi là con gái út cụ Cử Tiết: Nguyễn Đức Tiết. Ông ngoại tôi đỗ tiến sĩ đời Đồng Khánh, nhưng không thích mọi người gọi là ông Nghè, vì ông không nhận mũ mãng vinh quy của ông vua mới do Tây dựng lên, mà theo hịch của ông  vua cũ: Hàm Nghi thời ông đỗ Cử  nhân, trưởng Nam. Ông ngoại tôi có ba người bạn đồng khoa: cụ Cử Nguyễn làng Xuân Cầu, cụ Cử Đặng làng Hành Khiển, cụ Cử Trần làng Cổ Am (ông ngoại tôi là người làng Diêm Điền).
Tình bằng hữu của các cụ nhà nho  ngày xưa rất đặc biệt . Ông ngoại tôi theo cụ Tán Thuật làm quân sư trong cánh quân Sơn Nam hạ của cụ hiệp trấn Kinh Bắc Tạ Quang Hiện, dân  gian gọi  chủ tướng là Đề Hẹn, gọi quân sư là Đốc Tít.




KHÁI HƯNG____________________________

NHẤT LINH



HOÀNG ĐẠO
______________ THẠCH LAM




Còn cụ  Cử Nguyễn làng Xuân Cầu bỏ quan đi dạy học. Cụ Cử làng  Hành Thiện theo quân triều đình làm  tham tán quân vụ. Cụ Cử làng Cổ Am thì đi làm quan. Mỗi người một chí hướng, mỗi người một cảnh ngộ nhưng tình bạn trước sau  như một. Cụ Cử Trần làng Cổ Am làm quan đến tổng đốc đã nhận các con bạn  "làm  giặc" về nuôi là con, cho ăn học thành tài.
Mẹ tôi kể: Cụ Cử Hành Thiện có các con trai là cậu Khóa Thiều. cậu Khóa Khu; cụ Cử Xuân Cầu có bác giáo Hoan ; ông ngoại tôi có bác Khóa Cảnh; cụ Cử Cổ Am có cậu Tú Dzư, cậu giáo Tiêu... Khi cụ tuần Trần Mỹ (tức cụ Cử Cổ Am) trị nhậm ở Thái Bình, Nam Định, tất cả các bác, các cậu đều về ở nhà cụ và học ở trường Thành Chung Nam Định, trừ một vài người đỗ vào trường bảo hộ tức trường Bưởi Hà Nội.
 Người sớm có chí lo việc "quốc sự" là cậu Tú Dzư, tức Trần Dzư. Trần Dzư chống lại quyết định của bố, không chịu vào trường Hậu bổ, đào tạo các quan tri huyện. Vì trái ý cha, cậu Tú Dzư bị cắt hết  trợ cấp. Cậu ấm con quan bị đẩy ra cuộc đời  với hai bàn tay trắng, khi tuổi đời chưa tới hai mươi. Tú Dzư bôn ba Hà Nội, Hải Phòng tìm bạn cùng chí hướng. Sau nhiều tháng thất nghiệp đói rét, Tú Dzư xin một chân thư ký một đại lý bán dầu hỏa ở huyện Cẩm Giàng và thị trấn Ninh Giang, trên đường quốc lộ nối liền Hà Nội - Hải Phòng. Tại nơi này Tú Dzư gặp một người bạn dân gốc Quảng Nam, cả gia đình ra Bắc theo sự chuyển nhiệm sở của người cha, giữ một chức quan nhỏ. Cha chết , cả nhà ở lại. Người bạn đó là Tam. Tam có hai người em  là Lân và  Long. Lúc bấy giờ anh Tam đã bắt đầu viết vài ba bài báo in trong tạp chí  của ông Phạm Quỳnh và đã in một cuốn sách nhỏ, Lân và Long còn đi học .
Mấy anh em thường quây quần bàn chuyện quốc sự, tức là việc ái quốc chống Pháp như tất cả các thanh niên có khí huyết hồi đó. Vì ý nguyện yêu nước mà cậu Tú Dzư nhận tên mình trùng với tên một danh tướng nhà Trần nên bỏ cách đặt tên “Trần Cộc” tức là họ Trần không có tên lót hay tên đệm, tự đặt cho mình cái tên lót  "Khánh" trở thành Trần Khánh Dz­ư. Lấy việc bán dầu hỏa giống với việc bán than chờ thời để tỏ ý nguyện và cái chí của mình.
Làm thư­ ký đại lý bán dầu hỏa một thời gian, Tú Dz­ư ­ cùng ba anh  em Tam, Lân, Long lên Hà Nội góp tiền mở một hiệu ảnh ở trước  cửa chợ Đồng Xuân, đặt tên hiệu ảnh Hương Ký.
Những người trẻ nhiều mơ mộng muốn cái việc chớp hình của mình ghi lại cái đẹp nhất của tục vật, cái hương  của đời. Để thêm ngư­ời làm việc, cậu Tú Dzư­ vào Nam Định rủ thêm Cảnh là em nuôi, Tiêu là em ruột lúc bấy giờ bị đuổi khỏi trường Thành chung vì tham gia phong trào bãi khóa đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh.
Mấy anh em tập trung vừa làm thầy vừa làm tớ ở hiệu ảnh Hư­ơng Ký nhỏ bé.
Cánh Nam Đồng thư­ xã của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Tuấn Tài, Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo... tìm đến bàn việc quốc sự với nhóm Hư­ơng Ký.
Cảnh ly khai các anh theo nhóm Nam Đồng thư­ xã với chủ nghĩa Tam Dân : Dân tộc : độc lập, Dân quyền : tự do, Dân sinh : hạnh phúc, do ông Tôn Dật Tiên (bên Tàu) đề xướng . Còn anh em trong nhóm Hương Ký rất mê Thế kỷ ánh sáng của các triết gia Đức, Vônte, Montesquieu ...
Cảnh vì giỏi tiếng Quan Thoại và nói được tiếng Quảng Đông được  cử đi học thêm về chủ nghĩa Tam Dân ở Quảng Châu. Tại đây, Cảnh gặp Đinh Chương Dư, giới thiệu với Hồ Tùng Mậu và cử vào học lớp  chính trị của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Nguyễn Ai Quốc tổ chức.
Vài năm sau, Cảnh tham gia lập Đảng Cộng Sản Đông Dương với chi bộ nòng cột bảy người ở 5D Hàm Long Hà Nội. Đây là chuyện của lich sử Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhóm Nam Đồng thư xã hoàn chỉnh học thuyết của mình thành lập  Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái chấn động lịch sử vào cuối năm 1929. Đảng Cộng Sản Đông dương phát động phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Cả hai phong trào đều bị dìm trong bể máu của khủng bố trắng.
Nhưng anh em trong nhóm Hương Ký vẫn kiên quyết theo đuổi đường lối quốc sự riêng của mình. Họ làm quen thêm với một  sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ghi tên học theo  thể thức dự thính là Lễ , và một công chức Sở Tài chính là Hiếu, sau này kéo thêm một viên chức nhà Đoan(thuế) là Diệu. Họ quyết tâm và đầy tự  tin tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa, cách mạng thơ ca, cách mạng văn chương, cách mạng lối sống...
Vũ khí họ chọn là ngòi bút.
Lịch sử 80 năm qua cho rằng họ thiếu dũng khí không dám cầm súng... Tài chính của họ là những đồng tiền ít ỏi góp nhặt từ những chiếc túi rách đời học sinh, gia sư, công chức hạng bét.
Họ là  những thanh niên vừa ở tuổi hai mươi, hầu hết vô danh, có người ngoài bài luận văn ở trường, chưa hề viết một bài thơ, một đoản thiên.
Họ góp tiền lại mua một "măng sét" (tên báo) của một anh chàng nhà giàu làm báo để mua danh: Báo Phong Hóa.
Với công cụ là một tờ báo vốn sinh ra là tờ lá cải, họ đã vươn lên thành trụ cột của phong trào Thơ Mới, xây dựng nền văn chương tiểu thuyết Việt  Nam hiện đại.
Chàng sinh viên học thính thị Cao đẳng Mỹ thuật tên Lễ đã trở thành  con hổ nhớ rừng và là vị  chủ soái Thế Lữ của phong trào Thơ Mới.
Anh  chàng thư ký nhà Đoan tên Diệu trở thành nhà thơ Xuân Diệu, người tình muôn thuở của thi ca Việt Nam. Xuân Diệu kéo thêm một người em nuôi, người bạn chí cốt  một  kỹ sư  canh nông, sau thành nhà thơ Huy Cận.
Anh cử nhân toán lý tên Tam thành ra  nhà văn Nhất Linh, nhà chính khách Nguyễn Tường Tam. Cậu Tú Dzư, làm “tự mê" cái tên Khánh Dzư thành Khái Hưng: trở thành hai cây đại thụ góp phần đặt nền móng cho nền  tiểu thuyết hiện đại của lịch sử văn chương Việt Nam.
Cậu Long, sinh viên khoa luật, trở thành nhà văn Hoàng Đạo, nhà lý  luận của nhóm, nhà văn luận đề đầu tiên của dòng tiểu thuyết luận đề Việt Nam. Cậu Lân trở thành nhà văn Thạch Lam, một trong những bậc thày của truyện  ngắn Việt Nam. Cậu giáo Tiêu, trung thành với truyền  thống "Trần Cộc" không tên đệm thành nhà văn Trần Tiêu,  nhà văn viết tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mô tả cái hồn của đời  sống nông thôn.
Thầy ký sở Phi Năng tên Hiếu, họ Hồ, đệm Trọng trở thành nhà thơ trào phúng nổi tiếng: Tú Mỡ nối nghiệp Tú Xương.
Nhóm Phong Hóa lập nên "Tự Lực Văn Đoàn" là một văn đoàn lớn, không nhận tài trợ của bất cứ ai, lập giải văn chương, giải thưởng khẳng định các tài năng văn học Việt Nam như Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyên Hồng,  Đỗ Đức Thu, Đỗ Tốn...
Sau này, Tự Lực Văn Đoàn ra tờ Ngày nay và nhà xuất bản Ngày Nay.
Phần lớn những tác phẩm quan trọng nhất của lịch sử văn học Việt Nam đã ra mắt bạn đọc trên  các tờ Phong Hóa, Ngày Nay, nhà xuất bản Ngày Nay.
Con cái của bốn người bạn đồng khoa ngày nào, riêng Khóa Cảnh tức Nguyễn Đức Cảnh, bí thư cộng sản đầu tiên của Hải Phòng, Quảng Ninh, lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị tử hình cũng là một nhà thơ cách mạng. Giáo Hoan sau kết  giao với nhà xuất bản Tân Dân, Tiểu thuyết thứ bảy thành nhà văn Nguyễn Công Hoan; Khóa Thiếu, khóa Khu là Đặng  Xuân Thiều, Đặng Xuân Khu là những nhà thơ cách mạng. Riêng Đặng  Xuân Khu có bí danh là Trường Chinh, khi làm thơ ký tên Sóng Hồng .
Mẹ tôi bảo, các cậu, các bác không chỉ là con cái của bạn đồng khoa mà đều có họ hàng đằng mẹ với nhau.
Vì theo lệ  của các bậc khoa bảng Bắc  Hà, khi thành đạt, họ thường được cha mẹ kén cho những người  vợ ở làng Cổ Am. Đất Cổ Am có tiếng "đẻ" ra quan.
Dân gian vì thế có câu :"Vú Đồ Sơn, L... Cổ Am".
Ba người  bạn đồng khoa đều lấy con gái nhà họ Trần, một họ lớn cuả làng Cổ Am do chính bạn mình là cụ Cử Trần My mồi lái.
Nhắc lại chuyện cũ, mẹ tôi thường thở dài và cười:
- Hồi ấy, để có tiền mua bảng hiệu "nhật trình" Phong Hóa, các bác, các cậu "ăn dỗ" đám các chị  em  gái. Cậu Tú Dzư lột của tao đôi khuyên vàng, một bộ xà tích vàng... hứa là khi nào làm ra, ăn nên sẽ trả nhưng cho tới nay, tao mất cả vốn lẫn lời.
Không chỉ mẹ tôi mất cả vốn lẫn lời mà tất cả nhũng người thân  của mẹ  tôi, những người  lập nên Tự lực văn đoàn đều  mất cả vốn lẫn lời như mẹ tôi.

Chỉ có nền văn hoa dân tộc là được những viên gạch đặt nền móng cho nền văn chương hiện đại. Nhưng sau này những người xây lâu đài trên nền  móng đó vẫn chưa thực sự công nhận những viên gạch đó là nền móng văn chương nước nhà.
Mẹ tôi là con gái út của cụ cử Tiết, là em út  của tất  cả những người  anh cùng họ bên ngoại làng gổc Cổ Am.
Mẹ tôi là Thừa, Nguyễn Thị Thừa. 
Mẹ tôi đã kể những chuyện này.
 ........../.
NGHIÊM ĐA VĂN


TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG



TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG  

Truyện ngắn của Lâm Thanh Huyền 






Có một thiền sư tu trong một ngôi nhà tranh trên núi. Một hôm, nhân một buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vặc, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình. Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy nhà tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi. Kẻ cắp tìm không thấy của cải gì, sắp sửa bỏ đi thì gặp thiền sư ở cổng. 
Thì ra, vì sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ngoài cổng. 
Ngài biết chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm trong tay từ trước. Kẻ cắp gặp thiền sư, đang kinh ngạc bối rối, thì thiền sư bảo: 
- Từ rừng núi xa xôi cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không. Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này! 
Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Kẻ cắp lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng. 
Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi. Thiền sư không khỏi thương cảm, khẳng khái thốt lên: 
- Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng. 
Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào ngôi nhà tranh, để mình trần ngồi thiền. Ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà. 
Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng của ánh trăng, từ trong chốn thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra, nhìn thấy chiếc áo ngài khoác lên người kẻ cắp đã được gấp gọn gàng, tử tế, đặt ở cửa. Vô cùng vui sướng, thiền sư lẩm bẩm: 
- Cuối cùng, ta cũng đã tặng được cậu ấy một vầng trăng sáng.


..../.

Người phố và minh triết của rừng




Người phố và minh triết của rừng




Trần Trung Chính thực hiện




Nhà văn Nguyên Ngọc bảo tôi, có ba nơi ông yêu nhất: Tây Nguyên, Hội An, Hà Nội. Xếp thứ tự, Tây Nguyên hàng đầu, vậy là chúng tôi nói chuyện Tây Nguyên… 
“Tôi không cho mình thuộc số người hiểu vùng đất này nhất, nhưng có thể nói thuộc số người yêu Tây Nguyên nhất”.

**********



“Rừng, đàn bà, điên loạn”
Thiên hạ nói ông thuộc số ít người sống ở thành phố nhưng hồn treo trên núi?
- Tôi sinh tại Đà Nẵng, hai tuổi đã vô Hội An. Ba tôi khi ấy là viên chức bưu điện Hội An. Tuổi thơ ấu ở đâu, chốn ấy vào trí nhớ suốt đời. Tôi ở Tây Nguyên hai chặng: 1950-1955 và 1962-1975, giữa hai chặng ấy (đều trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ), ra Hà Nội tôi trú tại phố Lý Nam Đế. Văn hoá trong tôi là văn hoá tự học, học từ người Tây Nguyên (nói được tiếng Êđê, Gia rai...) và học từ những tác giả người Pháp, người Việt viết về Tây Nguyên.
Những năm tháng gian khổ,ác liệt nhất của cuộc đời tôi, nằm ở đấy. Những người yêu thương tôi nhất, và ngược lại, cũng ở đất này. Vả chăng có điều gì ta hiểu mà lại không bằng yêu thương? Sau 1975, hầu như năm nào tôi cũng lên buôn, đi rẫy... Khi về Hà Nội vẫn thấy gió, mưa, rừng - đất đai, con người Tây Nguyên. Tây Nguyên thành tạng  người tôi, hễ chạm vào đó, tôi viết rất nhanh.  
Các nhà địa chất sung sướng khi phát hiện một vỉa quặng nào đó. Ông đã có nỗi sung sướng ấy?
- Tôi không phải nhà khoa học, không chủ tâm phát hiện Tây Nguyên mà tình cờ cuộc đời tôi diễn ra ở đó. Muốn hiểu nó, là thôi thúc của một người đã được sống tại đó, chứ không phải muốn có những phát kiến về nó. Tôi đi sau nhiều nhà khoa học người Pháp, như công sứ Dăk Lăk Sabatier (người đầu tiên sưu tầm và dịch ra tiếng Pháp trường ca “Đam San” của  người Êđê), GS. Goerges Comdominas (tác giả cuốn “Chúng tôi ăn rừng”) đến Tây Nguyên từ 1947, sống với người Mnông Gar ở làng Sar Luk. Hoặc Henri Maitre với cuốn “Rú Mọi” (NXB Tri thức dịch là “Rừng người Thượng”), cho đến nay nó vẫn được coi là công trình khảo sát cơ bản nhất về Tây Nguyên. Linh mục Jacques Dournes là một con người  rất kỳ lạ, ông có tới 235 cuốn sách viết về Tây Nguyên. Từng sống 25 năm trên vùng đất này, trở về Pháp, Jacques Dournes khi ở nhà vẫn đóng khố, cởi trần. Ông tự coi mình là người Tây Nguyên.
Những người tôi nhắc tên đều chịu ơn đất và người Tây Nguyên. Họ đều - mỗi người một cách khác nhau - nhận ra minh triết của các tộc người giúp họ (chứ không phải ngược lại) có được vũ trụ quan và nhân sinh quan thông thái và nhân văn nhất.
Ví dụ, người “văn minh” coi Tây Nguyên là tài nguyên, đối tượng để khai thác phục vụ con người, nhưng người Tây Nguyên coi rừng là cội  nguồn, con người chỉ là một tế bào.
Tế bào mà huỷ hoại (khai thác) cội nguồn là tế bào ung thư!
Tục bỏ mả (chôn tạm người chết, người sống vẫn mang cơm nuôi người chết) để người sống có thời gian làm xong nhà mồ đẹp cho người chết (người chết yên tâm ra khỏi thế giới người). Sau đó họ làm lễ bỏ mả với niềm tin rằng từ nay con người đó, đi ra từ rừng - sống tạm trên đời này - lại trở về với rừng, tan vào rừng.
Giải mã tục bỏ mả, loài người gọi là “văn minh” chợt nhận ra thế giới quan siêu việt của các bộ tộc Tây Nguyên.
Nó chỉ đường cho những người văn minh hôm nay cách ứng xử với rừng, biển, đất đai, bầu trời, dạy chúng ta sự tiến hoá, phát triển bền vững, chứ không phải tự huỷ diệt cội nguồn - chốn sinh thành, nuôi nấng và trở về vĩnh hằng. 

Ông nhận xét thế nào về những công trình nghiên cứu Tây Nguyên của các học giả Việt Nam?
- Những gì chúng ta đã nghiên cứu về Tây Nguyên chưa nhiều, thường là nghiên cứu ứng dụng, theo tôi, chưa thể vượt qua các nhà nghiên cứu Pháp (toàn diện, từ không gian tự nhiên đến xã hội, chính trị, văn hóa...). Cho nên, có thể nói, các chính sách về Tây Nguyên của chúng ta trong những năm qua chưa dựa được trên cơ sở khoa học thật cơ bản.
Có một câu chuyện vui, khi tôi dịch cuốn “Rừng, đàn bà, điên loạn” của linh mục Jacques Dournes – tác giả chơi chữ: Forêt, Femme, Folie (đều bắt đầu bằng chữ f), một biên tập viên nhà xuất bản không chịu cho in vì tưởng đó là một cuốn sách... sex (cười). Thực ra cuốn sách nói tới nền văn hoá dựa trên nguồn gốc rừng - đàn bà (xã hội mẫu hệ), hai nguồn gốc ấy bị đe dọa, thì con người sẽ rơi vào điên loạn.
Số người hiểu Tây Nguyên ít quá, cộng thêm thói duy ý chí, cái gì cũng tỏ ra biết rồi, và cứ thế mà làm tới, lại làm sai!

Những chuyển động mới mẻ
Theo nhà văn, sự vận động của xã hội Tây Nguyên sẽ dựa trên nguồn lực tri thức nào?
- GS.TS. Ngô Đức Thịnh có sáng kiến rất hay: Mở một khoá đào tạo thạc sĩ cho sinh viên tốt nghiệp đại học toàn người bản địa Tây Nguyên.
GS. Thịnh tập hợp được 12 luận văn hay vô cùng. Trong đó tuyệt nhất có luận văn của cô Y Trung “Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ liên quan đến linh hồn trong người Xteng ở Tumơrông". Tôi đã gặp Y Trung, cô hiểu sâu sắc không chỉ văn hóa truyền thống mà cả những chuyển động mới, rất phức tạp hôm nay của Tây Nguyên. Cô kể: Ở Tây Nguyên, từ xưa, tội loạn luân bị coi là tội nặng nhất, sẽ bị đuổi ra khỏi làng, và khi đó chỉ còn lang thang trong rừng và chết. Nhưng bây giờ đã có khác. Vùng quê Y Trung ở có 20 cặp loạn luân bị làng đuổi, họ không chịu lang thang chờ chết mà kéo nhau lên đỉnh núi lập một làng mới. Một chuyện chưa bao giờ xảy ra. Y Trung quan tâm đến những chuyển động mới đó của xã hội, nhận ra dấu hiệu mới của những nhân tố cá nhân đang xuất hiện…

Người Tây Nguyên đang đối mặt với nền kinh tế thị trường mà họ chưa được chuẩn bị. Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra?
- Người Tây Nguyên chưa có, hoặc chưa mạnh ý thức tích lũy. Phát triển kinh tế hàng hóa, vì vậy rất khó. Khi kinh tế thị trường tràn vào thì kịch bản xấu nhất là họ rất dễ trở thành người làm thuê khốn khổ.
Nhưng chăm chú quan sát cũng đã có thể thấy những chuyển động tích cực. Đã xuất hiện một kiểu “trang trại làng” ở Buôn Ma Thuột.
Ở đấy, người ta vẫn giữ cái minh triết lâu đời, không có kẻ làm thuê và người đi thuê, chỉ có người đứng đầu tổ chức công việc. Phải chăng đã manh nha mô hình xã hội mới trên Tây Nguyên của người Tây Nguyên?
Người Tây Nguyên thấu hiểu sâu xa thực tiễn Tây Nguyên, và họ sẽ góp phần quan trọng tìm ra con đường đi tới, với minh triết lâu đời của họ. Chính minh triết ấy, được gìn giữ và phát triển qua bao thử thách, đã đưa con người và xã hội này vượt qua mọi thác gềnh của lịch sử, tồn tại bền vững cho đến ngày nay. 

Ông sẽ tiếp tục góp sức mình vào cách giải quyết các vấn đề của người Tây Nguyên chứ?
- Vừa rồi chúng tôi phản đối dự án khai thác quặng bauxite ở Dăk Nông, và sẽ tiếp tục công việc khó khăn này. Tôi đang cùng các cộng sự mở một trường đại học tại Hội An. Mong sẽ được đón con em các tộc người Tây Nguyên về học, mong Tây Nguyên có thêm nhiều Y Trung. Tiếp thu minh triết của người Tây Nguyên, chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo lớp trí thức mới cho vùng đất này, không phải để làm quan, mà làm khoa học. Khi Tây Nguyên có được giới trí thức của mình, họ sẽ tham gia giải quyết các trở ngại đang ngăn cản sự vận động của xã hội Tây Nguyên. 

Cách đây chừng hai tháng, để tiếp tục câu chuyện dang dở, tôi theo nhà văn Nguyên Ngọc ra một chi nhánh ngân hàng ở góc phố Quán Thánh -Hàng Bún, Hà Nội. Sáng ấy hai vợ chồng ông mang một chồng sổ tiết kiệm (có lẽ giữ từ hồi đổi tiền - 1978) để rút tất cả số tiền dành dụm cho ông theo đuổi công việc vẫn làm ông đắm đuối. Ông bảo: “Họ nói làm chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường phải có tiền. Rồi yêu cầu mình phải đưa bằng đại học. Mình chưa qua trường đại học nào, nhưng may mà có bằng trường đảng. Thế là thoát”.

...../.




...Cộng hòa hay Cộng sản ?



  “Hồ Chí Minh là người Cộng hòa hay người Cộng sản ?” 


 www.voatiengviet.com/content/khi-hai-la-bua-tuyen-ngon-my-va-phap-khong-thieng/1514777.html




[...] tôi xin phản biện thêm một ý kiến của giáo sư Nhật Bản Tsuboi Yoshiharu cho rằng ông Hồ về thực chất là con người cộng hoà, con người dân chủ sâu đậm.

Theo ông “lý do không thể bác bỏ là trong Tuyên ngôn Độc Lập do ông dự thảo và đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông đã trích dẫn và giảng giải về bản Tuyên ngôn Độc Lập năm 1776 của Hoa Kỳ và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của cách mạng Pháp năm 1791”. Giáo sư Yoshiharu nói thêm: “Ông Hồ đã cố gắng đưa nền cộng hòa vào áp dụng ở Việt Nam”; một bằng chứng nữa là “ông Hồ đã dứt khoát giải tán Đảng Cộng sản Đông dương sau đó”.


Tôi đã nghiên cứu khá kỹ vấn đề này hơn 10 năm nay, và cho rằng các việc làm đó, các hiện tượng đó là có thật, nhưng có cách diễn giải khác gần với sự thật hơn.


Đệ Tam quốc tế Cộng sản được Lênin thành lập ngày 2/3/1919, đến ngày 15/5/1943 bị Stalin giải thể. Vì sao vậy? Vì lúc ấy, cuộc chiến tranh chống phát xít Hitler của Liên Xô đang ở vào thời điểm rất gay go, Stalin rất mong thắt chặt đoàn kết với các nước đồng minh, nhất là mong Mỹ - Anh sớm mở mặt trận thứ hai đổ bộ lên châu Âu để đỡ đòn cho Liên Xô. Stalin hiểu rằng quan hệ với phương Tây bị trở ngại lớn do bản chất độc tài, vô thần của chủ nghĩa Cộng sản, nên Stalin dùng thủ thuật giải thể để hòng xoa dịu nỗi e ngại ấy của phương Tây. Việc giải thể chỉ là đòn chiến thuật vì Stalin vẫn giữ liên lạc chặt chẽ và chỉ đạo tất cả các đảng Cộng sản trên toàn thế giới. Stalin không đánh lừa nổi công luận phương Tây, nhưng dù sao mưu mẹo giải tán cũng có phần tác dụng, để tháng 6/1944 đồng minh mở cuộc đổ bộ lớn lên Normandie, Pháp.




Trước khi Thế chiến 2 kết thúc, tại các hội nghị quốc tế Téhéran và Yalta đã hình thành 2 phe Dân chủ và Cộng sản, cuộc chiến tranh lạnh đã bắt đầu. Cảm thấy rõ chủ nghĩa Cộng sản không ăn khách, còn bị xa lánh, mang tiếng xấu, Stalin đã cùng G. Dimitrov, tổng bí thư Quốc tế Cộng sản Comintern từ năm 1934 đến năm 1943, và A. Djanov, nhà lý luận chính của đảng Cộng sản Liên Xô, liền sáng tạo ra một danh từ mới: “chế độ dân chủ nhân dân” nhằm che dấu bộ mặt Cộng sản.


Tạp chí quốc tế của phong trào Cộng sản được đổi tên là tạp chí Dân chủ Nhân dân. Các nhà nước Cộng sản đều nhất loạt mang tên nước Dân chủ Nhân dân, như Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa, CHND Ba Lan, CHND Nhân dân Tiệp Khắc, CHND Bulgaria, CHND Hungary, CHND Romania, CHND Nam Tư, CHND Mông Cổ, v.v. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn tự nhận mình là một nước dân chủ nhân dân, trong một phe với các nước trên đây, còn tự nhận là tiền đồn của “phe ta”.


Ông Hồ rất am hiểu những mưu mẹo chiến thuật của Stalin, hiểu rõ rằng chiến thuật phục vụ đắc lực cho chiến lược, ông rất thích thú câu “lạc mềm buộc chặt”, cứng thì dễ gẫy. W.J. Duiker cho ông Hồ chỉ là một nhà chiến thuật, không hơn không kém (Hô is just a tactician, and no more).


Biết rằng chủ nghĩa Cộng sản không ăn khách, bị xa lánh, ông Hồ dùng mẹo yêu nước. Ông lập VN Độc lập Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, với một loạt đoàn thể Cứu quốc. Chữ Cộng sản, mục tiêu chiến lược Cộng sản được dấu kín. Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc…Hay quá!


Ngay trước khi cướp chính quyền ng ày 19/8/1945, ông Hồ rất lo ngại bị lộ tung tích Cộng sản của mình. Ông dùng tên Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh. Báo nước ngoài hỏi ông có phải là người Cộng sản, ông luôn trả lời không, tôi là người yêu nước.


Trong thâm tâm, điều ông lo sợ nhất lúc ấy là nước Việt Nam bị thế giới xếp vào loại Cộng sản độc đoán, phi nhân, là đối tượng của Chiến lược Ngăn chặn của thế giới dân chủ (Containment Strategy), một chiến lược bấy giờ đang được triển khai mạnh mẽ.


Lúc ấy tất cả thủ thuật khôn khéo của ông Hồ là làm như trước sau luôn đi với Mặt trận dân chủ chống phát xít, thậm chí còn khoe có công đánh Pháp đuổi Nhật, đứng hẳn về phe đồng minh dân chủ chống phát xít.


Trong bối cảnh như trên, trong ý định che dấu thật kỹ bản chất Cộng sản của mình, nhằm kết thân với phương Tây, tránh bị xếp vào loại đối tượng của Chiến lược Ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản, tai họa của nhân loại, ông Hồ đã nghiền ngẫm và nghĩ ra mưu mẹo chiến thuật mới.

Đó là trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp ngay khi mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập.



 

Thế là ông Hồ đã dùng 2 bản Tuyên ngôn trên đây làm 2 lá bùa hộ mệnh trong cơn khốn cùng. Nhưng 2 lá bùa ấy đã không thiêng, nghĩa là không che dấu được bản chất Cộng sản của ông Hồ, của đảng Cộng sản mang tên Lao động lúc ấy. Trước hết đây chỉ là chiến thuật bề ngoài, giả tạo, đầy mâu thuẫn trong thực tế, nên dễ lộ tẩy, bị vạch mặt rất sớm.


Ông Hồ đã đánh giá thấp công luận. Ngay từ cuối năm 1945, đầu năm 1946, các cơ quan an ninh, phản gián, ngoại giao Anh, Pháp, Mỹ (Scotland Yard, 2 ème Bureau, CIA ) đều khẳng định ông Hồ chính là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, từng là đảng viên Cộng sản Pháp, đảng viên Cộng sản Liên Xô, đảng viên Cộng sản Trung Quốc, được KGB đào tạo, ăn lương công chức cao của Cộng sản Nga, theo Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông một cách trung kiên, có 32 bí danh (sau này lên đến 58 ), thay tên họ, thay bộ cánh cũng như thay chiến thuật, như một con tắc kè, để đánh lừa và mê hoặc thiên hạ.
 

Trong chiến thuật giải tán đảng Cộng sản Đông Dương cuối năm 1945 cũng vậy. Sau khi giải tán, ông Hồ ra chỉ thị là cần phát triển mạnh đảng (tôi được vào đảng đúng vào lúc ấy - tháng 3-1946) và chỉ thị cho 2 phân bộ Cộng sản ở Lào và Campuchia phát triển hàng ngũ Cộng sản.


Tháng 5/1990 tôi gặp ông Archimedes Patti ở Hà Nội tại buổi kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ. Lúc ấy chúng tôi nhắc lại chuyện ông Hồ đã cố gắng tiếp cận, giữ mối quan hệ tốt với nhóm tình báo Mỹ OSS (Office of Strategic Services) hồi 1944 là để nhận vũ khí, huấn luyện quân sự của phía Mỹ, nhưng mục đích chính là để Hoa Kỳ sau này sớm công nhận chính phủ mới ở Hà Nội, điều đã không xảy ra. Ông Patti lúc ấy đã 76 tuổi cho biết hồi ấy OSS cũng có người ở Moscow và Paris, và “hồ sơ Nguyễn Ái Quốc - rồi Hồ Chí Minh – communist agent - nhân viên CS, không bao giờ để trắng, mà dày lắm!”. Thì ra quan hệ với nhóm Patti - Thomas ở Việt Bắc lúc ấy cũng chỉ là mưu mẹo chiến thuật của ông Hồ.





Nhà triết học Jean François Revel nhận xét là một số hiểu biết sơ khai về nền dân chủ ở Pháp của anh Nguyễn Tất Thành thời thanh niên đã không đủ, không sâu nên đã bị người Cộng sản Nga tên Lin sống ở Moscow giữa thời thịnh trị của Stalin thôn tính triệt để. Có người nói vui là phải chăng ông Hồ chọn tên Lin là muốn xin làm cái đuôi nho nhỏ của lãnh tụ Stalin.




 
Bức điện của ông Hồ gửi Stalin đầu năm 1953 về kế hoạch tiến hành Cải cách ruộng đất để xin Stalin xét duyệt sau khi tiếp thu chỉ thị của Lưu Thiếu Kỳ, chứng tỏ ông Hồ sùng bái Stalin đến mức nào.


Chính do bản chất phi nhân của chủ nghĩa Cộng sản ở ông Hồ và ở chế độ của ông mà nhân dân ta bị lôi cuốn vào mấy chục năm chiến tranh, với hàng triệu nạn nhân bi thảm, vô vàn của cải tiêu tan, nửa thế kỷ phung phí. Hậu quả cho đến nay vẫn dai dẳng, ở nhãn tiền chúng ta.

[...] 

BÙI TÍN



 



Lê Ân




ĐẠI GIA THĂNG TRẦM VỚI 6 ĐỜI VỢ



* Minh Diện


            Ở Làng du lịch Chí Linh (Vũng Tàu) có ba bức tượng phụ nữ đắp bằng xi măng cốt thép to như người thật đứng cạnh cái nhà vệ sinh. Về nghệ thuật chả nói làm gì, vì đấy chỉ là tác phẩm của một  thợ nề khéo tay, nhưng với ông chủ Lê Ân thì nó  mang một ý nghĩa đặc biệt.  Ông  cho tôi biết: Ba bức tượng kia chính là ba người vợ đã phụ bạc ông.

Đám cưới với người vợ thứ 6 của Đại gia Lê Ân,  khi ông 74 tuổi, vợ 19 tuổi

           Theo lời Lê Ân, người vợ thứ nhất đã cuỗm toàn bộ tài sản của ông gồm nhà cửa, tiệm thuốc tây và mấy chiếc xe hơi, trong lúc ông bị bắt vì vượt biên. Người vợ thứ hai không lấy tài sản mà cướp đứa con trai đưa đi Mỹ. Người vợ thứ ba  mới 23 tuổi, khi ông bị bắt vì vượt biên lần thứ ba, đã dọn sạch tiệm vàng và 27 kg vàng về nhà mẹ đẻ.

            Tôi không được gặp người vợ thứ hai, thứ ba của  Lê Ân, nhưng  bà Lan, người vợ thứ nhất của ông thì ở cùng quận Tân Bình với tôi.  Dù đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng bà Lan còn nhanh nhẹn,  minh mẫn.



            Bà Lan kể, năm 13 tuổi Lê Ân từ  Quảng Nam vào Sài Gòn, trên người chỉ có  một bộ quần áo và cái kéo, không  họ hàng thân thích. Lê Ân xin vào làm thuê cho một  tiệm may. Nhờ sáng dạ nên chẳng bao lâu Lê Ân  trở thành một thợ giỏi, lương cao. Khi đã có chút vốn liếng và tay nghề, Lê Ân thuê một chiếc máy may Singer mở tiệm may riêng.

             Bà Lan là con gái của một gia đình khá giả,  học hành tử tế, và khá xinh  nên có nhiều người để ý, nhưng bà  không chịu ai mà  thương Lê Ân vì ông biết tự lập.  Lê Ân cũng đã nặng lời thề với bà: “Nếu không lấy được em sau này anh sẽ gặp em bằng một nắm đất và một lọn tóc”. Hai người cưới nhau vì tình yêu đích thực dù gia đình bà Lan không đồng thuận.
               Ăn ở với nhau đã có sáu mặt con, trai gái đủ cả và tài sản cũng khá nhờ kinh doanh thuốc tây, đô la, xe đò. Bà Lan nói, nhờ bà nhanh nhẹn và khéo giao thiệp nên buôn bán rất phát đạt. Khi sẵn tiền  Lê Ân sinh tật gái gú cờ bạc . Có lần bà về Nha Trang  mấy ngày  khi quay lại Sài Gòn thì ông đã bán mất mấy chiếc xe hơi ném tiền vào sòng bạc. Đó chính là lý do hai người phải ly dị. Trước tòa  Lê Ân nhận trách nhiệm nuôi 4 đứa con, bà Lan nuôi 2 đứa, nhưng mấy chục năm qua ông để một mình bà nuôi hết 6 đứa con, còn mình làm giàu và lấy hết vợ này đến vợ khác. Người con trai lớn của Lê Ân cho biết thêm: “Trong khi cha tôi giàu có như vậy mà không bao giờ nghĩ đến con cháu. Tôi bị tai nại giao thông gãy chân và mấy cái xương sườn không có tiền chữa bây giờ vẫn mang tật…”.

               Lê Ân nói đó là những điều bịa đặt. Cả đời ông chưa bao giờ cầm lá bài chơi một ván sì lát, thâm chí ông rất ghét bài bạc. Tôi tin  Lê Ân nói đúng vì phàm đã làm “ bác thằng bần ” khó có thể chí thú làm giàu. Đằng này  ông là một người rất chí thú làm giàu. Khi làm nghề may Lê Ân nổi danh khắp đô thành Sài Gòn với CHIÊN'STAYLOR, khi bán thuốc tây  thì Pharmacy của Lê Ân  lớn nhất nhì khu Hòa Hưng. Đặc biệt Lê Ân đã đạt đến đỉnh cao khi bắt nhập vào nghề kinh doanh đô la và hàng viện trợ của Mỹ. Ông vào tận doanh trại quân đội Mỹ và Việt Nam cộng hòa dùng đô la xanh mua đô la đỏ (loại tiền chính phủ Mỹ in riêng phát cho quân đội trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam), rồi dùng đô la đỏ mua hàng viện trợ  dành riêng cho quân đội theo chế độ ưu đãi đăc biệt. Tiền đẻ ra tiền và Lê Ân đã trở thành đại gia từ ngày đó.  Ông  Phạm Sanh,  người  nổi tiếng với câu nói: “Tao mua cả khu phố Bảy Hiền này khỏi cần trả giá ”  còn phải ngả mũ bái phục người đồng hương tuổi trẻ tài cao Lê Ân .

               Sau giải phóng, trong khi hầu hết các nhà tư sản, tiểu tư sản  mất hết tài sản và bị đẩy đi kinh tế mới, thì Lê Ân thoát nạn. Thoát nạm vì trước khi có chiến dịch cải tạo tư sản  Lê Ân đã vì bị bắt khi vượt biên. Trong họa có phúc là vậy.
              Nhờ số tài sản Lê Ân phân tán cho anh em bà con cất giữ trước lúc vượt biên nên khi ra tù ông có vốn làm ăn. Và ông đã gặp thời.

              Qũy tín dụng Hòa Hưng với biểu tượng con gà  đẻ trứng vàng của Lê Ân ra đời cuối thập kỷ 80. Đó là thời kỳ hàng loạt quỹ tín dụng bung ra  với lãi suất huy động vốn tăng nhanh đến chóng mặt. Có anh mù bẩm sinh như Huỳnh Là cũng trở thành ông chủ quỹ tín dụng huy động được cả trăm tỷ bạc. Đặc biệt Nguyễn Văn Mười Hai đẻ ra nước hoa Thanh Hương làm bốc mùi khắp Sài Gòn. Và,  rồi sụp đổ đồng loạt.

              Tín dụng Hòa Hưng  không bị cuốn vào cơn lốc đó, vì Lê Ân không nhắm vào mấy đồng tiền còm của  các cụ hưu trí. Đối tượng chính của Hòa Hưng lúc đó là những người làm ăn với các nước trong khối SNG, đặc biệt là nước Nga. Với kinh nghiệm mua bán đô la xanh, đỏ  trước giải phóng,  Lê Ân xoay sang buôn bán đồng Rúp. Tín dụng Hòa Hưng là  trạm trung chuyển đồng Rúp từ Nga về, đổi thành  tiền Việt với tỷ giá có lợi nhất cho Lê Ân. Khi  Huỳnh Là, Nguyễn Văn Mười Hai kéo theo cả Nguyễn Quang Lộc, nguyên đại biểu Quốc hội, vào tù thì Lê Ân ôm đống tiền vỗ tay cười khanh khách. Qủa thật tôi chưa thấy ai có điệu cười như đại gia Lê Ân, vừa giòn, vừa nẩy, nghe vừa vui, vừa khinh mạn lại có nét đêu đểu thế nào.  Nămnay đã bảy mươi lăm tuổi,  tóc Lê Ân vẫn chưa bạc, răng vẫn chắc và vẫn giữ nguyên cái tiếng cười khanh khách đó.

                  Khi Tín dụng Hòa Hưng - con gà đẻ trứng vàng của Lê Ân - giải thể, người ta bố trí cho ông làm thành viên sáng lập ngân hàng Đại Nam. Vốn hay cãi và “nghênh ngang chẳng biết trên đầu có ai ”,  Lê Ân  vứt vào đó 300 triệu tương đương 30 ngàn  đô la, rồi cười khanh khách bảo “tùy mấy anh muốn làm gì thì làm”.

                Bấy giờ ở Vũng Tàu có một quỹ tín dụng của Hội phụ nữ nợ dân không trả được. Đích danh bà Nguyễn Thị Định gọi điện cho Lê Ân nhờ ra tay cứu cái quỹ tín dụng  này, cũng là cứu uy tín Hội phụ nữ. Lê Ân  nghe theo, bỏ ra hơn mười tỷ trả nợ thay, và biến cái quỹ tín dụng phá sản thành Ngân hàng  cổ phần thương mại Vũng Tàu  (VCSB).

                VCSB có đầy đủ bộ sậu của một ngân hàng, Chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và các phòng ban, nhưng tất cả chỉ là những con rô bốt do Lê Ân điều khiển. Từ một mẩu thư giao dịch đến một khế ước cho vay đều phải qua tay Lê Ân. Lê Ân quản lý tiền bạc với tư duy  anh thợ may, chi li từng đường kim mũi chỉ. Bản chất  của con người xứ Quảng cộng với cuộc sống tự lập từ nhỏ khiến Lê Ân tính toán rất sắc sảo, nắm giữ tiền bạc rất chặt chẽ. Đối với Lê Ân, trong kinh doanh khôn sống dại chết không có kẽ hở cho tình cảm len vào.
                 Lê Ân có một người đồng hương là Tường làm nghề y tá nên mọi người quen gọi y tá Tường. Năm 1993, y tá Tường bỏ nghề y sang nghề may mặc xuất khẩu theo lời khuyên của Lê Ân xây xưởng to đùng ở Tân Kỳ, Bình Tân. Lê Ân tỏ ra rộng rãi tài trợ cho y tá Tường gần 3 tỷ đồng với điều kiện thế chấp toàn xưởng may đó vào VCSB. Hơn một năm sau, chưa hoàn chỉnh máy móc thiết bị, trong khi lãi chồng lãi ở VCSB không trả nổi, thế là phải giao toàn bộ cái xưởng đó cho Lê Ân. Một người bạn khác thế chấp cho VCSB  khu đất vàng cả chục nghìn mét vuông, ở bãi sau thành phố Vũng Tàu để thực hiện dự án xây khách sạn Hoa Hướng Dương. Lúc đầu  Lê Ân hứa đầu tư trọn gói nhưng rồi bỏ lửng ngó lơ. Cuối cùng khu đất vàng ấy về tay Lê Ân đáng giá hàng trăm tỷ. Mấy chục mẫu đất ven biển Vũng Tàu mà Lê Ân xây dựng Làng du lịch Chí Linh bây giờ nguyên là đất quốc phòng  mà Lê Ân cũng lấy được một cách hợp pháp … Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn VCSB đã nâng vốn pháp định lên gấp ba lần ban đầu. Tiền chảy vào túi Lê Ân như nước.

              Lê Ân  làm tiền giỏi mà  đi tù cũng giỏi. Trước giải phóng bị bắt đi “lao công đào binh” mấy lần trước khi  bị đẩy vào sư đoàn 5 bộ binh. Nhờ đút lót cho tướng Lý Tòng Bá nên không phải ra trận, rồi được giải ngũ sau gần một năm mặc áo lính. Sau giải phóng ba lần vượt biên  bị tóm cả ba lần. Có lần bị công an Bến Tre cho bóc lịch gần ba năm. Và mới đây, năm 2002 bị cái án 14 năm tù khi đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VCSB. Lê Ân nói với tôi, mỗi lần ông đi tù lại mất một bà vợ.
               Ba người vợ đầu Lê Ân đã đúc tượng ở làng du lịch Chí Linh.
               Người vợ thứ tư của Lê Ân là Lê Đỗ Hạnh Kiều  quê Long An, một phụ nữ  xinh đẹp và ăn nói dịu dàng.  Đó chính là người đã kề vai sát cánh với Lê Ân từ tín dụng Hòa Hưng đến ngân hàng cổ phần thương mại Vũng Tàu.  Khi VCSB còn hoạt động vợ chồng Lê Ân  như hình với bóng , dù ở trụ sở đường Trần Hưng Đạo - Vũng Tàu, hay  Văn phòng Đặng Tất, Sài Gòn hoặc ra chi nhánh ở Hà Nội, bộ  Comple  sặc sỡ của Lê Ân dịu bớt nhờ bộ áo dài màu thiên thanh của bà Kiều. Và sự hài hòa ấy giúp cho Lê Ân thành công trên thương trường cũng như trong cuộc sống thường nhất.  Lê Ân đã có lần nói với tôi: “Không ai có thể thay thế được Hạnh Kiều vợ tôi”.
                Tôi còn nhớ khi Lê Ân bị bệnh và bị cơ quan điều tra vây bủa,  phải nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, lúc nào bà Kiều cũng có mặt, vừa chăm sóc chồng vừa ứng phó với mọi tình huống. Phải nói bà Kiều chính là một nửa của Lê Ân.
                Trong thời  gian Lê Ân ở trong  tù, thỉnh thoảng bà Kiều vẫn gọi điện cho tôi nói rất thương Lê Ân và sẽ cố gắng làm hết sức mình để ông thoát nạn sớm. Tôi không ngờ khi Lê Ân được ân xá, thì việc đầu tiên ông thông báo với tôi là bà Kiều đã phản bội ông, đồng lõa với một thuộc cấp toan chiếm toàn bộ công ty Lê Hoàn, thậm chí còn định đầu độc ông. Tôi gặp bà Kiều hỏi thiệt hư ra sao vì tôi coi hai người cùng là bạn, bà Kiều chỉ khóc và nói với tôi: “Mọi việc đều có trời chứng giám anh ạ! Tôi không muốn nói một lời nào về anh Lê Ân cả!”

                Một buổi sáng cách đây ba năm, Lê Ân gọi điện mời tôi xuống chơi và khoe vừa cưới vợ mới. Đó là một cô gái 25 tuổi, nguyên là nhân viên  trong Công ty Lê Hoàn. Ông Lê Ân nói với tôi: “ Ngay sau khi ở phiên tòa ly hôn bà Kiều về, tôi chỉ đạo văn phòng phải tổ chức cưới vợ cho tôi ngay. Tôi nói nếu cô này không chịu thì kiếm một bà bán ve chai ve số cũng được, phải cưới ngay !”.
              Tôi hỏi tại sao gấp vậy? Lê Ân cười khanh khách đáp: “Một giải pháp tình thế thôi mà!”.  Cái giải pháp tình thế của Lê Ân là để ngăn không cho bà Kiều khiếu nại đòi chia tài sản sau khi ly hôn.
             Lễ cưới cô nhân viên văn phòng được tổ chức trong khuôn viên Làng du lịch Chí Linh, có báo chí và nhiều quan khách tới dự. Ngay trong tiệc cưới ấy Lê Ân  ra mắt  Qũy từ thiện dành cho trẻ mồ côi và tuyên bố hiến trọn tài sản cho quỹ này. Lê Ân thuê làm một tấm pano lớn trưng trước quầy tiếp tân nhà hàng, in hình Lê Ân mặc Comple  bên  người vợ trẻ mặc xoa rê, với hàng chữ  “Tỷ phú Lê Ân và phu nhân đã quyết định hiến trọn tài sản và tiền mặt trị giá 15.000 tỷ cho quỹ từ thiện trẻ mồ côi và thiếu may mắn”.

               Bà Kiều không có bất kỳ đơn từ gì về việc chia tài sản, Lê Ân đã hoàn thành xuất sắc vở kịch “giải pháp tình thế ”mà ông vừa là đạo diễn vừa là diễn viên chính.
              Cái bánh từ thiện khổng lồ trị giá 15 nghìn tỷ của Lê Ân  mới được cắt cho một thằng bé ở miền Tây được 10 triệu đồng thì tấm pano quảng cáo đã bị hạ xuống. Đó là lúc Lê Ân chia tay người vợ thứ năm mà ông đã dùng vào  giải pháp tình thế của mình. Tôi không viết tên người phụ nữ này, bởi mọi người trong công ty nói với tôi: “Tội nghiệp chị ấy, chị ấy hiền lành không biết mình bị lợi dụng, chú đừng nêu tên chị lên khổ thân chị ấy ”.

               Tình yêu như sét đánh đối với Lê Ân khi một cô gái 19 tuổi đến xin việc làm ở công ty Lê Hoàn. Lê Ân hỏi: “Em có muốn lấy tôi làm chồng không?”. Cô gái đáp: “Việc ấy để em suy nghĩ vài ngày!”. Chả cần vài ngày, cô này đã OK ngài tỷ phú.

             Một đám cưới làm tốn nhiều giấy mực của các nhà báo, với một  một  đoàn siêu xe diễu khắp thành phố biển Vũng Tàu, với những sấp tiền dẫn cưới mới rượi phơi lên mặt báo, với những lời khoe khoang làm cho những người không giàu lòng tự trọng lắm cũng phải đỏ mặt. Lê Ân khoe rằng Mai Mai vợ ông 19 chín tuổi là sinh viên xuất sắc  và còn trinh, ông là người đặt cái hôn đầu tiên mà cái hôn đó cũng phải chờ đúng ngày hợp hôn mới trao cho nhau?  Và: “Mai Mai vợ tôi là người toàn mỹ nhất trên thế gian này !”.



           Lời khen Lê Ân dành cho cô vợ thứ 6 này thật kêu nhưng so sánh với người vợ thứ nhất và thứ tư thì không sâu bằng. Người vợ thứ tư Lê Ân nói không ai có thể thay thế được, còn với người vợ thứ nhất là một lời thề trích trong kinh Thánh. Nhưng tất cả đều đã trôi tuột đi rồi.

             Cái còn đọng lại là một sự bẽ bàng: Lê Ân quyết đưa ra tòa  để đòi lại căn nhà bà Lan  và con cháu của ông đang ở ?.

              Một người đang sử dụng chiếc xe ROLLROY trị giá hơn hai chục tỷ và một dàn  siêu xe khác, lại vừa bỏ ra 6 tỷ mua tặng vợ mới chiếc BMW X7. Một ông chủ của Làng du lịch Chí Linh tự khoe mỗi ngày thu lời hàng trăm triệu. Một người giàu lòng bác ái đến mức hiến trọn tài sản trị giá 15 nghìn tỷ đồng cho quỹ từ thiện. Vậy mà chính con người đó quyết đòi bằng được căn nhà trị giá khoảng 10 tỷ đồng mà người vợ cũ cùng con và cháu nội mình đang ở.

               Lê Ân nói với báo chí rằng ông đòi nhà không phải vì tiền? Vậy thì vì cái gì nhỉ? Vì hận thù hay thiếu sự bao dung chăng? Người viết bài này xin mượn một câu Kinh Thánh để mong một kết thúc có hậu: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy rẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy !”.

                Tôi mong ông Lê Ân hãy đập bỏ ba bức tượng kém thẩm mỹ kia đi và rút lại đơn kiện đòi nhà người vợ cũ .

 M D

.../.