Úm ba la ...



...Chúng ta tha chúng mình !





"Chúng ta tha chúng mình"- là cách nói giễu cợt, mỉa mai của tạp chí kinh tế Anh, một tờ báo có uy tín hàng đầu trên thế giới "The Economist", trong bài “We forgive us” phân tích về diễn biến nhân sự trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua.

Sẽ không chút cường điệu nào khi nói rằng, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là những tay phù thuỷ bậc thầy trong trò chơi "úm ba la".

Sau khi diễn kín với nhau trên sấn khấu mang tên "Hội nghị Trung ương 6" (từ đây tôi viết tắt "HN TW6"), các "ngôi sao" của xưởng phim cấp xã "ĐCSVN" đã lập tức ra mắt công chúng.

Úm ba la Ba Dũng

Nam diễn viên nổi bật trong vở diễn của "HN TW6", Nguyễn Tấn Dũng, ngay sáng 16/10, đã tới thăm và trao tặng danh hiệu đơn vị "Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân" cho Học viện Cảnh sát, nhân kỷ niệm 50 năm xây dựng (1962-2012). Trong sự hiện diện của Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã đánh trống khai giảng năm học mới của Học viện.

Những tiếng trống của tướng công an Quang làm rã đám dân chúng trong vùng thông tin mù mịt của "Quan Làm Báo", một trang web đưa tin về cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSVN được chú ý nhất thời gian qua, đã tiền hô, hậu ủng, tung ra vô số các vụ bê bối kinh tế-tài chính-ngân hàng, như là nguồn khí công yểm trợ cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tấn công gạt bỏ Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chiếc ghế thủ tướng.

Đặt cược quá cao, có lúc một ăn tới một trăm, nên bị cháy túi, "Quan Làm Báo" suốt hai tuần HN TW6 họp kín, đã không mò ra được thông tin nào khả tín. Những cơn gió từ các dữ kiện bê bối mà "Quan Làm Báo" trong gần nửa năm nỗ lực tạo nên, dường như đã thổi vào nhà hoang trống. Sau cuộc chơi, ta nhìn thấy một "Quan Làm Báo" khác, có vẻ đã thấm mệt, chất liệu thông tin gây sốc kém hẳn!

ĐCSVN đã giữ vai trò chủ động trong trò chơi úm ba la của HN TW6.

Ngay sau cơn sóng gió, hình ảnh Nguyễn Tấn Dũng đi duyệt binh oai vệ bên cạnh Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, một yếu nhân được "Quan Làm Báo" đặt ở phía Sang-Trọng, có thể chưa hẳn nói lên hết sức mạnh của ông Dũng trong thế chân kiềng kinh tế-an ninh-quân đội, nhưng là một tín hiệu thách thức cho bất cứ ai muốn làm suy chuyển chiếc ghế Thủ tướng của ông ta và cho cuộc mặc cả tiếp theo. Cứ xem sự hỉ hả, có phần lấc cấc của bà Thu Hồng, người được dư luận cho là thân cận với tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, trên Blog Beo thì thấy.

"The One-man -show" kịch tính của HN TW6, được kết thúc bằng "The Day After Show" hoành tráng!

Tổng Trọng úm ba la

Đọc báo cáo về kết quả HN TW6, khi nhận sai lầm, giọng ông Nguyễn Phú Trọng có lúc run lên như sắp bật khóc, nhưng chỉ một thoáng sau ông ta lấy lại bình thường.

Thái độ nghẹn ngào nhìn nhận sai lầm trước quảng đại quần chúng là hiện tượng cực kỳ hiếm hoi của giới lãnh đạo ĐCSVN. Trong lịch sử của ĐCSVN, dường như chỉ có một tiền lệ vào năm 1956, Hồ Chí Minh cũng đã rút khăn thấm nuớc mắt, sau khi hàng trăm ngàn người bị đã bị đấu tố nhục hình và giết chết oan ức trong Cải cách Ruộng đất.

Bài viết "Bây giờ chỉ còn làm thế nào mà thôi" hôm 19/10 trên tờ "PetroTimes" của ông Nguyễn Như Phong còn có vẻ tâm đắc với sự so sánh ông Trọng với ông Hồ.

Nhưng ai tin sự "nghẹn ngào" của ông Trọng là thật?

Tôi đã có thể tin! Nếu như vào ngày 1/10/2010, khi hàng chục ngàn dân chúng miền Trung sống trong cảnh đói rét, màn trời, chiếu nước và hàng chục người đã bị chết vì lũ lụt, người đứng đầu nhà nước trong bài diễn văn khai mạc Lễ Hội Ngàn năm Thăng Long ầm ĩ và hoang phí, có vài lời chia sẻ. Nhưng ông Nguyễn Minh Triết đã không làm như thế. Với giọng vô hồn, ông ta đọc bài diễn văn khá dài (có lẽ được viết sẵn từ lâu), không có một từ nào đề cập tới thảm hoạ thiên tai. Ở một nước có chính phủ do dân cử, với số nhân mạng bị tổn thất này đã có thể là quốc tang. Còn sự vô tâm, vô cảm của lãnh đạo có thể dẫn tới việc dân chúng nổi giận làm sụp đổ chính phủ.

Tôi đã có thể tin! Vào ngày 17/2/2012, nếu như lãnh đạo ĐCSVN quá sợ hãi Bắc triều, không đủ can đảm để thắp một nén hương tưởng nhớ 10 ngàn người đã bỏ mình bảo vệ biên giới phía Bắc chống lại quân xâm lược Trung Quốc trong năm 1979, thì lẽ ra không nên bắt các phương tiện truyền thông phải im lặng trong cay đắng, xót xa. Nhưng họ đã thô bạo bịt miệng toàn xã hội!

Tôi đã có thể tin! Tương tự sự việc trong ngày 1/10/2010, nếu như nghe được một lời chia buồn từ lãnh đạo ĐCSVN đối với gia đình của 29 người bị chết do bão và sụt lở đất ở Yên Bái (ngày 8/9/2012) và 14 công nhân xuất khẩu lao động bị chết cháy, di hài đưa từ Nga về (ngày 24/9/2012). Nhưng không! Không ai trong lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN có cử chỉ tình người tối thiểu ấy! Không có sự hiện diện nào trên sân bay Nội Bài từ phía nhà cầm quyền, thậm chí từ Bộ Lao động và Thương Binh-Xã hội, cơ quan chịu trách nhiệm chính về chính sách lao động xuất khẩu!

Cũng như Moskva không tin vào nước mắt của Putin khi ăn mừng chiến thắng trở lại điện Kremlin làm Tổng thống Nga hồi đầu năm 2012, tôi không bao giờ tin vào những giọt nước mắt của lãnh đạo ĐCSVN trong những vở diễn PR được dàn dựng với trình độ làng xã, dưới cả mức tồi tệ.

Tôi chứng minh thêm rằng, nếu sự mếu máo là thật tình, thì hai ngày sau khi kết thúc HN TW6, trong buổi gặp cử tri Hà Nội ông Trọng đã phải có động thái thành khẩn, tử tế khác. Thay vì "xin lỗi toàn dân", quyết tâm sửa chữa sai lầm, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên lợi ích của đảng, cần phải mạnh dạn thực hiện ngay cải cách hệ thống chính trị suy đồi, bệnh hoạn hiện nay, thì ông Trọng lại tuyên bố gia cố vững chắc hơn cái lò sinh ra tội phạm này, bằng nhấn mạnh sự lãnh đạo duy nhất, độc quyền của ĐCSVN đối với toàn bộ nền chính trị Việt Nam, với Quốc hội, rồi còn nói vuốt thêm... "Quốc hội sẽ tăng cường vai trò giám sát".

Thế thì chẳng có gì khác với đàn gà sẽ "tăng cường vai trò giám sát" trước bầy cáo!

Chính vì hệ thống độc quyền mà các quan chức của ĐCSVN đã và đang mặc sức lộng quyền, giành giật cho bản thân những đặc quyền, đặc lợi, đứng ngoài vòng pháp luật, bóp chết báo chí tự do, làm triệt tiêu toàn bộ khả năng kiểm soát của xã hội. Cho nên, tất cả các tệ nạn được ông Trọng liệt kê trong thông báo của HN TW6 như “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “buông lỏng, kiểm tra, giám sát không chặt chẽ gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng”... sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển.

Những giọt nước mắt của ông Trọng chưa kịp ứa ra ngoài đã chảy ngược vào trong. Ngay lập tức!

Úm ba la Tư Sang

Cũng giống ông Trọng, xuất hành tiếp xúc với cử tri tại Sài gòn sau HN TW6 vào sáng 17/10, ông Sang cũng úm ba la điệu nghệ không kém.

Chúng ta không biết ông Sang sẽ làm gì với lời kêu gọi toàn dân chống tham nhũng, trong khi lý giải "không bị kỷ luật không phải là không có lỗi" về một Uỷ viên Bộ Chính Trị nào đó, thay vì với vai trò Chủ tịch nước, phải minh bạch hoá người "có lỗi" ấy để "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" (như đảng vẫn nói) thì ông Sang làm phép úm ba la biến con người mà ông biết rất rõ, thành ẩn số "X"!

Rõ ràng, một đàng ông Sang khuyến dụ dân chúng tố cáo tham nhũng, đừng sợ bị "trù úm", một đàng chính ông che giấu kẻ tham nhũng!

Câu nói "không hoàn thành nhiệm vụ thì rút lui" của ông Sang chắc chắn sẽ bị chôn chặt dưới mồ cùng với câu "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay" của ông Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2006 khi nhận chức Thủ tướng. Bởi vì, 6 năm sau chính ông Sang tự thú “càng chống thì tham nhũng càng tràn lan và trở nên nặng nề, xảy ra mọi lúc mọi nơi, đây là căn bệnh rất trầm kha”, nhưng ông Dũng vẫn bình yên tại vị, còn "hậu quả nặng nề" kia thuộc về một ông X nào đó!

Blogger Trương Duy Nhất hẳn phải rất bực bội, thấy nghịch chướng quá, nên mới viết:

"Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị Bộ Chính Trị yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy? Đến mức khi giải trình với cử tri, Chủ tịch nước vẫn không dám nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà phải gọi là “đồng chí X”. Đây là sự tế nhị, là nguyên tắc bảo vệ "tình đồng chí" trong đảng, hay là sự thỏa hiệp, là thái độ hèn hạ, bất lực? Thế thì làm sao còn dám kêu gọi người dân đừng sợ hãi, đừng sợ trù úm để cùng đảng chống tham nhũng?".

Chưa hết! Trong ngày 21/10, thay vì gặp gỡ cử tri Hải Phòng, đơn vị bầu cử của mình, ông Dũng cũng lại đi diễn tận Sài Gòn. "Tiếp xúc với cử tri" tại Đại học Quốc gia, ông ta nói "công chức nhà nước phải có lòng tự trọng để khỏi rơi vào tình trạng tham nhũng". Nghe xong bà con khắp nơi bấm bụng cười sặc! Ông Dũng "rơi vào" thì ông trở thành ông X, chứ quan chức thấp, hay dân đen "rơi vào" thì sẽ mỏi tay đếm lịch trong lao tù!

Thật đúng là, "úm ba la", toàn đảng ta trong sạch!

Kết luận

Thiết nghĩ đã quá đủ dữ kiện để mỗi người tự xét có thể tin hay không vào lời nói và nước mắt của lãnh đạo ĐCSVN.

Nếu trên đời này, cái chổi quét nhà trong chuyện cổ tích thay thế được máy bay, thì may ra có thể tin họ, vì họ là những tay phù thuỷ siêu đẳng về đánh tráo khái niệm, tung hô thần chú úm ba la "chúng ta tha chúng mình", biến tinh tinh thành chó sói!

Nhưng nghịch lý hơn lại là, đám đông ngơ ngác, xì xầm to nhỏ, thất vọng, cao lắm thì chửi đổng vài câu, rồi lại âm thầm ôm tủi nhục trước vũ điệu quay cuồng của những tay phù thuỷ.



© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog







........../.