"HỌA PHÚC HỮU MÔI PHI NHẤT NHẬT"




NHÂN KỶ NIỆM 570 năm NGÀY MẤT CỦA NGUYỄN TRÃI

 

"HỌA PHÚC HỮU MÔI PHI NHẤT NHẬT"

                                                                                                                                TươngLai   


Kỷ niệm 570 năm ngày người trí thức số một của dân tộc chịu cảnh tru di là một dịp để làm sống động lại một bi kịch lịch sử. Thế nhưng, lịch sử thì thiếu gì bi kịch, hà cớ gì lại nhắc đến bi kịch Nguyễn Trãi vào lúc này? Phải chăng vì chưa lúc nào tư tưởng và nhân cách của Nguyễn Trãi lại có ý nghĩa thời sự và cập nhật với thế cuộc như hôm nay.

Lý do thì nhiều, song có lẽ bức xúc và sống động nhất lại là vấn đề nhân cách và thân phận người được mệnh danh là trí thức đang được kiểm nghiệm gay gắt trong bối cảnh khi mà "một bộ phận không nhỏ" những người tự khoác cho mình cái danh xưng người "tiền phong" lại đang thoái hóa biến chất gây tai tiếng nghiêm trọng mà "trăm đôi mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào [Phạm Văn Đồng].

Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa gắn liền với an dân, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng, tình cảm và sự nghiệp của ông: "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu". Cho nên ông đòi hỏi "phép nước phải thuận lòng dân, không lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép nghìn muôn người phải theo".




Là một kẻ sĩ đích thực, ông "coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ", cho dù

" Ðã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc, Cho hay đường lợi cực quanh co"

vẫn cứ dấn thân để thực thi sứ mệnh của người trí thức:

"Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng".*

[...]


Để hiểu hơn bối cảnh nảy sinh ra "hiện tượng Nguyễn Trãi", phải chăng cần lưu ý đến nhận định của Trần Quốc Vượng: "Nguyễn Trãi tắm mình trong bầu không khí văn hóa ở đó đang diễn tiến cuộc đấu tranh gay gắt giữa truyền thống và đổi mới, cuộc đấu tranh gay gắt giữa xu hướng Trung Quốc hóa với xu hướng giải Trung Quốc hóa trong nội bộ các thế lực cầm quyền và giới trí thức, văn hóa Đại Việt.
Hai mươi năm Minh thuộc, với chủ trương và âm mưu tái Trung Quốc hóa nền văn hóa Việt của bọn giặc Minh càng làm gay gắt thêm, phức tạp thêm cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, một lối sống Việt Nam. Nguyễn Trãi đã dấn thân hết mình vào các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa, xã hội này; và tiếc thay, ông đã ra khỏi cuộc đời này một cách bi thảm"!*** Và, nỗi bi thảm ấy là điều không thể tránh khỏi vì nó mang tính quy luật.

Sau mười năm "nằm gai nếm mật", đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi "Vẫy vùng một mảnh nhung y nên công đại định"! Nhưng khi "phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh" [Bình Ngô Đại cáo] thì cũng là lúc diễn ra các cuộc thanh trừng đẫm máu do những mâu thuẫn phe cánh trong triều đình.

Đại công thần Trần Nguyên Hãn [là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi] tự tử khi bị bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá dâng sớ tố cáo ông mưu phản. Hai năm sau, một đại công thần khác là Phạm Văn Xảo bị giết khi bọn Lê Quốc Khí tố cáo ông ngầm làm phản. Những người mà bọn Lê Quốc Khí không bằng lòng đều bị vu cho là bè đảng của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, bị xử tử và bị tù.
Không rõ Nguyễn Trãi có bị vu cáo như vậy không, nhưng theo phỏng đoán của một số sử gia hiện đại thì thời gian này Nguyễn Trãi đã bị bắt và hạ ngục hoặc đã bị nghi ngờ có liên quan đến Trần Nguyên Hãn nên bị bắt, sau lại được tha...
Cũng do thái độ nghi kỵ và hành động sát hại công thần của Lê Thái Tổ, một số đại thần cương trực đã từ quan xin về quê ẩn dật trong đó có Nguyễn Tuấn Thiện vốn là người em kết nghĩa của Lê Lợi thời khởi nghĩa, đã từng giữ chức Ðô tổng quản, Thái bảo quận công và Bế Khắc Thiệu là người tham gia phái bộ Bình Ðịnh Vương trong Hội thề Ðông Quan cuối năm 1427.

Nguyễn Trãi chứng kiến tất cả những bi kịch cung đình đó, ông những muốn lèo lái làm sao để "nhân nghĩa duy trì thế nước yên" nhưng ông hoàn toàn bất lực và lâm vào thế bế tắc "Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải". Ở chốn triều quan thì ông mắng thẳng vào mặt lũ gian thần "sở dĩ có tai nạn ấy chính tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ vét của nhân dân cho nhiều..."

Đối với vua thì ông đòi hỏi phải  "hết lòng yêu thương nuôi dưỡng muôn dân, để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận sầu than"  nhằm để "giữ được cội gốc của nhạc" mà theo quan điểm của ông thì "hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc"

[...]


Xin trở lại với Trần Quốc Vượng: "Cuộc đấu tranh giữa mô hình dân tộc và mô hình kiểu Tàu cho đến khi phong kiến hết thời vẫn chưa chấm dứt..."***. Cuối thế kỷ XIV, xã hội, văn hóa khủng hoảng mà không có đường lối giải quyết. Đúng lúc đó nhân vật Hồ Quý Ly xuất hiện...Ông kiên quyết chống quân Minh, muốn giải Hán hóa nền văn hóa Việt, nhưng ông chỉ mới thổi "tiếng kèn ngập ngừng", sử dụng những biện pháp nửa vời... Tâm thức ông cũng đầy mâu thuẫn giữa hai dòng nước: "Trung Quốc hóa" và "Dân tộc hóa": sau bốn đời lấy họ Lê, ông lại đổi họ là Hồ, truy lên gần 500 năm về trước là gốc Hoa từ Phúc Kiến di cư sang xứ Nghệ; tự cho là dòng dõi Ngu Thuấn bên Tàu để đổi quốc hiệu là Đại Ngu! Ông lại xây dựng một nền độc tài cá nhân. Do không cố kết được nhân tâm, không hòa hợp được dân tộc, mất nước vào tay giặc Minh là điều khó tránh khỏi.

Chính trong bối cảnh đó, Nguyễn Trãi kế tục và phát huy truyền thống dân tộc và thân dân của văn hóa Đại Việt thời Lý Trần, cố gắng để khôi phục và phát triển nền văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách đố gay gắt.

Quả thật, "tìm về dân tộc" và "thân dân" là phương thuốc tích cực nhất để giải nọc độc vọng ngoại, giải Hán hóa. Dân là gốc nước. Đã yêu nước thì phải yêu dân. Một khi đã gắn bó với dân thì tự nhiên nảy sinh lòng tự hào dân tộc".

Ngược lại, không quyết liệt đẩy tới quá trình "giải Hán hóa" thì khó để củng cố, phát huy lòng tự hào dân tộc và đường lối thân dân! Đây là bài học nằm lòng với người trí thức Việt Nam.
Điều này đâu chỉ đúng với thời Nguyễn Trãi mà càng là một nguyên lý không thể bàn cãi với hôm nay, khi điểm quy chiếu chính tà là thái độ đối với quân xâm lược, là kiên quyết tiếp tục quốc sách "giải Hán hóa" của tiến trình văn hóa dân tộc mà ông cha ta bao đời gây dựng.

[...]

Ngược trở lại với cuối thời Trần, một ông vua của thời suy vong như Trần Dụ Tông vẫn kiên quyết khẳng định "Miếu hiệu tuy đồng, Đức bất đồng" mà Trần Quốc Vượng bình rất xác đáng: "Đồng ở cách, bất đồng ở cốt, giống nhau ở phần biểu kiến, hiện tượng - kết quả của "Trung Quốc hóa", hội nhập văn hóa vời Trung Quóc trên bề mặt - khác nhau ở phần tiềm ẩn, bản chất - kết qủa "Dân tộc hóa", "giải Hán hóa" dưới bề sâu.

Hiểu được điều đó, kẻ thù tìm mọi cách để phá cho sạch cái sức "tiềm ẩn", cái "giải Hán hóa" dưới bề sâu" ấy.

Các thế lực phong kiến phương Bắc trăm phương, nghìn kế thực hiện quyết sách nham hiểm đó. Chỉ cần dẫn ra một sắc chỉ ngày 21.8.1406 của Minh Thành tổ gửi tướng viễn chinh Chu Năng đủ nói lên điều này  "...Một khi binh lính vào nước Nam...hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loaị sách có câu "thượng đại nhân, khưu ất kỷ" ...một mảnh, một chữ đều phải đốt hết...Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn..."
Có hiểu thủ đoạn ác độc này của kẻ thù mới càng thấm thía tư tưởng mở đầu cho Bình Ngô Đại cáo: "Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực thi văn hiến chi bang". Điều này khẳng định niềm tự hào và cũng là điểm tựa vững chắc của Nguyễn Trãi trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp của ông và càng hiểu rõ hơn sự quyết liệt của định hướng "giải Hán hóa" trong nhận thức của nhà văn hóa số một của đất nước. Đáng tiếc là, định hướng ấy chưa nhận được sự tiếp sức và đẩy tới của các triều đại nhà Lê, kể cả thời cực thịnh.
Chỉ nói riêng triều Lê Thánh Tông, một triều đại để lại nhiều thành tựu trong lịch sử , thế nhưng về chính trị thì lại củng cố chế độ trung ương tập quyền theo hướng chuyên chế, về tư tưởng thì theo hướng độc tôn Nho giáo, bài xích Phật, Đạo và tín gưỡng dân gian, về văn hóa thì cũng dần dần xa rời vốn liếng dân gian. Tinh thần kỳ thị tôn giáo, chuyên chế tư tưởng hết sức nặng nề. Nền văn hóa chính thống ngày càng rơi dần vào quỹ đạo của văn hóa phong kiến Trung Quốc. Mà đã đi vào quỹ đạo này thì làm sao mà "thân dân" được? Đấy cũng là cội nguồn thảm kịch của người trí thức, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc thế kỷ XV như đã nói ở trên.
Thật ra thì thảm kịch ấy không sao tránh được vì đó chính là quy luật của sự tha hóa quyền lực, một quy luật muôn đời như sự đúc kết của Lord Acton, nhà sử học Anh thế kỷ XIX: "Quyền lực có xu hướng tha hóa. Quyền lực tuyệt đối thì sự tha hóa cũng tuyệt đối" [Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely]. Mà sự tha hóa lớn nhất là sự bám chặt lấy quyền lực để mở rộng vô hạn độ quyền lực ấy. Sự thanh toán lẫn nhau của những người giành giật quyền lực là mang tính quy luật. Quy luật ấy cũng chẳng dành riêng cho chế độ phong kiến.
 Xin gợi lại đây một tư liệu về các cuộc thanh trừng đẫm máu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ "Xây dựng  XHCN mang màu sắc TQ": Các kiểu hạ bệ lãnh đạo cao cấp TQ hết sức đa dạng, có kiểu hạ bệ nhanh, lại có kiểu hạ bệ chậm. Có kiểu hạ bệ trực tiếp, lại có kiểu hạ bệ gián tiếp. Có kiểu hạ bệ bình thường, lại có kiểu hạ bệ bất thường. Có kiểu hạ bệ làm ra vẻ “dân chủ” – họp hội nghị TW, phê phán, vạch trần khuyết điểm, lại có kiểu hạ bệ “phản dân chủ”, tóm cổ đối thủ tại chỗ. hoặc buộc đối phương “tự nguyện” rút lui, đột ngột làm đảo chính, bắt giữ toàn bộ đối phương.
Lâm Bưu – người thừa kế Mao Trạch Đông từng phân tích : vật tự nó thối rữa trước, rồi mới sinh giòi bọ. Đề phòng đảo chính phản cách mạng thì vấn đề chính là nắm chắc nhân tố trong nước. Giữa Trung ương và địa phương thì lấy Trung ương làm chính, giữa trong nước và ngoài nước thì lấy trong nước làm chính, giữa trong đảng và ngoài đảng thì lấy trong đảng làm chính, giữa trên và dưới thì lấy trên làm chính. Trọng điểm là trong nội bộ, là ở thượng tầng. Thế nhưng chính ông ta bị Mao hạ bệ.
Mao chọn chiến thuật không đánh trực diện vào Lâm mà đánh vào các tướng tá, trợ thủ của ông ta trước. Đầu tiên là buộc Trần Bá Đạt phải kiểm thảo tại Hội nghị Trung ương, tiếp đó cho phê phán bốn viên đại tướng của Lâm là Hoàng, Ngô, Lý, Khưu.
Lâm Bưu hiểu rất có thể mình sẽ bị hạ bệ nên đã ra tay trước. Kết cục là phải cùng vợ con lên máy bay chạy trốn và bị rơi trên đất Mông Cổ.
Rồi chuyện hạ bệ La Thụy Khanh Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân TQ cũng na ná như vậy. Hội nghị vừa khai mạc thì Bành Chân đập bàn nói, La Thụy Khanh, anh đã phạm sai lầm, hôm nay trước hết để cho anh tự xử mình. Và rồi chưa đầy nửa năm sau, sự việc giống hệt như thế lại xẩy ra với Bành Chân. Tại hội nghị Bộ Chính trị, Lưu Thiếu Kỳ nghiêm mặt nói: “Vấn đề đồng chí Bành Chân vô cùng nghiêm trọng, là tạo ra một vương quốc độc lập với Trung ương đảng, là phản bội Mao chủ tịch. Tôi cảnh cáo đồng chí, hôm nay chớ nuôi ảo tưởng, hãy thật sự hối cải, nếu không số phận sẽ như La Thụy Khanh vậy”. Chưa đầy nửa năm sau, sự việc giống hệt lại xẩy ra với Lưu Thiếu Kỳ. Tại hội nghị Trung ương, Trần Bá Đạt phát biểu: “Mấy chục năm qua, Lưu Thiếu Kỳ luôn vỗ ngực là nhà lão thành cách mạng. Tôi thấy ông ta không phải lão thành cách mạng mà là lão bại cách mạng". Thế là Lưu Thiếu Kỳ bị hạ bệ, bị đày đọa cực kỳ dã man. Tình huống giống hệt lại đến với Trần Bá Đạt – nhà lý luận “thiên tài”,  chuyên gia thảo các báo cáo chính trị cho Đại hội đảng!
Còn việc Đặng Tiểu Bình "ba lần vào ra Trung Nam Hải" quả là một “kỳ tích” về "phê và tự phê" gắn với thanh toán chính trị chỉ có thể xảy ra ở xứ sở mà "tranh bá đồ vương" diễn ra như cơm bữa , được Mao kết luận : "đấu tranh với người là niềm vui lớn"! Ngay sau khi Mao nằm xuống là cuộc thanh toán quyết liệt giữa liên minh Diệp Kiếm Anh – Hoa Quốc Phong và “bè lũ bốn tên”: Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên. Nếu chỉ họp hội nghị Trung ương, phê phán rồi bỏ phiếu tín nhiệm e không được, Diệp quyết định dùng biện pháp đặc biệt, bắt giữ “bè lũ bốn tên”, rồi mới họp Bộ Chính trị, báo cáo tình hình. Diệp đã thực thi phương châm của Lâm Bưu nêu ở trên :  "giữa trong đảng và ngoài đảng thì lấy trong đảng làm chính, giữa trên và dưới thì lấy trên làm chính, trọng điểm là trong nội bộ, trước hết ở thượng tầng"!
Gần đây nhất vụ Bac Hy Lai cho thấy sự thối rữa trong nội bộ giới cầm quyền Trung Quốc không còn che dấu được nữa. Bạc là "ngôi sao đang lên" với hứa hẹn chiếm được một ghế cao trong Thường vụ Bộ Chính trị, là người đứng đầu một thành phố vào loại lớn nhất phất lá cờ chống tham nhũng và chống xã hội đen quyết liệt nhất, nhưng rồi sự việc vở lỡ cho thấy y là tên trùm mafia lớn nhất mà mức độ tham nhũng và tội ác dựa trên quyền lực đã vượt quá mọi giới hạn đạo đức là chưa có tiền lệ xét về quy mô và phạm vi trong lịch sử Trung Hoa đương đại.
Bất chấp những nỗ lực của giới cầm quyền cố giải thích rằng "đây chỉ là hiện tượng riêng lẻ và hy hữu", nhưng theo học giả Cheng Li trong bài viết "Hồi kết cho chế độ chuyên quyền bền bỉ của Đảng Cộng sản Trung Quốc" đăng trên "The China quartely", 211, September, 2012, thì tham nhũng dựa vào quyền lực đang tràn lan, đặc biệt với sự tham gia của gia đình các lãnh đạo cấp cao chứng tỏ đây là sự suy đồi của "chủ nghĩa tư bản thân hữu" [quanggui sibenshuy] Trung Quốc hiện đại.
Hiện tượng Bạc Hy Lai cho thấy vụ "xì căng đan" này là một khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ năm 1989 với sự kiện Thiên An Môn, đang đặt ra những thách thức lớn cho uy tín và sự chính danh của Đảng CSTQ!
Giá Phùng Mộng Long, tác giả của "Đông Chu Liệt Quốc" sống lại thì nguyên liệu thực tế chỉ của hơn nửa thế kỷ, chứ không phải dài hơn 400 năm kể từ đời Tuyên Vương nhà Chu cho đến đời Tần Thủy Hoàng, đủ để ông viết nên một bộ "CHXH mang màu sắc Trung Quốc" còn hấp dẫn hơn nhiều. Vì, nhân vật Mao thì cũng nham hiểm, tàn bạo còn hơn Tần Thủy Hoàng, còn những kiểu Lã Bất Vi hiện đại cũng đa dạng và sống động hơn nhiều với tài đánh hơi nhận ra những Tử Sở để mà buôn! Đương nhiên, lịch sử dường như lặp lại song trên một vòng xoay trôn ốc, với những màu sắc mới, diện mạo mới. Trút bỏ gánh nặng lịch sử này quả thật dai dẳng cho đến tận bây giờ với những biến thái cực kỳ phức tạp đòi hỏi một sự tỉnh táo của trí tuệ dân tộc nhằm tỉnh thức những người đang chìm đắm, có thể là vô thức nhưng thường là hữu thức, vì những lợi ích rất nhày nhụa được khoác cho những tấm áo mỹ miều.

Còn phức tạp hơn nữa với công cuộc "giải Hán hóa" của buổi hôm nay khó khăn gấp bội. Vì vậy, nói đến cùng, trong vị thế địa-chính trị trứng chọi đá quá trình ông cha ta dựng nước và giữ nước cũng là quá trình "giải Trung Quốc hóa" [dé-sinisation] với những lưỡng lự và những nghịch lý của lịch sử, thậm chí của từng nhân vật lịch sử". Quá trình "giải Hán hóa" với nội dung mới gay go phức tạp hơn trong bối cảnh đầy biến động khó lường của thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống.

Xin kết thúc bài viết này bằng lời của Võ Nguyên Giáp trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 600 sinh Nguyễn Trãi tại Hà Nội năm 1982 : " Nguyễn Trãi nói: "Thời! Thời! Thực không nên lỡ"*** với nhận thức rằng không thể bỏ lỡ thời cơ khi mà Viêt Nam đang đối diện với những điều kiện mới để tự lực, tự cường, thoát khỏi vòng kiềm tỏa, chi phối của các thế lực bên ngoài, cùng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp thành sức mạnh răn đe, ngăn chặn và làm thất bại mọi mưu đồ bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán. Đó là cách thiết thực tưởng nhớ và noi gương người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Thế giới, người trí thức số một trong lịch sử dân tộc.
Bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ đau đớn nhất mà lịch sử phải gánh chịu.


’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’

*Những trích dẫn thơ chữ Hán và thơ Nôm của Nguyễn Trãi đều lấy từ "Tổng tập Văn học Việt Nam', Tập 4. NXBKHXH. Hà Nội, năm 2000.
** Báo Nhân Dân ngày 19.9.1962
***Kỷ Niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi. NXBKHXH.Hà Nội 1982, tr.96, tr.99, tr.110 và tr.35