Hưng Điền khốn khổ vì phát canh thu tô

Hưng Điền khốn khổ vì phát canh thu tô



http://sgtt.vn/Thoi-su/125979/Hung-Dien-khon-kho-vi-phat-canh-thu-to.html




Rất sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, giáp biên giới Campuchia, gần năm trăm gia đình nông dân với hơn hai ngàn con người ở xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An), mười lăm năm qua quần quật trên mảnh ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng vẫn ngụp lặn trong cảnh nghèo dù làm lúa vụ nào cũng trúng.

Bữa cơm chiều chỉ có nắm rau muống dại và bốn con cua đồng của gia đình bà Phùng Thị Ngọc Anh. Ảnh: Hùng Anh

Trời chạng vạng, mưa lất phất, bà Anh mang về một bó rau muống và bốn con cua đồng, đó là thức ăn cho bữa cơm chiều của hai vợ chồng và hai đứa con. Trong căn chòi nhỏ ọp ẹp chỉ có hai tấm vách lá bên bờ kinh T1, ấp Gò Chuối, bà Anh nhặt rau, mặt buồn rười rượi. Chồng bà, ông Tăng Văn Nghiệp, phân trần: “Tui bị sỏi thận, mai tới ngày tái khám, mà nhà không còn đồng xu”.

Bi kịch ở xóm ngụ cư Đồng Tháp

Vợ chồng bà Anh quê ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), đến Hưng Điền lập nghiệp từ năm 1995. Bà Anh kể: “Hồi đó, ở quê sống không nổi, vợ chồng tui bán mấy công ruộng, vay mượn thêm của họ hàng qua đây mua 22.000m2 đất ruộng của ông Tường, ông Thu, cán bộ của nông trường Đồng Tháp 1 (thuộc công ty TNHH một thành viên Đồng Tháp 1) với giá 800.000 đồng/công, bằng hai chỉ vàng thời điểm đó”. Trả tiền mua đất xong, vợ chồng bà Anh bật ngửa vì cán bộ nông trường nói đất của Nhà nước quản lý, cho họ thuê từ lâu, nay họ chỉ bán lại quyền canh tác trên miếng đất, chứ không có quyền bán đất. Dù đã trả tiền mua quyền canh tác, nhưng mỗi hecta, bà Anh phải đóng thêm 700.000 đồng làm sổ nhận khoán đất và ký hợp đồng thuê đất với nông trường mới được phép trồng lúa. “Một năm canh tác hai vụ lúa, thu hoạch khoảng 9 tấn/ha. Bán lúa xong, đóng tiền thuê đất, trả chưa hết nợ vay là trắng tay, lại tiếp tục vay nợ mới để ăn tiêu. Hiện giờ tui còn nợ hơn 100 triệu đồng, ổng bệnh như vậy cũng không tiền chạy chữa, con cái nghỉ học hết trơn rồi”, bà Anh nghẹn ngào.

Cách căn chòi của bà Anh khoảng hơn 1.000m là căn nhà lá của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tản. Ông Tản nói vợ chồng ông qua đây lập nghiệp năm 1995, sau khi bán 5.000m2 ruộng ở Thường Phước (Hồng Ngự). Sau 15 năm trồng lúa, bây giờ ông Tản vẫn hoàn tay trắng, nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng vay mua xe máy cày năm 1999, đi cày thuê vẫn không trả nổi vì chiếc xe hư liên miên. “Tui canh tác 25.000m2 ruộng, mỗi năm hai vụ lúa, ngày nào vợ cũng đi mượn gạo nấu cơm, chừng nào làm thuê có tiền thì mua gạo trả”, ông Tản ngậm ngùi nói. Kề bên nhà ông Tản là căn chòi lá của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tài, quê ở Long Khánh, Hồng Ngự. Năm 1995, ông Tài bỏ quê vào Hưng Điền cất chòi ở bên bờ kinh T1. “Ấp Gò Chuối có gần 500 gia đình từ Hồng Ngự qua đây lập nghiệp, ai cũng nghèo như ai. Tụi tui cất chòi ở đại trên bờ kinh, hai ba năm phải dỡ chòi chạy một lần vì nông trường cho xáng cạp nạo vét lòng kinh”, ông Tài nói.

Ông nói gà, bà nói vịt

Chẳng khác nào phát canh thu tô

Ông Phạm Văn Nam, thuê 2,5ha ruộng, bức xúc: “Theo tui biết, UBND tỉnh giao đất cho công ty ông Bần với mức khoán 60kg lúa/năm, mấy ổng cho dân thuê lại với mức 115kg/năm là đã có lời. Tăng mức khoán lên đến 750kg/năm là siêu lợi nhuận”. Gần 500 gia đình nông dân nghèo thuê đất của công ty Đồng Tháp 1 đều có chung nguyện vọng: UBND tỉnh Long An nên buộc công ty Đồng Tháp 1 giữ nguyên mức khoán 115kg lúa/ha/năm để nhà nông còn có đất sống.

Bí thư xã Võ Văn Cọp cho rằng, hiện nay Đồng Tháp 1 là công ty kinh doanh đa ngành nghề, trong khi bộ phận phụ trách sản xuất nông nghiệp chỉ có mười người quản lý hơn 1.000ha đất ruộng là không hợp lý, nên việc cho nông dân nghèo thuê lại đất với giá cao chẳng khác nào hình thức phát canh thu tô. “UBND tỉnh nên thu hồi đất của công ty Đồng Tháp 1 giao lại cho huyện quản lý và áp dụng chính sách cho thuê đất phù hợp để dân nghèo bớt khổ”, ông Cọp nói.

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền, ông Bùi Văn Quý, cho biết “xóm Đồng Tháp” có 457 gia đình nhận khoán hơn 750ha đất của nông trường Đồng Tháp 1 để trồng lúa từ năm 1995 đến nay. Năm 1995, nông dân “xóm Đồng Tháp” ký hợp đồng thuê đất của nông trường đến năm 2015 với mức thu 595kg lúa/ha/năm, trong đó phí quản lý 115kg/năm, còn lại là thuế đóng cho Nhà nước.

Năm 2003, Nhà nước bỏ thuế nông nghiệp, nên năm 2007, ông Vũ Ngọc Bần, giám đốc công ty TNHH Đồng Tháp 1, yêu cầu nông dân phải ký lại hợp đồng thuê đất, thời hạn sử dụng đất đến năm 2013 và mức thu phí quản lý tăng lên 400kg/ha/năm, đến năm 2013 là 750kg/ha/năm.

“Đến nay, đã có 407 hộ ký hợp đồng mới, còn lại 50 hộ không ký hợp đồng vì cho rằng mức khoán quá cao. Mới đây, đã có năm hộ không chịu ký hợp đồng bị công ty Đồng Tháp 1 khởi kiện ra toà và toà xử nông dân thua kiện. Theo tôi, mức khoán của công ty như vậy là không cao, hồi UBND xã còn đất cho thuê, phí cho thuê đất của chúng tôi còn cao hơn gấp mấy lần nông trường”, ông Quý nói.

Ông Quý khẳng định, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của dân Hưng Điền là 12,5 triệu đồng/người/năm, nhưng mức sống, thu nhập của dân “xóm Đồng Tháp” cao hơn dân địa phương rất nhiều!

Tuy nhiên, ông Võ Văn Cọp, bí thư đảng uỷ xã, nói: “Bà con từ Đồng Tháp qua đây lập nghiệp đều là dân nghèo không được hưởng chính sách ưu đãi nào như dân địa phương, kể cả những ưu đãi từ chương trình 135 của Chính phủ. Trong gần 500 gia đình nhận khoán đất nông trường, hiếm có ai đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng với dân Hưng Điền”.

Ông Phạm Duy Hải, nhận khoán 3ha đất, nói: “Mỗi mùa lúa, sau khi thu hoạch xong, những người nuôi vịt chạy đồng thuê ruộng với giá 200.000 đồng/ha (400.000 đồng/năm) để chăn thả vịt, nhưng chúng tôi không được hưởng mà nông trường thu hết. Hôm năm gia đình bị kiện, họ không có tiền đi xe, cả xóm phải gom góp mỗi nhà vài ngàn đồng cho họ đi huyện, xuống tỉnh hầu toà”.

Hơn 400 hộ dân nghèo bấm bụng ký mới hợp đồng thuê đất của công ty Đồng Tháp 1, nhưng ai cũng ấm ức. Bà Trần Thị Tố, nông dân thuê 3ha ruộng, nói: “Tui biết mức khoán này là quá cao, nhưng buộc phải ký lại hợp đồng vì ông Bần (giám đốc công ty Đồng Tháp 1) tuyên bố: “Nếu ai không ký lại hợp đồng, thì sẽ không cho bơm nước vô ruộng, và sẽ thu hồi đất lại”.

bài và ảnh: Hùng Anh