Giật mình với dự trữ quốc gia



Giật mình với dự trữ quốc gia



http://sgtt.vn/Goc-nhin/126018/Giat-minh-voi-du-tru-quoc-gia.html




SGTT.VN - Theo kết quả kiểm toán chuyên đề về quản lý và sử dụng quỹ dự trữ quốc gia năm 2008 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện trong năm 2009 và được nêu trong một báo cáo mới công bố gần đây của cơ quan này, sự thiếu hụt một số mặt hàng dự trữ quốc gia là rất đáng báo động.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc chấp hành chưa đúng quy định về mua bán hàng dự trữ quốc gia đã dẫn đến tình trạng một số mặt hàng cứu hộ, cứu nạn có lượng dự trữ chưa đáp ứng chiến lược hàng dự trữ quốc gia đến năm 2010. “Lượng dự trữ chưa đủ để đáp ứng yêu cầu khi có nhiệm vụ bất thường”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Cụ thể, lượng tồn kho tính đến 31.12.2008 của một số mặt hàng cứu hộ, cứu nạn là rất thấp: phao áo cứu sinh các loại có 6.700 cái, chỉ bằng 1% yêu cầu dự trữ (1.662.700 cái), số phao tròn còn 37.000 cái, chỉ bằng 5% yêu cầu dự trữ (800.000 cái), nhà bạt cứu sinh chỉ còn 1.125 cái, bằng 1,5% yêu cầu dự trữ (100.075 cái)… Đây là một thực tế đáng sợ bởi nước ta luôn xảy ra thiên tai, bão lũ lớn. Một khi xảy ra những trận lũ lụt lớn thì lượng hàng cứu hộ, cứu nạn dự trữ quá mỏng như vậy chắc chắn không đáp ứng yêu cầu và hậu quả sẽ không nhỏ. Trên thực tế, mấy năm qua, ở một số nơi như miền Trung năm 2009, khi xảy ra bão, lũ lớn đã có dấu hiệu thiếu hàng dự trữ dẫn đến việc cứu hộ, cứu nạn chưa kịp thời.

Nhưng không chỉ hàng cứu hộ, cứu nạn, một số mặt hàng khác, qua kiểm tra cũng thấy có sự thiếu hụt lớn. Như muối ăn, Kiểm toán Nhà nước khi kiểm tra sổ sách, kho hàng thấy chỉ có 27.700 tấn, trong khi yêu cầu phải dự trữ 120.000 tấn (dự trữ chỉ đáp ứng 22,5% yêu cầu).

Một số cơ quan, ngành đã không kịp thời mua tăng hàng hoá dự trữ quốc gia theo kế hoạch, chưa thực hiện đúng quy trình về bảo quản, cấp hàng, ví dụ như cấp hàng để khắc phục hậu quả thiên tai nhưng thiếu số lượng và sai chủng loại. Kiểm toán Nhà nước cho biết, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cấp thiếu 27.000 liều vắcxin, cấp lúa sai chủng loại. Bộ Y tế và bộ Nông nghiệp cũng được cho là chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật và định mức bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Việc xem xét công tác quản lý, dự trữ lưu thông thuốc quốc gia cũng mới kết thúc đầu tháng 7.2010. Người ta phát hiện năm 2009, bộ Y tế đã thực hiện dự trữ thấp hơn hạn mức quy định (theo quyết định 110/2005/QĐ-TTg) 35 tỉ đồng. Với ba doanh nghiệp được cấp vốn để mua, dự trữ thuốc lưu thông (gồm các công ty Dược phẩm Trung ương I, II và III), từ năm 2006 – 2009, qua kiểm tra lượng thuốc tồn kho tại thời điểm 31.12 các năm, cơ quan chức năng phát hiện ba doanh nghiệp này chưa mua đủ 100% cơ số thuốc dự trữ, vi phạm quy chế quản lý, dự trữ thuốc lưu thông của bộ Y tế. Ba doanh nghiệp này hàng năm đều không sử dụng hết vốn vay được phân bổ để mua thuốc dự trữ. Về số mặt hàng thuốc dự trữ, cả ba công ty trên đều chưa mua đủ theo kế hoạch, trong đó công ty Dược phẩm Trung ương II hàng năm chỉ mua được 24,5 – 38% số mặt hàng được duyệt.

Lượng tồn kho tính đến 31.12.2008 của một số mặt hàng cứu hộ, cứu nạn là rất thấp: phao áo cứu sinh các loại có 6.700 cái, chỉ bằng 1% yêu cầu dự trữ (1.662.700 cái), số phao tròn còn 37.000 cái, chỉ bằng 5% yêu cầu dự trữ (800.000 cái), nhà bạt cứu sinh chỉ còn 1.125 cái, bằng 1,5% yêu cầu dự trữ (100.075 cái)…

Trong khi đó, trong các hồ sơ được xét duyệt cho ba doanh nghiệp này lại có lượng thuốc dự trữ vượt cơ số được duyệt và những chủng loại thuốc nằm ngoài danh mục thuốc dự trữ lưu thông với tổng giá trị trên 27,56 tỉ đồng. Phần vượt cơ số thuốc được duyệt là 13,3 tỉ đồng và phần thuốc nằm ngoài danh mục dự trữ lưu thông là 14,26 tỉ đồng. Số tiền lãi vay phát sinh tương ứng từ số tiền vay được sử dụng sai mục đích với ba công ty này là trên 2,82 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã yêu cầu phải thu hồi lại một khoản tiền gần 1,48 tỉ đồng.

Nhưng đáng lo ngại hơn là bộ Y tế lại ra một quyết định (số 30/2005/QĐ-BYT) xác định tình trạng thiếu thuốc xảy ra khi có 30% bệnh viện (thuộc bộ Y tế, bệnh viện ngành, bệnh viện đa khoa cấp tỉnh) thiếu từ 30% thuốc trong danh mục dự trữ trở lên ít nhất 15 ngày. Quy định trên được một số cơ quan, các chuyên gia y tế cho là không thực tế. Bởi vì, tuy mấy năm qua chưa xảy ra thiếu thuốc như quy định trên nhưng nếu thiếu 30% thuốc thiết yếu thuộc danh mục thuốc dự trữ trong vòng 1 – 2 ngày thôi thì hoạt động khám, điều trị ở các bệnh viện sẽ trở nên hết sức khó khăn.

Ngoài ra, bộ Y tế còn xác định tình huống biến động giá thuốc khi có từ 30% thuốc trong danh mục dự trữ trở lên tăng giá 20% so với trước khi biến động. Đây cũng được cho là điều bất hợp lý. Thực tế, giá thuốc mấy năm qua tăng đều đặn nhưng ở mức dưới 10%. Cho nên nếu chỉ bình ổn giá khi thuốc đã tăng 20%, theo các nhà chuyên môn, là chậm.

Như vậy, trong số các mặt hàng dự trữ thiết yếu đến đời sống như thuốc, muối ăn, hàng cứu trợ, cứu nạn và cả mặt hàng gạo trước đây (hàng dự trữ tung ra là gạo mốc, mọt)… đều thấy có những bất ổn về lượng dự trữ, về tổ chức, cung ứng. Với các mặt hàng dự trữ để phòng khi thiên tai, chính ông Phạm Phan Dũng, cục trưởng cục Dự trữ quốc gia, cũng thừa nhận: trong trường hợp thiên tai kéo dài, trên diện rộng và với mức độ nghiêm trọng thì tổng mức dự trữ quốc gia hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Dự trữ quốc gia luôn là việc hệ trọng. Không quốc gia nào dám coi nhẹ mà buộc phải có một lượng dự trữ nhất định cho mỗi loại hàng hoá cần thiết để tiêu dùng, sử dụng trong các tình huống bất ổn như thiên tai, dịch bệnh, xung đột, lạm phát hay khủng hoảng. Có dự trữ sẽ đảm bảo sản xuất, lưu thông không bị ngưng trệ, đời sống nhân dân không bị rối loạn. Từ thực tế dự trữ một số loại hàng hoá thiết yếu ở ta trong thời gian qua, đã đến lúc phải tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện nhằm chấn chỉnh công tác cực kỳ quan trọng này.

Mạnh Quân