Hết cách và Bất lực




Quy hoạch đô thị: Hết cách và Bất lực

Tác giả: Phác Nguyên

Ngập nước, tắc đường đang khiến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị bị ảnh hưởng. Giới chuyên môn cũng không biết bao nhiêu lần nhóm họp tìm cách lý giải. Nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, cách làm cũng đã được bàn tới. Tuy nhiên chuyện tắc đường, ngập nước dường như vẫn chưa được cải thiện là bao, nếu không muốn nói ngày càng trầm trọng. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của KTS Phác Nguyên về vấn nạn này để độc giả cùng thảo luận thêm.

"Việt Nam thuộc Top 10 nước chịu nhiều thiên tai nhất", theo Thống kê của tổ chức CRED (Dân Trí). Nhưng, người ta không xếp hạng "Nhân tai", "Địa tai". Nếu có xếp hạng không biết chúng ta sẽ thuộc "Top" nào.

Vào những ngày này, nếu vào mạng điền từ "hết cách" hay "bất lực" vào các công cụ tìm kiếm sẽ thấy ngay ở trang đầu những thông tin về ngập nước hay tắc đường không Hà Nội thì thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác. Đại loại: "Hết cách"; "Bất tài và bất lực"; "Làm hết cách, Hà Nội vẫn "bất lực" với mưa lớn".

Còn nếu điền thẳng "Tắc đường, kẹt xe, ngập nước" thì có các kết quả nhiều vô kể: "TPHCM: Mưa kéo dài gây ngập nặng, giao thông hỗn loạn"; Đà Nẵng: Mưa lớn ngập đường, giao thông hỗn loạn; Thành phố Huế ngập nặng sau trận mưa đêm"; "Mưa lớn ở Hà Nội: 3 người chết do bị rò điện"; "Nghệ An: Thành phố "sũng nước" sau trận mưa đêm"; "Sài Gòn ngập nặng sau cơn mưa lớn"...

Nhiều đến mức không thể đưa ra các thông tin nữa. Nhiều đến mức đã trở thành hiển nhiên, là tự nhiên có nghĩa bệnh đã trở thành chứng nan y rồi!

Ai chịu trách nhiệm?

Vào những dịp cao trào về ngập úng, tắc đường, người ta thấy những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và người dân. Các gương mặt đẫm mồ hôi, trang phục hoặc là ướt lướt thướt hoặc đầy khói bụi nhưng đều có chung một trạng thái: Hết cách và Bất lực.

Công luận, báo chí, các cuộc họp hội đồng nhân dân đều rất bất bình trước sự bất lực của các cơ quan quản lý: hết Sở Giao thông, Sở Xây dựng, Công an Thành phố, lại đến Chủ tịch UBND Thành phố. Gay gắt có, ôn tồn có, tất cả đều tỏ ra cố gắng để hy vọng giải quyết. Hết chặn ngã tư rồi lại cởi bỏ; xây hồ, thông cống. Tất cả quay như đèn cù, sau rất nhiều giải pháp câu trả lời vẫn là: Bất lực và Hết cách.

Khi soạn: "Nhận lỗi, ngập nước, tắc đường" tìm kiếm trên mạng lại không có thông tin nào về nhận lỗi; Không ai chịu trách nhiệm.

Nguyên nhân và Thủ phạm gây ra hiểm họa đến nay vẫn bí ẩn.

Nguyên nhân nào?

Với trí tuệ loài người hiện nay, chỉ cần biết nguyên nhân (tức bài toán) sẽ có lời giải. Nhưng nếu chưa tìm ra thủ phạm, căn bệnh sẽ tiếp tục, tràn lan.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo quan tâm tới việc sử dụng đất trồng lúa. "Hiện đất nông nghiệp đang mất rất nhanh, chỉ trong 8 năm qua đã mất 255.000 ha" (VietnamNet)

Không biết việc mất đất nông nghiệp có phải là nguyên nhân?

Ngập nước: trước kia, nước ngập thì tràn ra ruộng, nay ruộng không còn thì tràn đi đâu? Còn Tắc đường: nông dân mất rộng, mất kế sinh nhai phải nhao vào thành phố kiếm sống. Ít tiền, không thể ở lại trong nội đô. Sáng đi chiều về làm sao đường không tắc. Nhưng có lẽ đây không phải nguyên nhân, đây chỉ là hệ quả.

Ai làm mất đất nông nghiệp? Đất nông nghiệp mất đi đâu? Tại sao các căn bệnh đô thị lại giống nhau trên toàn lãnh thổ Việt Nam?

Hãy xem người dân nói gì:

"Người lớn khổ mấy còn chịu được nhưng tội nhất là mấy đứa nhỏ. Chiều nào tôi cũng "ăn gian" giờ của cơ quan, 16g30 là phải vọt về đón con đang học mẫu giáo, vậy mà bữa nào cũng bị cô giáo trách móc. Để vượt qua các lô cốt cho kịp giờ đón con, không còn cách nào khác, tôi và rất nhiều người đành chen nhau, nơi nào đi được là leo lên, chen vào, cả lề đường, hẻm lớn hẻm nhỏ. Không còn lối đi cho người đi bộ, tôi cũng áy náy lắm nhưng tôi phải "cứu mình, cứu các con tôi" trước!

"Đây là tâm sự của một bạn đọc về nỗi khổ giao thông. Riêng bạn, mỗi ngày chìm trong biển người giao thông lộn xộn trên đường hay cố thoát khỏi các vũng nước ngập ở đường nào cũng có, có bao giờ bạn tuyệt vọng tự hỏi: Cảnh này sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Tại ý thức người dân hay tại quy hoạch kém?" - (phunuonline);

"Sai lầm trong quy hoạch khiến TP HCM ngày càng ngập" (vnexpress); "Oreka" Những bài báo này giúp ta tìm ra thủ phạm; đến lúc này người dân đã tìm ra thủ phạm!

Vậy là rõ rồi, Lỗi tại quy hoạch!

Quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp và đô thị. Chúng ta đã thấy nhiều vùng cánh đồng lúa bị san lấp, hủy hoại để xây dựng đô thị, khu công nghiệp hay để hoang hóa. Tắc đường, ngập nước, tiện nghi đô thị thấp kém. Lỗi tại quy hoạch; Giao thông con lắc? Lỗi tại quy hoạch! Ô nhiễm môi trường? Lỗi tại quy hoạch! Các vấn nạn khác của thành phố? Do cấu trúc thành phố sai lầm? Tất tần tật đều do quy hoạch làm ra, thế thì quy hoạch phải chịu trách nhiệm chứ!

Phát triển, chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang hướng công nghiệp hiện đại cần có quy hoạch. Nhưng cả thế giới cùng làm, cùng phát triển (nước ta thuộc nhóm phát triển thấp) tại sao họ không bị các vấn nạn (kinh niên) của chúng ta hành hạ? Bởi nếu họ cứ để tình trạng này kéo dài làm sao có thể phát triển như ngày nay. Thế nên cần phải nói chính xác hơn là quy hoạch kém đã tạo ra các vấn nạn đô thị trên toàn bộ lãnh thổ của chúng ta.

Có bao nhiêu con người đã gặp nạn khi ngập nước, tắc đường, ô nhiễm. Nền kinh tế bị tổn thất do chất lượng quy hoạch hay quy hoạch làm suy yếu năng lực cạnh tranh của quốc gia như thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ai quy hoạch kém các thành phố của chúng ta?

Quy hoạch có các công đoạn khác nhau, thường là: Lập nhiệm vụ; Lập đồ án quy hoạch; Thẩm định và phê duyệt; Ban hành quy chế và quản lý thực hiện quy hoạch. Thế nhưng:

Ai lập, phê duyệt, trình duyệt nhiệm vụ các thành phố này? Bộ Xây dựng. Ai thực hiện, chỉ đạo lập đồ án quy hoạch các thành phố này? Bộ Xây dựng; Ai thẩm định, trình duyệt? Bộ Xây dựng; Ai ban hành nội dung quy chế quản lý đô thị? Bộ Xây dựng; Ai đề xuất quy trình xét duyệt và nội dung quy hoạch? Bộ Xây dựng; Ai đề xuất quy chuẩn quy phạm về đô thị? Bộ Xây dựng.

Hoàn toàn khép kín thế này, còn ai chịu trách nhiệm thay được!

Có ai ngạc nhiên chuyện này không? Chắc rằng không. Thế sao bây giờ mới nói? Mọi người hoặc không để ý, hoặc để ý nhưng coi là đương nhiên. Hoặc, biết nhưng sợ không nói ra sợ bị gây phiền hà (cho cá nhân, địa phương mình).

Ngay người viết bài này cũng sợ nốt. Nhưng lần này cũng liều một phen. Nói thẳng: Các vấn nạn của đô thị Việt Nam, dù trực tiếp hay gián tiếp đều bắt nguồn từ Bộ Xây dựng! Không (hay chưa) nơi nào khác!

Xin đừng đổ lỗi cho cấp trên hay chủ tịch các tỉnh vì họ chỉ là người ra quyết định. "Thần thiêng nhờ bộ hạ". Đương nhiên người quyết định phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Bộ xây dựng "làm" quy hoạch như thế nào để tạo ra "chất lượng" các thành phố hiện nay?

Người đứng đầu Bộ Xây dựng có một câu nói nổi tiếng: "Quy hoạch là ý chí của quyền lực". Sòng phẳng mà nói, ngoài chuyện "phải bao biện" với quốc hội về "Trung tâm Hành chính quốc gia" còn lại, ông này lãnh đạo việc quy hoạch theo tinh thần nói và làm hoàn toàn nhất quán.

Với khí phách "chọc trời khuấy nước" chúng tôi tin, một ngày kia (cũng có thể khi đã về hưu) ông sẽ đứng ra nhận lỗi về các vấn nạn đô thị của chúng ta hiện nay khi có điều kiện; Còn có giải quyết được hay không là tùy tâm của cấp dưới; Không phải lúc nào "ý chí của quyền lực" cũng được bảo đảm bằng chuyên môn đâu!

Còn người phụ trách ngành quy hoạch kiến trúc nếu có điều kiện ông ấy cũng sẽ giãi bày chuyện quy hoạch thành phố ông ấy mới được làm quen, với thời gian không quá 2 năm. Nay cấp trên giao nhiệm vụ, ông ấy nhận chỉ đạo việc này có lẽ ông ấy cũng ang áng thế (quy hoạch thành phố nhiều phép tính phức tạp, khó lắm) chứ biết thế nào để kiểm soát chất lượng quy hoạch.

Nếu thế hệ trẻ ngày nay tò mò muốn xem không khí của thời quan liêu bao cấp sẽ như thế nào. Hãy đến Bộ Xây dựng xem cách thức làm việc (trong quy hoạch). Khá bí ẩn, nhưng, mọi người có thể hình dung thế này:

Quy hoạch các thành phố hiện nay vẫn được triển khai một cách khép kín như thời Xô Viết. Trong Bộ Xây dựng có Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. Công luận thường gọi các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp thuộc bộ chủ quản là "sân sau". Nói thế không sai, hàng năm, riêng "sân sau" của Bộ Xây dựng cũng tiêu hết hàng ngàn tỷ đồng tiền tư vấn. Tay trái cầm tiền, tay phải cầm quân, những quản lý kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi ở các cơ quan này có minh bạch và đúng đắn hay không chúng tôi không lạm bàn. Câu trả lời thuộc về các cơ quan chức năng. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ bàn sâu về chuyên môn.

Trong hoạt động của các cơ quan trực thuộc. Bộ ra nhiệm vụ, Bộ cấp tiền, Bộ chỉ đạo thực hiện; Bộ thẩm định, Bộ trình phê duyệt, Bộ cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ; Ông thứ trưởng phụ trách ngành có thể can thiệp đến từng chi tiết. Nếu bạn là Viện trưởng Viện Quy hoạch bạn có dám cãi không?

Nói là tập thể, viện nọ, cục kia nhưng khi "ý chí của quyền lực" lên tiếng thì còn biết (hay dám) nói gì thêm nữa. Thế là, việc quy hoạch trở thành việc độc diễn cá nhân (tùy thuộc "Ý chí của quyền lực" tác động đến đâu.

Vào lúc sáng suốt thì không sao (không biết thành phố nào có được may mắn này). Nhưng lúc nào cũng đầy sự vụ (khi mà các địa phương, đến cái cổng chào cũng phải xin ý kiến chính phủ) thì làm sao sáng suốt được mãi được.

Vả lại, sự sáng suốt của một người biết quy hoạch khác với sáng suốt của một người không hiểu quy hoạch. Mà có hiểu (lơ mơ) thì độc diễn và hời hợt thì còn tệ hơn là không hiểu.

Ở ta có một căn bệnh, khi lãnh đạo là một người biết chút chuyên môn, thích thể hiện mình thì hay can thiệp, cấp dưới rất khó làm việc.

Đã từ lâu, với thời gian gần bằng cả một đời người. chúng ta đã quen với việc cấp phát (quy hoạch). Với các địa phương thì có quy hoạch là tốt rồi. Chất lượng thì: "sai đâu điều chỉnh đấy".

"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn". Vào tay anh thợ vụng thì như các cụ nói "Bắp cày thành thìa vôi"; Chuyện đương nhiên. Độc Quyền hay Độc Diễn thì đều họ Độc cả.

Vì độc quyền, nên không cần phải cố gắng. Cũng như phần lớn các viện nghiên cứu thuộc các bộ ngành khác, sự trì trệ ở đây chỉ có xu hướng càng ngày càng dâng cao. Những người có năng lực phần lớn đã ra ngoài làm việc (hoặc làm việc ngoài). Các viện nghiên cứu nay thường chỉ còn vỏ mà không còn ruột. Dù có không muốn tin thì đây vẫn là sự thực.

Lời hay nói mãi cũng nhàm. Người giỏi mà thiếu động lực cạnh tranh cũng trở nên mòn cũ. Trong sinh vật học người ta gọi là thoái hóa giống. Có nghịch lý: các viện nghiên cứu ở ta thường không phải là nơi phát minh ra cái mới mà ngược lại. Không khí tù đọng và trì trệ là phổ biến.

Và với khối lượng công việc khổng lồ, người tài không còn, năng lực có hạn nên không cách nào khác, các đồ án quy hoạch phần nhiều cắt và dán (cut and paste) cả ưu điểm lần khuyết điểm của các thành phố lẫn cho nhau.

Anh Độc quyền cấp phát luôn cả nguyên nhân tắc đường, kẹt xe, ngập nước và vấn nạn khác cho các đô thị.

Khi đã khép kín rất có thể "tham giỏ, bỏ mâm". Có khi vì một lợi ích cục bộ bé nhỏ, gây hại cho cộng đồng cực lớn. Quy hoạch rồi lại điều chỉnh, càng điều chỉnh sẽ tăng nguồn thu (về sân nhà) nên sẽ không ai bận tâm chuyện này. Khi đưa quy hoạch vào nhóm tài liệu bí mật sẽ bắt xã hội làm con tin, sự lệ thuộc lớn sẽ mang lại lợi ích cục bộ lớn. Vì vậy, quy hoạch xưa nay cứ úp úp mở mở và các doanh nghiệp chạy quanh, chạy quanh. Nếu có ai đó đi về các địa phương hỏi về chất lượng quy hoạch chung các thành phố sẽ thấy mọi người có trách nhiệm đều nén tiếng thở dài: Rằng qua sông... qua cửa...

Phải khẳng định, trước sự thật hàng ngày toàn dân phải chịu đựng, không ai có thể nói xấu (hơn) Bộ Xây dựng được. Và, quy hoạch các thành phố (của Bộ Xây dựng) có xứng gọi là "Nhân tai" không?

Bộ Xây dựng Quy hoạch Hà Nội như thế nào?

Với Quy hoạch Hà Nội thì ít người hiểu nổi. Có thể nói đây là một đồ án gộp Cùng lúc triển khai nhiều việc khác nhau: quy hoạch hệ thống đô thị; quy hoạch chung; quy hoạch chi tiết; lẫn lộn tư duy, lẫn lộn sản phẩm. Việc trước chưa xong, việc sau đã cuống quýt, tít mù. Nhưng, không có một quy hoạch nào đạt chuẩn mực (cả trên bình diện quốc gia và quốc tế). Đơn cử:

Nếu xét trên bình diện quy hoạch hệ thống đô thị thủ đô: không có các nghiên cứu mô hình phát triển, các luận điểm lựa chọn đất đô thị và vị trí các đô thị trung tâm. Các phân tích về tương tác vùng thủ đô. Các cơ sở khoa học xác định nhu cầu, quy mô (dân số, đất đai) đô thị.

Nếu xét trên bình diện quy hoạch chung: không có các phân tích hiện trạng sử dụng đất, luận chứng khoa học về giới hạn quỹ đất xây dựng đô thị, các số liệu cân bằng đất đai. Các nghiên cứu về cấu trúc, giới hạn tối ưu của không gian, hệ thống tiện nghi (hạ tầng kỹ thuật, xã hội) kèm theo giải pháp nâng cao năng lực thích ứng của thành phố cũng hoàn toàn vắng bóng.

Và còn rất nhiều các vấn đề cốt lõi khác chưa được giải quyết; Các bài học và hướng giải quyết các vấn nạn đô thị của Việt Nam, nhiệm vụ tiết kiệm, làm tăng giá trị tài nguyên (đặc biệt là đất đai) và di sản cũng không được đặt ra một cách nghiêm túc. Trong khi, quy hoạch chi tiết là một việc chưa cần xét tới thì đồ án lại nhấn quá mạnh đến trục nọ trục kia, công trình này khác (Để làm gì nhỉ? Hay là Bộ Xây dựng đang đánh trống lấp cho vấn đề đất đai, các tồn tại khác).

Chúng tôi sẽ không nhắc lại sự yếu kém về chuyên môn của các tư vấn nước ngoài (PPJ). Chúng tôi, nêu ra đây một hiện tượng mà những người đã từng kinh qua trong nghề đều biết đó là đạo đức và nhân cách nghề nghiệp thể hiện đẳng cấp của một hãng tư vấn, đến tư cách tác giả của họ.

Qua thuyết trình, bảo vệ và trưng bày hồ sơ chúng ta đều nhận thấy các sản phẩm của tư duy, sản phẩm đồ họa phần lớn (nếu không nói là hoàn toàn) do người có trình độ dưới trung bình thực hiện, từ thẩm mỹ đến cách diễn đạt đã nói nên điều đó. Nếu là những hãng tư vấn có đẳng cấp quốc tế, tự trọng, việc này (người khác can thiệp, làm thay, như các cụ nói "ngậm miệng ăn tiền") sẽ không xảy ra.

Công bằng mà nói, cái duy nhất có vẻ như có giá trị là việc đề xuất ý tưởng quy hoạch thủ đô Hà Nội gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh (mặc dù mô hình này không còn mới, của Ebenezer Howard - 1898 chỉ phù hợp với các tiểu thị trấn bán kính<550m>

Thế nhưng, với việc đề xuất Trung tâm Hành chính quốc gia (nay là Khu dự trữ) cùng Trục Thăng Long (nay là tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì) được bao biện bởi (phương pháp luận) "toàn bộ thủ đô Hà Nội (theo ranh giới hành chính) là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước" đã phủ nhận toàn bộ những ý tưởng về hệ thống đô thị có giãn cách bởi không gian nông thôn, nông nghiệp (kiểu thành phố vườn) ban đầu. Lý do: tuyến đường (đô thị) thô bạo Hồ Tây - Ba Vì đã biến Thủ đô Hà Nội thành một Nhất thể Khổng Lồ.

Chính ý đồ này cho thấy người chỉ đạo quy hoạch và những người thừa hành đã áp đặt tư duy tổng mặt bằng (vốn quen chỉ áp dụng cho từng dự án với quy mô nhỏ) phóng to lên thành quy hoạch một Mega -Megacity (Siêu- Siêu thành phố).

Thật khôi hài! Tư duy phải nhất quán chứ. Cứ "chân nam đá chân chiêu" mà quy hoạch Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến sao? Không phải cứ phóng to các con đường lên là hết tắc đường.

Tắc đường phần lớn do nguyên nhân bởi mô hình phát triển và cấu trúc đô thị bất hợp lý. Cũng giống như tiền tệ, không ngân hàng nào trên thế giới tồn tại được được nếu vỡ tín dụng (tất cả các khách hàng đều đồng loạt rút tiền). Giao thông cũng như vậy.

Khi mời tư vấn nước ngoài, nếu mời đúng chúng ta sẽ được rất nhiều, đặc biệt là các sản phẩm nghiên cứu về mô hình phát triển đô thị sẽ ở trình độ cao; khả năng chọn đất hợp lý, giải pháp tiết kiệm tài nguyên (đặc biệt là đất đai); khả năng hoàn thiện tiện nghi, nâng cao năng lực thích ứng của đô thị. Các nội dung này phải được bảo đảm bằng những hiểu biết sâu sắc về đô thị học. Đặc biệt, luôn luôn các vấn đề đều được phân tích với luận cứ khoa học chắc chắn.

Rất tiếc, với việc lựa chọn (PPJ) cơ hội đã bị bỏ qua, đồ án quy hoạch Hà Nội mà chúng ta đặt nhiều kỳ vọng lại trở về với tư duy cũ: duy ý chí, thiếu vắng luận cứ khoa học, mô hình phát triển, quy hoạch tràn lan, hoang phí, hoang đường.

Do liên danh tư vấn (PPJ) quá yếu, ngoài những ý tưởng ban đầu, phần còn lại họ không biết triển khai quy hoạch thế nào nên Bộ Xây dựng phải tập trung các "sân sau" của mình thực hiện thay. Yêu cầu tiến độ thì gấp gáp, những người giỏi không còn. Khi người chỉ đạo không hiểu về chuyên môn, càng chỉ đạo sẽ càng rối. Hệ thống quy hoạch vì thế, không thể duy trì thực hiện đúng bài bản. Nếu truy vấn về số liệu, cơ sở xác định vị trí, quy mô đô thị; quỹ đất xây dựng, cân bằng sử dụng đất với hiện trạng v.v; chắc chắn Bộ Xây dựng không thể biện luận được!

Như các báo đã đưa tin, sau khi có ý kiến góp ý của Quốc hội, công luận, Bộ Xây dựng đã tiến hành điều chỉnh. Kết quả, như chúng ta đều biết, rất đáng thất vọng: nguy cơ "dời đô" vẫn hiện hữu (với việc thay tên đổi họ); quỹ đất dành cho đô thị lại tăng lên tới 120.000ha (so với hiện tại là 18.000ha gấp 6,7 lần). Không một lý thuyết nào, không một cơ sở khoa học hay thực tiễn nào có thể biện hộ cho việc này.

Đã có quá nhiều bài phân tích những phi lý của đồ án quy hoạch Hà Nội. Cùng với thái độ khước từ và dường như thách thức công luận của Bộ Xây dựng. Chúng tôi cũng thấy không cần phải nói thêm. Quy hoạch thành phố mà chọn sai vị trí đô thị, nhầm địa điểm trung tâm, giới hạn đất xây dựng đô thị vô căn cứ; cơ cấu sử dụng đất tùy tiện. Những giải pháp khác (còn lại) sẽ là vô nghĩa, là ngụy tạo, che đậy bằng các mỹ từ.

"Dù có nói những lời ngợi ca Thượng đế, thì sự giả dối tồi tệ cũng sẽ bôi nhọ cả thần linh" (Leonardo da Vinci).

Sai quá rồi, kém quá rồi không thể góp ý, điều chỉnh được, chỉ còn cách hủy đi, làm lại từ đầu thôi!

"Nếu đồ án quy hoạch Hà Nội được phê duyệt sẽ có thêm 139.000 ha đất nông nghiệp (trong đó có 77.000 ha đất trồng lúa) bị mất; Con số này tương đương với khoảng 55% đất nông nghiệp đã bị mất trên toàn quốc trong tám năm qua". Nguồn: "Quy hoạch Hà Nội: Dễ hiện tại là làm khó tương lai"(Vietnamnet).

Nguy cơ mất đất nông nghiệp do nước nước biển dâng lên chưa thấy, chúng ta đã lấy đá ghè chân mình - với sự hủy hoại tài nguyên một cách tàn khốc như quy hoạch chung Hà Nội. Đây là một dẫn chứng điển hình cho chất lượng yếu kém của quy hoạch các thành phố trên toàn quốc và là nguyên nhân cơ bản của việc mất đất nông nghiệp mà bà Phạm Phương Thảo đã nhắc đến.

Vậy, quy hoạch sử dụng đất tùy tiện như Bộ Xây dựng có phải là "Địa tai" hay không?

"Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ" câu ca này vẫn còn và mãi mãi còn với thế giới của chúng ta, vốn đã nhiều bất trắc. Và, nông nghiệp sẽ còn cứu chúng ta được bao nhiêu lần nữa khi thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu?

Đến đây, chúng tôi mượn lại ý câu nói của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak: "Đây là một đồ án quy hoạch đáng xấu hổ".

Trở lại với bản tin "Việt Nam thuộc Top 10 nước chịu nhiều thiên tai nhất", chúng tôi cần thấy rất cần phải bổ sung: cũng như vậy, Việt Nam thuộc Top 10 nước có nhiều "Nhân tai" và "Địa tai" cao nhất thế giới. Vì, dường như chúng ta đã Hết cách và Bất lực với cơ quan chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị!

/////////