Vinh Danh Nguồn Sáng

Vinh Danh Nguồn Sáng

. Đinh Tấn Lực

Một hạt rượu rơi
Trái đất nghiêng say
Mẩu giấy vụn
Tôi vẽ con diều bay bổng

Phùng Cung (trang dạo của tập Xem Đêm – 1995 nxb Văn Hóa-Thông Tin)

Truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh được đăng lần đầu trong tập san Nhân Văn số 4, tháng 10-1956. Ngay sau đó, nhà thơ Phùng Cung, người viết truyện, đã bị đấu tố tả tơi bởi hội đồng cai văn nghệ đương thời, rồi bị tước mất biên chế, và dõi suốt 140 bận nhìn ánh trăng rằm qua song sắt các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Bảo Thắng, Phong Quang, Yên Bái, Lai Khê…

Minh Đức, nhà xuất bản truyện ngắn nói trên và các tập san Nhân Văn-Giai Phẩm cùng thời, lập tức bị đóng cửa. Bằng không, hẳn Minh Đức đã xuất bản cả hai kiệt tác Trăng Tù Xem Đêm sau này của thi sĩ Phùng Cung.

Năm mươi lăm năm sau, một nhà thơ ở tuổi cháu của Phùng Cung, tên là Bùi Chát, sang Á Căn Đình nhận giải thưởng năm 2011 của Hiệp Hội Tự Do Xuất Bản Quốc tế (IPA), do nỗ lực thành lập và điều hành nhà xuất bản độc lập Giấy Vụn.

Bùi Chát đã bị bắt ngay khi quay về tới phi trường Tân Sơn Nhất. Kỷ niệm chương giải thưởng Tự Do Xuất Bản lập tức bị nhà nước ta tịch thu.

Nếu không phải là các loại giải túc cầu SEAgames, giải cờ vua Ekateriburg, giải dương cầm Chopin, hay giải toán học Fields… thì các loại giải thưởng quốc tế khác, đặc biệt có dính líu tới nội hàm văn hóa-thông tin, đều (chẳng những không được hoan nghênh mà còn) lập tức ứng ngay vào tội phản động, vì đã thuộc phạm trù chấn hưng dân khí, gia cố dân chí và nâng cao dân trí. Nhà xuất bản Giấy Vụn tất yếu là nằm gọn trong phạm trù này.

Lần trước, 2004, người điều hành nxb Giấy Vụn là nhà thơ Bùi Chát, cùng với đồng sáng lập viên nhóm Mở Miệng là nhà thơ Lý Đợi, đã bị bắt về tội phát tán tờ rơi tại một buổi đọc thơ, khi công an võ trang sở tại ập vào giải tán buổi sinh hoạt văn nghệ đó. Quả thật, ngoại trừ danh tính của vị đại tướng lừng lẫy trên chiến trường Điện Biên già 2 năm trước ngày nhà thơ Phùng Cung bị bắt, thì trước giờ, Văn với Võ ít khi sánh vai nhau trong chính sách đối nội của ta, tức là hiện tại vẫn chẳng có gì khác thời Minh Đức của hơn nửa thế kỷ trước.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách địa dư, giữa thủ đô của VN Dân Chủ Cộng Hòa và cựu Hòn Ngọc Viễn Đông, tròm trèm 1000 dặm, có thể cường điệu và sến nương một tý mà gọi là thiên lý, cho nó …gần gụi thiên triều.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách biên niên, là một nối dài xuyên suốt miền trí tuệ và khu tài đức của các TBT Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng… cũng có thể văn vẻ lên gân chút mà kêu bằng 7 triều đại, cho nó …máu.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách nghị quyết, tạm kể từ đại hội III ngày 10.9.1960, người ta đếm được cả thảy là chín cái, kể cả cái nghị quyết cởi trói số 6 và lập tức xiết lại trước cái số 7. Cho dù, trước sau gì thì chúng cũng mang trên lưng cái nội dung hình số 8, của cái còng.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách máu xương, là ba cuộc nội chiến:
- một huynh đệ tương tàn giữa Nam-Bắc VN để phân định thế giới lưỡng cực;
- một bầu bí tương xâm giữa Việt đỏ với Khờ-me đỏ để phân định Quốc Tế III lưỡng cực; và
- một răng môi tương cấu giữa Việt đỏ với Tàu đỏ để phân định gốc ngọn của bá quyền.

Cả ba đã cài cắm dọc dài đất nước (và trên cả lãnh thổ “bạn”) nhiều triệu bia mộ, bất kể là có cốt hay rỗng không.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách chính sách, là một cuộn chỉ đỏ xuyên suốt trước sau như một: Phần Thư Khanh Nho – đốt sách chôn trò.

1951 – Nhà văn/phê bình Xuân Sách đã ghi lại thời ông mới chập chững bước vào văn đàn VN như sau:

“Anh VT khuyến khích tôi viết, tôi giữ bí mật không cho ai biết, cũng kín được một cuốn vở học sinh và giấu kỹ trong ba lô. Hết khóa tôi cùng một số đồng đội tốt nghiệp loại khá giỏi được điều ra Việt Bắc bổ sung cho sư đoàn pháo binh 351 (do thành lập vào tháng 3 năm 1951 nên dùng luôn làm tên của Sư đoàn). Trước đó ta đã có một trung đoàn 75 ly lấy được của địch. Và bây giờ thêm một trung đoàn 105 ly học bên Trung Quốc kéo về. Chúng tôi đi bộ từ Thanh Hóa ra Việt Bắc hết một tháng, nhìn thấy trung đoàn bạn mà mê mẩn: Quân lính khỏe mạnh, quần áo ka ki, thắt lưng da, quân phong quân kỷ chính quy. Một hôm tôi được đồng chí Trưởng ban tuyên huấn sư đoàn gọi lên, anh còn rất trẻ mới 23 tuổi, còn tôi mới qua tuổi 19. Anh đột ngột nói một câu khiến tôi giật mình:
- Tôi biết đồng chí viết một cái chuyện, hãy đưa tôi đọc.

Tôi định chối nhưng nghĩ lại ngay, cái thứ mình đã giấu tận đáy ba lô mà ông ấy còn biết thì giấu diếm làm gì nữa, hãy coi đây là mệnh lệnh. Tôi về lán lục ba lô lấy quyển vở lên:
- Báo cáo, đây chỉ là bản viết tập sự của tôi với mục đích dành riêng cho mình chứ không phổ biến. Chắc là chưa ra gì, đồng chí đọc rồi cho ý kiến.

Ba hôm sau đúng hẹn tôi trở lại. Đồng chí Trưởng ban mời tôi một điếu thuốc lá Trung Quốc, tôi nói không biết hút và được anh khen thế là tốt. Và với giọng nói rất điệu anh hỏi:

- Đồng chí đứng trên lập trường quan điểm nào mà viết cái chuyện này?

- Tôi chưa hiểu lập trường là thế nào, tôi thành thật trả lời, đây là chuyện đã xảy ra ở Trường Sĩ quan pháo binh mà tôi theo học. Tôi dựa vào chuyện thật ấy mà viết, tất nhiên cũng có thay đổi chút ít, nhưng tôi đã nói đây chỉ là ghi chép tập sự chứ chưa phải là tác phẩm, xin đồng chí góp ý thẳng thắn.

- Ý kiến của tôi là một người trước khi đặt bút viết dù chỉ là bản thảo mà không biết mình đứng trên lập trường nào thì hỏng từ gốc, tác phẩm sẽ gây hại. Cũng may đồng chí chưa đưa cho ai đọc, nhưng đừng giữ lại làm gì, đem đốt đi.

Nói rồi anh ném cho tôi bao diêm nhãn hiệu Trung Quốc:
- Đồng chí đốt ngay ở đây càng tốt.

Tôi đốt. Chao ôi cái ghi chép đầu tay của tôi. Nó cũng chưa là gì chứ nếu là một tác phẩm lớn thì ông Trưởng ban đã mắc cái tội đốt sách chôn nho truyền lại từ đời Tần Thủy Hoàng rồi”.

1954 – Trích Hồi Ký Của Một Người Hà Nội (ông Nguyễn Văn Luận, bút hiệu tựdo):

“Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam. Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số ‘lớp Chín hậu phương’, năm sau sẽ sáp nhập thành ‘hệ mười năm’. Số học sinh ‘lớp Chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức Hiệu đoàn’, nhận ‘chỉ thị của Thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!’. Họ truy lùng… đốt sách! Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn ‘kiểm tra’, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang ‘tập trung’ tại Thư viện phố Tràng Thi, để đốt.

Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm ‘phấn khởi’, lời hô khẩu hiệu ‘quyết tâm’, và ‘phát biểu của bí thư Thành đoàn’: Tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là… ‘cực kỳ phản động!’. Vào lớp học với những ‘phê bình, kiểm thảo… cảnh giác, lập trường’, tôi đành bỏ học. Chiếc radio Philip, ‘tự nguyện’ mang ra ‘đồn công an’ , thế là hết, gia tài của tôi!

Đoàn Chuẩn nhớ thương hát ‘Gửi người em gái miền Nam’, để rồi bị đấu tố là tư sản, rạp xinê Đại Đồng phố Hàng Cót bị ‘trưng thu’. Hoàng Giác ca bài ‘Bóng ngày qua’, thành ‘tề ngụy’, hiệu đàn nhỏ ở phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây.

Thụy An là người Hà Nội ở lại, ‘tham gia hoạt động’ Nhân Văn-Giai Phẩm, đòi tự do cho văn nghệ sĩ, bị tù, sau chuyển lên rừng, không có ngày về Hà Nội. Bà đã dùng đũa tre chọc mù một mắt”.

Nữ sĩ Thụy An-Lưu Thị Yến đã ghi trên vách xà lim số 12 nhà tù Hỏa Lò:

“Tại nơi này, tôi đã dùng đũa chọc, hủy bỏ một con mắt của tôi để phản đối chế độ CS độc tài phi nhân đàn áp dã man văn nghệ sĩ”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật đến thăm nữ sĩ Thụy An tại Sài Gòn sau biến cố ’75, đã ngậm ngùi về chính mình như sau:

“Chọc đi một mắt cho mù
cũng không bớt nửa cảnh tù ngó ra
nhìn vào gương người đàn bà
ta soi thấy cái bóng ta còn lùn”.

1975 – Công tác “bình định” đầu tiên ở miền Nam vừa mới bị cưỡng chiếm là niêm phong, tịch thu sách vở của các thư viện, các nhà in, các nhà xuất bản và các nhà sách lớn (Khai Trí/Sống Mới/Độc Lập/Đồng Nai/Nam Cường/Trí Đăng…) để chuyển về Bắc. Còn đại khối nhân dân vừa mới được “giải phóng” thì được lệnh tập trung toàn bộ sách vở các loại, từ tiểu thuyết, biên khảo đến giáo khoa… để nhất tề đốt sạch.

Tên gọi của chiến dịch đốt sách này là “tiêu diệt văn hóa đồi trụy Mỹ-Ngụy”, một phiên bản của quân Minh trong những ngày đầu đô hộ nước ta thời 1414, lại có phần tinh vi/hiện đại hơn.

Ông chủ nhà sách Khai Trí bị tước đoạt trắng tay và bị đi tù nhiều năm, trước khi sang Mỹ định cư cùng gia đình. Về sau, ông nghe lời đường mật là sẽ được giao trả tài sản sách vở mà quyết định quay về VN, hy vọng gầy dựng lại một Khai Trí lừng lẫy như xưa, nhưng rốt cục ông đã âm thầm qua đời ở đây với đôi bàn tay trắng.

“Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nếu là khởi đầu của ‘Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công’, với cả trong Nam, ngoài Bắc, anh chị em nhìn lại nhau…

Thì đâu có cảnh, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, dân mình bỏ nước mình ra đi, liều chết. Ôi, khoảng nửa triệu oan hồn còn đâu đây quanh ta. Dưới ách thực dân tàn độc, đế quốc bạo tàn, cũng vẫn ‘một tấc không đi, một ly không rời’ quê mẹ.

Chỉ vì ‘treo đầu dê, bán thịt chó’, ‘Chủ nghĩa bạo lực, cách mạng, chuyên chính, nghiêm trị, độc tôn, độc đảng độc tài, độc trị’ quả thật độc… ác! Với các chính sách bức hại tôn giáo, Cải cách Ruộng đất, giết chủ đất, đốt sách, bỏ tù văn nghệ sĩ, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ, cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, diệt nhà buôn… Và bất cứ ai cũng có thể bị tập trung cải tạo, đi tù…

Bạn bảo tôi phải cố gắng lên.
Vâng, tôi xin nghe lời bạn!”.

Thơ Ý Nga – Cố Gắng Lên – (Nguyễn Hữu Nhật & Nguyễn Thị Vinh viết Tựa).

Không hoa mắt, điếng lòng mà được sao:

“Dòng sông chữ tuôn vào biển lửa
rát mặt cây xanh héo ngọn chào
lưỡi vàng liếm đen lòng giấy trắng…”.
Nguyễn Hữu Nhật (Thơ Hoa Sen).

Đầu thiên niên kỷ thứ ba, quyển Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã bị bộ VH-TT ra lệnh thu gom, tịch biên, thiêu hủy… chỉ vì đã ghi lại trung thực tình hình sinh hoạt của các trại tù lao cải tại VN không khác gì các gu-lắc của Liên Xô trước đây, với cùng một thứ chính sách giết người bằng đói khát vật chất và khủng bố tinh thần.

Sách bị đốt tất. Còn người viết sách?

Đó là những “Biệt kích Văn hóa” với tội danh “gián điệp phục vụ CIA của Mỹ”, đã bị đọa đày từ chết dở đến chết thật: Phạm Văn Sơn, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Hữu Nhật, Tú Kếu, Chóe…

“Nhớ mãi cái đêm ra tù
về nhà khêu ngọn đèn mù suốt đêm
nhìn chồng, gầy ốm, đứng yên
vợ bặt tiếng khóc, gọi tên, sợ lầm”.
Nguyễn Hữu Nhật (Ra Tù).

“Bị cấm viết cũng chẳng cần
bỏ vào núi sống ẩn thân qua ngày
chưa kịp thấy mây trắng bay
người không hộ khẩu hai tay bị còng”.
Nguyễn Hữu Nhật (Thơ Hoa Sen).

“Kẻ đốt sách chôn học trò, dù chết đã nghìn năm vẫn không thoát bị nguyền rủa là bạo chúa”. Kiều Phong (Chân Dung “bác” Hồ, dòng đầu phần VII).

Nhắc đến Tần Thủy Hoàng, không mấy ai nhớ xuể ông ta đã giết bao nhiêu người, nhưng sẽ bật nhớ ngay vụ đốt sách, được coi là tội lớn nhất của ông.

Tuy nhiên, nếu căn cứ trên số người bị giết hay số sách bị đốt thì họ Tần chẳng là cái đinh gì so với họ Mao! Mà họ Mao thì vốn dĩ từng là bậc thầy vạn tuế vô cương của đệ nhất chủ tịch cùng bảy đời tổng bí thư của VN kể trên.

Khốn thay, lửa bén giấy nhưng không đốt được ý tưởng:

“Họ Tần đốt sách Khổng Khưu vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hỏa thiêu cùng sách?”. Vũ Khắc Khoan (Thần Tháp Rùa).

Khốn thay, họ Mao cũng đốt sách Khổng Khưu, chỉ để ít lâu sau lũ hậu duệ dựng tượng đài và lập Giải Khổng Tử.

Cho nên, để vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã cùng cực dưới tay các bạo chúa 7 triều, trường phái giấy vụn đã mon men hình thành và phát triển mạnh mẽ ngay trong khắp các loại nhà tù lớn nhỏ ở VN:

“Mảnh giấy bao thuốc lá Sông Cầu, Sông Mã, Sông Hồng lượm được với mẩu bút chì đen, đổi một phần sắn trắng. Viết mò trong đêm được dòng nào gấp mép giấy đánh dấu. Sáng ra, vào nhà cầu ôn lại xong vứt đi. Rồi cả ngày hôm đó lên núi hay xuống rừng đọc thầm thơ như tụng kinh. Không nơi nào chắc chắn bằng đầu óc, và không đầu óc nào tốt bằng tình bạn yêu thơ giữ dùm”. Nguyễn Hữu Nhật (Thơ Hoa Sen).

Cho tới ngày Giấy Vụn chính thức trở thành một nhà xuất bản nổi tiếng là in đẹp nhất nước.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách văn học, chính là một hệ thống ngụy thư. Bởi, đối với tuyên huấn trung ương thì đốt sách chỉ là việc ở ngọn. Cái gốc cần vun chính là một hệ thống diễn giải/đánh bóng/tô chuốt cơn mê đồng bóng được nâng cấp lên hàng chủ nghĩa, để lừa mị nhân dân, đảng viên, và chính lãnh đạo.

“Cái tội đốt sách của Tần Thủy Hoàng vẫn còn là nhẹ. Đến như tìm sách để cho các loại ngụy thư ngày một ùa ra, đến lan man tai hại không thể gỡ được, thì cái tội của nhà Hán còn nặng hơn nhiều”. Kim Thánh Thán.

1951 – Nhà phê bình Xuân Sách kể tiếp:

“Ít lâu sau ông tuyên huấn lại gọi tôi lên, lần này có thêm anh Cương. Anh là sinh viên Hà Nội, bỏ học vào bộ đội, vóc dáng cao lớn, có trình độ học vấn được chọn để đào tạo phi công, nhưng rồi ta chưa đủ điều kiện thành lập không quân nên anh được chuyển về pháo binh cùng đơn vị tôi. Xin mở ngoặc nhạc sỹ Văn Cao sáng tác bài Không quân Việt Nam là lấy cảm hứng từ lớp học của anh Cương. Anh biết nhạc và đã từng sáng tác một số bài hát. Ông trưởng ban có vẻ thân thiện hơn:
- Hôm nay tôi gọi hai đồng chí lên để trao nhiệm vụ. Toàn quân cũng như sư đoàn ta sắp bước vào một cuộc chỉnh huấn quan trọng. Toàn quốc toàn quân xác định lập trường chiến đấu. Bộ đội chúng ta phải có tinh thần chiến đấu thật cao, tinh thần hy sinh bậc nhất, sẵn sàng hiến thân mình cho đất nước… Chúng ta cần có một bài hát để cổ vũ cho cuộc chỉnh huấn này. Tôi thay mặt phòng Chính trị sư, giao cho hai đồng chí nhiệm vụ sáng tác bài hát đó. Ngắn thôi và dễ hát, để hợp với trình độ chiến sỹ. Phải nêu bật được ý nghĩa như tôi vừa nói. Đồng chí Cương làm nhạc, đồng chí Sách viết lời, trong vòng một tuần nhưng hoàn thành càng sớm càng tốt. Tôi đã báo cho đơn vị, trong tuần này hai đồng chí được miễn mọi công việc chỉ tập trung vào việc này thôi.

Ba ngày sau chúng tôi đã làm xong nhưng tranh thủ mấy ngày còn lại hai đứa vác đàn ra rừng ngồi hát nghêu ngao và tán gẫu. Đến hẹn chúng tôi lên nộp bài. Cương chơi ghi ta và hai đứa đồng ca :

Hôm nay ta về đây để chỉnh huấn. Là quân đội nhân dân phải có tinh thần chiến đấu thật cao, phải có tinh thần hy sinh bậc nhất, hiến thân mình cho nước…’.

Bài hát gam Đô trưởng nhịp hành khúc, có hai đoạn và điệp khúc.

Tác phẩm được trưởng ban vui vẻ chấp thuận:
- Các đồng chí thấy chưa, khi người viết đã biết rõ mình viết cái gì, viết để phục vụ ai với mục đích cụ thể thì tác phẩm sẽ thành công. Đó là quan điểm văn nghệ phục vụ công nông binh mà tôi đã lĩnh hội được trong tài liệu ‘Cuộc tọa đàm về văn nghệ ở Diên An’ của Mao Chủ tịch. Khi nào có thời gian tôi sẽ đưa tài liệu đó để các đồng chí nghiên cứu và học tập.

Chúng tôi còn được thưởng mỗi người một cái ca sắt tráng men làm ở Trung Quốc có vẽ hình ảnh về tình đoàn kết Việt-Trung–Xô”.

Đừng hỏi về điểm giống nhau như đúc giữa lời nhạc và lời dặn dò trước đó của “anh tuyên huấn”, hay vì sao văn nghệ chỉ nhằm phục vụ công-nông-binh.

Đừng hỏi vì sao bộ môn văn nghệ bao gồm cả một bộ phận chuyên viết đơn đặt hàng, và, làm văn nghệ là một hình thức lao động biểu hiện cao độ tính phục tùng đúc rập.

Cũng đừng ai hỏi thép đã tôi thế nào. Cứ bước vào chỉnh huấn là thấy tất:

“Tuổi đời tròn băm sáu
Tuổi đảng vừa mười sáu
Con bốn đứa trên vai
Cứ tưởng mình thành người

Nào ngờ vào chỉnh huấn
Lại thấy mình ngớ ngẩn
Non nớt và khù khờ
Không bằng đứa trẻ thơ

Mới hay rằng chân lý
Đã có người đại lý
Mình chỉ có tấm lòng
Mình là kẻ ăn đong

Mà ngay đến tấm lòng
Chắc đâu mình đã có
Tất cả đều đi vay
Trừ những phần bé nhỏ

Có những người đặc biệt
Gì gì họ cũng biết
Họ nghĩ cho mọi người
Và đúng cả khi sai…”.
Vũ Cận (Tốt Số).

Chính thế: Trại văn là chỗ đào tạo người viết ở dạng thô. Chỉnh huấn mới là lò rèn các ngòi bút thô cho tốt nghiệp thành hệ loa phường minh họa nghị quyết:

“Loa không dùng tiếng quạ
Không, loa nói tiếng người
Loa nói tiếng nước tôi
Mà chao ôi xa lạ

Loa đang gào chân lý
Gió Đông thổi bạt gió Tây
Nông thôn bao vây thành thị
Loa gào sáng đêm tối ngày

Loa dạy súng đẻ chính quyền
Người mạnh hơn bom nguyên tử
Cách mạng coi khinh chiến tranh
Người cách mạng thắng bằng ý chí

Loa căm thù con hổ giấy
Và bầy đàn xét lại Moskva
Căm thù căm thù hết thảy
Rít gầm và khua phèng la…”.
Vũ Cận (Tiếng Loa).

Chính thế: Trại văn, và cả chỉnh huấn, đều là các lò đúc gia truyền một mẫu mực nền tảng của chủ nghĩa:

“Văn chương là thứ chùi thay giấy
Cũng nên vừa khẩu vị vua quan”.
Vũ Cận (Người Cầm Bút Khuyên Người Cầm Bút).

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách địa chính trị, là một đoạn đường sắt từ ga Đông Hà băng ngang cầu Hiền Lương chập vào ga Đồng Hới. Nối liền ba miền nhập một, suốt từ Cà Mau lên gần tới Ải Nam Quan và một phần thác Bản Giốc. Nối liền hằng hà những tượng đài Tổ quốc Ghi công. Nối liền những sân gôn thay cho đồng lúa. Nối liền những khu rì-sọt chiếm mất chỗ của các rặng thùy dương.

Chỉ chưa kịp nối liền được lòng người cả nước, cả trong và ngoài nước.

Cũng chưa nối liền được các bộ não xơ cứng với bước tiến thần long mãnh hổ và tầm văn minh hiện đại của láng giềng quanh mép Thái Bình Dương.

Cho dù bên ngoài VN đã là một bản đồ thế giới mới toanh, từ Đông Âu qua Iraq tới Ai Cập, và hứa hẹn ngày còn mới hơn nữa. Nhật tân, nhật tân, nhật nhật tân. Cho dù Quốc tế III và KGB của thời Minh Đức đã bốc hơi, giúp thêm một phần tư nhân loại hít thở không khí tự do. Cho dù người ta dùng hoa để đặt tên cho những cuộc đổi đời của hàng tỷ sinh mệnh. Cả màu nữa. Đấy mới chính thực là Hoa-Màu mà loài người mong gặt hái kể từ ngày biết định cư định canh.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách dư luận quốc tế, gộp cả chính khách, truyền thông, và doanh nhân nước ngoài, là một áp suất bật bung van bảo hiểm.

Xu thế thời đại không ngừng lại ở việc đòi hỏi nhà nước thực thi quyền con người, mà luôn cả các quy luật toàn cầu về lao động, an sinh và môi trường sinh thái. Đó là loại áp suất bít kín các ngỏ quay đầu lại, và khiến cho người phát ngôn bộ ngoại giao của ta phải lắm phen tắt tiếng.

WTO, AI, IBA, hay CPC… chỉ là những ví dụ.

CNN, ABC, NBC, RFA, WSJ, hay RSF… cũng chỉ là một vài ví dụ.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, tính theo khoảng cách kỹ thuật, là một bước nhảy từ bản vỗ sang Page Maker và PDF.

Sắc nét và đa dạng/điệu đàng hơn, là một bước nhảy từ nghiêm nghị sang phá cách, từ tượng trưng sang cụ thể, từ núp bóng sang trực diện, từ ẩn dụ (con ngựa già) sang bộc bạch (sau cộng sản)…

Choàng thêm bên ngoài đó nữa là đôi hia bảy dặm của cuộc cách mạng kỹ thuật số quá độ từ các máy đánh chữ IBM, Xerox, Fax… bước sang email, internet, phôn di động, SMS… và các loại hình mạng xã hội, với tốc độ thông tin toàn cầu nhanh như điện chớp.

*

Từ Minh Đức tới Giấy Vụn, quan trọng hàng đầu và là điểm nhấn sau cùng, tính theo khoảng cách tâm tư và ý chí, trên thực tế, chỉ dài bằng một dấu gạch nối. Của Sự Thật. Của Mong Ước. Của Niềm Tin.

Khởi từ nỗi đau phải làm chứng nhân của một đất nước bị dày xéo đến lầm lụi/tang thương suốt nửa thế kỷ:

“Lênh đênh muôn dặm nước non
dạt vào ao cạn
vẫn còn lênh đênh”.
Phùng Cung (Bèo).

Khởi từ những bức xúc bầm gan tím ruột mỗi ngày:

“Công đức phô trương dù thứ thiệt
Không cho quyền lực mấy hào quang
Khỏi lo dạy bảo điều chưa học
Đừng mệt treo gương việc chẳng làm
Tiền thuê sáng tác văn huyền thoại
Nên thưởng cho ưng phệ liên hoan
Sách cao vẫn cứ đôi mông thép
Ngồi xếp bằng trên miệng thế gian”.
Vũ Cận (Lời Mưu Sĩ).

Khởi từ một khẳng định tuyệt đỉnh của nhân loại:

“Chưa làm nhà vì mải bận làm người”. Hữu Loan.

Khởi từ một khát vọng cháy bỏng ngàn đời của gần trăm triệu người có cùng gốc từ một bọc trăm trứng:

“Có thể không bao giờ tôi mở
Nhưng căn phòng của tôi phải có cửa sổ
Có thể tôi không dùng đến
Nhưng đời tôi phải có tự do
Tự do
Tự do
Tự do
Hãy bắt đầu bằng việc
Không để ai suy nghĩ giùm mình

Anh chị em ơi
Xin nghe tôi một điều nữa thôi
Chúng ta bực mình khi thấy người khác
Lục lọi đồ đạc của mình
Có lý nào chúng ta lại làm thinh
Khi người ta lục lọi một thứ
Quý hơn cả đồ đạc
Quý hơn cả tự do
Ðó là tâm hồn con người!”.
Nguyễn Hữu Nhật (Người tù già kể chuyện mình)

Từ những điểm khởi vật vã đó, cái gạch nối vừa nêu đã được in nét đậm:

Chủ trương của Minh Đức là mở thoáng một không gian suy tư, không để ai suy nghĩ giùm mình, bung rộng ra bên ngoài cái khung rào hẹp của nền văn hóa loa phường chập choạng kể trên.

Còn chủ trương của Giấy Vụn, theo nhà thơ Bùi Chát, là giúp cho các nghệ sĩ sáng tác có thể thực hiện những tác phẩm trung thực với suy nghĩ của chính mình, và giúp cho độc giả có thể tìm đến những tác phẩm mà họ thực sự muốn đọc.

Khi nói về lý do chọn người nhận giải cho năm 2011, ông Alexis Krirorian – giám đốc điều hành của IPA đã cho biết: “Tiêu chuẩn lựa chọn người nhận giải phải là một nhà xuất bản độc lập, đóng góp vào phong trào tự do xuất bản, và Bùi Chát là một trong những người hiếm hoi trên thế giới đang kiên trì làm công việc ấy”.

Trong bài diễn văn trước khi trao giải, ông Young Suk Chi, Chủ tịch hiệp hội IPA, nói rằng: “Nỗ lực của Giấy Vụn đã thúc đẩy một phong trào mới của những nhà tư tưởng mới, của những nhà văn, nhà thơ, những người làm nghệ thuật tự do… không chấp nhận sự áp đặt những tư tưởng chính trị, tuyên truyền lên họ”.

Đáp từ của nhà thơ Bùi Chát khá đơn giản: “Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc, và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình… Hy vọng giải thưởng sẽ là cú hích đáng kể cho sự phát triển của phong trào xuất bản độc lập, đặc biệt là sự phát triển của xã hội dân sự, tại Việt Nam”.

Đến nay Giấy Vụn đã xuất bản gần 30 tác phẩm.

Giấy Vụn đã thõng tay bước qua khu rừng loa. Giấy Vụn đã xếp xó các loại khuôn thước đỏ. Giấy Vụn đã khơi than tàn thành lửa bùng của hy vọng:

“Nếu không cho lửa vào thơ được
tôi sẽ cho thơ vào lửa ngay
chính trái tim người là ngọn đuốc
soi đường gươm loáng ánh hoa bay”.
Nguyễn Hữu Nhật – (Thơ Lửa).

Giấy Vụn không đứng diễn một mình. Giấy Vụn đã kéo màn khai mạc một hướng sinh hoạt thoải mái mới được nhiều người ủng hộ. Giấy Vụn có thể sẽ phải đối diện với biết bao khó dễ trong một môi trường dưỡng nuôi điều sai quấy bằng nền tảng văn hóa bạo lực trọng võ khinh văn. Song ai cũng biết là Giấy Vụn sẽ can cường giữ đúng hương đúng vị của lẽ phải:

“Quất mãi nước sôi
trà đau nát bã
không đổi giọng Tân Cương”.
Phùng Cung (Trà).

Giấy Vụn xứng đáng được vinh danh nguồn sáng:

Đêm đen
kìm kẹp ngọn đèn
gãy l
ửa
vẫn vinh danh nguồn sáng
”.
Phùng Cung (Nguồn Sáng).

Gút lại ở đây, vấn đề không còn treo ngành ở cái giải thưởng quốc tế Tự Do Xuất Bản nữa, bất kể là nó đang ở trong tay nhà thơ Bùi Chát hay trong ngăn kéo của công an. Vấn đề cũng không nằm ở nhà thơ Bùi Chát hay ở công an; một khi cả nước biết chuyện và thế giới đã lên tiếng. Vấn đề, cho dù không do Bùi Chát khởi xướng, rõ ràng là nó đang nhen nhúm hình thành một dạng tương quan Xã Hội Dân Sự mới toanh mà lẽ ra đã từng có từ lâu ở đây: Nhà Nước làm thuê theo ý Nhân Dân.

Nền tảng của Xã Hội Dân Sự chỉ nở hoa một khi Nhân Dân Tự Giành Lại Quyền Lực Của Mình. Nghĩa là: Nhân dân có toàn quyền hội họp, lập hội, thông tin, xuất bản… theo đúng hiến pháp và luật pháp, mà không cần phải xin phép đảng.

Giấy Vụn đang nắm tay chúng ta để cùng làm điều mơ ước đó.

“Đảng xướng dân tùy – dân bất tùy bất cập
Đảng cầu dân cụ – dân bất cụ bất an”
(đảng nói dân theo, dân không tuân theo thì đảng liệu hồn
đảng mong dân sợ, dân đếch sợ thì đảng khó yên
).
Đinh Tấn Lực sưu lục từ Truyền Kỳ Cổ Ngạn.

09-5-2011 – Nhân lễ giỗ thứ 14 nhà thơ Phùng Cung.

Blogger Đinh Tấn Lực – Chép tặng Cành Nam & Vũ Đông Hà