Mai Tiến Nghị



"KẺ NÀO BÁN ĐẤT ĐAI CỦA CHA ÔNG, THÌ CHẮC CHẮN KẺ ẤY MẠT VẬN"...






Mai Tiến Nghị

Bà có 2 con trai, nhỉnh hơn mình vài tuổi. Còn ông chồng thì chết đã lâu.Ngày cải cách ruộng đất, gia đình nhà bà được xếp là cố nông, lại tích cực đấu tố "địa chủ phong kiến, tay sai đế quốc sài lang", nên thuộc diện thành phần cốt cán của "cuộc cách mạng vĩ đại đổi đời để dân cày có ruộng".
Vậy là bà Rao được chia 5 sào ruộng, lại được chia "quả thực" là một nửa cái nhà ngói của địa chủ Tiếm.
Ông Tiếm bị quy địa chủ bóc lột vì nhà có 2 mẫu ruộng, 1 con trâu. Ông cày ruộng, bà làm hàng xáo. Thỉnh thoảng lúc thời vụ cũng phải thuê người làm.Thuê người làm là bóc lôt. Điều ấy được khẳng định một cách hùng hồn từ Trung ương tới địa phương.
Vậy ông Tiếm là "kẻ thù của giai cấp".
Chưa hết, lúc có tiền ông Tiếm còn mua được chức Lý Cựu (Cựu Lý trưởng)… nhưng thực ra ông chưa được làm Lý trưởng ngày nào.
Không đương mà cựu là như thế - chức mua mà!.Chả là ngày xưa Hội đồng Hương thôn bán chức công khai, để lấy tiền sửa lại cái đình làng.
Chức Lý cựu chỉ để lấy oai chứ chả có quyền hành gì. Nhưng: Có chức sắc thời phong kiến, ắt hẳn là tàn tích của chế độ phong kiến, là kẻ thù của chế độ mới… Đáng để loại trừ.Ông Tiếm mất nhà, mất đất… ngậm ngùi dẫn vợ con ra cuối làng làm cái lều tạm. Bụng bảo dạ: "Cũng còn may không bị án tử hình!".
Bà Rao lên đời. Ở nhà ngói. Vênh vang lắm.
Bà nói bằng giọng người ở tỉnh, bảo với các con: “Mẹ con ta từ lay xa dời con cua dốc” (Cua rốc là cua đồng - ở quê tôi vẫn gọi thế)
Ruộng bà để cỏ mọc. Vì lười nên dù có vào Tổ đổi công nhưng chẳng ai người ta làm cho.Được ít hôm bà bán nhà, bán đất vừa được chia. Nhiều tiền lắm.Mấy mẹ con bồng bì ra cắm đất ngay cạnh cái lều chỗ ông Tiếm đang ở.
Ông bà Tiếm hùng hục quật lập đào bới san lấp… được độ sào đất, tưởng yên thân; thì bà Rao nhảy đến ở ké. Ông kêu toáng lên, đưa đơn Ủy Ban Hành chính giải quyết. Nhưng bà Rao còn kêu to hơn. Bà kể
lể: Tham gia cách mạng Cải cách ruộng đất. Bà là người có công lôi bọn bóc lột ra ánh sáng...Ủy ban thương bần cố nông nghèo khổ, lại là tầng lớp cách mạng tiềm tàng. Vả lại đất ông Tiếm đang ở tự dưng thành đất có tranh chấp.
Đã có tranh chấp thì chia đôi, bên nào cũng có phần là yên chuyện.
Ông Tiếm lại mất đất lần nữa. Ông phải chia đôi mảnh đất của mình vừa quật, lập cho bà Rao một nửa.
Bà Rao lại có đất ở, lại có nhiều tiền bán đất bán nhà ngày xưa của chính địa chủ Tiếm.
Mấy mẹ con sống sung sướng lắm.
Ngày ngày, thằng cu Thìn con thứ hai, bê cái nồi đất đi mua phở ở ngoài đầu đường quốc lộ. Ba mẹ con xì xụp húp phở… mùi nước phở thơm lừng.Cả đời ông địa chủ Tiếm cũng chưa biết đến cái bát phở nó như thế nào.
Nhưng cái mùi phở thơm lừng làm cả nhà ông chỉ biết nghênh mặt hướng về nhà bà Rao bần cố nông, hít hít mũi tưởng tượng và… nuốt nước bọt. Ông Tiếm lụi cụi biết thân biết phận kẻ thù giai cấp nên chẳng dám ho he. Ruộng còn vài sào chó ỉa, ông giao cho bà vợ. Còn ông đi làm thợ mộc.
Ngày xưa, làm thợ mộc thường được chủ nhà mời ăn cơm trưa. Ông Tiếm làm cho người ta, nhưng bữa cơm trưa ông không uống rượu, chỉ mỗi bữa 3 bát cơm (kể cả cơm độn cũng 3 bát), chỉ 1 con tôm kho, 1 ít rau và lưng bát nước rau hoặc canh. Thế là xong bữa. Khác hẳn những ông thợ khác ăn uống bê tha, sáng giũa cưa trưa mài đục…Ông Tiếm làm rất chăm chỉ, đẫy ngày đẫy buổi. Buổi tối hôm trước ông ngồi giũa cưa, mài chàng đục sắc lẻm sáng loáng. Sáng đến nhà chủ là làm ngay.
Ông làm ra sản phẩm vừa chắc vừa đẹp, tiền công vừa phải.Thành thử ông là thợ mộc có uy tín. Quanh năm không hết việc.
Bà Tiếm cùng các con cắm mặt mò cua bắt ốc, chăm vài sào ruộng chó ỉa được chia lại (vì thành phần không được vào Hợp tác xã). Lúa tốt. Hợp tác xã ghét lắm nhưng đành chịu. Dần dà kinh tế cũng khá lên. Người ta đồn ông mua một cái soong nhôm 4 đồng 2 hào, cho tiền vào đấy lấy dây thép ràng lại. Nhà ông lại càng bị ghét vì…giầu. Các con học hành tử tế nhưng chẳng được đi đâu ngoài việc đi bộ đội.
Năm 1976 - người chủ mua đất quả thực của bà Rao đi kinh tế mới
Ông Tiếm phá cái soong 4 đồng 2, đếm tiền mua lại miếng đất cha ông với giá 4.500 đồng. Hôm nhận đất, ông cùng vợ con thắp hương giữa sân khấn vái Tổ tiên, đã phò trợ cho vợ chồng con cái 20 năm "bòn gio đãi sạn" nuôi chí bền, để hôm nay lấy lại được mảnh đất cha ông.
Ấy là nhờ bề trên khôn thiêng phù hộ. Ấy là điềm nhà vẫn còn sự hưng vượng.Rồi ông khóc. Vợ con ông cũng khóc. Mà đúng số ông may thật vì chỉ ít lâu sau đổi tiền: 10 ăn 1.Với số tiền ấy nếu có cũng chỉ mua được vài con gà. Đấy là nói về sau này.
Lại nói về mẹ con bà Rao, thời mới bán đất ăn chơi được mấy tháng rồi cũng hết tiền. 2 anh con giai là Mão và Thìn lồng ngồng là Đoàn viên, nhưng chẳng chịu đi làm nên không có công điểm HTX. Dẫu vậy vẫn được HTX chia thóc điều hòa. Thóc điều hòa chỉ ăn vài tháng là hết. Rút cuộc lại đói vẫn hoàn đói. 2 tay con giai bỏ đi đâu không biết. Bà mẹ ở nhà lại đến từng nhà xin bòn từng cái lá rau già, lại mò mẫm cua ốc ngoài đồng…Vài năm sau thì bà Rao mất. Hai ông con giai về lại gạ bán đất cho ông Tiếm.Ông Tiếm bảo mua. Nhưng con ông Tiếm không đồng ý.Mặc dù các con ông giống tính ông bà chăm chỉ tằn tiện, chịu khó bươn chải nên bây giờ giầu có lắm rồi. Họ bảo không mua.
- Đất của gia đình ta quật lập, bây giờ lại phải bỏ tiền ra mua là cớ làm sao?Ông Tiếm bình tĩnh bảo:
- Vì đấy là đất của nhà ta nên bằng mọi giá ta phải lấy về. Giữ được đất thì nhà mới thịnh. Cứ nghiệm mà xem: Kẻ nào bán đất đai của cha ông đi thì chắc chắn kẻ ấy mạt vận ngay. Vua chúa cũng vậy thôi! Các con cứ giở sách sử mà xem, cấm có sai một mảy!..
Các con ông nghe ra. Gia đình ông mua lại mảnh đất của chính mình mà ngày xưa bà Rao chiếm dụng.
Bây giờ thì ông lại giầu nhất làng mặc dù ông đã già lắm rồi, móm hết cả răng.Có người dọa ông Tiếm: "Không khéo lại bị quy địa chủ lần nữa!".Ông cụ chả nói gì… Móm mém cười…
Vừa rồi lại nghe nói chỗ đất nhà ông cụ Tiếm lại bị đưa vào diện quy hoạch. Nhà nước đang chuẩn bị thu hồi cho doanh nghiệp.
Tôi hỏi chuyện đó có thật không. Ông cụ Tiếm chả nói gì… mắt nhênh nhếnh nước, hấp háy nhìn… Rồi thở dài.

CA KHÚC MƠ HOA ?


CA KHÚC MƠ HOA “VAY MƯỢN” GIAI ĐIỆU BLUEBERRY HILL?









TRẦN ĐAN:
 Tôi rất thích một số ca khúc của Nhạc sĩ Hoàng Giác, một nhạc sỹ tên tuổi của nền âm nhạc VN. Mới đây tình cờ xem video clip Thủ tướng Nga Putin hát bài Blueberry Hill , tôi thấy giai điệu bài hát này giống hệt bài Mơ hoa của Hoàng Giác, tôi không thể lý giải được. Tôi cho rằng một trong hai tác giả của hai bài hát trên đã “đạo nhạc” của người kia.


NGUYỄN TRỌNG TẠO: Theo các tài liệu trên mạng thì bài hát Blueberry Hill được sáng tác năm 1940 bởi Vincent Rose, Al Lewis và Larry Stock. Về sau bài hát trở nên nổi tiếng bởi bản thu của Luis Armstrong vào năm 1949, bởi Fats Domino vào năm 1956 và trở thành tiêu biểu cho Rock and Roll. Bài hát đứng thứ 81 trong số 500 ca khúc Rock and Roll nổi tiếng nhất của mọi thời đại.

Còn bài Mơ hoa do Hoàng Giác sáng tác năm 1945, khi tác giả 21 tuổi.

Mời bạn thử nghe lại 2 bài hát này qua 3 giọng hát:














 

.............


   

...............

 

................

DẤU HỎI VỀ 16 TẤN VÀNG


Câu chuyện về 16 tấn vàng




Chuyện này xảy ra đã gần 37 năm. Từ đầu năm nay tôi  nhận được 6 điện thư từ trong nước, từ Canada và Cộng hòa Liên bang Đức hỏi về chuyện này. Đây là chuyện rất cũ, nhưng do chế độ độc đảng luôn duy trì nhiều mảng tối, không công khai minh bạch, nên có nhiều vấn đề lịch sử cần làm rõ.

.......

Trưa 30-4-1975, trong phòng lớn của Dinh Độc lập, sau khi tôi gặp và hỏi chuyện tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu, không khí dần dần bình thản. Ông Nguyễn Văn Hảo ghé tới nói nhỏ với giọng miền Nam, «Thưa tôi là Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách về kinh tế - tài chính, có chuyện cần trình bày riêng với các ông». Tôi cùng ông Hảo đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ. Vừa ngồi xuống, ông Hảo nói ngay: «Chúng tôi vừa trao đổi với nhau, muốn nhờ ông báo ra ngoài đó là bọn này đã giữ lại hơn 16 tấn vàng không để họ mang đi, hiện để trong ngân khố, mong ngoài đó cho người vô nhận». Tôi hỏi lại: «Ông nói sao? 16 tấn vàng trong ngân khố? Có thiệt không?». Tôi ghi vội vài chữ trên sổ tay: Ng. v Hảo, 16 tấn, ngân khố…, và nghe ông Hảo trả lời: «Thiệt chớ, bọn này chịu hoàn toàn trách nhiệm mà». Ông còn nói thêm: «Nếu các ông gửi (ông dùng tiếng Pháp «placer») ở các ngân hàng quốc tế lớn thì sau sẽ có thể thành 18 tấn, 20 tấn. Nếu cần, bọn này sẽ giúp».


[...]






Dạo ấy anh em vẫn đánh bài viết của tôi cho báo Quân đội Nhân dân. Chiều nay sau khi viết bài báo xong, tôi rất băn khoăn vì các nhà báo Pháp, Ý, Đức đều cho tôi biết là bưu điện Sài Gòn đóng cửa 2 hôm nay rồi. Điện thoại viễn liên bị cắt đứt. Họ đang bế tắc không sao gửi bài đi được. Tôi cũng sốt ruột không kém. Vì gửi bài báo ngay đêm nay để sáng mai bài báo  được in trên báo QĐND là một yêu cầu cấp bách. Thượng sỹ thông tin trẻ măng người Thái Bình tên là Hải đánh bài báo của tôi bằng tín hiệu Morse, tè tè tích tích. Bài báo gửi cho Thiếu tướng Lê Quang Đạo, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, để chuyển cho báo QĐND. Ngay sau bài báo là mấy dòng chữ «Gửi riêng Thủ trưởng Tổng Cục Chính trị - Tuyệt mật. Hôm nay 30-4-1975 Phó thủ tướng Nguyễn Văn Hảo đặc trách kinh tế - tài chính  báo tin cho tôi là đã giữ lại trong ngân khố hơn 16 tấn vàng, mong ta cho người vào nhận. Bùi Tín».


[....]


Ít lâu sau đó, tôi đọc trên cuốn  A Decent Interval (Khoảng cách vừa phải) của Frank Snepp, một cán bộ CIA ở Sài Gòn trước đó, nói rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu  đã mang đi hàng chục tấn tài sản quý sang Đài Loan, nơi có anh ông là đại sứ Nguyễn Văn Kiểu, để đưa sang Hoa Kỳ sau đó. 

Tất cả các báo chính thức ở Hà Nội hồi đó đều trích đăng cuốn sách của Frank Snepp, đoạn nói về việc ông Thiệu chở tài sản quốc gia trong đó có hơn 10 tấn vàng trong ngân khố ra khỏi nước, và ai cũng đinh ninh là chuyện này là có thật.

Ở hải ngoại nhiều bài viết cho đến nay vẫn đinh ninh chuyện ông Thiệu mang đi 16 tấn vàng là có thật, lên án ông rất nặng nề là trong tình hình cực kỳ khẩn trương ông đã chỉ lo vun vén cho cá nhân, lo chiếm đoạt tài sản công thành của riêng một cách tồi tệ.

Về phía chính quyền độc đảng ở trong nước, họ vẫn cố tình duy trì một tình hình ỡm ờ úp úp mở mở, không rõ ràng minh bạch về hơn 16 tấn vàng trong ngân khố Sài Gòn hồi ấy, với ý định không sạch sẽ là để cho mọi người hiểu lầm về chuyện này.

Năm 1994, khi tôi đã ở Paris, một bạn người Việt làm việc cơ quan nghiên cứu và lưu trữ về chiến tranh Việt Nam ở Lubbock, Tiều bangTexas, Hoa Kỳ, cho tôi địa chỉ điện thoại của ông Nguyễn Văn Hảo. Tôi gọi ngay cho ông và từ đó có dịp nói chuyện về ngày 30-4-1975. Ông cho biết ông đang ở Port-au–Prince, thủ đô nước cộng hòa Haiti, trong vùng Antilles - Caribbean, làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Haiti. Ông cũng được biết đầu tháng 5-1975 ngoài Hà Nội đã cho riêng 1 chuyến chuyên cơ vào tiếp nhận hơn 16 tấn vàng và chở ra Hà Nội. 

Đầu tháng 5-1975 tôi cũng được tướng Đào Đình Luyện, chỉ huy không quân, cho biết nguyên một chuyến chuyên cơ IL 18 đã chở số vàng thu được từ Sài Gòn ra Hà Nội.

[....]

Trong các phiên họp của chính phủ, của quốc hội sau 30-4-1975, không có một chi tiết nào về hơn 16 tấn vàng được chính quyền miền Nam chính thức giao lại. Nó có thật sự nhập kho Nhà Nước đầy đủ, và được dùng vào những việc gì? Không ai biết. Đại biểu Quốc hội không ai hỏi, vì  90 % đại biểu là đảng viên, số ngoài đảng còn bảo hoàng hơn nhà vua.

Tháng 4-2010, Bộ Quốc phòng Hà Nội có cuộc họp «viết lại một cách chính thức diễn biến ngày 30-4-1975 ở Dinh Độc lập», họ không nhắc đến tên tôi, coi như nhà báo Bùi Tín không hề có mặt ở Sài Gòn ngày hôm đó, cũng không hề nhắc đến chuyện hơn 16 tấn vàng, một chi tiết không nhỏ, nhưng họ không muốn nhắc đến nữa.

Năm 1987, khi có dịp gặp ông Trường Chinh ở  Đà Lạt, tôi kể lại chuyện này, ông cho biết : « Tôi có biết chuyện này, nhưng hết sạch cả rồi, trong mấy năm khó khăn, cấu véo hết tấn này đến tấn khác, mua lương thực, nguyên liệu, nay còn gì nữa đâu!». Đây là câu duy nhất tôi nghe được về số phận của hơn 16 tấn vàng năm 1975, từ miệng một nhà lãnh đạo.

[...]

Có thể nói tiền nong, vàng bạc, của cải trong chế độ độc đảng đã gây nên tham nhũng, bất công kinh khủng chưa từng có trong xã hội nước ta, tiền của vàng bạc phi pháp  đã tha hóa giới cầm quyền ở mọi cấp, tàn phá đảng cộng sản Việt Nam từ gốc lên ngọn.

Hiện là thời kỳ đảng viên quan chức lao lên trước đi tiên phong để trở thành đại gia, đại điền chủ, đại trọc phú, đại tư bản đỏ, bỏ mặc nhân dân của mình nghèo đói ở phía sau, đến nỗi nhà Mác-xít Lữ Phương phải la trời rằng đảng cộng sản đã đi đầu trong xây dựng chủ nghĩa tư bản man rợ. Đó là thời kỳ các quan chức vứt hàng ngàn tỷ này đến hàng nghìn tỷ khác qua cửa sổ, chìm nghỉm dưới đáy biển, để mặc cho  hệ thống y tế và giáo dục tàn tạ, bệ rạc.

Thời đại kim tiền của các nhà cầm quyền tỷ phú  Marcos,  Suharto,  Park Chung Hy, Ceausescu, Ben Ali, Ghadafi,  Mubarak…đã kết thúc bi thảm. Gương tày liếp cho những bầy sâu chói mắt vì ánh vàng.


BÙI TÍN 
....................................

Tôi Cô Đơn Như Một Ngọn Cờ

Tôi Cô Đơn Như Một Ngọn Cờ 

Trần Tiến






************************************

Tôi cô đơn như một ngọn cờ
Ngọn cờ khát khao
Ngọn cờ bão giông
Ngọn cờ xé nát giữa làn đạn thù
Ngọn cờ quấn quanh thi hài người lính
Ngọn cờ vút bay trong niềm kiêu hãnh Tự Do
Tôi cô đơn như một ngọn cờ
Trên đỉnh núi hoang vu đời tôi
Tôi vinh quang như một ngọn cờ
Trên đỉnh dốc gian nan đời tôi.

Thèm biết bao nhiêu bàn tay của mẹ
Hãy về bên con trong giây phút cô đơn.
Thèm biết bao nhiêu bàn tay bè bạn
Nắm chặt tay tôi trong giây phút gian nan.
Thèm biết bao nhiêu bàn tay dù lạ
Níu chặt vai tôi trong giây phút hoang mang.
Thèm biết bao nhiêu
Thèm biết bao nhiêu
--

Tôi cô đơn,
Tôi vinh quang như một ngọn cờ.


.........



CÓ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ RẤT LÃ BẤT VI

CÓ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ RẤT LÃ BẤT VI




blog HUỲNH NGỌC CHÊNH

Đường về tổ quốc  -   Biếm hoạ Babui (Danlambao)

Có quá nhiều sự việc phát sinh trong thời gian qua không khỏi không làm ta suy nghĩ về cái gì đó khó hiểu đang xảy ra.



Bia kỷ niệm của sư đoàn 337 chiến đấu chống "quân Trung Quốc xâm lược" bị đục bỏ đi chữ "Trung Quốc xâm lược"





Bia ghi công Nguyễn Huệ đánh tan "giặc Tàu" bị đục bỏ để thay bằng một tấm bia vô thưởng vô phạt khác.

Bia mộ của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương hy sinh trong trận chống quân Trung Cộng xâm chiếm Gạc Ma năm 1988 bị đục bỏ đi chữ "anh hùng"

Cờ sáu sao bổng dưng xuất hiện trên truyền hình quốc gia VTV khi đài nầy đưa tin về chuyến viếng thăm của ông Trọng đến Trung Cộng.

Cờ sáu sao lại oai vệ xuất hiện một lần nữa tại phủ chủ tịch khi đón quốc khách Tập Cận Bình qua thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thực hiện cầu truyền hình "Láng giềng gần"  giữa đài truyền hình địa phương của  tỉnh Quảng Tây tự trị với đài truyền hình quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam VTV.
Hà Nội Việt Nam- Nam Ninh Quảng Tây  láng giềng hảo hảo
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chính thức đón tiếp tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam và sau đó ký 7 thỏa thuận hợp tác  giữa tỉnh Vân Nam với nước CHXHCN Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Lý Kỷ Hằng.  (Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN)
                               

Trấn áp tàn bạo những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược Biển Đông. Đến nay còn giam giữ không lý do và chưa đưa ra xét xử những người từng tham gia biểu tình chống Trung Cộng như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Sài Gòn, Bùi Hằng...




Cấm đoán hoặc gây khó dễ hầu hết các buổi hội thảo hoặc chiếu phim do nhân dân tổ chức liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa. Cuốn phim " Hoàng Sa VN- Nỗi đau mất mát" của ông Hồ Cương Quyết hoàn toàn bị cấm chiếu ở Việt Nam.
Hồ Cương Quyết đang pv vợ một ngư dân bị mất tích trên vùng biển Hoàng Sa trong phim Hoàng Sa VN nỗi đau mất mát

Ngăn cản các hoạt động gặp mặt, trợ giúp các chiến sỹ hải quân sống sót sau trận xâm chiếm đảo Gạc Ma. Ngăn cản cả những hoạt động tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến trên.
Thậm chí người dân ghi ký hiệu "NO U" để phản đối yêu sách ngang ngược về đường lưỡi bò của Trung Cộng trên áo quần hoặc vật dụng cũng bị cấm đoán hoặc gây khó dễ. Hàng chục ngàn áo "no u" của báo SGTT làm ra bị niêm kín trong kho không cho bán ra ngoài. Doanh nghiệp hợp đồng với báo SGTT sản xuất ra áo đó cũng bị gây khó dễ.
Những chiếc áo thế này cũng không được bán ra, không được mặc!
Tất cả những sự việc đó nói lên điều gì?  Ai chủ trương làm những điều nầy? Ai lén lút giật dây để tạo ra nhiều lần "sai sót" một cách cố ý?
Ngày trước, miền Nam bị 500.000 quân Mỹ  chiếm đóng, chính quyền miền Nam cũng do họ tạo dựng nên, thế nhưng nhân dân miền Nam không hề sợ sệt Mỹ. Ai cũng có thể công khai chửi bới "Đế Quốc Mỹ", báo chí miền Nam công khai chỉ trích Mỹ, cờ Mỹ bị đốt công khai giữa Sài Gòn, xe Mỹ bị sinh viên học sinh ném bom xăng trên đường phố... 
Bây giờ Trung Cộng là cái gì của Việt Nam? Là mẫu quốc? Là kẻ thống trị? Tại sao lại bắt cả nhân dân rúm ró hèn nhược trước chúng? Tại sao nhà cầm quyền lại nịnh nọt bợ đỡ chúng?  Đường đường một quốc gia độc lập mà lại tự nguyện xếp ngang hàng với một tỉnh biên giới của chúng là cớ gì? Hào khí một thời chống Pháp, chống Mỹ mất tiêu đâu rồi?
                                            *              *
                                                    *
Trung Hoa có truyền thống cài người vào chính quyền các nước lân bang. Ngày xưa Lã Bất Vi là thương gia nước Triệu, thấy Tử Sở là hoàng tử nước Tần, là cán bộ có tiềm năng, đang bị khổ sỡ làm con tin ở nước Triệu, y mang về nuôi dưỡng, gã tì thiếp đã có thai với mình cho Tử Sở để vừa dụ dỗ vừa khống chế. Sau đó y bơm tiền ra lobby cho Tử Sở về nước và được lên ngôi vua. Y được làm tướng quốc nước Tần.
Nhiều doanh nhân trong nước và nhiều Việt Kiều kể rằng bên Quảng Châu có một khu ăn chơi kiểu "nhất dạ đế vương" với hàng trăm cô gái đẹp tuyệt trần như cung tần mỹ nữ. Các doanh nghiệp Trung Cộng hoặc Hồng Công thường mời quan chức nước ngoài vào đó chiêu đãi ăn chơi, rồi có kẻ bí mật ghi lại hình để khống chế và sử dụng lâu dài. Những quan chức nầy về sau lại được TC bơm tiền vào để lobby cho nhanh thăng quan tiến chức, giữ các vị trí trọng yếu trong chính quyền nước mình. 
Khu ăn chơi đó đã có từ 20 năm trước và rất gần với Việt Nam. Quan chức ta có dịp qua đó ký kết làm ăn không tránh khỏi được các doanh nhân Trung Cộng mời vào đó chiêu đãi. Không biết cách đây 15, 20 năm có ai bị ghi hình ở đó không nhỉ? Có ai bị ghi hình nhưng sau đó về lên chức vùn vụt không nhỉ?
Có hay không có chuyện đó thì khó mà biết được vì đó là bí mật tình báo vào tầm chiến lược của Trung Cộng.
Tuy vậy, có một điều gì đó rất khó hiểu, rất Lã Bất Vi đang xảy ra ở nước ta  mà chúng ta cần phải cảnh giác. 
Nhưng liệu bây giờ mới cảnh giác thì có quá trễ hay không?



.........../.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa được một hội sách của Pháp trao giải thưởng Henri Queffenlec tại liên hoan 'Sách và Biển' năm 2012 cho tác phẩm "Biển và chim bói cá."


_________________________________________________________


 NGƯỜI CHĂN KIẾN

Cái tay B trưởng ấy hoặc đã chán mọi chuyện đánh đấm, hoặc có máu hài hước. ông M vừa bị vài cú khai vị tưởng rụng quai hàm thì hắn hét bọn đàn em vây quanh ông đang nổi cơn say đấm đá:
– Thôi.
Hắn bước tới gần ông. Nhìn. Ngắm:
– Trắng.
– …
– Làm nghề gì?
Ông nuốt một bụm máu, nửa cái răng gẫy vào bụng và biết nên nói thật:
– Giám đốc.
B trưởng reo lên:
– Thảo nào. Trắng như con gái.
Rồi thật bất ngờ:
– Cho làm nữ thần Tự Do.
– …

– Tượng nữ thần Tự Do ở bờ biển Nữu Ước. Làm giám đốc mà không biết à?
Ông thoát khỏi trận đòn nhập B mà chưa ai lường hết được sự ghê gớm và hậu quả của nó. Thay vào đó ông phải khoả thân leo lên bậc thang cao nhất, giáp cửa song sắt ngăn với sân xê rom, cái sân thượng chỉ về đêm mới có lính gác. Tay ông giơ lên cao khi gói kẹo, khi quả dưa chuột ố những đồ tiếp tế của anh em tù — để làm nữ thần Tự Do. Trần truồng trước hàng trăm con mắt, thật nhục nhã, quá sức chịu đựng đối với một người từng làm giám đốc lại đã đứng tuổi như ông. ở trên ấy ông thèm được như ông già chủ nhiệm hợp tác xã dưới kia, chỉ phải bế bọc nội vụ đi quanh, hát ru em bài Bé bé bằng bông.
Ðúng là tay B trưởng này có máu đại hài hước. Trời nóng, hắn ngồi phè phẹt giữa sàn, hét:
Hitachi!
Gần hai chục người lập tức vây quanh hắn.
– Quạt.
Tất cả quạt. Bằng tay. Nhưng mát, bay cả tóc. Hắn lại hét:
-Panasonic.
Những người trong đội Panasonic sẵn sàng.
– Quạt.
Lại còn thêm:
-Tuốc năng.
Cái vòng người Panasonic vừa quạt vừa chạy quanh hắn giống đèn kéo quân bỗng đồng loạt đổi chiều như cùng một bánh xe truyền lực.
Cô đơn khoả thân trên cao, cái nóng từ máy chàm vào người như nướng, ông M ao ước được ở trong đội quạt, nhưng ông không dám nói với ai. Ngoài những lúc đi cung hoặc học tập chính sách cải tạo, giờ chính quyền còn lại ông ngoan ngoãn đứng làm nữ thần Tự Do. Cho đến một ngày… Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kì dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích qui, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.
Thế là một hôm ông gặp B trưởng, chìa ra một con kiến ông vừa bắt được trong khi đi làm vệ sinh và rụt rè, ấp úng xin được chăn… B trưởng cố kìm cơn giận. Hắn miết chết con kiến và quắc mắt, hất hàm về phía sân xê rom.
Ông hiểu. Ông lại khoả thân bước lên. Nhưng ông không được làm thần Tự Do nữa. Ông biến thành con chim. Con chim nhỏ trên cành cây cao. B trưởng đứng dưới, giả cầm súng lom khom, chui lủi, rình ngắm:
– Ðoàng.
Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy. Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật. Hiểu chửa. Làm lại.
“Thật quá rùng rợn. Cầu mong đừng gẫy cổ, vỡ mặt, mù mắt, gẫy tay là được. Cố vượt qua. Ðể còn ra”.
Ông M đã được ra. Ông được ra sau bốn tháng giam cứu. Ông được ra bởi ông không có tội. Những người gây ra vụ án oan ức của ông đã bị kỉ luật.
Người ta đã khôi phục lại cho ông tất cả. Ông lại làm giám đốc nhưng ở một xí nghiệp tận trong Nam, để ông có thể quên được những gì vừa trải qua. Ông cám ơn cấp trên về điều tế nhị ấy.
Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ… Uống bia. Ðánh cờ tướng. Tiến lên. Làm vài séc bóng bàn. Chuyện gẫu…
Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời tiếng gõ cửa là sự im lặng.
Họ bảo nhau:
– Thôi. Ðể sếp ngủ.
Chẳng một ai biết sau khi gài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến. Ông thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các-vi-dít (Có rất nhiều trong ngăn kéo ố của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do.
Bùi Ngọc Tấn

Nhức nhối



Tiếp theo vụ án xét xử các cựu quan chức Vinashin về nhiều sai phạm nghiêm trọng, gần đây công luận lại phiền lòng về những sai phạm với số tiền rất lớn được Thanh tra Chính phủ công bố tại một số tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị đề nghị xử lý tài chính 18.200 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản chi đầu tư không đúng quy định, chỉ định thầu trái quy định, tiền vốn cổ phần hóa chưa thu hồi 1.928 tỉ đồng…
Trước đó, cũng theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Sông Đà sai phạm lên đến 10.676 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và quản lý tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có số lỗ lớn kỷ lục: 10.162 tỉ đồng (năm 2010) và hàng loạt vụ lùm xùm nội bộ khác. Còn với Agribank, chỉ riêng Công ty Cho thuê Tài chính của ngân hàng này đã lỗ 3.000 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn điều lệ của công ty...
Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chưa được làm rõ một cách đầy đủ. Số tiền sai phạm do Thanh tra Chính phủ phát hiện ở các tập đoàn kể trên cộng lại (chưa kể 86.000 tỉ đồng của Vinashin) đã lên đến trên 30.000 tỉ đồng, một số tiền quá lớn mà ai cũng xót xa, nhức nhối.
Nhận xét sơ bộ có thể rút ra qua các dẫn chứng trên là hễ thanh tra tập đoàn kinh tế nào là phát hiện sai phạm ở tập đoàn đó với số tiền phải xử lý lên đến hàng ngàn tỉ đồng ở các khâu quản lý vốn, đầu tư trái quy định của Nhà nước, đầu tư ra ngoài ngành gây thua lỗ lớn... Điều đó đã bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế ở nhiều tập đoàn. Đó chính là lý do để nay các tập đoàn kinh tế Nhà nước cần phải tái cấu trúc mạnh mẽ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tại Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 10-2011 vừa qua.
Tập đoàn kinh tế Nhà nước được quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước, khai thác tài nguyên của đất nước, có vị thế độc quyền trong kinh doanh, được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước… lẽ ra phải có hiệu quả kinh doanh khả quan. Đằng này, kết quả thanh tra cho thấy nhiều tập đoàn đã chưa đáp ứng được mong đợi, chưa hoàn thành trách nhiệm được giao phó.
Từ đó, cần đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc về đánh giá chủ trương và tổ chức thí điểm tập đoàn cũng như trách nhiệm quản lý, giám sát các tập đoàn đó về mọi mặt. Đặc biệt, phải có cơ chế làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng dầu khi để xảy ra sai phạm. Bao quát hơn, cần có một điều tra, nghiên cứu khoa học - thực tiễn độc lập về các tập đoàn và quá trình thí điểm từ năm 2006 tới nay để đề ra những kiến nghị tái cấu trúc và cải cách cần thiết.
Tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế Nhà nước theo yêu cầu của Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng, yêu cầu trước tiên là phải khắc phục những yếu kém đã được phát hiện. Làm được điều đó sẽ góp phần ổn định kinh tế, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nước ta.
Lê Đăng Doanh

ÔI NẤM MỒ


ÔI NẤM MỒ

góc rừng năm bảy ba ( 1973) 
một tiểu đội quân giải phóng 
một tiểu đội lính Việt Nam cộng hòa 
trận đánh giáp lá cà 
họ xiết cổ nhau cùng chết
hai bên quên lấy xác
hòa bình rồi 
người gác rừng chôn cất 
lẫn lộn xương cốt địch ta 
vô danh bốn nấm đất
tôi đến thắp nhang 
thương bốn nấm mồ hoang 
của hai mươi ba người lính hai bên chiến tuyến 
không được đưa vào nghĩa trang
những kẻ thù xưa 
giờ ôm nhau ngủ 
thân xác xưa sao Việt cộng, Cộng hòa 
để xương lính trộn vào cốt lính
không nén nhang nào chính 
chẳng khói hương nào tà 
ôi nấm mồ Việt Nam ta

Lộc Ninh 1975-Sài Gòn 2012
TRẦN MẠNH HẢO



Thu nhập bình quân của Việt Nam



Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.


Thu nhập trung bình của người Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa cách đây hơn một phần tư thế kỷ.



Một góc vùng quê Bạc Liêu


Trong khi đó, cơ hội để Việt Nam đuổi kịp Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN sẽ vẫn là viễn cảnh xa vời, nếu thiếu đi những động lực cải cách hơn nữa.
Đây là cảnh báo của một đề tài khoa học cấp nhà nước mang tên “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020: từ nhận thức với hành động” do ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện. Báo cáo này, thực hiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trích dẫn số liệu về thu nhập của Việt Nam và các quốc gia khu vực do Quỹ Tiền tệ Quốc tế thực hiện năm 2010.
Theo đó, tính theo tỷ giá hối đoái, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114 USD năm 1991 lên 1.061 USD năm 2010. Trong khi đó, GDP đầu người của Trung Quốc tăng từ 353 USD lên 3.915 USD trong khoảng thời gian trên.
Như vậy, thu nhập đầu người của Việt Nam tương đương 32% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 27% năm 2010.
Mặt khác, tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 706 USD năm 1991 và lên tới 2.948 USD năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, con số này của Trung Quốc tăng từ 888 USD lên 6.786 USD.
Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 43% năm 2010.
Bên cạnh đó, so với các quốc gia ASEAN khác, dù thu nhập của người Việt Nam đã dần được thu hẹp trong 20 năm qua, khoảng cách vẫn còn rất lớn ở vào thời điểm hiện tại.
Tiến sĩ Phạm Hồng Chương và các đồng sự ở ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo PPP chưa bằng 1/2 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/10 của Malaysia năm 1991.
Con số này đã vượt qua mức 3/4, 1/3 và 1/5 của các nước trên sau gần 20 năm.

Tóm lại, quy mô GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2010 đạt 1.061 USD tính theo tỷ giá hối đoái, và 2.948 USD theo PPP.
Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nhận xét: “Đây là những chỉ số còn thấp xa so với mức bình quân chung của khu vực, của châu Á và thế giới”. Ông nhận xét, sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở của, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Chương, xét về nhiều mặt, động thái tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa thể hiện rõ quyết tâm và khả năng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu phát triển. Trong khi đó, trong một vài năm gần đây, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều rủi ro tiềm ẩn về tính bền vững của quá trình tăng trưởng.
Báo cáo của ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ ra thêm về thực trạng thất nghiệp ở mức 4,6% ở thành thị và 20% lao động ở nông thôn chưa được sử dụng; báo cáo nhận xét: “Như vậy, tỷ lệ trên tương đương với trên 10 triệu lao động thất nghiệp hoàn toàn ở Việt Nam”.
Thu nhập của người Việt Nam bị bỏ lại quá xa bởi các nước trong khu vực không phải là vấn đề mới.
Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Báo cáo này căn cứ vào tốc độ tăng trưởng thu nhập trên đầu người tính theo giá cố định trong giai đoạn 2001 – 2007 của các quốc gia và kết luận “thực tế là Việt Nam sẽ phải rất lâu mới theo kịp được”.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn