“GIÁO DỤC : ĐỔI MỚI CÁI GÌ ! ”



“GIÁO DỤC : ĐỔI MỚI CÁI GÌ ! ”


Hồ ngọc Nhuận

chinbayhaihai


Lại một lần nữa tôi nghe người ta nói về “Đổi Mới Giáo Dục”. Đây là lần thứ mấy tôi không nhớ , mà hình như mỗi năm ít nhất là một lần, thường là vào mùa nầy,  mùa tựu trường. Và  lần nào cũng như lần nào , người ta đều “kiến nghị” nhiều thứ cần đổi mới. Lên  “cấp trên” .

Nghe người ta nói nhiều, nói mãi … về giáo dục , thì có thể  tưởng cái giáo dục ở đây ít ra nó cũng là cái có chút ít dân chủ. Và “cái cấp trên” ở đây cũng chút ít là “cái có giáo dục dân chủ”.

Và thỉnh thoảng tôi cũng có tham gia. Vì chút ảo tưởng người ta còn chút ít muốn  nghe nói thật về giáo dục. Như đôi điều nói thật xin trích lại dưới đây , trong một bài tôi viết cách đây 6 năm :

 “… Chỉ lấy một ví dụ duy nhất ở vùng  ĐỒNG BẰNG SÔNG CỮU LONG  thôi cũng thấy đau lòng đến mức nào. Một vùng có khả năng và trên thực  tế sản xuất lương thực nuôi sống cả nước và làm giàu cho cả nước về xuất khẩu gạo, nhưng lại được đánh giá là tụt hậu nhất nước về giáo dục.
Vì người ta đã phải thừa nhận ngân sách giáo dục vốn eo hẹp cho vùng nầy đã bị cắt xén không thương tiếc trong nhiều năm, vì vùng nầy đã “đạt thành tích phổ cập giáo dục từ tiểu học đến cấp Trung Học  Cơ Sở”, và vì nhiều thành tích khác… 

Một tụt hậu so với tụt hậu chung đáng buồn của cả nước, và so với tụt hậu của các vùng kém tiềm năng phát triền nhất nước, là một điều không thể chấp nhận được và đáng hổ thẹn cho những ai có trách nhiệm.

“…Không thể nại lý do đất nước còn nghèo để cắt xén ngân sách giáo dục , đặc biệt là giáo dục ở bậc tiểu học . Chính vì muốn sớm thoát nghèo mà càng phải ưu tiên cho giáo dục, nhất là cho giáo dục cơ bản và tiểu học. 
Không thể nại lý do kém phát triển, thiếu ngân sách  để bỏ bê nền giáo dục tiểu học, vì từ những năm 60  của thế kỷ trước cho tới nay, Quốc tế và các Quỹ đặc biệt của các Tổ chức Quốc tế, từ chánh trị, kinh tế , tài chánh, phát triển, nhi đồng, giáo dục, đến xóa đói giảm nghèo… đều liên tục viện trợ và tăng cường viện trợ ưu tiên cho Giáo dục Tiểu học ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Cộng với nhiều nguồn tài trợ đa phương và song phương khác…Rất nhiều kế hoạch quốc tế với mục tiêu cụ thể giải quyết riêng vấn đế gia tăng sĩ số học sinh trong các lớp tiểu học đã liên tục  được vạch ra cho nhiều vùng , nhiều nước , trong đó có Việt nam, với nhiều phương tiện đáng kể đổ ra cho các nước sử dụng…”

 ( HNN, trích báo CG&DT, 29-8-2006 ) .

*************

Từ đó cho tới nay tôi mới lại “tham gia” một lần nữa . Mà lần nầy thì  tôi xin gởi đến các bạn tôi  gần như vỏn vẹn chỉ có cái tựa đề “GIÁO DỤC : ĐỔI MỚI CÁI GÌ ! ”. 

Đây không phải là một dấu hỏi ( ? ). Để các bạn hay ai đó phải trả lời. Mà là một dấu than ( ! ). Không phải để “thở than”. Mà để nói rằng : giáo dục ở đây đã “hết thuốc chửa”, đã không thể nào đổi mới được cái gì hết. 

Càng nói đổi mới giáo dục, càng làm đổi mới giáo dục, trong tình hình như từ trước tới nay, càng làm cho “đống xà bần giáo dục” thêm ngỗn ngang, chất ngất.Trừ phi  là phải thay đổi cho được,  trước đó, một cái khác, toàn diện hơn, bao trùm hơn…

Tại sao ?

Bởi vì  đó không chỉ là một nền giáo dục với nói dối là  “khuyết  tật” bẩm sinh, như nhiều người đang nói, mà đích thị là một nền giáo dục “ thảy bài ba lá ”  : thảy bài ba lá với trẻ thơ Việt Nam, thảy bài ba la với dân đen Việt Nam và  cả với các tổ chức giáo dục quốc tế.

Trong khi tất cả các nước độc lập trên khắp thế giới đều triệt để áp dụng chế độ giáo dục cưỡng bách và không phải trả tiền ít nhất ở bậc tiểu học, coi đó vừa là nền tảng vừa là   vinh dự hàng đầu của một quốc gia thật sự độc lập, _  để phân biệt  với  chế độ giáo dục  phổ cập có lấy tiền ở các bậc học khác , và Quốc Tế luôn nêu cao cùng hổ trợ với nhiều phương tiện cụ thể cho nổ lực giáo dục căn bản đó , thì Việt Nam luôn tự hào về thành tích phổ cập giáo dục tất tần tật có tính tiền ở tất cả các cấp, đặc biệt từ cấp tiểu học. 

So với số tiền mà gia đình các cháu thiếu niên nhi đồng phải trả để được nhà nước Việt Nam cho “phổ cập giáo dục” ở bậc tiểu học, thì cái giá mà các  ông bà tiến sĩ, thạc sĩ  phải trả, nghe đâu  để mua bằng , ở cái “chợ học” Việt Nam và vài nơi khác ở nước ngoài, là quá rẻ.

Một nền giáo dục quốc gia ăn tiền răn rắc, từ dưới lên trên, đều khắp trên cả nước, gần hết nửa thế kỷ qua. Tài thật ! Đem so với nền giáo dục thuộc địa ngày trước thì không biết ai hơn ai.

Bằng chứng ?

Xin hãy xem lại từng bảng công bố đạt “ thành tích  phổ cập giáo dục có lấy tiền” từ cấp tiểu học đến các  cấp cao hơn, trong từng vùng và  trên cả nước, người ta đã phổ biến trong từng năm qua.

Xin hãy đối chiếu cái “ thành tích” đó ở Việt Nam, với những gì mà các Tổ chức Giáo dục Quốc tế trong hằng chục năm qua đã vạch ra, đã tài trợ, cho cả Việt Nam, và Nhà nước Việt Nam đã cam kết thực hiện.

  ( HNN,17-10- 2012).






Hồ ngọc Nhuận

Nguyên dân biểu đối lập QH .VNCH
( Đơn vị Sàigòn 1967-1975)        
Nguyên  Giám đốc chánh trị - Chủ bút Nhựt báo Tin  Sáng
 ( Sàigòn 1968-1971 ; TP Hồ chí Minh 1975-1981 )
 Nguyên Phó CT UB MặtTrận DânTộc Giải Phóng Khu Sg-GĐ khóa  III  
 Phó CT UBMTTQVN.TP Hồ chí Minh
 từ ngày hợp nhất các tổ chức MặtTrận cho tới nay