Tài năng biểu hiện tình cảm

Tài năng biểu hiện tình cảm


http://sgtt.vn/Khoa-giao/126762/Dung-quay-lung-voi-tai-nang-tinh-cam.html

*******************************************

Ngày nay, giáo dục con phải linh hoạt để bảo vệ được những tài năng tình cảm của con trẻ mà thường do sự khắc nghiệt của đời sống đã làm thui chột đi.

Có thể sai lầm đầu tiên là chọn sai giá trị. Ai cũng biết, thèm có một đứa con ngoan, tốt, nhưng lại đánh đồng khái niệm ngoan tốt là phải thành đạt, phải đứng đầu. Ai cũng nghĩ con mình là thần đồng, phải có vị trí xứng đáng. Cái sức ép này làm “méo” cả cha mẹ lẫn con cái. Có lẽ bây giờ ít bậc cha mẹ nào để ý tới tình yêu thương là tài năng của các tình cảm. Nó sẽ làm cho con cái có hạnh phúc trong cuộc đời. Trong khi đó cha mẹ chỉ chăm bẵm cho tài năng nào để giỏi chuyên môn, để kiếm nhiều tiền và thăng tiến. Ngày nay, lời của nhà giáo dục lỗi lạc Benjamin Spock đã bị cha mẹ quên hẳn. Ông nói: “Tôi cho rằng chúng ta nên giảm càng nhiều càng tốt những sức ép bắt các cháu cạnh tranh và tìm cách vượt lên người khác. Chúng ta không bao giờ được so sánh cháu này với cháu khác và cũng không nên cho điểm học tập nũa (!). Thay vì dạy cho các cháu lấy sự thành đạt làm mục tiêu chủ yếu trong cuộc đời, chúng ta nên dạy cho các cháu biết yêu mến và theo đuổi những lý tưởng tốt đẹp như tinh thần phục vụ, tinh thần hợp tác, đối xử tử tế và nhân ái với mọi người...”

Nghe có vẻ ông này “dại” quá! Thời đại bùng nổ ngành công nghiệp xa hoa, lớp thượng lưu mới giàu có và cả thế giới sẽ trải nghiệm internet qua thiết bị cầm tay. Xu thế của tiêu dùng là người lớn cũng thích chơi game, nam giới xài mỹ phẩm, con gái không cần kết hôn, chỉ thích thoả mãn thú vui mua sắm, tiêu dùng và du lịch, thích thử thách, yêu mình hơn người... Trong khi đó động lực chủ yếu của phát triển xã hội lại là ý thức cộng đồng.

Một câu chuyện nhỏ cho thấy, ngày nay giáo dục con phải linh hoạt thế nào để bảo vệ được những tài năng tình cảm của con trẻ mà thường do sự khắc nghiệt của đời sống đã làm thui chột đi. Một em bé rất thương yêu loài vật. Nó đòi nuôi chó, nuôi mèo, nhưng cha mẹ bé lại cấm tiệt. Thứ nhất, nuôi chó bị cấm ở thành phố. Sau nữa, nó rất đòi hỏi vệ sinh. Nuôi chó mèo bẩn lắm. Ba mẹ bé cần sạch bong nhà cửa. Bé đi nghỉ ở Phú Quốc thấy mấy con chó của nhà ăn thì thèm lắm. Nó chơi quấn quít và bảo: “Con sẽ chọn xem sau này khi con lớn, có quyền quyết định thì con sẽ nuôi con này, Không biết khi đó nó còn nhớ con không”. Nghe thật tội nghiệp. Một lần khác mẹ đón bé ở trường về, khi dắt xe vào gửi ở nhà xe thì có chú mèo hoang nhỏ xíu đang đói, cứ đi theo bé. Bé đòi mẹ cho nuôi. Nhìn chú mèo hoang bẩn thỉu gớm ghiếc, mẹ quát: “Nó bẩn lắm, mà con nhớ không, ba đâu có cho nuôi súc vật”. Cậu bé đi lên nhà, khóc thút thít đau đớn. Bà nội hỏi, cậu kể lại. Bà bảo: “Nó đi theo con vì nó đói. Chứ nó muốn tự do, không muốn ở với ta đâu. Bà sẽ lấy cho con một bát cơm cá, con đem xuống cho nó ăn, rồi để nó vui chơi tự do”. Thế là cậu bé đưa bát cơm xuống cho con mèo ăn, và cậu vui vẻ hẳn, thoát khỏi nỗi buồn. Những ngày sau để ý tìm không thấy con mèo, cậu bảo: “Con này lại đi tìm tự do rồi!”

Chúng ta nên giảm càng nhiều càng tốt những sức ép bắt các cháu cạnh tranh và tìm cách vượt lên người khác. Chúng ta không bao giờ được so sánh cháu này với cháu khác và cũng không nên cho điểm học tập nữa… Chúng ta nên dạy cho các cháu biết yêu mến.

Nhà giáo dục Benjamin Spock

Rất ít người ngày nay chú ý giáo dục chi tiết như vậy, vì họ bận rộn và thực sự thờ ơ với các biểu hiện tài năng về tình cảm. Họ dồn ép con trẻ học thêm, khuyến khích sự ganh đua. Trẻ em phải lớn lên trong cảnh thế giới dư thừa vật chất và đầy bất công. Nhiều người giàu nhanh khi còn quá trẻ, mất định hướng.

Những xu hướng phát triển của văn minh loài người là mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Từ chỗ lấy sức mạnh, tiền bạc làm cơ sở, quyền lực đang chuyển sang lấy tri thức làm cơ sở. Dạy con giỏi các tri thức khoa học, nhưng đừng quay lưng với các tài năng tình cảm.

Nguyễn Thị Ngọc Hải