Dương Bích Liên (1924-1988)





CÓ MỘT VAN GOGH VIỆT NAM - Hoạ sỹ Dương Bích Liên (1924-1988)


TÔ HẢI


Đáng lý, đáng tình ra, ở thời điểm này,các nhà lý luận,các nhà phê bình nghệ thuật nếu có “tầm cỡ”phải làm cái việc “bạch hoá” cái chết của ông. Phải viết những sự thật về ông bằng những lới lẽ cụ thể, ít “ấn tượng chủ nghĩa”, ít” trừu tượng chủ nghĩa” , ít “xa xôi chủ nghĩa”, ít “lơ mơ chủ nghĩa” và ít… “hèn sỹ chủ nghĩa” hơn những bài đã được công bố thì..chẳng hiểu sao, chẳng anh nào dám cả gan nói lên cái sự thật mà ai cũng biết,…. Đó là: lần đầu tiên ở nuớc Việt Nam có một văn nghệ sỹ, sau khi xin ra khỏi Đảng, đã tự tử (hay tự xử?)mình bằng cách…nhịn ăn và chỉ uống rượu trong 30 ngày(?), tiêu huỷ toàn bộ tác phẩm còn lưu giữ, tài liệu, thư từ, bản thảo, ghi chép….rồi ra đi không một lời nhắn nhủ gì cho bạn bè, hậu thế…

Phải chăng vì ông đã trót “ bị” (hoặc “được “?) trao giải thưởng cao nhất của Nhà Nước (giải thưởng Hồ chí Minh) mà cái chết của ông phải được xếp vào loại “chết bình thường”? Phải chăng viết về cái “tự chết” của ông sẽ gây nên những cú sốc lớn trong giới văn nghệ sỹ trẻ đương thời! Họ sẽ phải suy nghĩ về lương tâm và trách nhiệm của họ khi định mệnh đã giao cho họ làm “lương tâm của thời đại”, làm “kỹ sư của tâm hồn”, làm những “cánh chim báo bão” mà cuối cùng, chẳng làm được cái gì cả hoặc…lỡ ra, có ai đó lại bắt chước ông mà…” tự ra đi” nữa thì…nguy hiểm quá!
Dương Bích Liên lúc sinh thời
đi đâu cũng ôm cái mũ cối trên tay


Với một niềm…KHÔNG TIN VÔ HẠN vào cái đầu, trái tim và …lá gan của mấy bố “ văn nghệ sỹ công chức nhà nước”, (mà khối bố gần tuổi thấp tuần rồi đến hôm nay vẫn kiên trì tại vị “một tấc không đi một ly không rời), cũng như lớp “văn nghệ sỹ kinh thế thị trường”, tớ nhân danh ngươì gần nhà (cách chưa đầy 100 mét) , người đã nghe, đã thấy, đã biết và đã kính phục ông : hoạ sỹ DƯONG BÍCH LIÊN, tớ cần phải viết lên đôi dòng theo kiểu : “Đi tìm cái tôi đã mất’’ nhưng không phải bằng cách Nguyễn Khải đã có ý thức tự nguyện đánh mất cái tôi để… “ kiếm miếng ăn cho vợ con” đến tận cuối đời, nên chẳng bao giờ Nguyễn Khải còn tìm đựoc cái tôi khốn khổ ấy nữa!  

Ông, người hoạ sỹ vì KHÔNG CHỊU ĐÁNH MẤT CÁI TÔi mà chọn
con đường câm lặng cho đến lúc trở về với hư vô! Xin lỗi hương hồn ông (may mà ông không vợ, không con nên tớ được thoải mái viết tất cả những gì tớ suy nghĩ về ông mà không sợ bị kiện ra toà, kể cả Ban Xét Duyệt Giải Thưởng Hồ Chí Minh nếu bây giờ mới té ngửa ra là : ông là người hoạ sỹ duy nhất KHÔNG CÓ MỘT TÁC PHẨM NÀO PHỤC VỤ CÁCH MẠNG CẢ (!!!) trừ bức “HÀO” thì bị đủ thứ “ý kiến”, rồi cuối cùng, dù đã có ”hai quả tên lửa của cụ Nguyễn Tuân” thêm vào, vẫn bị loại khỏi cuộc triển lãm tranh chống Mỹ Cứu nước!

…Cho nên, nhân danh một người đương thời cùng ông, (dù tớ sinh sau ông 3 năm), nhân danh một người vô cùng kính trọng ông cả trong nghệ thuật lẫn tư cách một nghệ sỹ, tớ đành phải “nhảy xổ” vào một lãnh vực mà không thiếu các vị học vị đầy mình, đến hôm nay, vẫn kiên trì với phương châm “ im lặng là vàng!”

Tớ đánh bạo, nêu lên những gì tớ đã nghe và thấy, sau cuộc triển lãm cuối cùng mà nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã tổ chức tại bảo tàng- nhà riêng của anh tại Sài Gòn nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của hoạ sỹ Dương Bích Liên đáng kính…Mong đuọc nhiều văn nghệ sỹ có mặt tại cuộc triển lãm tư nhân khá hoành tráng và cảm động này, trong thời thế khá thuận tiện hôm nay, hãy lên tiếng bạch hoá về cuộc đời “chẳng có gì là bí hiểm”của một người nghệ sỹ tài danh nhưng …BẾ TẮC …đến mức…phải chọn cách tự tử…

Có thật là Dương Bích Liên bế tắc không? Bế tắc về cái gi? Tại sao mà bế tắc? Nói với nhau thì nhiều nhưng chưa có ai dám viết , dám phân tích cho đến ngọn nguồn cuộc đời sáng tác và nhân cách của một văn nghệ sỹ mà cái giải thưởng to nhất nước tặng ông sau khi ông đã qua đời (1988) được 4 năm (2002) không hề là “tấm bia mộ sang trọng cắm lên môt đời văn đã tới hồi phải kết thúc” như Nguyễn Khải tự nhận định về mình . Trái lại, ông xứng đáng là người được tôn vinh nhất trong giới văn nghệ sỹ miền Bắc vì ông đã chọn con đường SỐNG VÌ NGHỆ THUẬT ĐÍCH THỰC và là “người đầu tiên không hài lòng với các tác phẩm, với công việc sáng tạo của bản thân và tự kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhịn ăn….” cho đến chết (trích DƯONG BÍCH LIÊN của Nguyễn Hào Hải và Trần Hậu Tuấn- Nhà Xuất Bản Mỹ Thuật- 2003)… Ông không điên như Van Gogh “đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Bằng một ý thức rất rõ ràng ông thấy rằng không nên trì hoãn cuộc đời như vậy mãi (*)….”…khi “mọi niềm tin trong ông đều đổ vỡ dần,Và điều kinh khủng đối với ông là ông vẫn sáng suốt để chứng kiến sự đổ vỡ từng ngày…”( vẫn trích tài liệu trên) Ông sáng suốt đốt hết tài liệu, thư từ, ghi chép và còn biết dặn lại người bạn thân nhất của ông” , nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải là : “có nguyện vọng muốn được ra đi trong lặng lẽ, đưa tang có lẽ chỉ cần đặt quan tài lên một cỗ xe ngựa đơn sơ, và rời thành phố vào sáng sớm, theo tiễn chỉ càn một đứa trẻ ăn mặc chỉnh tề” (trích ghi chép của Nguyễn Hào Hải-cũng ở tài liệu trên)…

Vậy thì lịch sử sẽ nhận xét thế nào về DƯONG BÍCH LIÊN ?

Với tớ thì:

DƯƠNG BÍCH LIÊN LÀ NGƯÒI NGHỆ SỸ ĐÍCH THỰC ĐAU KHỔ VÀ DŨNG CẢM DUY NHẤT CỦA MIỀN BẮC VIỆT NAM:
Muốn đánh giá đúng một Dương Bích Liên, tớ không dám bình luận gì nhiều về tác phẩm của ông. Vả lại có mấy ai đã được xem toàn bộ tác phẩm của ông, nếu không có cuộc triển lãm tư nhân Trần Hậu Tuấn tổ chức tại Saigòn năm 2003 mà bình với luận!
Ở đây, có lẽ lần đầu tiên, một số người hâm mộ ông (trong đó có tớ), được mời đến để thưởng thức, suy nghĩ và cảm phục ông qua những tác phẩm còn lại trong tay bạn bè, người thân…Có tác phẩm bị “ trôi nổi” sang tận nước ngoài cũng được trở về góp mặt. Có những tác phẩm người ta chỉ “nghe” chứ chưa” thấy” bao giờ! Tớ xin nhường phần việc đánh giá nghệ thuật cho các nhà lý luận phê bình thừa hiểu biết nhưng…viết chưa đến nơi.

Tớ chỉ có mấy nhận xét thật "liều mạng” như sau, ngay trong buổi tiệc đứng tại sân nhà Trần Hậu Tuấn :

1- Té ra : Suốt hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm , tuy “đi theo Cách Mạng”, Dương Bích Liên chẳng hề có một tác phẩm nào “chiến đấu và sản xuất” cả, ngoài tấm “Bác Hồ qua suối” mà khi xem thấy cứ vẫn buồn ơi là buồn:Một ông cụ già đơn độc và một con ngưa nhỏ tí giữa bạt ngàn rửng xanh xám và một giòng suối hung dữ !Không một bóng người nào bên cạnh ông già!?

2- Ngay cái vinh dự to lớn và thèm muốn của không biết bao người khác là được cử lên sống cạnh bác Hồ cả ba tháng trời để vẽ Bác, Dương Bích Liên cũng…chịu thua, và… rút lui trần xì có một bản ghi chép không bao giờ trở thành tác phẩm?!

3-Chẳng những trong kháng chiến chống Pháp, Dương Bích Liên cũng chẳng để lại gì , dù là một esquisse,ngay trong cuộc chiến chống Mỹ, dù được tổ chức đi thực tế dưới bom đạn cùng Huỳnh văn Gấm, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung (toàn là các “mét”cả). Khi trở về, ông chỉ có một “Chiều biên giới”,mà theo tớ, nó buồn đến lạnh người, không một mầu sáng, trừ mấy cọng cỏ lau bị gió thổi sắp đổ ngã về phía bên kia biên giới không một bóng người!? Chẳng thấy quân ta anh dũng tuyệt vời, chẳng thấy anh công nhân mỏ đang hì hục “mỗi người làm việc bằng hai” hoặc “rời hầm lò là sẵn sàng trên mâm pháo”như một số hoạ sỹ khác đã vẽ!

4- Tác phẩm có dính líu đến chiến tranh nhất lại là “tác phẩm có vấn đề” nhất! Đó là “HÀO”. Tớ đứng rất lâu trước tác phẩm này để cố “ đọc” lên những gì mà tác giả muốn gửi gấm vào đây. Tớ chỉ thấy…Buồn và…lạnh đến rùng mình ! Lần đầu tiên, tớ thấy trong tranh ông có bóng dáng Con Người. Nhưng là những con ngưòi bất động, súng không cầm tay mà đeo ngang lưng, chẳng ra tiến mà cũng chẳng ra lùi, dường như chấp nhận số phận sẽ đựoc “ hào” chôn vùi, những đường hào quá sạch sẽ có góc vuông y hệt những…quan tài! Đến một người yêu ông như tớ còn “phê bình nghệ thuật thật thà đến giết ông như chơi” như thế huống hồ mấy nhà “cần cân nẩy mực” nghệ thuật chẳng lắm ý kiến đến nỗi “Hào”phải đi sơ tán ở những nơi “có tín nhiệm”như tạm trú tại nhà Tô Hoài, Nguyên Hồng,... để rồi cuối cùng, các “ lái buôn tranh”tiếm danh “nhà sưu tập” (mà người kiếm chác nhiều nhất là tay Ngô Luân - mà anh em bị “mua tranh non” đều gọi chệch là…Vô Luân) bán nó sang nước ngoài. Nhưng cuối cùng, nhờ có những nhà sưu tập đích thực, nó đã được trở về VN, cho tớ và một số người được xem và suy nghĩ về nó cũng như cha đẻ của nó: Dương Bích Liên!

5- Tại sao, sau “Hào” (1972), Dương Bích Liên lại “ ở ẩn”, không vẽ, không tiếp xúc với bạn bè nữa? Tại sao cũng chính thời gian này ông lại “giải sầu“ toàn bằng vẽ chân dung “người thật” Những cái tên “Bà Yến”, ”Cô Mai”, ” Đoàn Lê”,…, ông vẽ rồi cho, không bao giờ bán, hiện đang nằm ở khắp nơi … ….trừ bức tranh lần đầu ông tự hoạ ông nhưng chưa hoàn thành mà ông..(cố tình hay vô ý?) quên không huỷ nốt nó đi, nên may mắn nó đã trở thành “đứa con côi cút” duy nhất được nằm lại bên ông, trong căn phòng nhỏ ở 55 Bà Triệu, khi ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ sáng ngày 12 tháng 12 năm 1988. Cái tên “Ngõ Cụt” của nó hoàn toàn sáng tỏ về những gì ông suy ngẫm lúc quyết tâm rời bỏ cuộc đời…Nó như hai tiếng “Chấm hết” vang lên bằng âm thanh cụt lủn của trống timpani bị bịt sfp trong phần kết thúc của một bản giao hưởng bi hùng Nó động viên tớ,thôi thì không còn sức để viết nhạc về ông thì hãy đưa ra những nhận xét về cuộc đời và sự nghiêp, cũng như cái chết của ông mà chẳng mấy ai muốn nói lên cho…rách việc Tớ xin vái ông ba vái mà tuyên bố rằng:

Dương Bích Liên là một người nghệ sỹ đã vướng vào quá nhiều ngõ cụt của cuộc đời, tưởng sống để đi mãi trên con đường sáng tạo. Nhưng vướng phải ngõ cụt ở khắp nơi, ông thấy BẾ TẮC”, bế tắc toàn diện” trong cuộc đời, trong sự nghiệp….và, (xin lỗi hương hồn ông), không có đủ can đảm đạp bằng các “ngõ cụt”, ông đã phải chọn con đường “tự kết liễu cuộc đời và không muốn ai nhắc đến tên một Dương Bích Liên đau khổ và "quyết liệt cô đơn"(Dương Tường) nữa !
Chẳng biết có bao nhiêu người dám kết luân như tớ về cuộc đời, sự nghiệp và "cái chết tự xử" của ông như tớ? Cũng có thể có nhiều người chẳng muốn động vào những vấn đề “tế nhị”….dễ rút giây động rừng làm gì. Cũng có thể có nhiều vị thấy khoái trí khi có Tớ, người dám phát biểu thẳng thắn hộ các vị. Cũng có thể có vài vị cho là cái chết của Dương Bích Liên là cái chết tiêu cực. Nhưng xin lỗi các quí vị này! Đối với tớ , cái chết của Dương Bích Liên, cách trọn “im lặng trong cô đơn” và “ra đi trong lúc mọi niềm tin đều đổ vỡ” của ông là cách lựa chọn TÍCH CỰC NHẤT trong hoàn cảnh mà toàn thể cả cái giới văn nghệ miền Bắc chọn kiêư ”tích cực nửa vời” , “vẽ vậy mà không phải là vậy", “ viết vậy mà không phải vậy”… để tồn tại, thậm chí để thăng tiến (như NK tự thú trong “Đi tìm cái tôi đã mất”) thì ai tích cực hơn ai?


"Hào" tác phẩm gây tranh cãi vì có nhiều "vấn đề".


"Hào" sau khi nghe Nguyễn Tuân góp ý, Dương Bích Liên  đã thêm hai quả tên lửa
 phía xa tít chân trời, nhưng vẫn bị loại khỏi triển lãm MT toàn quốc năm 1975.



Lịch sử sẽ phải phán xét cụ thể tấn bi kịch Dương Bích Liên này!

Riêng tớ thì tớ bái phục ông sát đất vì ông không thể “sống hai mặt” như mọi ngưòi, không thể bẻ cong cây cọ, không “hèn sỹ”như rất, rất nhiều văn nghệ sỹ khác, trong đó có tớ , người đã từng công bố CD “Nửa trái tim tôi” trong đó một nửa là “để phục vụ hai cuộc kháng chiến”, một nửa là để nói về mình”. Nhưng còn những kẻ cả cuộc đời chỉ biết ”ngụp lặn trong cõi tung hô”, viết, vẽ theo chỉ đạo của người khác (dù "người khác" đó toàn diện đều kém hơn mình cả về bộ óc lẫn trái tim, sai lầm và ngu ngốc có hệ thống), liệu có lúc nào, trước khi chết, có thấy giật mình nhìn về sự nghiệp sáng tác của mình mà thấy được, ít nhất như Nguyễn Khải là :” …"Tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ thứ tạp nham” mà cứ tưởng là nghệ thuật!

Đố kiếm ra một Dương Bích Liên thứ hai ở quá khứ, hiện tại và tương lai đấy! Dương Bích Liên có cái Kết Thúc sự nghiệp và cuộc đời giống Van Gogh. Nhưng Dương Bích Liên không điên! Ông rất tỉnh táo, sáng suốt khi tự nhận thấy mình quá đơn độc, không thể có ai giúp ông, cùng ông đập bỏ mọi ngõ cụt của cuộc đời . Vậy thì…từ bỏ nó là giải pháp tích cực trong ...tiêu cực nhất./.