DUYÊN ANH - TRẠI TẬP TRUNG





baybonmotba
[...]
Cuối cùng, chúng tôi đã về trại. Đồ đạc trong túi bầy từng món ra sân cỏ. Các vị thầy xúm quanh khá đông. Không có màn đổ thịt, đổ mắm vào chậu khoắng, nguấy như ở đề-lao Gia Định. Trực trại nghi-ngờ món nào, cầm lên và hỏi. Sau đây là hài-kịch ngắn khám đồ thăm nuôi của học trò lần đầu có thăm nuôi và các ông thầy quản-giáo vệ-binh từ Bắc vô thẳng rừng già Sa Ác.

Ông thầy (cầm cuộn giấy Kiss me lên ngắm nghía) : Giấy vấn thuốc rê, hả?
Học trò: Thưa cán-bộ, giấy đi cầu ạ!
Ông thầy (liệng cuộn Kiss me xuống): Chùi đít ?
Học trò: Dạ!
Ông thầy (nhìn gói lạp xường, bắt gỡ ra): Con gì nạ thế lày, không đầu, không đuôi, đỏ hỏn!
Học trò: Thưa cán-bộ, con lạp-xường.
Ông thầy: Miền Nam các anh ăn dơ dáy quá! (Cầm gói bột mầu nâu lên ngửi) Còn cái này?
Học-trò: Xô-cô-la bột
Ông thầy: Xô-cô-na nà đất Tây à?
Học trò: Dạ. đất Tây.
Ông thầy: Vớ vẩn, đất Tây mà cũng thăm nuôi?

Hài-kịch còn dài nhưng nên kéo màn ở đây.

Các ông thầy gốc gác bần-cố-nông. Vì hai mươi năm xã-hội chủ-nghĩa miền Bắc nghèo-nàn quá nên con người hóa ngu dốt một cách tội-nghiệp. Thời đại các thầy lớn lên, cái “nôi của dân tộc” chỉ còn ngô, sắn, khoai, gạo hẩm và mì sợi luộc. Thức ăn là rau muống với nước chấm. Nước mắm đã tuyệt tích, đã bị “đấu tố”, đã bị “tiêu diệt” sạch sẽ. Trên những bức tường phố vắng của Hà nội, “thủ-đô của phẩm-cách con người”, dân-gian vẽ cái xe đạp không đèn, không chuông, không phanh, không gác-đờ-bu, gác-đờ-sên”, chỉ có “poọc-ba-ga”. Trên “poọc-ba- ga” vẽ ba bó rau muống, dùng lời hát cách-mạng ghi chú cho từng bó. Một bó “cho ngày nay”. Một bó “cho ngày mai”. Một bó cho “muôn đời sau” .
Rau muống được các nhà khoa-học dinh-dưỡng của Đảng ca-ngợi trên báo Nhân Dân, cơ-quan trung-ương Đảng cộng-sản Việt Nam ”là thức ăn bổ hơn bất cứ thức ăn bổ nào. Nó gồm đủ sinh tố từ A đến Z.
[..]
Ông nhà văn Nguyễn Tuân cảm khái viết một tùy-bút rau muống. Câu kết suýt bị kiểm điểm: rau muống ngon và bổ thế mà bọn miền Nam ngu-xuẩn lại cứ đem xào với thịt bò.
Nông dân vốn hiền-lành, chất-phác. Bị Đảng giáo-dục cho ngu-si đần-độn, bị Đảng bỏ đói, ngàn năm chỉ mơ ăn no mặc bền, không dám tơ tưởng ăn ngon mặc đẹp.

Vậy bạn chế riễu sự ngọng-nghịu, sự ngu dốt, sự nghèo khổ hay bạn chống đối bọn làm cho con người ngọng-nghịu, ngu dốt, nghèo khổ?

Bạn đòi tiêu diệt chế-độ cộng-sản, chủ-nghĩa cộng-sản, lãnh-tụ cộng-sản hay những con người bộ-đội, công-an, công-cụ và nạn-nhân của chế-độ cộng-sản?

Tôi chống đối chủ-nghĩa cộng-sản, không chống đối con người trong chủ-nghĩa cộng-sản. Tôi chống đối chế-độ và lãnh-tụ cộng-sản, không chống đối con người bị chủ-nghĩa, lãnh-tụ và chế-độ cộng-sản làm mê sảng, ngu dốt, mất dần nhân-tính. 

“Tôi thì chỉ ghét cay đắng chủ- nghĩa, các thứ chủ-nghĩa. Tôi nghĩ, chính các chủ-nghĩa và tham-vọng mù lòa của nó đã đầy-đọa con người, đã làm con người hèn-hạ, mất-mát lương-tri.
Nhưng mà chủ-nghĩa đã tàn-sát chủ-nghĩa. Chủ-nghĩa đã chết. Chủ-nghĩa sẽ chết.
Con người tồn-tại vĩnh-cửu, bất kề con người tư-bản hay con người cộng-sản. Lý-tưởng và bổn-phận của thi sĩ là phải thức tỉnh những người đánh mất lương-tri làm người chứ không cổ võ chém giết họ, hủy-diệt con người. Thơ là thông-điệp của cảm-thông, của hy-vọng, của tình-tự và của gần-gũi. Thơ không bao giờ là tín-hiệu của bom dội, hỏa-tiễn bay, đạn nổ và mã-tấu vung lên. Cuối cùng, thơ không phải là tiếng nói của thù-hận”. (Thơ Tù – Nam-Á Paris, 1984)

Như thế, không những tôi không thù-hận những người quản-giáo vệ-binh mà còn thương-hại họ. Thương người là một cái tội. Thương người bị nhiều người thù ghét càng là một trọng tội.

[...]

Tôi nhìn và nghĩ về những người coi tù, những người trực-tiếp hành-hạ tôi khác hẳn tôi nhìn và nghĩ về chủ-nghĩa và lãnh-tụ cộng-sản và bọn tội đồ của miền Nam cùng lũ văn-học nghệ-thuật gian dối, hèn mọn, bầy ngự-sử giẻ rách với nhân-sinh-quan ruồi nhặng.
Và tôi đã mủi lòng khi một vệ-binh hỏi tôi:

- Con không đầu không đuôi đỏ hỏn nướng sao thơm thế, cho tôi ăn thử một miếng được không?
Ăn xong thì người vệ-binh này phát biểu:
- Ngon hết ! Nào, nướng cho tôi xin cả con nhé!

Câu phát biểu não nùng hơn Cu Lặc, trong O chuột của Tô Hoài thuở thực-dân đô-hộ, về sự ăn miến: – Vừa mới luốt qua cổ họng  đã trôi tuốt xuống tận củ tỉ ?

[...]

Tôi bỗng thấy cái tư-tưởng chiến-đấu tạo hạnh-phúc cho con người là tuyệt-diệu.
Phải cần-thiết một chiến-thắng không còn thù-hận giữa con người với con người. Phải cần-thiết một chiến-thắng không còn thù-hận giữa người Việt Nam với người Việt Nam.
Phải chấm dứt thời-đại mê sảng, thời-đại thù-hận, thời-đại u tối trên quê-hương Việt Nam.

Trong ý nghĩ ấy, tôi khó lòng ghét bỏ những kẻ không có quyền bắt tôi, không có quyền tha tôi...
[...]