9.000 giáo sư, phó giáo sư để làm gì?




9.000 giáo sư, phó giáo sư để làm gì?


sausaukoko

Tạ Phong Tần

Tuổi Trẻ (15/11/2010) giật tít ngay trang nhất: “Việt Nam đã có 9.000 giáo sư, phó giáo sư”, nội dung bản tin như sau: “Sáng 14-11 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao chứng nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho 578 người.
Trong số trên 900 hồ sơ đăng ký xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2010, có 71 người được công nhận GS và 507 người được công nhận PGS.
So với năm trước, số GS, PGS thuộc các đơn vị ngoài trường, viện nghiên cứu tăng hơn; có 19,9% GS, PGS là nữ, có hai GS và bốn PGS là người dân tộc thiểu số. PGS trẻ nhất là Diệp Công Thành, 32 tuổi, ngành cơ học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, GS trẻ nhất là Phạm Quang Trung, 46 tuổi, ngành kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Như vậy với 578 GS, PGS lần này, cả nước hiện có 9.000 GS và PGS kể từ năm 1945 đến nay”.
Ai cũng biết xã hội tiến bộ và phát triển nhờ vào tầng lớp trí thức, khoa học. Nước ta là nước nghèo, lạc hậu, nay có số lượng GS, PGS nhiều đến như thế thì quả là một tin vui. Nhưng đàng sau con số 9.000 lại thấy có gì đó không bình thường.
Xứ tui có một di tích văn hóa- lịch sử độc đáo mà cả nước không có, đó là chiếc đồng hồ đá của Bác vật Lưu Văn Lang (còn gọi là Bác vật Lang, Bác vật tương đương với chức danh kỹ sư bây giờ, chưa đến mức Giáo sư, Phó Giáo sư). Ông Bác vật Lang là người Việt Nam du học sang Pháp rồi trở về Việt Nam làm việc, tuy không sanh ra ở Bạc Liêu nhưng thân sinh ông và ông có thời gian lập nghiệp sinh sống ở nơi này. Người dân Bạc Liêu tự hào về ông Bác vật Lang và chiếc đồng hồ đá lắm. Nó là bằng chứng hùng hồn chứng minh với người xứ khác rằng dân Bạc Liêu không chỉ biết đi rừng, đi biển, “mần guộng”, uống rượu “đế mắt mèo” không say, ca vọng cổ thiệt là mùi… mà còn biết phát minh khoa học để đời.

Nghe nói, khi ông Bác vật Lang về Bạc Liêu, thời đó đồng hồ hiếm lắm, nhà giàu mới sắm được đồng hồ quả quít đeo tòn teng bằng sợi dây chuyền vàng để… khoe của hơn là coi giờ. Vì vậy, mà có nhiều sự “trớt he” giữa người dân và “người nhà nước”. Để giúp cho hai bên khỏi hiểu lầm nhau, ông bèn xây tặng một cái đồng hồ đá ngay trong sân Tòa hành chánh của nhà nước bảo hộ Pháp (nay thuộc khuôn viên sân trường Đại học Bạc Liêu) để cho viên chức nhà nước và dân chúng cùng xài chung. Trừ những ngày mưa, trời có nắng đồng hồ chạy cực kỳ chính xác và vẫn chính xác cho đến ngày nay. Thật đáng khâm phục tài năng và tinh thần đem khoa học phục vụ cộng đồng của ông Bác vật Lang.
Từ năm 1990, tức là từ khi tôi biết đọc và nghiền ngẫm kỹ từng tờ báo trong nước cho đến nay, nếu tôi nhớ không lầm thì “báo ta” thường đăng bài về các phát minh đủ loại máy móc phục vụ nông nghiệp của mấy nhà “pha học tay ngang” nông dân, được nông dân nhiệt liệt hoan hô và đặt mua máy ào ào, sản xuất không kịp bán; nhưng hiếm khi thấy có vị GS, PGS công bố công trình khoa học gây sự chú ý và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nếu có thì đọc qua rồi một thời gian tui cũng quên béng không biết họ phát minh ra cái gì bởi lẽ nó xa vời, mông lung quá.
Nói túm lại là nhà khoa học hay GS, PGS gì đó chỉ được người ta nhớ tên tuổi, tôn trọng, quý mến khi GS, PGS ấy có công trình khoa học phục vụ được lợi ích thiết thực cho người dân.
Cũng theo Tuổi Trẻ cùng ngày, nước ta là nước chuyên sản xuất muối, muối trong nước dư thừa nhưng vẫn nhập, ông Phạm Ngọc Thảnh (chuyên viên cao cấp Cục Hóa chất, Bộ Công thương) cho biết nhu cầu muối năm 2010 là 454.000 tấn (sản xuất hóa chất 240.000 tấn và sản xuất, chế biến thực phẩm, hải sản 214.000 tấn) thì mua trong nước chỉ có 156.000 tấn, nhập khẩu đến 298.000 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu muối lý giải rằng muối Việt Nam không đạt độ sạch và chất lượng, “không thể sử dụng được trong công nghiệp nói chung và sản xuất thực phẩm nói riêng”. Hơn 400 tấn muối Sa Huỳnh tồn đọng không bán được đã mất trắng trong đợt lũ vừa rồi. Các vị GS, PGS đã làm gì để nâng cáo chất lượng hạt muối Việt Nam và cứu lấy diêm dân?
Ông Nguyễn Bá Định (Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I), cho biết các mặt hàng rất là bình thường như: văn phòng phẩm, bút, bì thư, miếng chùi xoong nồi, miếng rửa chén… vẫn được nhập khẩu về thường xuyên. Hàng nông sản nhập về Việt Nam tăng đột biến. “Tổng cộng trong mười tháng đầu năm nay, lượng cà rốt nhập khẩu lên đến 21.300 tấn”. Hành lá nhập khẩu cũng tăng vọt từ 947 tấn trong năm tháng đầu năm nay lên đến 8.350 tấn, các loại nấm từ 887 tấn “nhảy” tới gần 7.740 tấn… Lượng táo, nhãn, me… nhập khẩu cũng tăng vùn vụt. Hầu hết mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia. Ở mặt hàng trái cây, ổi, mận Trung Quốc, cùng với chuối, thơm Philippines trước đây mới chỉ xuất hiện ở siêu thị và một số sạp bán lẻ, nay đã trở nên phổ biến tại các sạp trái cây”. “Tại các chợ đầu mối, bắp cải, xá lách, cải thảo xuất xứ Trung Quốc ngày càng nhiều, được đóng trong các thùng xốp lớn, bảo quản lạnh với giá bán tương đương hàng VN”.
Sau tăm tre, cà rốt, khoai tây… nhiều mặt hàng nông sản quen thuộc khác mà trong nước sản xuất được như: bắp cải, cải thảo, xà lách, hành lá… vẫn đang được nhập khẩu với số lượng tăng gấp nhiều lần so với hồi đầu năm nay. Trong đó, phần lớn mặt hàng trên đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2010 đã nhập 1.118 tấn… tăm tre.
Theo quy định hiện nay, nếu có C/O chứng minh xuất xứ, hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%”. “Riêng đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… thuế suất nhập khẩu là 5%”.
Người tiêu dùng lẫn nông dân không hiểu tại sao hàng nông sản Trung Quốc thì không bị đánh thuế mà nông sản của quốc gia Đông Nam Á khác lại bị đánh thuế 5%. Nhờ ưu đãi về thuế nên giá bán nông sản Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn, thậm chí có loại còn rẻ hơn nông sản trong nước, nên nông sản Trung Quốc tha hồ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Hàng nhập vào không cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng không có cách gì nhận biết những thứ nông sản ăn vào hằng ngày có hay không dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích… đang ngày ngày đầu độc giống nòi dân Việt, làm tê liệt nền nông nghiệp trong nước, đẩy nông dân Việt vào cảnh bần hàn. Các vị GS, PGS đã làm gì để cứu lấy nền nông nghiệp Việt Nam, cứu lấy nông dân và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?
Việt Nam vẫn còn phải đào tài nguyên thô đem bán. Trước kia là than đá, là dầu thô. Ngư trường Việt Nam rộng lớn, hải sản biển tuy nhiều nhưng Việt Nam chưa có được một chiếc tàu đánh cá nào có luôn nhà máy chế biến đóng hộp sản phẩm trên tàu để tăng giá trị hải sản Việt. Bây giờ Việt Nam chuẩn bị đào bán bauxite, đất hiếm. Các vị GS, PGS đã làm gì để tăng giá trị “biển bạc”, Việt Nam không phải bán tài nguyên thô mà là bán những sản phẩm công nghiệp hoàn chính?
Giá như 9.000 GS và PGS kia mỗi vị chỉ cần có 1 công trình khoa học nho nhỏ như ông Bác vật Lang thôi thì người dân Việt hạnh phúc và biết ơn các vị ấy biết chừng nào. Chức danh GS và PGS không phải là thứ trang sức để dành khi đăng đàn diễn thuyết, lên báo, lên đài đọc lên nghe “nổ đùng đoàng” để cho sướng lỗ tai!

Tạ Phong Tần
Bài đã đăng Thời Báo (Canada)

......