..nếu tôi sai lầm



..nếu tôi sai lầm

DƯƠNG PHI ANH


Cách đây hơn 5 năm, TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học KHXH và NV TP.HCM) nói với tôi rằng ông đã đi mấy chục nước trên thế giới để nghiên cứu, hội thảo khoa học về quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý đô thị (TS Hòa cũng là một trong những người khởi xướng, đề xuất xây dựng mô hình Chính quyền đô thị cho TP.HCM cách đây cả chục năm). Ông bảo rằng sang Singapore mà ông “thấy thèm”.

Tôi nói Singapore là đất nước văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm về nhiều mặt của thế giới; người dân sống sạch sẽ, nề nếp, lao động cần cù, trí tuệ vào bậc nhất thế giới thì không “thèm” sao được?! Ông Hòa bảo ông không quan tâm mấy tới điều đó mà chỉ quan tâm tới việc tại sao họ lại làm được điều đó thôi?! Và, ông nhận ra rằng chính cách thức vận hành hệ thống chính trị và tổ chức quản lý, điều hành xã hội sao cho hạn chế tối đa sai lầm, phát huy được sáng kiến của mọi người dân…, chính là cái “chổi bay” để đưa “mụ phù thủy” Singapore lên đỉnh cao!

“Tại sao một đất nước cách đây vài ba chục năm, có xuất phát điểm thấp hơn VN, tài nguyên thiên nhiên không có gì, thậm chí nước sinh hoạt còn phải mua của Malaysia hoặc tái chế từ nước thải…, mà có thể vượt bậc đến kinh ngạc như hiện nay?”. Ông Hòa đặt câu hỏi. Rồi, ông trả lời (đại ý): Thực ra, Singarope có một số điểm tương đồng với VN. Tiếng là đa đảng nhưng thực tế hàng chục năm nay đảng Hành động nhân dân (PAP) của ông Lý Quang Diệu cầm quyền, chưa có đảng phái nào khác “chui” vào cầm quyền được. Nhà nước của họ cũng có không ít những nhà “bất đồng chính kiến” như bất kỳ nhà nước nào trên thế giới, chỉ có điều các bên rất ôn hòa với nhau…

“Điều tôi thèm nhất là việc nhà nước tổ chức lấy kiến của nhân dân với quy định luật pháp rõ ràng”. Ông Hòa nhấn mạnh.

Theo đó, định kỳ (tuần, tháng, quý và năm), tùy theo khu vực mà nhà nước tổ chức các buổi lấy ý kiến nhân dân. Rất nhiều buổi như vậy do người đứng đầu chính phủ đảm nhận. Nếu Thủ tướng bận thì có người đại diện đến thu thập, tổng hợp ý kiến, trả lời hoặc hẹn trả lời. Họ chỉ phạt nặng việc vu khống, nhục mạ cá nhân người có trách nhiệm một cách vô lý thôi, còn lại người dân được nói thoải mái và được tổng hợp, tôn trọng về chính kiến, nguyện vọng của mình. Nếu người có trách nhiệm tổ chức mà không làm, làm không tốt, làm qua loa việc lấy ý kiến nhân dân cũng bị chế tài.

Có rất nhiều buổi người đứng đầu chính phủ tranh luận trực tiếp với người dân trên phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, mới có chuyện một sinh viên nói trên truyền hình trực tiếp với ông Lý Quang Diệu rằng cô và nhiều người đã và đang rất chán Đảng PAP vì hàng chục năm nay cầm quyền, như vậy là độc tài, không dân chủ… Ông Lý Quang Diệu đã từ tốn nói rằng nếu cô và những người bạn chỉ cho ông một chính đảng nào có đủ điều kiện, trình độ hơn đảng PAP hiện nay để lãnh đạo đất nước tiếp tục đi lên; hoặc chỉ ra một ý kiến nào dù thuận chiều hay trái chiều mà nhà nước không lắng nghe, không làm theo nếu đúng và không chỉnh sửa nếu sai, thì chắc chắn đảng PAP sẽ thua và đảng mà cô sinh viên nói đó lên lãnh đạo. Cô sinh viên đã không trả lời được…

TS Hòa cho biết thêm, một nhà nghiên cứu Singapore nói với ông rằng: “Sai lầm vốn thường trực trong mỗi người, mỗi nhà nước, mỗi chính đảng. Vì vậy, lắng nghe ý kiến của mọi người, của nhân dân để soi lại mình, để làm theo hoặc chỉnh sửa mình, để tránh những sai lầm trầm trọng và đáng tiếc, là việc làm sáng suốt nhất. Chính phủ của chúng tôi đang làm được điều đó!”.

Đến đây thì tôi hiểu tại sao TS Nguyễn Minh Hòa lại “thèm”!

Nói về sự sai lầm, trong cuốn “Đường tới Điện Biên Phủ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể và đúc kết ra một bài học rất lớn nhưng còn ít ai để ý. Ông kể đại ý rằng trước chiến dịch ĐBP, quân ủy Trung ương đã thống nhất theo ý kiến của các Cố vấn quân sự Trung Hoa là đánh nhanh, thắng nhanh. Đại tướng đã không tài nào chợp mắt được trong gần một tuần để suy nghĩ về điều này. Ông đã hình dung ra hàng trăm “kịch bản” của trận chiến. Đại tướng nhận ra rằng các “kịch bản” đó hầu hết cho kết quả rằng nếu “đánh nhanh, thắng nhanh” sẽ là một cuộc “nướng quân” vô cùng lớn mà chưa chắc có kết quả như mong đợi. Cuối cùng, ông đã chọn phương án đánh chậm, thắng chắc. Đại tướng báo cáo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đồng ý. Điều này có làm phật ý các Cố vấn quân sự Trung Quốc nhưng “sau đó các bạn cũng hiểu và thông cảm…”.

Rút ra bài học sau đó, Đại tướng nói đại ý rằng: Trách nhiệm lớn của ông là tiết kiệm từng giọt máu của quân sĩ và dân công để tới thắng lợi cuối cùng của “Điểm hẹn lịch sử” (ĐBP). Một quân nhân sai lầm có thể chết một mình; một tiểu đội trưởng sai lầm có thể thiệt hại cho chục nhân mạng chiến sĩ; một đại đội trưởng sai lầm có thể thiệt hại trăm nhân mạng… Nhưng, nếu Đại tướng như ông sai lầm có thể chết hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người. Vì vậy, ông đã nghiền ngẫm rất kỹ trước khi ra quyết định…

Và ai cũng đã thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng suốt và trở thành thiên tài quân sự như thế nào!

Đã có bao nhiêu cuộc học tập tấm gương; vận động, chỉnh đốn Đảng hoặc các cuộc viết, thuyết trình về Đảng hay Đoàn Thanh Niên… nhưng hình như đa số là kể về thành tích và khó rút ra bài học bổ ích.

Tôi tự nghĩ: Tại sao ta không học cách suy nghĩ của thiên tài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà vận dụng cho bản thân hoặc các nhà quản lý từ dưới lên trên ở ta nhỉ?! Đó là: nói, viết và hành động về vấn đề “Nếu tôi sai lầm…”.

Sai lầm có những lúc sửa chữa được, khắc phục được nhưng có những lúc không thể khắc phục vì lỡ cơ hội. Một nhà quản lý cấp thấp sai lầm có thể ảnh hưởng không lớn lắm (Mặc dù có những người như ông Lèo gì đấy đánh ván cờ đến cả 5 tỷ đồng…). Nhưng, một nhà lãnh đạo cấp cao sai lầm thì có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn, hoặc vô cùng lớn cho những bộ phận nhân dân, cho nhà nước… Sai lầm lớn nữa có thể kéo cả dân tộc tụt hậu, thậm chí lệ thuộc hay bị nô dịch như nhiều nhà nghiên cứu từng cảnh báo…

Điều mà chắc chắn Đảng và nhân dân VN không bao giờ muốn!

Tôi nghe một đồng nghiệp kể rằng, trong một buổi họp mặt truyền thống, cố bác sĩ Ngô Văn Quỹ (một BS giải phẩu tử thi nổi tiếng, một nhà viết chính luận giỏi), khi “ôm vai, bá cổ” bạn là các nhà hoạt động cùng thời với mình (có một số người đã lên lãnh đạo các ngành), “ôn cố” về thời bao cấp, ông nói rằng: Ngày trước chúng ta có nhiều việc làm sáng suốt nhưng đôi lúc cũng đúng là “u mê tập thể”, nhỉ!.

Tôi hình dung được những nụ cười chua chát sau câu nói này!




http://quechoa.info/2012/01/29/n%E1%BA%BFu-toi-sai-l%E1%BA%A7m/

.
.