Ngành điện Việt Nam đi ngược chiều thế giới

Ngành điện Việt Nam đi ngược chiều thế giới

Tác giả: Phạm Duy Hiển


http://www.tuanvietnam.net/2010-08-22-nganh-dien-viet-nam-di-nguoc-chieu-the-gioi

Việt Nam phải làm lại, tư duy lại để hợp với xu hướng chung của thời đại và tư duy toàn cầu. Chúng ta không thể một mình một kiểu, thậm chí đi ngược chiều thế giới.


Tăng giá điện là chuyện khó tránh khỏi nhưng phải xuất phát từ tư duy chiến lược mới. Nếu cứ tư duy ở tầm vĩ mô như lâu nay thì những vấn nạn sẽ liên tục xảy ra, chưa hết khốn khổ vì cúp điện đã thấy tăng giá… Phải có tư duy chiến lược mới vì thế giới đã thay đổi trước khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu, đang đối mặt với những cuộc xung đột vũ trang đã bùng phát hoặc đang âm ỷ.

Còn trong nước, tái cấu trúc nền kinh tế là yêu cầu cấp bách, sống còn để đất nước tiếp tục phát triển. Cộng thêm những diễn biến gần đây trong khu vực, khi tài nguyên năng lượng đang cạn kiệt, khi người ta đang đổ xô xây dựng hàng chục đập thủy điện trên sông Mêkông, đặt đồng bằng Nam Bộ trước nguy cơ tồn vong, bài toán an ninh năng lượng giờ đây đã trở thành an ninh quốc gia.

Ngược chiều thế giới

Trên bình diện thế giới, chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng song song với khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nguyên nhân của nó lại chính là sự phí phạm năng lượng trong hàng thế kỷ qua. Đáng tiếc, hai cuộc khủng hoảng này chưa hề ảnh hưởng đến tư duy vĩ mô của Việt Nam trong chính sách năng lượng.

Hơn 2 năm trước, trong diễn văn nhậm chức đầu tiên đọc trước Nghị viện Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã nói cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu khởi đầu từ nước Mỹ có nguyên nhân sâu xa là do chúng ta phí phạm năng lượng. Trong chương trình tranh cử cũng như kế hoạch hành động của vị Tổng thống này, bài toán năng lượng được đặt ra như ưu tiên số một. Một Nobel Vật Lý được chọn làm Bộ trưởng Năng lượng cùng với một ngân sách lớn để thay đổi cơ cấu năng lượng, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng tái tạo cùng một sô chủ trương mới nhằm phát triển điện hạt nhân mà không tạo thêm nguy cơ lan truyền vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về phát thải CO2 và đứng thứ hai về sử dụng điện năng, là một bằng chứng nữa. Nhận ra lãng phí điện năng là nguy cơ sống còn đối với nền kinh tế phát triển rất nóng của mình, trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Trung Quốc đã đặt chỉ tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng lên 20%, đồng nghĩa với việc giảm lãng phí điện năng hàng năm xuống bớt 4%, một lượng điện khổng lồ, gấp đôi tiêu thụ hàng năm ở nước ta.

Ở Việt Nam, gần đây đã nói nhiều đến chống lãng phí điện, nhưng chủ yếu là nhà nước hô hào người dân tiết kiệm điện. Trong khi đó, chính nền kinh tế lại là thủ phạm lớn gây ra lãng phí điện.

Tăng GDP bằng mọi giá đã khiến khẩu hiệu "điện đi trước một bước" được sử dụng như tư tưởng chỉ đạo trong quy hoạch điện năng. Để tăng GDP thêm 1%, phần lớn các nước trên thế giới đều giữ tốc độ tăng điện năng không quá 1%, còn chúng ta là 2%, thậm chí nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay, giống như cỗ xe kinh tế có thùng xăng thủng đáy.

Trong một cuộc họp về quy hoạch điện năng được tường thuật trên VTV, lãnh đạo Chính phủ còn chỉ đạo, nếu tăng điện 15% (gấp đôi tăng GDP) không đủ thì ta phải tăng lên 20%, hoặc cao hơn. Thế là quy hoạch điện phải "điều chỉnh" lại.

Vét kiệt nguồn lực cho nước ngoài hưởng lợi

Vấn nạn điện năng ở nước ta vẫn là do mất cân đối cung cầu. Cả cung lẫn cầu đều không nằm trên quỹ đạo tối ưu của chúng. Nếu tăng giá chỉ nhằm mục đích đuổi kịp mặt bằng giá trong khu vực, thu hút nhà đầu tư vào thị trường điện Việt Nam, tức là tiếp tục đẩy cung lên nữa mà quên mất giảm cầu do lãng phí điện. Hậu quả là mất cân đối cung cầu sẽ còn tăng lên, bởi đây vẫn là tư duy theo lối cũ.

Có thể không còn cách nào khác mà phải dùng cơ chế đàn hồi giá để giảm cầu do lãng phí điện chứ không phải tiếp tục tăng cung. Vậy trước hết phải xem ai lãng phí điện nhiều nhất. Chỉ có Bộ Kế hoạch - Đầu tư và EVN mới trả lời được câu hỏi này, nhưng vài con số thống kê hiếm hoi sau đây có thể cho ta một tia sáng le lói để từ đây lần ra manh mối.

Hiện nay điện thương phẩm ở nước ta thấp hơn điện sản xuất khoảng 13%, trong đó 10% là do thất thoát trong truyền tải và 3% do điện tự dùng ở nhà máy. Mức thất thoát kỹ thuật này còn có thể hạ xuống, song sẽ không nhiều, nên không thể xem là giải pháp chủ đạo để giảm lãng phí điện.

Điện thương phẩm lại được phân ra như sau:

  • Công nghiệp và xây dựng: 51%
  • Quản lý và tiêu dùng dân cư: 40%
  • Thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng: 5%
  • Nông lâm nghiệp và thủy sản: 1%
  • Các hoạt động khác: 3%.

Nhưng không phải địa phương nào cũng đều lãng phí điện như nhau. Trong hai năm 2008-2009, điện tiêu thụ ở TP.HCM chỉ tăng 7%/năm; Hải Dương 8,3%; Khánh Hòa 8,4%; Đồng Nai 9,4%/năm, và tình hình chắc cũng sáng sủa ở một số nơi khác nữa. Đây là những nơi tăng GDP mạnh, nhưng giữ được tốc độ tăng điện năng tương đối vừa phải, tiến gần đến xu thế chung của khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, vì lý do gì trên cùng một đất nước mà Hà Nội lại tăng đến 16%/năm, Hải Phòng 15%, Đà Nẵng 15,8%, Ninh Bình 17%, Quảng Ninh 26,8%/năm...?

Sự khác biệt quá lớn về hiệu quả sử dụng điện giữa những địa phương nói trên, đặc biệt giữa Hà Nội và TP.HCM, là do đâu? Chắc không phải vì người Hà thành xài điện thoải mái hơn bà con Sài thành.

Rõ ràng những công trình đầu tư kém hiệu quả, sử dụng kỹ thuật lạc hậu là thủ phạm lãng phí điện lớn nhất ở nước ta. Đây chính là hậu quả do giá điện thấp. Giá điện của chúng ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cứ giữ giá thấp như thế, Chính phủ phải trợ giá cho các nhà đầu tư nước ngoài đẻ đổi lấy tăng trưởng GDP.

Rồi đây hàng năm chúng ta sẽ thừa vài chục triệu tấn thép để xuất khẩu sau khi các dự án thép khổng lồ do nước ngoài đầu tư đi vào hoạt động. Để có hai chục triệu tấn thép xuất khẩu cần có 10 tỷ kWh điện, hoặc hai nhà máy công suất 2000 MW. Chúng ta phải vét cạn kiệt nguồn lực của mình để mang lại lợi nhuận cho các công ty nước ngoài hay sao?

Không riêng gì đầu tư nước ngoài, nhiều dự án đầu tư trong nước kém hiệu quả, hoặc không đưa vào sử dụng, tốn xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, chắc chắn cũng là thủ phạm gây lãng phí điện.

Không thể duy trì mãi những xí nghiệp dùng kỹ thuật lỗi thời cho dù chúng sẽ giữ công ăn việc làm cho một số người. Phải dẹp chúng đi hoặc thay bằng các công nghệ tiên tiến hơn để cạnh tranh.

Bài toán nan giải này chỉ được giải quyết bằng cách tăng giá điện. Không thể để công nghiệp của ta núp dưới giá điện thấp để tiếp tục "cạnh tranh" với các nước khác.

Khối dân dụng phi công nghiệp, bao gồm người dân và cơ quan nhà nước, chiếm 40% điện tiêu thụ. Không đủ số liệu chi tiết hơn để xem ai lãng phí điện ở đây, song chắc chắn không phải người nghèo, mà là người giàu và cơ quan nhà nước xài điện bằng tiền chùa. Tăng giá điện cũng chính là "giải pháp" cho họ.

Kiến nghị

Từ những phân tích trên, tôi xin nêu ra mấy kiến nghị sau đây.

Tăng giá điện là điều khó tránh khỏi. Nhưng không phải tăng giá để bắt kịp các nước xung quanh (vì hộ có mức sống cao hơn), hoặc để thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường điện Việt Nam, mà mục đích chính là để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phù hợp với xu thế chung và tạo ra sức cạnh tranh trên thế giới.

Nghĩa là cần có một tư duy mới khác với lối tư duy một chiều lâu nay. Cần tính toán các bước đi hợp lý để tránh gây ra xáo trộn bất lợi.

Cụ thể, khi tăng giá điện phải nới rộng hơn nữa khoảng cách giữa điện cho sản xuất kinh doanh và điện cho dân dụng, đừng để giá điện thấp hiện nay của chúng ta tạo điều kiện duy trì các công nghệ lỗi thời, tiêu tốn năng lượng.

Lộ trình tăng giá điện cho khối sản xuất có thể phải đi trước khôi dân dụng.

Giá điện cho cơ quan nhà nước phải tách khỏi khối hộ dân.

Đối với hộ dân, cơ cấu giá điện lũy tiến bậc thang chẳng những phải duy trì mà còn giãn rộng hơn nữa khoảng cách giàu nghèo để người nghèo ít bị tác động nhất.

Ngành điện với mối lo phụ thuộc nước ngoài

Không giải quyết được bài toán năng lượng trên tầm nhìn lớn, dài hạn, Việt Nam không giải quyết được bài toán an ninh năng lượng, nhất là khi yếu tố nước ngoài đang tăng.

Hiện nay, phần lớn các dự án nhà máy điện chạy than của Việt Nam, Trung Quốc thắng thầu. Việc thiếu điện vừa qua phần lớn là do các nhà máy này không đi vào hoạt động đúng tiến độ. Như vậy, Việt Nam không đảm bảo được an ninh năng lượng, phụ thuộc bên ngoài.

Các nhà máy thủy điện dọc sông Mekong cũng là một vấn đề. Một loạt các đập thủy điện được dựng lên suốt dọc sông, trải qua nhiều quốc gia. Không dàn xếp được với các nước, Việt Nam, nước hạ nguồn sẽ lĩnh đủ hậu quả.

Một khi không giải được các bài toán này, an ninh năng lượng sẽ trở thành an ninh quốc gia. - Phạm Duy Hiển.