chuẩn mực chính tả ''''''''''''''




Tản mạn về “chuẩn mực chính tả thống nhất”



Nhân hội thảo quốc gia “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” do hai trường đại học tại TP.HCM vừa phối hợp tổ chức, xin tản mạn đôi dòng để thấy sự phức tạp trong công việc cần thiết nhưng cũng đầy khó khăn này.

Không có quy tắc chính tả nào đúng tuyệt đối





Những quy tắc cho một chuẩn lý tưởng, ở mức độ thứ nhất là những quy tắc tuyệt đối đúng. Ở mức độ thứ hai, những quy tắc được mọi người chấp nhận cũng là chuẩn lý tưởng.

Những quy tắc cho một chuẩn thực tế là những quy tắc đúng cho hầu hết các trường hợp, trừ một số ít ngoại lệ, và được rất nhiều người chấp nhận.
Chuẩn thực tế là chuẩn chấp nhận những biến thể.
Một từ thuần Việt, một tên riêng, một từ vay mượn đều có thể có những biến thể được coi là chuẩn. Cái sai quen dùng thì được coi là chuẩn trên thực tế.

Quy tắc chính tả do con người đặt ra. Ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, không có cách viết nào là cố định, bất di bất dịch. Bởi vậy, dù có những nguyên tắc chính tả tuân theo một hệ thống khoa học chặt chẽ nào chăng nữa thì với thời gian sẽ luôn luôn tồn tại những hiện tượng ngoại lệ không theo lôgích nào cả.

Vậy thì liệu có một hệ thống chính tả tuyệt đối đúng làm chuẩn mực được không?

Có nhiều quy luật chi phối chữ viết. Đôi khi, theo luật này lại mâu thuẫn với luật kia. Thế là sinh ra những ngoại lệ.

Quy tắc bỏ dấu thanh điệu xưa nay căn cứ vào ngữ âm: dấu thanh bỏ ở âm chính của vần. Gặp vần có nguyên âm đôi, không có chữ nào mang âm chính nên lại thêm quy tắc cảm tính “dấu thanh điệu bỏ ở vị trí “cân xứng”, “hài hoà”. Thực ra, đây là luật thẩm mỹ – một quy tắc bất thành văn – trong nhận thức về chữ viết của người Việt: “hình chữ phải đẹp”.

Có những trường hợp, tôn trọng quy tắc này lại vi phạm quy tắc kia. Bỏ dấu theo quy tắc ngữ âm, chúng ta viết hoà bình, loá mắt, trắng xoá, sức khoẻ, huỷ hoại, cổ suý, Thuý Kiều… Ấy vậy nhưng trong thâm tâm, nhiều người thích “hình chữ phải đẹp” nên vẫn viết hòa bình, lóa mắt, trắng xóa, sức khỏe, hủy hoại, cổ súy, Thúy Kiều… Vậy là trong những trường hợp trên, không thể có một chuẩn duy nhất, chúng ta chấp nhận có hai biến thể thực tế đều được coi là chuẩn.

Viết i hay y cũng liên quan tới luật thẩm mỹ. Theo quy định của bộ Giáo dục, phải viết kì lạ, lí luận, vật lí, mĩ vị, Nam Kì. Quy định này trái với cách viết trên báo chí thời xưa: Trong Gia Định báo năm 1881, 1882 hay trong Nông Cổ Mín Đàm năm 1902, chúng ta gặp: ký tên, thơ ký, trong kỳ 15 ngày, xem kỹ, Nam-Kỳ, kỳ nhứt, anh lấy làm kỳ, Lý văn Ngọc, chánh lý, chưởng lý, mạng lý, có lý lắm, làng Bình-hy…

“Hình chữ phải đẹp” trong thâm tâm người Việt là cần cân đối về độ cao giữa các con chữ trong một từ. Đại để là trong một từ, nếu con chữ một phụ âm đứng cạnh i nhô cao lên thì ta viết y nhằm tạo hài hoà trên dưới. Nhiều người thường “phá rào” ở quy định này. Viết lý thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết lí thì phần dưới chữ hơi bị hẫng. Và người ta viết quản lý, lý luận, lý lịch, vật lý, kỹ thuật, Hoa Kỳ... Những con chữ phụ âm nào cùng độ cao đứng trước i thì có khuynh hướng dùng i: si mê, mị dân, chim ri, rên rỉ, xanh rì, vi phạm, vì sao, vị trí…

Điều thú vị là viết nước Mỹ vẫn theo đúng luật thẩm mỹ: chữ M (viết hoa) nhô cao hơn chữ i nên không viết nước Mĩ.

Viết tên riêng nước ngoài thế nào?

Mỗi quốc gia ghi tên riêng theo hệ chữ viết của mình. Một tên riêng có nhiều biến thể, những biến thể lịch sử và những biến thể do quy luật tiết kiệm nội tại của ngôn ngữ. Nghĩa là không có một tên riêng duy nhất chuẩn.

Tên riêng nước ngoài nhập vào tiếng Việt trước hết qua tiếng Trung Quốc và được viết có dấu nối: Anh-Cát-Lợi, Ba-Lê, Luân-Đôn, Hoa-Thịnh-Đốn… Sau đó những dấu nối được bỏ đi.

Chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp, tiếp đến là tiếng Anh, nhiều tên được chuyển lại theo cách đọc Pháp, rồi cách đọc Anh hoặc trở lại nguyên gốc: Pari, Oa sinh tơn. Nhưng vẫn gọi Luân Đôn vì âm khá gần với âm gốc London.

Do nguyên lý tiết kiệm trong ngôn ngữ, nhiều tên riêng tự động được rút gọn thành những tên một âm tiết nghe rất Việt Nam: Anh, Úc, Ý, Áo, Mỹ… Báo chí thường viết “HLV người Bồ Calisto” chứ ít viết “HLV người Bồ Đào Nha Calisto”.

Phiên âm hay giữ nguyên dạng?

Mỗi quốc gia ghi tên riêng theo hệ chữ viết của mình. Một tên riêng có nhiều biến thể, những biến thể lịch sử và những biến thể do quy luật tiết kiệm nội tại của ngôn ngữ. Nghĩa là không có một tên riêng duy nhất chuẩn.

Theo quan điểm phiên âm, sẽ gặp nhiều trở ngại. Có những từ nước ngoài phiên âm thế nào cũng dẫn tới cách đọc không đúng như từ gốc. Trong “hiệp định Genève”, nên phiên âm từ Genève thế nào: Giơ-ne, Giơ-ne-vơ hay Giơ-neo? Theo cách nào thì cũng đọc nhấn mạnh âm tiết đứng cuối ne, vơ, neo, nghe rất kỳ. Tiếng Việt thiếu nhiều vần có trong các thứ tiếng khác nên rất nhiều từ không thể có phiên âm chuẩn.

Nhiều tên riêng chứa đựng ý nghĩa, nếu phiên âm sẽ xoá đi nghĩa có trong nguyên ngữ. Ví dụ: “Khi còn cầm quyền, Tổng thống Pháp Sarkozy và bà Merkel đã hình thành liên minh “Merkozy” (báo Tuổi Trẻ, 8.5.2012). Phiên âm thế nào cái tên “Merkozy” (lấy phần đầu tên nữ Thủ tướng Đức Merkel nhập vào phần cuối tên ông Sarkozy) trong câu trên để nói được rằng đây là liên minh của hai chính khách trên?

Nguyên tắc cơ bản của việc viết tên riêng nước ngoài theo hệ chữ Latinh là phải viết đúng tới mức tối đa theo mặt chữ như nó vốn có.

Vậy còn tên riêng Trung Quốc thì sao? Đầu óc tôn ti của người Việt dẫn tới những mâu thuẫn khi viết tên riêng Trung Quốc. Trước đây bất kể tốt xấu, cao thấp, cứ tên riêng Trung Quốc là được phiên âm theo cách đọc Hán Việt: Bắc Kinh, Khổng Tử, Tôn Trung Sơn, “cầu thủ bóng bàn có quái chiêu Trương Nhiếp Lâm”… Trong sâu thẳm tâm thức, người Việt cảm nhận sự gần gũi thân thuộc khi đọc một tên Hán – Việt. Trong vòng mươi lăm năm gần đây, theo thông lệ quốc tế, tên riêng của người Trung Quốc hạng “bình dân” dần dần được viết bằng chữ Latinh và phiên theo âm Bắc Kinh. Tên của những nhà vô địch bóng bàn thế giới đã được viết là Kum Pu Ru, Wang Hao chứ không còn mấy ai viết là Khổng Lệnh Huy hay Quang Hạo. Đó là sự hội nhập quốc tế tích cực. Tuy nhiên, với đầu óc tôn ti người Việt vẫn gọi những người đứng đầu Trung Quốc theo tên Hán – Việt: Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… Vậy là thiếu nhất quán. Hai tên này nên phiên là Hú Jǐntāo , Xí Jìnpíng.



GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN


http://sgtt.vn/Khoa-giao/173692/Tan-man-ve-%E2%80%9Cchuan-muc-chinh-ta-thong-nhat%E2%80%9D.html



......./.

...cưỡng chế chợ Thanh Ấm

Hà Nội: Gần 700 công an cưỡng chế chợ Thanh Ấm



http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/locl-pple-resi-mk-clo-12262012061618.html




////////////

"Cưỡng chế mà không có quyết định cưỡng chế mà lại tiến hành từ lúc 4 giờ sáng, ngăn cách mọi ngả đường không cho dân buôn bán. Còn cách đây cả tháng đã cắt điện của dân. Tổ chức cho công an và công ty điện lên cắt điện của dân để các hộ kinh doanh không có điện để mua bán, gây sự khó khăn cho dân chúng "
LS.Trần Đình Triển






[...] 

Luật sư Trần Đình Triển, qua tư vấn pháp lý cho người dân kinh doanh tại chợ Cầu Thanh Ấm tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nêu rõ lại những bất hợp lý của việc buộc dân phải đến kinh doanh tại khu chợ mới do Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây Dựng Hòa Nam, một công ty tư nhân, làm chủ:
"Trước hết chợ ở Vân Đình là một chợ 'truyền thống', mang tính lịch sử. Dân đang buôn bán ở đây một cách sầm uất, phù hợp với nền kinh tế thực tại là buôn bán nhỏ, kinh doanh nhỏ. Sức mua không lớn lắm so với những vùng đô thị.  Nó thuận lợi cho việc giao dịch, mua bán và bao nhiêu hộ dân đang sống nhờ vào chợ này. Theo qui định trong Nghị định 02 của thủ tướng chính phủ về đổi mới chợ là phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, hai nữa phải bàn bạc với dân từ cơ sở, trên những nguyên tắc ưu tiên là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu như doanh nghiệp xây dựng trên vị trí đó phải tổ chức đấu thầu. Hiện nay, doanh nghiệp xây dựng cách đó khoảng 2 kilomet để dời chợ ra, rồi lấy đất đó làm gì thì dân không biết. Tiếng kêu của dân lâu rồi và người ta phản ánh rất đầy đủ, nhưng chính quyền địa phương sở tại- tôi nhắc lại là sở tại, nhất là cấp ủy đảng và chính quyền địa phương của huyện Ứng Hòa, không tuân thủ những nguyên tắc của pháp luật."

[....]




Số liệu vui, sự thật buồn



Số liệu vui, sự thật buồn


ĐỖ HÀ   Thứ Tư, 26/12/2012
nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/77/105010/So-lieu-vui-su-that-buon.aspx


Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất siêu sau 20 năm, lạm phát thấp hơn dự báo và tỷ lệ thất nghiệp giảm là 3 số liệu đáng mừng về nền kinh tế nước ta năm 2012. 

Tuy nhiên, ẩn sau đó lại là những sự thật đáng buồn về đời sống của người dân, đặc biệt là dân nghèo!  Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố các số liệu chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012. 

Theo đó, ngoại trừ tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu trên 6% của Chính phủ, thì các số liệu chủ chốt khác của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực.   






Cụ thể, theo báo cáo của TCTK thì lần đầu tiên sau 20 năm, Việt Nam rũ bỏ được gánh nặng nhập siêu và trở thành một quốc gia xuất siêu, dù thặng dư chỉ ở mức khiêm tốn là 248 triệu USD. Lẽ ra đây phải là một số liệu đáng mừng vì cho thấy nền kinh tế trong nước đã chủ động hơn trong việc cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, giảm phụ thuộc vào các quốc gia khác trên thế giới. 

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, sở dĩ Việt Nam chuyển mình từ một nước nhập siêu suốt 20 năm qua thành nước xuất siêu là nhờ “công lớn” của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu trong nước thấp.  Như vậy, mặc dù kết quả xuất nhập khẩu là khả quan nhưng cả 2 yếu tố tác động đến cán cân thương mại đều cho thấy một nền kinh tế đang bị “rút ruột” và trì trệ. Bằng chứng là việc các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh xuất khẩu, tức là biến nguyên vật liệu, nhân công giá rẻ của Việt Nam thành sản phẩm đắt giá và xuất khẩu ra thế giới nhằm thu lời cho tập đoàn mẹ ở một quốc gia khác chứ không mang lợi về cho người dân Việt Nam. 

Trong khi đó, thu nhập thực tế giảm sút khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, tác động xấu đến nhập khẩu.  

Bên cạnh đó, số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng là một kết quả tưởng vui hóa buồn của nền kinh tế. Theo công bố chính thức thì lạm phát cả năm 2012 tăng thấp hơn dự kiến, đạt 6,8% và được chính TCTK thừa nhận là “bất thường”. 

Lý do được TCTK lý giải là CPI, thông thường đều tăng cao vào tháng tết nhưng năm 2012 lại “bình chân như vại” trong thời điểm này và tăng “bù” vào tháng 9 do giá dịch vụ y tế, giáo dục – 2 lĩnh vực mà người dân không có quyền từ chối tiêu dùng - nhảy vọt.  

Thêm một nghịch lý đáng buồn nữa trong báo cáo cuối năm của TCTK là trong khi tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 giảm nhẹ, xuống 3,25% thì số lượng người thất nghiệp lại lên đến gần 1 triệu người. 

Sở dĩ có nghịch lý này là do số lượng việc làm được tạo mới của nền kinh tế không tăng theo kịp số lượng lao động mới gia nhập vào thị trường này. Điều này cũng cho thấy kinh tế đang tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ mở rộng của thị trường lao động, vốn được coi là xương sống của bất kỳ nền kinh tế nào.  

Nhìn vào số liệu này, người dân có lẽ sẽ không khỏi thất vọng bởi hầu hết các số liệu phản ánh “thể trạng” nền kinh tế đều không mấy khả quan và khó có thể đoán được tình hình năm 2013 có thể sáng sủa hơn hay không! 



...../.

Phạm Duy - VĂN CAO TRONG TÔI


Phạm Duy - VĂN CAO TRONG TÔI


Phạm Duy

Trong ba đêm VĂN CAO TRONG TÔI tại phòng trà TÌNH CA, tôi nói ra được vài điều mà tôi nghĩ là sẽ bổ ích cho những người yêu nhạc và nhất là yêu nhạc Văn Cao.


Trước hết, tôi nói tới sự đa dạng trong nhạc tình của VC trong thời kỳ mới thành lập của Tân Nhạc này. Lúc đó, những chàng thanh niên mới tập tễnh soạn ca khúc VN (như Lê Thương, Đặng Thế Phong, Hoàng Qúy, Văn Cao…) thường dùng một âm giai “mineure” hơi giống như âm giai của điệu Sa Mạc (re fa sol la do re). Những bài như Buồn Tàn Thu, Bản Đàn Xuân, Cô Láng Giềng, Con Thuyền Không Bến đều có chung một hơi hướng VN và một phong cách buồn bã như nhau.

Duy chỉ có Văn Cao là muốn thay đổi phong cách, cho nên sau Buồn Tàn Thu thì ông buông cái “re mineure” ra và dùng những âm giai “majeure” để diễn tả cái buồn (lúc đó chưa có nhạc vui trong Tân Nhạc như hướng đạo ca hay thanh niên lịch sử ca. Ngay Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận cũng còn bám vào âm giai “re mineure” để viết Hồn Xuân, Nhớ Chiến Khu hay Côn Đảo).

Không còn là ngũ cung “re mineure” nữa, và dù tác giả tuyên bố trong một cuốn video, đây là ca khúc của kẻ thất tình, nhạc điệu trong Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa của Văn Cao là nhạc chủ thể Tây Phương (musique tonale) với những áp-âm (notes sensibles) làm cho nét nhạc có nhiều cảm tính. Nhịp điệu là thể valse đầy lưu luyến và cũng đầy luyến tiếc.

Sau đó, trong hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân là Suối Mơ và Bến Xuân, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu của chúng ta. Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình…

Rồi tới khi vươn tới những tác phẩm lớn như Thiên Thai và Trương Chi thì “ngữ nhạc” của Văn Cao sẽ dắt ta tới đỉnh cao nhất của cuộc tình tiên cảnh cũng như sẽ đưa ta vào cõi sâu thẳm nhất của tình buồn với hai câu chuyện cổ dân gian biến thành hai bản tình ca muôn thuở.


Nói về ca từ trong những bài đầu tiên
của Văn Cao
(trích trong đêm NHẠC THỌAI VĂN CAO TRONG TÔI)

Về ca từ, vào lúc thành lập của Tân Nhạc, đa số các nhạc sĩ đều làm lời ca với thơ năm chữ… có thể họ đã bị ảnh hưởng thi sĩ Lưu Trọng Lư trong bài Tiếng Thu :
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Cũng có thể họ bị ảnh hưởng của bài thơ này trong sách giáo khoa Lớp Một :
Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn ràng
Em cắp sách tới trường
Nắng tươi rải trên đường
Trời xanh thay áo mới
Đẹp sao lúc thu sang

Văn Cao đã dùng thơ 5 chữ trong một bài hát hướng đạo như Anh Em Khá Cầm Tay :
Anh em khá cầm tay
Mau đến cùng nhau hát
Nơi đây chúng mình ca
Trong gió chiều thật êm
Bao nhiêu gió về đây
Chim chóc về đây hót
A vui sướng làm sao
Ta ngó trời xanh êm
Và sau đó, trong kháng chiến, anh có bài Ngày Mùa :
Ngày mùa vui thôn trang
Lúa không lo giặc về
Khi mùa vàng thôn quê
Ngày mùa vui thôn xóm,
Đầy đồng giáo với gươm
Súng tì tay anh đứng,
Em ngừng liềm trông sang.

Quê Em của Nguyễn Đức Toàn cũng là thơ năm chữ :
Quê em miền trung du
Đồng suôi lúa xanh rờn.
Giặc tràn lên thôn xóm… 
Sau này là những bài thơ hay bài hát khác :
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Cung Trầm Tưởng

Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Như u tình đã qua
Thấm linh hồn ma soeur
Nguyễn Tất Nhiên

Chỉ chừng một năm thôi
Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi
Chỉ chừng một năm thôi
Phạm Duy

Thế hệ nhạc sĩ đầu tiên của Tân Nhạc là chúng tôi, nghĩa là Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy v.v… cũng như các thi nhân tiền chiến, vào lúc sắp thoát ra khỏi hay vừa thoát ra khỏi ách thực dân Pháp, nhờ có cuộc Cách Mạng mùa Thu 1945, thì trong sáng tác, chúng tôi đều muốn kêu gọi hay lắng nghe tiếng quê hương đất nước, mùa màng cây cỏ, nghe tiếng mẹ, gọi em, gọi đồng bào ruột thịt, nghe Trời, gọi Phật…

Sau khi Lưu Trọng Lư lắng nghe mùa Thu (Em không nghe mùa Thu, dưới trăng mờ thổn thức), Lê Thương gọi mùa Thu (Thu Trên Đảo Kinh Châu), Thẩm Oánh gọi thuyền (Thuyền ơi hãy ghé vào bờ), Văn Cao gọi suối (Suối ơi, bên rừng Thu vắng), tôi gọi chiều (Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai)… Mấy chục năm sau, Trịnh Công Sơn vẫn còn gọi nắng (Gọi nắng trên vai em gầy), còn thi sĩ Phạm Thiên Thư thì vẫn nheo nhéo gọi người tình Ẩn Lan (Gọi Em là Đóa Hoa Sầu). Và dường như tất cả chúng tôi đều cất cao tiếng gọi Mẹ (Mẹ Việt Nam ơi, chúng con đã về giữ thơm quê Mẹ)…

Lúc tiến qua những tình khúc dài hơn Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa như Suối Mơ, Bến Xuân thì ca từ trong nhạc Văn Cao lại khác đi, có khi nặng về thơ 7 chữ, phần nhiều là thơ tự do nhưng đi theo với những câu nhạc. Trong hai bài này, nhạc tính Văn Cao có tính chất mô tả nhiều hơn.

Trong thực tế, cho tới lúc này, chưa có một nhạc sĩ nào có thể mô tả cái đẹp của con suối trong rừng Thu hay mô tả người đẹp trong cảnh bến sông vào lúc Xuân sang. Trong cả hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân này, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy một chút hạnh phúc. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu của chúng ta :
Suối ơi ôi miền yêu mến
Còn ghi khi bóng ai tìm đến
Đàn ai nắn cung lưu luyến
Suối hát theo đôi chim uyên…

Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa xa và nghe tiếng chim ca như lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng mình :
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến tình vừa qua...


Ba Tuyệt Phẩm của Văn Cao
Tôi muốn dành phần cuối của chương trình này để nói về ba tuyệt phẩm của Văn Cao :Thiên Thai, Trương Chi và Trường Ca Sông Lô.
Hãy nói về nhạc tính (caractère musicale) của ba tác phẩm này.
Tuy viết ra một bản hát vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh – nghĩa là đã vượt qua hình thức đoản khúc… Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc (measures) chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu… nhưng Văn Cao không tả thực trong bài Thiên Thai này !
Thiên Thai là một trường ca ấn tượng, impressionist, tạo cảm xúc cho người nghe nhiều hơn là mô tả một câu truyệnTất cả những hình ảnh chính của câu truyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền, đều được mô tả một cách rất mơ hồ… giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm… nhưng ta không thấy được họ.
Khi cùng người yêu xây được ngôi nhà bằng cỏ bên suối mơ hay trước bến xuân với hai tình khúc trước thì Văn Cao có thể mời đón chúng bước vào căn nhà bên chiếc cầu soi nước để ngồi nhìnđàn nai đùa trên đám lá vàng tươi hay đứng trước bến sông để nhớ tiếc những ngày tha hương…Nhưng trong Thiên Thai, cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự, cõi riêng của nhạc sĩ Văn Cao.
Trương Chi cũng không hiện thực trong tính cách, không mô tả (descriptive), chỉ gây ấn tượng cho chúng ta về tiếng hát hay của anh lái đò, về hạnh phúc của Mỵ Nương mỗi lần nghe tiếng hát…
Ông chỉ dùng Trương Chi để tỏ thái độ của chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết : Ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta...
Tâm hồn tôi đẹp - vì tôi hát hay - nhưng tôi nghèo và hình hài tôi xấu cho nên người ta không yêu tôi à ? Thì tôi vẫn có thể đưa ra một tuyên ngôn, rằng : Người đời có thể khinh ta, quên ta, nhưng ta vẫn còn riêng ta với trái đất này Ðó là ý nghĩa của bài Trương Chi

Nhưng tới khi soạn Trường Ca Sông Lô thì Văn Cao đã
không còn dùng phong cách gây ấn tượng trong tác phẩm nữa. Cuộc sống hiện thực và anh dũng của toàn thể dân tộc đã khiến cho anh ra khỏi chất mơ mộng trong việc mô tả con người, cảnh vật, sự việc trong một giai đoạn lịch sử kháng chiến oai hùng của chúng ta.

Trường Ca Sông Lô mở đầu với đoạn 1 mô tả Sông Lô, là con sông ngàn Việt Bắc có bãi dài ngô lau nơi núi rừng âm u, có những ngôi nhà mờ biếc chìm một màu khói Thu... Đó là nơi mà lửa kháng chiến đã làm cháy bờ lau thưa, cháy cả thôn trang. Ai ơi, hãy lặng nhìn màu nước sông Lô xưa mà nhớ tới cảnh cũ người xưa….

Sang đoạn 2 ông chuyển cung, chuyển nhịp để kể cho ta nghe chuyện một đoàn người reo mừng trên sóng nước biếc, trở về và thấy trên sông bao nhiêu là đám xác thù. Đó là người dân hân hoan trở về con sông hiền hòa, bát ngát. Dân hân hoan chiến sĩ pháo binh Việt Nam với tiếng trái phá làm quân thù ngập chìm dòng Lô…

Qua đọan 3, một lần nữa Văn Cao lại chuyển cung, chuyển điệu : Đây dòng Lô, đây dòng Lô… Với đoàn chiến sĩ sông Lô, thân rừng áo sương, đã vút cao lòng căm hờn và làm cho thây giặc nát tan.

Đoạn 4 của trường ca là đoạn mineure chậm rãi, là lời thề trong đêm gió rét, trong đêm chìm chờ đợi ánh chiêu dương.

Đoạn 5 của trường ca là đoạn majeure nhanh nhẹn nói lên niềm vui hát ca của dân buông lưới, của bóng người sầm uất bến Then…

Đoạn cuối là đoạn 6 xưng tụng dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô vẫn trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre… dòng sông Lô lướt trôi, lướt trôi, lướt trôi. 
Nếu Thiên Thai chỉ nằm trong một giọng Re (mineure và majeure) và Trương Chi chỉ chuyển nhịp, chuyển điệu trong hai giọng Re và Sol… thì Trường Ca Sông Lô có tới SÁU LẦNchuyển âm (modulations) cũng như chuyển tiết tấu (changing rythmes).

Trường Ca Sông Lô là bản hát dài đầu tiên của chúng ta, là một tuỵệt phẩm mà những người đi sau Văn Cao (như tôi) đã học hỏi được rất nhiều ở ông để tiếp tục làm giầu cho âm nhạc Việt Nam.
Tôi muốn được công khai tỏ lòng biết ơn thiên tài Văn Cao trong buổi nói chuyện này.

Phạm Duy,
Phòng Trà TÌNH CA,
Sài Gòn
ngày 5 tháng 10, 2007

.............

www.diendantheky.net/2012/12/pham-duy-van-cao-trong-toi.html



************************************
BẤM VÀO ĐỂ NGHE:

Văn Cao 

THÁI THANH

************************************


...../.

TỐ HỮU



VÀI Ý NGHĨ NHÂN HỘI THẢO VỀ TỐ HỮU

 Lại Nguyên Ân



 


1
Kỷ niệm Tố Hữu năm nay, nhân 90 năm sinh, được tổ chức khá rùm beng: đã một buổi trình diễn thơ-nhạc tại Nhà hát Lớn hôm chủ nhật 2/10, lại buổi hội thảo tại ban Tuyên huấn TƯ hôm nay, 4/10. Làm lớn  nhân năm chẵn, lại nhân lễ ngàn năm Thăng Long, rõ rồi; nhưng liệu có phải vì cái uy của thơ Tố Hữu đang suy trong công chúng? Nghe đôi nhà giáo đại học cho biết, sinh viên ngữ văn không thích làm luận văn, luận án về thơ Tố Hữu. Không tin thì ban Tuyên huấn cho cán bộ nhân viên làm điều tra xem?  


2
Đọc lại tài liệu giới phê bình nghiên cứu Việt Nam viết về Tố Hữu, nhất là những gì viết từ 1955 đến 2000, bạn phải lưu ý… “trừ bì”, tức là phải lượng định mức độ phóng đại của những lời khen. Một đôi người chỉ khen cho phải phép trước kẻ đắc thời đắc thế, nhưng nhiều người thì khen thơ Tố Hữu là khen cấp trên, đề lên tận lưng trời, là để kiếm lợi riêng, như cái tay phụ trách tạp chí của Viện nọ dám viết rằng Tố Hữu làm chức càng cao thì thơ càng hay! (trong khi Xuân Sách nhận xét đúng hơn: nhà càng lộng gió thơ càng nhạt!). Thơ Tố Hữu đã từng đem lại tiền bạc, học hàm học vị cho không ít nhà giáo, nhà nghiên cứu, – điều này có thật, nhưng “chất lượng khoa học” của sự phê bình nghiên cứu trước đây về thơ Tố Hữu thì nay cần phải trở thành một đối tượng nghiên cứu khảo sát, đừng có mặc nhiên trích dẫn vô tư. 
3

Giá trị thực sự của thơ Tố Hữu ra sao? Có sống sót được với thời gian không? – là những điều người ta nên nghĩ tiếp.
Tôi cho rằng thơ Tố Hữu có thể có tình giai cấp, tình dân tộc, nhưng không có tình nhân loại.  
Không có tình nhân loại là ý thức, là chủ ý của nhà thơ Tố Hữu, người đã ra lệnh cho toàn giới lý luận và sáng tác văn nghệ ở miền Bắc phải loại bỏ tình nhân loại, bác bỏ chủ nghiã nhân đạo (humanisme) cả về lý luận lẫn thực tiễn, bảo nó là “nhân loại chung chung, nhân tính trừu tượng”, mang tính tư sản, cấm không ai được rơi vào quan niệm đó, nếu không muốn bị trừng phạt! Tự ông nói thơ ông là “đồng ý, đồng tình, đồng chí”, nghĩa là những ai không là “đồng chí” với ông thì không thể được ông thích, những ai không “đồng tình, đồng ý” với ông thì đều bị loại ra khỏi thế giới thơ ông. Bị nhà thơ thường dân ghét thì cũng chẳng sao, nhưng bị nhà thơ quyền uy đầy mình như Tố Hữu ghét thì kẻ bị ghét sẽ khốn nạn từ thân xác đến tận tâm thần, như những cựu “đồng chí” Nhân văn-Giai phẩm đó! 
Những nhận định cũ về tình giai cấp, tình dân tộc ở thơ Tố Hữu cần được minh định lại. Tình dân tộc ở thơ ông chỉ có trong sự phụ thuộc tình giai cấp; ông thạo các điệu thơ Việt cũ, như câu lục bát, câu song thất, lời diễn ca; nhưng ông lại bắt những gì dân tộc tính phải mang màu thời đại, lại là cái màu như ý ông, tức là phải gần gụi công nông binh, – ông chỉ thừa nhận là có tính dân tộc những gì gần gũi với các tầng lớp bình dân hoặc dưới đáy; ông là một học trò tiểu tư sản sinh ra ở đất “thần kinh” Huế nhưng lại ghét tất thảy những gì mang chất trí thức, bác học; ông là người hoạt động chính trị mạnh mẽ, nhiều đam mê và cơ mưu, nhưng thơ ông lại cổ vũ một thứ chủ nghĩa cấm dục hà khắc, may lắm cũng chỉ có một chút xíu tình yêu platonic, “trái tim chia ba phần…, dành cho Đảng phần nhiều”... Tình giai cấp ở thơ ông tựu trung là tìm sự cảm thông trong những tầng lớp dưới, bị thống trị, kêu gọi họ hợp sức lật đổ giai cấp giàu có đang thống trị và giao cái quyền lực vừa giành được ấy cho ông và các đồng chí của ông, rồi từ đấy hãy cúc cung lao động chiến đấu dưới sự dẫn dắt không thể lầm lẫn của bọn ông! Thế thôi. Tức là nó mang đầy sự thực dụng, sự tuyên truyền. Tố Hữu hiển nhiên là nhà thơ của Đảng mình, nhưng vị tất đã là nhà thơ của dân tộc mình. 
Ảnh hưởng thơ Tố Hữu ở Việt Nam (nói chính xác là ở vùng thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) là lớn, nhờ việc bộ máy tuyên truyền do ông đứng đầu, đưa thơ ấy tràn ngập các kênh chủ yếu: sách giáo khoa, sách báo phổ thông, đài phát thanh… Nói cho đúng, công chúng sống trên đất Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam biết và thuộc thơ Tố Hữu là vì không thể tránh thoát thơ ấy, là vì không có chỗ trốn khỏi thơ ấy. Tất nhiên thơ ấy chiếm lĩnh tâm hồn rất nhiều lớp người, và chính vì thế mà họ đã làm những gì thơ ấy kêu gọi, nhất là… ra trận!  
Thơ Tố Hữu có những vết nhơ không thể tẩy xóa, như đoạn thơ “Yêu biết mấy nghe con tập nói / Tiếng đầu lòng con gọi “Sta-lin” ! Ý thơ ấy, ngay tầm gần, đã trái hẳn lẽ thường nhân loại: trẻ con tập nói thì gọi “mẹ” chứ đâu đã biết ai xa lạ? trẻ Việt làm sao tập nói được cái từ đa tiết xịt xoạt như thế kia? (Bài đăng tạp chí Văn nghệ1953 là Tiếng đầu lòng nó gọi ‘Ông Lin’ , bản in vào sách Việt Bắc 1955 sửa thành Tiếng đầu lòng con gọi ‘Stalin’). Lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể “Thương cha thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông (Stalin)thương mười”  (!?!). Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem là kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái, lương thiện) lại ngợi ca “công đức” một Bạo chúa, một Hung thần, một Độc tài khét tiếng, một Đao phủ thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại. 


Trên mạng internet bây giờ đôi khi còn thấy người ta cho rằng Tố Hữu là tác giả đoạn thơ khủng khiếp này:    
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.
 
Tôi thấy lạ với đoạn thơ này, vì dường như chưa từng gặp nó trong các tập thơ Tố Hữu đã đọc. Vậy nhân đây đề xuất với giới nghiên cứu, nhất là các giáo sư đã từng “ăn lộc” nhiều ở thơ Tố Hữu (như Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử…), hãy tìm ra ngọn nguồn đoạn thơ này và thông tin lại cho bạn đọc; nếu nó không phải là thuộc ngòi bút Tố Hữu thì cũng là may cho ông, tuy vẫn thật buồn cho giới làm thơ của chúng ta. Lọt sàng xuống nia, nó vẫn là của một ngòi bút Việt Nam nào đó. Vượt ra ngoài chuyện xác định “tác quyền” cụ thể, đoạn thơ này thông báo rằng còn có cả một dòng thơ ca quần chúng sắt máu đầy hận thù giai cấp từng được Đảng khơi lên, từng được sáng tác ra và lưu truyền trong dân chúng, – đó là “văn thơ (có cả kịch, chèo) phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất”, xuất hiện từ khoảng 1951 và tự tắt đi vào cuối 1956. Rất nhiều tên tuổi nhà thơ nhà văn quen thuộc có góp tác phẩm vào mảng văn thơ này, kể cả Nguyễn Tuân, kể cả Nguyễn Bính, kể cả Hữu Loan…, tất nhiên số đông hơn vẫn là những tác giả quần chúng ít tên tuổi. Cho đến nay, về cải cách ruộng đất thì ít nhiều đã có những công trình, luận  án sử học, nhưng mảng văn thơ cải cách ruộng đất thì vẫn chưa hề có một sưu tập, tuyển tập tác phẩm, cũng chưa có một công trình nghiên cứu, luận án hay luận văn nào đề cập tới. Cố tình hay vô ý của giới nghiên cứu văn học chính ngạch ta đây? Hãy chờ nghe trả lời từ những người đang phụ trách các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của nhà nước. Nhưng dù sao thì cũng đừng nghĩ rằng hễ giới nghiên cứu làm bộ quên thì mảng văn thơ này sẽ dần dần biến mất; tốt hơn là nên tiếp cận bằng các sưu tập và công trình nghiên cứu, tức là nhắc lại nó như một kinh nghiệm đau xót của một nền văn học từng sa vào những giọng điệu và tinh thần phi nhân đáng hổ thẹn ấy.  
 4
Tôi không biết viết truyện, nên rất muốn mách cho ai đó giỏi viết truyện, hãy viết một truyện “chưởng” có nhan đề “Ly Khách Thần Kinh và quần anh Bắc Hà”. Đây là một chuyện “quần hùng” của giới văn sĩ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam những năm 1947-1990.  
“Ly Khách Thần Kinh” là Tố Hữu, một người Huế (= đất thần kinh), rời Huế ra Bắc hoạt động từ 1947 (hoặc sớm hơn) nên gọi là “ly khách” (dựa câu thơ Thâm Tâm “Ly khách! Ly khách! Con đường vắng ”); “quần anh Bắc Hà” dĩ nhiên là nói đám văn sĩ Việt trên đất Bắc, từ những người tham gia Văn hóa cứu quốc thời đầu đến những tài danh thuộc lớp kế tiếp. 
Những văn sĩ tham gia hội Văn hóa cứu quốc (VHCQ) thời đầu (1943-45) hầu hết đều là những tài năng trẻ ở đất Bắc, hứa hẹn kế tiếp lớp tiền chiến đầy thành tựu. VHCQ là đoàn thể nằm trong Việt Minh rộng lớn, nhưng quan hệ trực tiếp với Hội này là các nhân sự đứng đầu xứ ủy Bắc Kỳ (của ĐCS Đông Dương). Ngay sau ngày cướp chính quyền (19/8/1945) VHCQ rất được tin dùng. Việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập được giao phần chính cho VHCQ; đến số liệu người chết trong nạn đói 1945 nêu trong Tuyên ngôn độc lập cũng do VHCQ cung cấp… 
Trong năm 1946 “Ly Khách Thần Kinh” có ra Hà Nội, có ghé thăm VHCQ trước lúc trở về Thanh, VHCQ in cho tập “Thơ”  (1959 in lại đổi là “Từ ấy”), thế thôi…  
Vậy mà chỉ hơn một năm sau, lúc đã bước vào kháng chiến, tại Việt Bắc, giữa những văn sĩ đã rời Hà Nội đến “thủ đô gió ngàn” bỗng lại xuất hiện “Ly Khách Thần Kinh”, không phải như một văn sĩ như các văn sĩ khác, mà như một người của Đảng cử sang lãnh đạo cả giới này.  
Thế tức là những văn sĩ theo VHCQ từ đầu, đã không có ai được đủ tin cậy để TƯ Đảng giao cho lãnh đạo giới mình. Những Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi hẳn là có hơi bị sốc? 
Phía “Ly Khách Thần Kinh”, một tập “Thơ” (Từ ấy) chưa đủ để đám văn sĩ đi KC này phục tài. Làm sao chàng so đọ được tài văn với Nguyễn Tuân, tài thơ với Xuân Diệu, tài nhạc với Văn Cao, …?  
Cuộc “chinh phạt” của “Ly Khách Thần Kinh”  phải diễn ra với những mưu kế khác, tùy theo thời thế.  
Năm 1949 thì chỉ bằng mấy nguyên tắc “dân tộc-khoa học-đại chúng” đã có thể dằn mặt Nguyễn Đình Thi và những người trẻ đang hăm hở làm mới thơ Việt.
Sau 1950 (khai thông biên giới, tiếp nhận ảnh hưởng Trung Cộng), thì nhân danh chỉnh huấn, còn có thể buộc hầu hết “quần anh Bắc Hà”, kể cả những tài danh lớn như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan… viết kiểm điểm về lập trường giai cấp từng thể hiện trong sáng tác trước kia, tuyên bố từ bỏ thành quả văn nghệ tiền chiến của chính mình, cam kết từ đây chỉ viết trong vòng “yêu-căm-chiến-lạc” (= yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu, lạc quan).


Tất nhiên đám “quần anh Bắc Hà” không chỉ có duy nhất một bọn, thế nên tốp này quy hàng lại có tốp khác khiêu chiến. Tranh luận tại Hà Thành hồi 1955 về tập thơ “Việt Bắc”  là điểm va chạm nảy lửa; một bọn văn sĩ (Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Bính…) ngạo nghễ xem thường lối thơ bình dân hóa, nhân danh công nông binh của “Ly Khách Thần Kinh”, trong khi đám đã quy hàng (Xuân Diệu, HoàiThanh, Nguyễn ĐìnhThi…) thì ra sức tâng bốc, hơn thế, còn dùng quyền lãnh đạo để buộc chấm dứt thảo luận khi những lời chê bai đậm dần lên… 

Nhưng sự tranh biện lại nảy ra ở quy mô rộng hơn, động đến những tai họa xã hội có thật, tại đất mình (cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức) và tại “phe” mình (dân Hung, Ba Lan nổi lên chống ách XHCN Xô-viết…)… “Ly Khách Thần Kinh”, cùng với đàn anh trong chính giới, dùng sách “trăm hoa đua nở” của Mao, cho “mở rộng dân chủ”, “phê bình lãnh đạo” để xả van trí thức, nhân thể cho lộ diện những gương mặt bướng bỉnh đáng ghét. Thế là có mùa vụ ngắn (từ tháng 9 đến 12/1956) của những Giai Phẩm, Nhân Văn, Đất Mới, Sáng Tạo, Trăm Hoa… Rồi thoắt cái, van phê bình khóa lại, màn đua nở hạ xuống, tất cả mọi ý kiến bất đồng đã phát biểu trở thành chứng tích để kết tội “chống chế độ”, một loạt “đồng chí” trí thức, văn nghệ sĩ được biến thành kẻ thù của tổ quốc, của chế độ… Một không khí sợ hãi đã hình thành trong giới văn nghệ, trong toàn xã hội, – mục tiêu thiết lập chuyên chế tinh thần đã thành đạt. 

“Ly Khách Thần Kinh” đắc thắng, bước thăng tiến ngày một cao. Đám “quần anh” kế sau tại Hà Thành có lúc toan thở phào, tưởng chừng khi anh Lớn bước vào nội các làm tả tướng quốc chuyên lo việc canh nông, thì thôi, để miền văn nghệ cho quan lớn… nhỏ hơn. Họ đã lầm, “Ly Khách Thần Kinh” vẫn canh chừng đất văn nghệ vốn là “đất phát tích” của mình, và vẫn thừa uy lực ngoái sang giáng một chưởng quyết định vào vài kẻ dám “đề dẫn” (1979) cho một tinh thần văn chương có mùi khác khác. Cú choảng này nhất cử lưỡng tiện: vừa cản đường và vô hiệu hóa một tay bút từ chiến trường bước ra với tương lai chính trị có vẻ tràn trề, vừa làm phúc cứu thua cho Nguyễn Đình Thi đang đứng trước nguy cơ bị thải loại quá sớm. Nguyễn Đình Thi được cứu, lại đứng ra chủ trì Đại Hội Nhà Văn thứ 3 (1983) và tái đắc cử tổng thư ký, trong hân hoan chót nói… thật những lời có cánh đầy tai tiếng, tự xem giới nhà văn của mình là những “hạt bụi” lấp lánh dưới ánh sáng đảng 

Nhưng đường thăng tiến của “Ly Khách Thần Kinh” không phải cứ lên cao … cao mãi, tuy rằng, đã có lúc khắp tam kỳ tứ trấn ngập tràn lời đồn đại Ngài sẽ được truyền ngôi tổng Bí. Sau vụ đổi tiền 1985, lạm phát sốt lên theo nhịp thơ leo thang, lên tới vài chục ngàn lần, đất nước rúng động, lãnh đạo giật mình; tài kinh tế của “Ly Khách Thần Kinh” đã bộc lộ trọn vẹn, Ngài bèn bị phạt thẻ đỏ, mất chức, rời nội các. Cuộc “đổi mới” diễn ra, nghe nói Ngài hậm hực không tán thành. Rồi thì Ngài chìm vào tâm trạng “riêng một ngọn đèn” ở bên lề giới chính khách mới…  


Ngài quay lại chơi với giới văn sĩ. Thường là dễ chơi với đám trẻ con khi xưa mà nay đã thành những nhà văn nhà thơ người lớn. Còn với những “cố nhân” nặng nợ một thời thì không dễ chút nào, khi những ân oán giang hồ cũ không thể nào vơi đi được. Một mặc cảm tội lỗi nào đó vẫn đeo đuổi Ngài chăng, khi Ngài tận dụng những phỏng vấn dài dài để gài vào tương lai một nghi án rằng Ngài từng rất mực nể trọng những thi nhân học giả lỗi lạc này kia, lẽ nào chính Ngài đàn áp họ!? Lúc khác, cầm bút viết hồi ký, Ngài sống lại tư thế cầm quyền khi trước, tiếp tục gọi tất cả đám học giả thi nhân ấy là “bọn phản động”! Quả thật, cho tới khi đậy nắp quan tài, Ngài vẫn chưa thể “nói chuyện” lại được với những nạn nhân của mình trong giới cầm bút. Phía những nạn nhân cũ ấy cũng vậy: từ lúc được khôi phục, họ lên tiếng về mình ở nhiều chỗ khác nhau, trước những công chúng và đồng nghiệp khác nhau, trừ những công chúng và đồng nghiệp đã từng la ó và cùm kẹp họ. Ấy vẫn là một bất cập lịch sử của cả hai phía. Đám “quần anh Bắc Hà” xưa bị Ngài dìm xuống bùn, phải từ bùn gượng dậy, bằng sáng tạo mà trụ lại với đời, – đám người ấy nay còn hận Ngài chăng? Khó biết hết.

Như bài Hoàng Cầm tiễn đưa Ngài đó! Chỉ phô cái tử tế ra mà thôi! Mà tử tế chưa phải là tất cả tâm địa người đời. 

Cây bút nào sẽ viết truyện “chưởng” này nhỉ?


                                                                                                   
04/10/2010                                                                                                                     
Lại Nguyên Ân 


....../.