Nhân tài là ... "hành khất" cao cấp

Nhân tài là ... "hành khất" cao cấp


http://tuanvietnam.net/2010-08-13-trang-page

Một sự kiện mới đây làm phấn chấn cả xã hội vốn nhiều bức xúc về giáo dục: GS Ngô Bảo Châu (người được dự đoán sẽ đoạt giải thưởng Fields trong toán học- tương tự giải Nobel trong khoa học) vừa về nước.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm GS Châu tại nhà. Từ năm 2000, GS Châu thường xuyên về VN làm việc, tham gia giảng dạy cho khoảng 100 SV học toán, đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế ở các trường ĐH trong nước.
Hoan nghênh những đóng góp đáng kể, thường xuyên của GS Châu, Phó TT cho biết, CP muốn tặng GS Châu một căn hộ, để GS có thể thuận tiện hơn khi về nước làm việc. Phó TT cũng thông báo, một doanh nghiệp lớn, muốn tặng GS Châu một biệt thự tại khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh.
Còn ông Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học cũng cho biết, "Viện Toán học cũng đã "phá lệ" khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số. Như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài. Vì tâm huyết với đất nước, anh Châu tự bỏ tiền túi về VN làm việc và nhận đồng lương như thế".


Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo Nhà nước thăm GS Ngô Bảo Châu tại nhà riêng, Ảnh VNN

Sau những thông tin mới khá hấp dẫn, thì cái thực tế trần trụi của lĩnh vực chuyên môn, ở đây là Viện Toán, khiến không ít người như bước hụt.
Nhưng không ai trách Viện Toán, vì đó là thực tế chung của đất nước ta, dù phũ phàng. Phũ phàng như khi người ta chợt liên hệ đến chính sách mới ban hành của Bộ Tài Chính: Bộ trưởng đi công tác, nghỉ lưu trú khách sạn, được tính 2,5 triệu/ngày. Có nghĩa là chỉ 2 ngày công cán của Bộ trưởng, bằng cả tháng làm việc miệt mài của GS Ngô Bảo Châu, người có công trình toán nổi tiếng đang được tiên đoán đoạt giải thưởng Fields danh giá.
Có lẽ vì thế, câu nói của ông Lê Tuấn Hoa cũng rất thật: "Khả năng về nước làm việc 100% là khó, vì điều này không tốt cho bản thân GS Ngô Bảo Châu. Tháng 10 tới, GS Châu sẽ chuyển sang ĐH Chicago làm việc. Ngoài điều kiện về lương bổng, ở đó, anh còn có môi trường là những đồng nghiệp giỏi để cùng làm việc".
Vì sao mà trở về quê hương, đất nước để làm việc lại là "không tốt", như câu nói của ông Lê Tuấn Hoa?
Câu hỏi xót xa này, lại được một người nước ngoài trả lời hộ khá chính xác. Đó là bà Jessica Lua, quản lý nhân sự của Towers Watson, tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn VNR500 vừa tổ chức mới đây, khẳng định: "Chế độ lương thưởng, đừng nghĩ đó là cách duy nhất để giữ chân nhân viên...Ngoài lương, còn phải tạo môi trường tốt cho các nhân sự giỏi có độ "tự do" nhất định...Bản thân chúng ta, các lãnh đạo...cũng phải thay đổi tư duy về việc sử dụng nhân sự này".
Phải, không chỉ cần đồng lương trả xứng đáng cho chất xám, mà nhân tài, người tài còn cần điều kiện làm việc, và môi trường làm việc có những đồng nghiệp giỏi, cùng đó, tư duy người quản lý phải thật sự mềm dẻo, biết tôn trọng cá tính, tư tưởng sáng tạo của nhân tài...Nhưng tất cả những thứ đó, đặc biệt môi trường làm việc và cơ chế quản lý hiện nay của chúng ta đều rất thiếu.
Không chỉ GS Ngô Bảo Châu, một nhân tài khác là Đặng Thái Sơn. Đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), lúc mới 22 tuổi. Được phong NSND lúc mới 26 tuổi, da dẻ còn hồng hào, thư sinh, cho đến giờ, râu rậm rạp, gương mặt vẻ phôi pha, NSND Đặng Thái Sơn vẫn lang thang khắp thế giới biểu diễn để kiếm tiền. Cho dù những nơi ông biểu diễn là những phòng hòa nhạc danh giá và nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Herkulessaal (München), Musikverein (Wien), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House Sydney (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo)...
Bởi nếu về nước, ông sẽ sống ra sao? Cho dù, dân ta rất ngưỡng mộ ông, yêu quý ông, tự hào về ông, nhưng nếu ông sống lâu dài ở VN thì sao? Tài năng ông sẽ mòn mỏi đi. Tinh thần ông sẽ mệt mỏi đi. Và thân xác ông chắc sẽ già đi nhanh chóng vì rất nhiều những điều ...vớ vẩn phi âm nhạc sẽ làm hao tổn thần kinh ông. Trong khi đó, môi trường làm việc và những điều kiện cho dòng âm nhạc mà ông đã dấn thân lại rất thiếu. Và thiếu cả...người biết thưởng thức.
Chả thế, có một nhà báo đã đùa rằng, nếu tin ở số tử vi, thì NSND Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu và rất nhiều trí thức tài năng người Việt khác đang lang thang khắp thế giới, có số... "hành khất". Khác chăng họ là "hành khất" cao cấp (!)
Xin lỗi NSND Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu, vì đó chỉ là câu nói đùa, nhưng câu nói đùa này lại ám chỉ chính xác số phận những người tài trong cái rộng dài của trời đất và nhân loại, hóa ra nhiều khi một chỗ trú chân lại hơi bị khó. Và điều đó, cũng chua chát biết bao.
Đó còn chưa kể tâm lý định kiến của không ít nhà quản lý lo sợ, e ngại những người tài, những tài năng gốc Việt khi trở về? Kiểu như "Chưa chấp nhận Việt kiều về nước làm công chức"
Với một tư duy còn chật hẹp hơn cả chỗ trú chân như thế, thì đất nước này, lẫn không ít nhân tài đất Việt còn "lênh đênh". Đất nước vẫn phải chịu phận nghèo, chậm phát triển, và nhân tài còn phải chịu kiếp nạn... "hành khất".